backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Đặt stent là gì? Quy trình và biến chứng thường gặp

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương · Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 17/08/2023

    Đặt stent là gì? Quy trình và biến chứng thường gặp

    Đặt stent là gì? Stent bao gồm những loại nào? Quy trình thực hiện và biến chứng thường gặp ra sao? Cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn về thủ thuật này trong bài viết ngay sau đây nhé!

    Tìm hiểu chung

    Đặt stent là gì?

    Stent (hay ống đỡ động mạch) là một ống nhỏ thường được sử dụng để đặt vĩnh viễn vào các cấu trúc rỗng trong cơ thể, chẳng hạn như các động mạch, tĩnh mạch hoặc các cấu trúc khác như ống dẫn nước tiểu (niệu quản), ống mật, đường thở.

    Vậy, đặt stent là gì? Đặt stent là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu, có nghĩa nó không được coi là phẫu thuật lớn, là quy trình khi một stent được đặt vào cơ thể. Stent thường được sử dụng để giữ các cấu trúc rỗng luôn trong trạng thái mở ra nhằm điều trị các tình trạng bệnh lý xảy ra do tắc nghẽn mạch máu, đường thở, ống mật hoặc niệu quản.

    Phân loại

    Stent được sử dụng cho các mục đích khác nhau và được làm từ nhiều loại vật liệu, tùy thuộc vào vị trí chúng sẽ được đặt vào cơ thể. Stent có thể được làm bằng các vật liệu như: lưới kim loại, silicone hoặc kết hợp các vật liệu khác nhau (stent lai).

    đặt stent loại nào

    Stent dùng cho động mạch vành hoặc động mạch cảnh

    Một số stent được sử dụng để đặt trong lòng động mạch vành hoặc động mạch cảnh. Stent được đặt vào động mạch vành là một ống lưới kim loại nhỏ, có khả năng tự dãn nở. Các stent thường sẽ được đặt bên trong động mạch vành sau khi nong bóng. Đặt stent mạch vành giúp ngăn không cho động mạch bị đóng lại và bịt kín bởi mảng xơ vữa khi rút ống thông ra.

    Các loại stent dùng để đặt cho động mạch vành và động mạch cảnh bao gồm:

    • Stent được làm bằng kim loại trần (hợp kim niken-titan hoặc thép không gỉ) là những ống đơn giản làm bằng lưới kim loại có thể được sử dụng trong cả động mạch vành và động mạch cảnh.
    • Stent phủ thuốc là loại stent phổ biến nhất được sử dụng trong các động mạch vành. Loại stent này được phủ một lớp thuốc, được giải phóng liên tục vào động mạch để ngăn cản sự hình thành mô sẹo bên trong động mạch tại vị trí đặt stent, giảm thiểu nguy cơ hẹp động mạch trở lại. Giống như các loại stent mạch vành khác, loại stent này cũng được để lại vĩnh viễn trong thành động mạch.
    • Stent phân hủy sinh học sẽ tự tiêu sau vài tháng đặt và không cần thực hiện quy trình loại bỏ. Loại stent này còn đang được nghiên cứu và có thể hữu ích khi nhu cầu đặt stent được xác định chỉ là tạm thời.

    Stent dùng cho động mạch chủ

    Stent graft thường được sử dụng để điều trị chứng phình động mạch chủ. Stent graft là một ống làm bằng polyester chống rò rỉ. Loại stent này thường được sử dụng để đặt trong các động mạch có kích thước lớn hơn, chẳng hạn như động mạch chủ, nhằm cung cấp một kênh ổn định cho máu chảy qua liên tục.

    Stent graft hỗ trợ và ngăn ngừa chứng phình động mạch hay bóc tách hoặc vỡ động mạch chủ. Stent graft cũng có thể giúp điều trị chấn thương làm suy yếu thành động mạch chủ và ngăn không cho máu rò rỉ khỏi động mạch vào cơ thể.

    Stent đặt trong đường thở của phổi

    Một số loại stent được sử dụng trong đường thở của phổi bao gồm:

  • Stent kim loại được làm bằng kim loại trần hoặc được phủ bằng một vật liệu khác như silicone. Các stent lai được làm từ hỗn hợp các vật liệu khác nhau.
  • Stent silicon được làm bằng vật liệu có thể được đúc thành một hình dạng nhất định. Chúng được sử dụng thường xuyên hơn nếu stent là tạm thời.
  • Khi nào cần thực hiện đặt stent?

    Trong hầu hết trường hợp, đặt stent được sử dụng khi các động mạch bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn. Bác sĩ sẽ chỉ định đặt stent trong điều trị các bệnh lý như:

    Ngoài ra, thủ thuật này còn được thực hiện để:

    • Giữ mở niệu quản bị tắc hoặc bị tổn thương
    • Giữ mật chảy trong ống dẫn mật bị chặn (hẹp đường mật)
    • Giúp thở dễ dàng nếu bị tắc nghẽn hoặc thu hẹp đường thở.

    Thận trọng

    Những điều bạn cần biết trước khi đặt stent

    lưu ý trước khi đặt stent

    Đặt stent mạch vành có thể không được khuyến nghị trong một số trường hợp sau đây:

    • Tình trạng bệnh nhẹ, có thể được kiểm soát bằng cách dùng thuốc hoặc thay đổi lối sống lành mạnh cho tim.
    • Bệnh nhân có các tình trạng bệnh lý khác như hẹp nhiều động mạch vành đồng thời, bệnh thận mạn hoặc tiểu đường
    • Tuổi cao trên 70 tuổi
    • Nguy cơ đột quỵ cao
    • Người mắc các bệnh suy thận hoặc suy tim
    • Người không thể gây mê hoặc an thần
    • Người cần phẫu thuật khác trong tương lai có thể bị cản trở bởi stent hoặc phẫu thuật có nguy cơ làm vỡ hay đốt cháy stent.

    Các biến chứng sau khi đặt stent động mạch

    Các vấn đề nghiêm trọng hoặc đe dọa đến tính mạng có thể xảy ra trong quá trình đặt stent mặc dù chỉ có tỷ lệ rất thấp. Tuy nhiên, những người đã thực hiện các thủ thuật khác để điều trị tắc nghẽn động mạch hoặc những người bị suy tim sung huyết, bệnh thận mạn tính hoặc tiểu đường thường có nguy cơ mắc biến chứng cao hơn.

    Một số biến chứng sau khi đặt stent động mạch có thể gặp phải, bao gồm:

    • Tắc nghẽn hoặc hình thành cục máu đông trong lòng stent
    • Phản ứng dị ứng với thuốc cản quang, stent hoặc lớp phủ thuốc trên stent
    • Chứng loạn nhịp tim hoặc nhịp tim không đều trong lúc thực hiện thủ thuật
    • Chảy máu hoặc khó chịu nơi đặt ống thông
    • Tổn thương mạch máu từ nơi đặt ống thông
    • Nhiễm trùng
    • Tái hẹp động mạch
    • Tổn thương thận do thuốc cản quang (hiếm khi)
    • Đau tim
    • Vỡ hoặc phình động mạch chủ
    • Vết rách trong động mạch
    • Vỡ mạch vành hoặc tắc hoàn toàn mạch vành cần mổ tim hở
    • Đột quỵ.

    Các biến chứng sau khi đặt stent đường thở có thể xảy ra bao gồm:

  • Stent di chuyển ra khỏi vị trí, đặc biệt là với stent silicone
  • Stent bị gãy, bị tắc nghẽn hoặc biến dạng
  • Loạn nhịp tim
  • Tim ngừng đập
  • Nhiễm trùng phổi
  • Chất nhầy kẹt trong stent
  • Tái hẹp đường thở và cần mở khí quản
  • Tràn khí màng phổi
  • Suy hô hấp.
  • Quy trình

    Chuẩn bị trước khi đặt stent

    Bạn có thể cần làm thêm các xét nghiệm như xét nghiệm máu, điện tâm đồ, chụp X-quang ngực hoặc chụp CT ngực để chuẩn bị cho thủ thuật đặt stent. Hãy báo với bác sĩ về các loại thuốc bạn đang dùng, các thủ thuật hay phẫu thuật khác mà bạn đã thực hiện hoặc bất kỳ tình trạng bệnh lý nào bạn đang mắc phải, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, bệnh thận hoặc chứng ngưng thở khi ngủ.

    Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn không được ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trong vòng 6 đến 8 giờ trước khi đặt stent. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ muốn biết bạn đang dùng loại thuốc gì và có bị dị ứng gì không. Bạn sẽ được dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu như aspirin và clopidogrel trước khi làm thủ thuật để ngăn ngừa hình thành cục máu đông.

    Bác sĩ sẽ tiêm thuốc gây tê tại chỗ để giúp bạn giảm đau, thư giãn nhưng vẫn đủ tỉnh táo để trả lời các câu hỏi nếu cần. Thuốc chống kết tập tiểu cầu được tiêm tĩnh mạch sẽ giúp bạn không bị đông máu trong quá trình đặt stent.

    Quá trình đặt stent diễn ra như thế nào?

    Đặt stent là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu và quy trình thực hiện có thể khác nhau tùy vào vị trí cần đặt stent.

    quy trình đặt stent

    Quy trình đặt stent mạch vành và động mạch cảnh

    Đặt stent mạch vành còn được gọi là can thiệp mạch vành qua da (PCI), hay nong mạch vành. Đôi khi, bác sĩ cần thực hiện thủ thuật này trong trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như trong cơn đau tim. Đặt stent động mạch cảnh là một phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu cho tình trạng bệnh động mạch cảnh nghiêm trọng.

    Quy trình đặt stent mạch vành và động mạch cảnh là tương tự nhau. Trong cả hai trường hợp, bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp thông tim để luồn một ống mỏng có bóng rỗng ở đầu xuyên qua mạch máu đến động mạch bị hẹp hoặc tắc nghẽn. Khi đã xác định vào đúng vị trí nhờ quan sát trên màn hình huỳnh quang, quả bóng sẽ được bơm đầy không khí, stent sẽ được mở ra và đặt vào động mạch tại chỗ.

    Quy trình đặt stent động mạch chủ

    Sau khi rạch một vết nhỏ ở đùi trên, gần nếp gấp bẹn, bác sĩ sẽ chèn stent qua một mạch máu lớn bằng ống thông và dẫn dắt qua các động mạch đến vị trí động mạch chủ cần chèn. Stent được đặt vào đúng vị trí. Thuốc cản quang có thể được tiêm vào dòng máu sau khi đặt stent để đảm bảo khả năng hoạt động bình thường và máu không rò rỉ ra ngoài.

    Quy trình đặt stent đường thở

    Một stent đường thở thường được đặt bằng cách sử dụng ống soi phế quản, đây là một camera nhỏ ở đầu một ống dài. Bác sĩ trượt ống soi phế quản qua miệng rồi xuống đến vùng hầu họng để vào khí quản và đường thở.

    Bác sĩ sẽ tiến hành đặt stent bằng cách trượt một dây dẫn dọc theo mặt bên của ống soi phế quản, sau đó, trượt một ống mỏng mang stent dọc theo dây dẫn. Bằng cách dùng ống soi phế quản để quan sát, bác sĩ đặt stent vào phần đường thở bị hẹp. Nội soi, chụp X-quang hoặc siêu âm cũng có thể được sử dụng để giúp hướng dẫn đặt stent vào vị trí chính xác. Sau khi đặt stent đường thở, bác sĩ có thể kiểm tra lại bằng cách chụp X-quang ngực.

    Điều gì xảy ra sau khi đặt stent?

    Bạn có thể xuất viện về nhà trong ngày hoặc sau vài ngày làm thủ thuật. Vậy, đặt stent sau bao lâu thì ổn định? Bạn có thể mất khoảng một tuần để hồi phục. Thời gian hồi phục có thể thay đổi khác nhau ở mỗi bệnh nhân, tùy thuộc vào loại stent được đặt, mức độ nghiêm trọng của bệnh và các tình trạng bệnh lý nền khác cũng như tình hình sức khỏe tổng thể.

    Trước khi xuất viện, bạn sẽ được hướng dẫn cách chăm sóc tại nhà, cụ thể như sau:

    • Cách dùng một số loại thuốc, chẳng hạn như aspirin và các loại thuốc kháng tiểu cầu, thuốc chống đông máu khác để ngăn chặn hình thành cục máu đông. Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc này trong một năm hoặc lâu hơn sau khi đặt stent mạch vành để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Đối với đặt stent động mạch cảnh hoặc động mạch ngoại vi, thời gian dùng thuốc có thể là 1 tháng hoặc hơn. Điều quan trọng là bạn phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Không tự ý thay đổi liều lượng thuốc hoặc bỏ liều, ngừng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ.
    • Hãy hỏi bác sĩ xem bạn được phép vận động như thế nào trong vài ngày tới. Thông thường, bạn chỉ nên tiếp tục vận động thể chất bình thường và trở lại làm việc khi được bác sĩ cho phép. Đối với hầu hết trường hợp, người bệnh có thể cần vài ngày đến một tuần. Nếu công việc liên quan đến khuân vác nặng, bạn sẽ cần 3 hoặc 4 tuần để hồi phục trước khi quay trở lại làm việc.
    • Hẹn tái khám để kiểm tra tiến trình hồi phục và đảm bảo không có vấn đề gì xảy ra.

    Phục hồi

    Thay đổi lối sống lành mạnh

    Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện những thay đổi lối sống lành mạnh trong cuộc sống sau khi đặt stent để giảm nguy cơ cần phải thực hiện thêm các thủ thuật trong tương lai hoặc bị đau tim, đột quỵ tái phát:

    • Giảm cân nếu thừa cân
    • Hoạt động thể chất thường xuyên
    • Ăn những thực phẩm tốt cho tim mạch
    • Giảm căng thẳng
    • Bỏ hút thuốc lá.

    Theo dõi sức khỏe tổng thể

    • Nội soi phế quản để kiểm tra stent đường thở khoảng 4 đến 6 tuần sau khi làm thủ thuật.
    • Chụp X-quang hoặc chụp CT ngực để tìm kiếm các dấu hiệu của bất kỳ biến chứng nào do đặt stent đường thở.
    • Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc siêu âm để đảm bảo rằng stent được đặt để điều trị chứng phình động mạch chủ không bị rò rỉ hoặc di lệch. Bạn có thể sẽ cần làm xét nghiệm này sau khoảng 1 tháng. Nếu phát hiện rò rỉ hoặc vấn đề khác, bạn có thể cần kiểm tra lại sau 6 tháng hoặc 1 năm. Nếu rò rỉ lớn, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật thêm. Một số trường hợp có thể cần làm xét nghiệm hình ảnh định kì để theo dõi stent.
    • Khám tổng quát thường xuyên để kiểm tra sức khỏe thể chất và tinh thần tổng thể.

    Theo dõi các biến chứng sau khi đặt stent

    theo dõi sau đặt stent

    Hãy cảnh giác với các biến chứng có thể xảy ra sau khi đặt stent. Cụ thể như sau:

    • Cục máu đông: Hiếm khi xuất hiện cục máu đông trong stent. Nguy cơ bị cục máu đông sẽ cao hơn nhiều nếu bạn không dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Các cục máu đông có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng, chẳng hạn như đau tim, đột quỵ và thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch.
    • Đau ngực: Đây có thể là triệu chứng của tái hẹp, xảy ra khi có quá nhiều mô sợi phát triển trong phần động mạch nơi đặt stent. Tình trạng này có thể dẫn đến một cơn đau tim nếu stent nằm trong động mạch vành. Nếu điều này xảy ra ở các động mạch khác, tình trạng tái hẹp có thể diễn ra không có triệu chứng. Nếu tái hẹp xảy ra, bạn sẽ cần được điều trị thêm bằng nong mạch và đặt một stent phủ thuốc khác trong lòng stent ban đầu.
    • Stent bị vỡ trong động mạch chủ: Hiếm khi xảy ra tình trạng stent được sử dụng để điều trị tình trạng phình hoặc bóc tách động mạch chủ có thể di chuyển khỏi nơi được đặt. Máu cũng có thể bị rò rỉ ra ngoài. Bác sĩ sẽ yêu cầu làm các xét nghiệm hình ảnh để theo dõi.

    Bạn nên thăm khám với bác sĩ ngay lập tức nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

    • Ho ra máu
    • Sốt cao, ớn lạnh
    • Khó thở
    • Chảy máu, sưng tấy, tiết dịch hoặc tê nơi ống thông đi vào da
    • Ngất xỉu hoặc chóng mặt
    • Mạch không đều
    • Đau ngực.

    Các triệu chứng trên có thể là dấu hiệu cảnh báo xuất hiện biến chứng sau khi đặt stent và cần được thăm khám càng sớm càng tốt.

    Một vấn đề khác mà nhiều bệnh nhân cũng rất quan tâm đó là chi phí đặt stent là bao nhiêu? Giá đặt stent có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố như loại stent được đặt, cơ sở y tế thực hiện thủ thuật, bác sĩ thực hiện, cũng như các chi phí đi kèm như tiền viện phí, thuốc men…

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

    Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 17/08/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo