backup og meta

Nguyên nhân thiếu máu cơ tim là gì? Hiểu rõ để phòng ngừa

Nguyên nhân thiếu máu cơ tim là gì? Hiểu rõ để phòng ngừa

Thiếu máu cơ tim (hay thiếu máu cơ tim cục bộ) xảy ra khi lưu lượng máu đến cơ tim suy giảm, khiến cơ tim không nhận đủ lượng oxy cần thiết để hoạt động. Lưu lượng máu giảm là do sự tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ động mạch vành (động mạch nuôi cơ tim). Vậy, nguyên nhân thiếu máu cơ tim cục bộ là do đâu và cách phòng ngừa ra sao? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu trong bài viết ngay sau đây nhé!

Nguyên nhân thiếu máu cơ tim là do đâu?

Triệu chứng thiếu máu cơ tim có thể phát triển chậm do mức độ tắc nghẽn các động mạch tăng dần theo thời gian. Tuy nhiên, nhiều trường hợp có thể xảy ra nhanh chóng khi một động mạch bị bít tắc đột ngột bởi cục máu đông. Thông thường, một người có nhiều hơn một nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim cục bộ. Các nguyên nhân phổ biến của thiếu máu cơ tim bao gồm:

Xơ vữa động mạch là nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim

Xơ vữa động mạch là nguyên nhân thiếu máu cơ tim phổ biến nhất. Đây là sự tích tụ mảng bám bên trong thành động mạch vành, khiến thành mạch dày lên và lòng mạch hẹp lại. Do đó, lượng máu giàu oxy nuôi cơ tim bị giảm đi. Điều này gây ra các cơn đau thắt ngực khi gắng sức và dẫn đến tình trạng thiếu máu cơ tim cục bộ. Mảng xơ vữa động mạch là tác nhân gây ra 70% các cơn nhồi máu cơ tim và làm tăng nguy cơ đột tử.

nguyên nhân thiếu máu cơ tim do xơ vữa động mạch

Nguyên nhân thiếu máu cơ tim là do cục máu đông gây tắc nghẽn

Các mảng bám do xơ vữa động mạch có thể vỡ ra và hình thành cục máu đông. Cục máu đông dần lớn lên sẽ làm tắc nghẽn động mạch vốn đã bị hẹp, dẫn đến thiếu máu cơ tim nghiêm trọng và đột ngột. Tình trạng thiếu máu từ động mạch vành nghiêm trọng hoặc kéo dài hơn vài phút có thể làm hoại tử cơ tim (nhồi máu cơ tim). Đây là một trường hợp cần được cấp cứu khẩn cấp vì có thể đe dọa đến tính mạng nếu gây biến chứng suy tim cấp, loạn nhịp tim hay ngừng tim.

Co thắt động mạch vành

Sự co thắt tạm thời của các cơ trơn trong thành động mạch có thể làm giảm hoặc thậm chí ngăn chặn lưu lượng máu đến một phần của cơ tim trong thời gian ngắn. Co thắt động mạch vành là nguyên nhân thiếu máu cơ tim rất ít gặp trong cộng đồng.

Ngoài ra, bóc tách động mạch vành cũng là một nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim nhưng rất hiếm gặp.

Bạn có thể quan tâm: Thiếu máu cơ tim có nguy hiểm không?

Các yếu tố nguy cơ

Thiếu máu cơ tim cục bộ có thể xảy ra khi cơ thể bạn cần nhiều oxy và chất dinh dưỡng hơn mức cần thiết. Đó là bệnh cảnh khi tim không kịp bơm máu để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của cơ thể. Cơ thể cần nhiều máu hơn khi bạn:

  • Hoạt động gắng sức
  • Căng thẳng về mặt cảm xúc
  • Thời tiết lạnh
  • Sử dụng cocain
  • Ăn một bữa ăn quá no
  • Quan hệ tình dục.

nguyên nhân thiếu máu cơ tim và các yếu tố nguy cơ

Bên cạnh các nguyên nhân thiếu máu cơ tim đã đề cập ở trên, một số yếu tố nguy cơ sau đây sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh:

  • Hút thuốc lá. Hút thuốc hoặc hít khói thuốc lá trong thời gian dài có thể làm tổn thương thành động mạch, dẫn đến tích tụ cholesterol và các chất khác, hình thành mảng xơ vữa, làm tắc nghẽn lưu lượng máu lưu thông trong động mạch vành. Các hóa chất trong khói thuốc lá cũng khiến động mạch vành dễ lên cơn co thắt và cũng có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong lòng mạch.
  • Bệnh tiểu đường. Bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 làm tăng nguy cơ thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim và các vấn đề về tim mạch khác.
  • Huyết áp cao. Theo thời gian, huyết áp cao có thể góp phần đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch, dẫn đến tổn thương động mạch vành.
  • Cholesterol cao. Cholesterol LDL xấu tích tụ trong máu có thể làm thu hẹp động mạch vành. Nguyên nhân có thể là do tình trạng di truyền hoặc chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa và cholesterol.
  • Chất béo trung tính cao. Nồng độ triglyceride cao cũng có thể gây xơ vữa động mạch.
  • Béo phì. Béo phì và số đo vòng eo lớn (trên 89cm đối với phụ nữ và 102cm đối với nam giới) sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, cholesterol cao và các bệnh tim khác.
  • Ít hoạt động thể chất. Không tập thể dục và lối sống ít vận động sẽ góp phần gây béo phì, mức cholesterol và chất béo trung tính cao hơn. Điều này làm tăng nguy cơ thiếu máu cơ tim, huyết áp cao và cơn đau tim.
  • Tiền sử bệnh gia đình. Nếu trong gia đình có người thân mắc bệnh tim mạch, bạn cũng sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh hơn những người khác.

Phòng ngừa

Hiểu rõ những nguyên nhân thiếu máu cơ tim có thể mắc phải sẽ giúp bạn chủ động thực hiện những biện pháp phòng ngừa bệnh. Thay đổi thói quen sinh hoạt lành mạnh có thể giúp kiểm soát và ngăn ngừa bệnh thiếu máu cơ tim. Những hành vi này khi được áp dụng hằng ngày sẽ giúp các động mạch trong tim khỏe mạnh, đàn hồi và ngăn ngừa hình thành mảng xơ vữa.

hiểu nguyên nhân thiếu máu cơ tim để phòng ngừa

Theo đó, để phòng ngừa thiếu máu cơ tim, bạn nên:

  • Bỏ hút thuốc. Tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm cách cai thuốc lá và tránh khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động).
  • Điều trị bệnh lý nền. Điều trị các bệnh lý hoặc tình trạng có thể là nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim cục bộ, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, huyết áp cao và cholesterol cao.
  • Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh. Hạn chế chất béo từ động vật và thực phẩm đóng hộp, dầu mỡ chiên xào nhiều lần, ăn nhiều ngũ cốc, trái cây và rau củ quả tươi.
  • Tập thể dục. Lên kế hoạch tập thể dục đều đặn hằng ngày nhằm cải thiện lưu lượng máu đến tim.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Nếu bạn thừa cân, hãy giảm cân lành mạnh bằng chế độ ăn uống và tập luyện khoa học.
  • Giảm căng thẳng. Thư giãn và nghỉ ngơi hợp lý để kiểm soát căng thẳng, chẳng hạn như thư giãn cơ bắp và hít thở sâu.

Bạn có thể quan tâm: [Hỏi đáp cùng bác sĩ] Bệnh thiếu máu cơ tim có chữa được không?

Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các nguyên nhân thiếu máu cơ tim thường gặp và các yếu tố nguy cơ làm gia tăng khả năng mắc bệnh. Điều quan trọng là bạn nên thăm khám sức khỏe định kỳ. Một số yếu tố nguy cơ chính gây thiếu máu cục bộ cơ tim như cholesterol cao, huyết áp cao và tiểu đường thường không có triệu chứng trong giai đoạn đầu. Theo đó, việc phát hiện và điều trị sớm có thể tạo tiền đề cho quá trình chăm sóc sức khỏe tim mạch lâu dài được tốt hơn.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Myocardial ischemia. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/myocardial-ischemia/symptoms-causes/syc-20375417. Ngày truy cập: 22/11/2022

Causes of myocardial ischemia. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/myocardial-ischemia/multimedia/causes-of-myocardial-ischemia/img-20008606. Ngày truy cập: 22/11/2022

Myocardial Ischemia. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17848-myocardial-ischemia. Ngày truy cập: 22/11/2022

Myocardial Ischemia. https://www.sparrow.org/departments-conditions/conditions/myocardial-ischemia. Ngày truy cập: 22/11/2022

Myocardial ischemia. https://middlesexhealth.org/learning-center/diseases-and-conditions/myocardial-ischemia. Ngày truy cập: 22/11/2022

Heart Muscle Ischemia. https://www.sciencedirect.com/topics/medicine-and-dentistry/heart-muscle-ischemia. Ngày truy cập: 22/11/2022

The pathophysiology of myocardial ischaemia. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1768241/. Ngày truy cập: 22/11/2022

Phiên bản hiện tại

24/11/2022

Tác giả: Trúc Phạm

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

[Hỏi đáp cùng bác sĩ] Bệnh thiếu máu cơ tim có chữa được không?

Bệnh thiếu máu cơ tim nên ăn gì, uống gì?


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 24/11/2022

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo