Ngoại trừ một số bệnh lý thì nguyên nhân gây huyết áp thấp có thể bắt nguồn từ chính thói quen sinh hoạt hàng ngày của bạn đó. Nếu bạn lười uống nước, làm việc quá sức hoặc đi tiểu quá nhiều cũng có nguy cơ bị huyết áp thấp đấy!
Nếu bạn có những dấu hiệu hạ huyết áp như chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn, ngất xỉu thì cần xác định thủ phạm gây ra tình trạng này để khắc phục nó. Đây là cách điều trị tụt huyết áp hiệu quả nhất. Hãy cùng tìm hiểu cụ thể hơn về những nguyên nhân gây huyết áp thấp thường gặp dưới đây nhé.
1. Mất nước là nguyên nhân tụt huyết áp phổ biến
Tình trạng mất nước là một trong những nguyên nhân gây huyết áp thấp khá phổ biến, gặp ở những người nôn kéo dài, đổ mồ hôi nhiều, tiêu chảy, bị bỏng nặng, sốt cao hoặc tập thể dục quá mức. Ngoài ra, nhiệt độ môi trường quá nóng cũng dễ gây mất nước.
Những người bị mất nước nhẹ có thể chỉ bị khát và khô miệng. Nếu mất nước từ trung bình đến nặng, bạn có thể gặp tình trạng hạ huyết áp tư thế đứng. Bạn cũng có thể cảm thấy chóng mặt hoặc ngất xỉu khi đứng quá lâu.
2. Nguyên nhân huyết áp thấp do thiếu máu
Tình trạng chảy máu vừa hoặc nặng có thể nhanh chóng làm cơ thể bạn thiếu máu, dẫn đến chứng huyết áp thấp. Mất máu thường gặp trong chấn thương, biến chứng phẫu thuật hoặc chảy máu do các bệnh về đường tiêu hóa như loét dạ dày, xuất huyết dạ dày, viêm loét đại tràng, viêm ruột thừa,…
Ngoài ra, phình vỡ động mạch chủ cũng làm chảy máu nhanh chóng khiến cho người bệnh bị sốc và tử vong vì thiếu máu.
3. Tụt huyết áp trong viêm tụy cấp
Viêm tụy cấp có thể là nguyên nhân gây huyết áp thấp. Bởi vì khi tuyến tụy viêm, một phần của nó sẽ bị hoại tử khiến cho dịch tụy cùng máu rò rỉ vào trong khoang bụng. Người bệnh bị giảm thể tích máu tuần hoàn dẫn tới huyết áp giảm sâu, thậm chí là sốc. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm tụy cấp trở nặng rất nhanh và đe dọa tính mạng của bệnh nhân.
4. Nguyên nhân gây huyết áp thấp do phản ứng Vasovagal
Tại sao bị tụt huyết áp thì rất ít người biết về phản ứng Vasovagal. Phản ứng này xảy ra khi một người khỏe mạnh bị mất ý thức tạm thời do phản xạ thần kinh gây chậm nhịp tim và giãn mạch máu ở chân, khiến huyết áp hạ. Bạn có thể gặp phản ứng vasovagal khi sợ hãi hoặc đau đớn như lấy máu, bắt đầu truyền tĩnh mạch hoặc do rối loạn tiêu hóa.
5. Nguyên nhân tụt huyết áp do nhiễm trùng máu
Nhiễm trùng huyết (nhiễm khuẩn máu) là một bệnh nhiễm trùng nặng trong đó vi khuẩn (hoặc nấm) đi theo đường máu lan ra khắp cơ thể. Đây là một nguyên nhân gây huyết áp thấp mà ít người biết. Nhiễm trùng huyết có thể đe dọa tính mạng người bệnh khi gây sốc nhiễm trùng và làm tổn thương các cơ quan.
6. Nguyên nhân gây huyết áp thấp – bệnh Addison
Bệnh Addison làm các tuyến thượng thận (tuyến nhỏ bên cạnh thận) bị phá hủy. Các tuyến này không thể sản xuất đủ các hormone duy trì huyết áp và chức năng của tim. Người bệnh Addison thường có các triệu chứng giảm cân, mệt mỏi, sạm da và huyết áp thấp.
7. Hạ huyết áp tư thế khi bạn đứng dậy đột ngột
Hạ huyết áp tư thế xảy ra khi bạn đứng dậy đột ngột từ tư thế ngồi hoặc nằm. Khi bạn đứng bật dậy, trọng lực cơ thể làm máu lắng đọng trong các tĩnh mạch ở chân, không kịp trở về tim và não khiến huyết áp giảm tạm thời.
Ngoài ra, nguyên nhân gây huyết áp thấp cũng có thể do bạn đứng quá lâu dẫn đến chóng mặt, buồn nôn và ngất xỉu. Bởi trạng thái này làm tim bạn đập chậm lại và các tĩnh mạch giãn ra, giảm lưu thông máu.
8. Đi tiểu nhiều lần gây huyết áp thấp
Thói quen đi tiểu nhiều lần có thể gây ra tình trạng ngất đồng bộ là nguyên nhân bị tụt huyết áp tạm thời và khiến người bệnh mất ý thức. Tình trạng này thường xảy ra ở bệnh nhân cao tuổi, các bộ phận trong cơ thể lão hóa và suy giảm chức năng. Khi chức năng thận suy giảm, khả năng tái hấp thu nước giảm đi, khiến bạn đi tiểu nhiều. Sự mất dịch qua nước tiểu là nguyên nhân huyết áp thấp cần lưu ý ở người lớn tuổi.
9. Lý do tụt huyết áp do sốc phản vệ
Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nặng, có khả năng gây tử vong nếu không nhanh chóng cấp cứu. Ngoài tình trạng tụt huyết áp nghiêm trọng thì người bệnh còn có các triệu chứng khác như nổi mề đay, thở khò khè, khó thở…
10. Làm việc quá sức gây hạ huyết áp
Tình trạng làm việc căng thẳng, ngủ không đủ giấc, thức khuya trong thời gian quá dài cũng là một trong những nguyên nhân gây huyết áp thấp thường gặp.
Bạn nên thực hiện những bước sau để có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
- Ngủ đủ giấc: Trung bình bạn nên ngủ 8 tiếng một ngày và nên đi ngủ vào lúc 9-10 giờ tối.
- Nghỉ giờ trưa: Bạn nên nghỉ trưa trong tầm 15-20 phút để tăng khả năng tập trung và tỉnh táo.
- Kiểm soát stress: Tập kiểm soát căng thẳng bằng cách giảm thời gian làm việc, dành thời gian cho những hoạt động giải trí ưa thích, tập thiền, tập yoga, tập hít sâu thở chậm…
11. Chế độ ăn uống gây huyết áp thấp
Đây là một trong những nguyên nhân gây huyết áp thấp mà nhiều người gặp phải. Bạn có thể gặp triệu chứng huyết áp thấp nếu ăn uống không điều độ, thường xuyên bỏ bữa và không cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Để có chế độ ăn uống hợp lý cho người bệnh huyết áp thấp, các bác sĩ sẽ thường khuyên bạn thực hiện những cách dưới đây.
- Không bỏ bữa
- Chia nhỏ bữa ăn, tránh ăn quá no
- Uống nhiều nước
- Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin B12 như thịt, cá, trứng, sữa và ngũ cốc
- Bổ sung các thực phẩm chứa nhiều axit folic như rau xanh đậm, trái cây, các loại hạt, đậu, trứng, sữa, thịt, hải sản và ngũ cốc.
Bạn có thể muốn xem thêm >> Tụt huyết áp nên uống gì?
12. Nguyên nhân gây huyết áp thấp do thuốc
Nếu đang điều trị các loại bệnh khác, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về những loại thuốc mình sử dụng có phải là nguyên nhân hạ huyết áp không để có những điều chỉnh phù hợp.
Dưới đây là những loại thuốc có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp thấp.
- Thuốc lợi tiểu làm giảm lượng máu như hydrochlorothiazide và furosemide
- Thuốc điều trị các bệnh về tim mạch làm chậm nhịp tim như thuốc ức chế beta và digoxin
- Thuốc chữa bệnh cao huyết áp như thuốc chẹn kênh canxi, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn alpha
- Các thuốc kết hợp với nitrolycerin có thể gây ra huyết áp thấp như thuốc dùng để điều trị trầm cảm (amitriptyline), thuốc điều trị Parkinson (carbidopa-levodopa) và rối loạn chức năng cương dương (tadalafil).
Hi vọng thông qua bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn tại sao bị tụt huyết áp. Hiểu rõ lý do tụt huyết áp sẽ giúp bạn điều trị hiệu quả hơn.
[embed-health-tool-heart-rate]