backup og meta

Nguyên nhân tụt huyết áp do đâu? Hiểu rõ để phòng ngừa

Nguyên nhân tụt huyết áp do đâu? Hiểu rõ để phòng ngừa

Khi huyết áp của bạn giảm xuống dưới 90/60 mmHg, cụ thể là huyết áp tâm thu dưới 90 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương dưới 60 mmHg, được xem là tụt huyết áp hoặc hạ huyết áp. Lúc này, não và các cơ quan khác trong cơ thể không nhận đủ máu để hoạt động bình thường, gây ra nhiều triệu chứng khó chịu. Việc xác định được nguyên nhân tụt huyết áp có thể giúp bạn tìm cách xử lý và phòng ngừa tình trạng này hiệu quả hơn.

Vậy, vì sao bị tụt huyết áp? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu về nguyên nhân bị tụt huyết áp và cách ngăn ngừa hiệu quả tình trạng này nhé!

Nguyên nhân tụt huyết áp do đâu?

Tại sao bị tụt huyết áp? Nguyên nhân hạ huyết áp có thể bao gồm: thay đổi tư thế, mất nước, tác dụng phụ của thuốc, bệnh tim, cấu trúc tim, rối loạn nội tiết tố, tình trạng thần kinh và mang thai. Nhưng nhìn chung lại, tình trạng này được chia thành 3 dạng chính với nguyên nhân cơ bản khác nhau.

Cụ thể như sau:

Hạ huyết áp thế đứng

Hạ huyết áp thế đứng (hạ huyết áp tư thế) xảy ra khi huyết áp của bạn giảm đột ngột trong quá trình thay đổi vị trí cơ thể nhanh chóng.

Thông thường, khi bạn ngồi dậy từ tư thế nằm hoặc đứng dậy sau khi ngồi lâu, trọng lực sẽ làm cho máu dồn xuống phần bụng và chân. Điều này làm giảm huyết áp trung tâm vì máu hạn chế hồi lưu về tim. Các thụ cảm áp suất trên thành mạch gửi tín hiệu đến não. Não báo hiệu cho tim đập nhanh hơn, thành động mạch co lại nhằm tăng huyết áp lên. 

Tuy nhiên, khi bị hạ huyết áp thế đứng, quá trình trên không xảy ra như bình thường, khiến lưu lượng máu đến não suy giảm. Người bệnh có các triệu chứng huyết áp thấp như chóng mặt, choáng váng và hoa mắt, thậm chí là ngất xỉu.

Nhiều tình trạng khác cũng có thể là nguyên nhân tụt huyết áp tư thế đứng, bao gồm:

  • Mang thai
  • Thiếu máu
  • Lớn tuổi 
  • Vấn đề về tim mạch như nhịp tim chậm, bất thường van tim, nhồi máu cơ tim và suy tim
  • Bệnh đái tháo đường
  • Nhiễm trùng nặng
  • Vấn đề về nội tiết như rối loạn tuyến giáp, suy thượng thận
  • Mất nước (có thể là do đổ mồ hôi, không bổ sung đủ nước khi nôn ói hoặc tiêu chảy nặng)
  • Rối loạn hệ thống thần kinh bao gồm bệnh Parkinson, bệnh mất trí nhớ thể Lewy, bệnh teo đa hệ thống, hội chứng Guillain-Barré
  • Giãn tĩnh mạch chi dưới nặng

Nguyên nhân gây hạ huyết áp thế đứng cũng có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc điều trị rối loạn cương dương và thuốc chống trầm cảm. 

Cuối cùng, nguyên nhân gây tụt huyết áp đột ngột đôi khi do ra ngoài khi trời nóng hoặc ngồi yên, đứng yên không vận động trong một thời gian dài.

Hạ huyết áp qua trung gian thần kinh

Nguyên nhân tụt huyết áp qua trung gian thần kinh

Nguyên nhân tụt huyết áp qua trung gian thần kinh

Nguyên nhân tụt huyết áp qua trung gian thần kinh xảy ra khi sự liên kết giữa não và tim gặp hạn chế, từ đó gửi tín hiệu sai lệch rằng huyết áp của bạn đang cao. Điều này khiến cho tim hoạt động chậm lại nhằm làm giảm huyết áp nên càng khiến huyết áp tụt nặng nề hơn. Nguyên nhân có thể do:

  • Các vấn đề liên quan hệ thần kinh, đặc biệt là các rối loạn hệ thần kinh tự chủ, bao gồm hội chứng nhịp tim nhanh tư thế (POTS) và ngất do phản xạ thần kinh phế vị
  • Căng thẳng về mặt cảm xúc.

Tụt huyết áp nghiêm trọng liên quan đến sốc

Một số nguyên nhân tụt huyết áp đột ngột và nghiêm trọng liên quan đến sốc có thể gây nguy hiểm. Lúc này, huyết áp sụt giảm nghiêm trọng và hiếm khi có khả năng tự phục hồi.

Các nguyên nhân gây sốc hạ huyết áp bao gồm:

  • Xuất huyết nặng (cả bên trong và bên ngoài cơ thể)
  • Sốc nhiễm khuẩn do nhiễm trùng hoặc độc tố
  • Sốc tim do nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim 
  • Sốc tắc nghẽn do thuyên tắc phổi, bệnh van tim, bệnh cơ tim, huyết khối
  • Sốc giãn mạch trong chấn thương đầu, suy gan, ngộ độc hoặc sốc phản vệ
  • Mất dịch cơ thể nghiêm trọng do vã mồ hôi, nôn ói, tiêu chảy, bỏng hoặc lạm dụng thuốc lợi tiểu, quá liều thuốc hạ áp

Đối với một số người, huyết áp thấp đôi khi là cơ địa, không gây ra triệu chứng và thường không đáng lo. Trên thực tế, khi huyết áp duy trì được ở ngưỡng dưới bình thường, mọi người sẽ giảm được nguy cơ mắc bệnh tim, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

Nguyên nhân tụt huyết áp do vấn đề về tim mạch

Đôi khi huyết áp bị ảnh hưởng bởi chức năng hoặc cấu trúc của tim. Các vấn đề về tim có thể là nguyên nhân tụt huyết áp bao gồm nhịp tim chậm, suy tim, xơ cứng động mạch do tuổi tác.

Các yếu tố nguy cơ gây huyết áp thấp

Huyết áp có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác bao gồm:

  • Thiếu dinh dưỡng: Tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng thiết yếu, chẳng hạn như axit folic hoặc sắt, có thể làm giảm số lượng tế bào hồng cầu, dẫn đến thiếu máu.
  • Thay đổi đường huyết: Trong bệnh đái tháo đường, đường huyết tăng quá cao dẫn đến tăng áp lực thẩm thấu với triệu chứng hạ huyết áp.
  • Thói quen ăn uống: Người lớn tuổi, đặc biệt là những người bị cao huyết áp, có thể bị hạ huyết áp sau khi ăn một bữa quá no.
  • Mất nước: Tình trạng nôn ói, tiêu chảy kéo dài hay do tập luyện, ra nhiều mồ hôi và sốc nhiệt nếu không bổ sung lượng nước kèm điện giải kịp thời có thể dẫn đến tụt huyết áp.

Cách phòng ngừa các nguyên nhân tụt huyết áp

phòng ngừa nguyên nhân tụt huyết áp

Hiểu rõ lý do tụt huyết áp hay tại sao lại tụt huyết áp sẽ giúp bạn chủ động phòng ngừa hiệu quả. Sau đây là một số cách có thể giúp bạn giảm hoặc ngăn ngừa các triệu chứng tụt huyết áp:

  • Uống nhiều nước và hạn chế uống rượu bia: Rượu bia làm mất nước và có thể làm giảm huyết áp, ngay cả khi bạn uống có chừng mực. Ngược lại, nước lọc giúp bạn chống lại sự mất nước và tăng thể tích tuần hoàn.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Để nhận đầy đủ các chất dinh dưỡng nhằm duy trì sức khỏe tốt, bạn cần tập trung bổ sung nhiều loại thực phẩm, bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau, thịt gà và cá.
  • Chú ý khi thay đổi tư thế: Bạn nên thay đổi tư thế một cách chậm rãi, từ tư thế nằm sang tư thế ngồi hoặc đứng. Chẳng hạn như trước khi thức dậy vào buổi sáng, bạn hãy hít thở sâu trong vài phút, bỏ chân xuống đất trước rồi sau đó từ từ ngồi dậy. Đồng thời, bạn cũng nên hạn chế ngồi bắt chéo hai chân. 
  • Chia nhỏ các bữa ăn và giảm lượng tinh bột: Để giúp ngăn ngừa huyết áp giảm sau bữa ăn, bạn hãy ăn nhiều bữa nhỏ mỗi ngày và hạn chế các thực phẩm giàu tinh bột như khoai tây, gạo, mì ống và bánh mì.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể khuyên bạn nên uống cà phê hoặc trà đặc trong bữa ăn để tăng huyết áp tạm thời. Tuy nhiên, caffeine có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác nếu sử dụng không đúng cách nên bạn không tự ý áp dụng tại nhà.

Những thông tin trên hi vọng đã giúp bạn hiểu hơn về nguyên nhân tụt huyết áp và cách phòng ngừa thích hợp. Khi có dấu hiệu tụt huyết áp, bạn nên đi khám sớm để được chẩn đoán nguyên nhân và tư vấn điều trị thích hợp.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Low blood pressure (hypotension)

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/low-blood-pressure/diagnosis-treatment/drc-20355470

Ngày truy cập 02.03.2020

Low Blood Pressure – When Blood Pressure Is Too Low

https://www.heart.org/en/health-topics/high-blood-pressure/the-facts-about-high-blood-pressure/low-blood-pressure-when-blood-pressure-is-too-low

Ngày truy cập 02.03.2020

Low blood pressure (hypotension)

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21156-low-blood-pressure-hypotension 

Ngày truy cập 09.06.2021

Low blood pressure (hypotension)

https://www.uofmhealth.org/health-library/abg6277 

Ngày truy cập 09.06.2021

Blood pressure (low) – hypotension

https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/blood-pressure-low-hypotension

Ngày truy cập 09.06.2021

Low blood pressure (hypotension)

https://www.nhs.uk/conditions/low-blood-pressure-hypotension/

Ngày truy cập 12.12.2023

Phiên bản hiện tại

20/11/2024

Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Cập nhật bởi: Dang Tran


Bài viết liên quan

Tụt huyết áp là gì? Bệnh nhân nên làm gì hay uống thuốc gì?

Người bị huyết áp thấp nên làm gì, ăn uống gì?


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: Hôm qua

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo