Định lượng cholesterol toàn phần là một công cụ quan trọng để xác định nguy cơ tích tụ các mảng bám trong thành động mạch. Những mảng bám này có thể làm thu hẹp hoặc tắc nghẽn động mạch, gây giảm lưu lượng máu và dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Tìm hiểu chung
Định lượng cholesterol toàn phần là gì?
Đây là một loại xét nghiệm máu nhằm đo lượng cholesterol và chất béo có trong máu. Có 4 chỉ số tham gia vào kết quả xét nghiệm cholesterol toàn diện bao gồm:
- LDL cholesterol: Được coi là “mỡ xấu”, là nguyên nhân chính gây tắc nghẽn động mạch
- HDL cholesterol: Được coi là “mỡ tốt”, giúp loại bỏ LDL cholesterol ra khỏi máu
- Tổng lượng cholesterol: Tổng cộng của LDL, HDL cholesterol và các phân tử cholesterol khác trong máu
- Chất béo trung tính (Triglycerid): Hàm lượng chất béo trung tính cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đặc biệt là ở phụ nữ.
Cholesterol cao ban đầu thường không gây ra triệu chứng đặc hiệu. Xét nghiệm cholesterol toàn diện được thực hiện định kỳ ở người trưởng thành để xác định xem mức cholesterol trong máu của bạn có cao hay không và dự đoán nguy cơ nhồi máu cơ tim cùng các bệnh lý tim mạch khác có thể mắc phải trong tương lai.
Khi nào phải định lượng cholesterol toàn phần?
Theo Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Hoa Kỳ (NHLBI), việc định lượng cholesterol toàn phần nên thực hiện lần đầu ở độ tuổi từ 9 – 11 và lặp lại 5 năm một lần sau đó.
Cơ quan này cũng khuyến nghị nên kiểm tra cholesterol từ 1 – 2 năm một lần đối với nam giới từ 45 – 65 tuổi và phụ nữ từ 55 – 65 tuổi. Những người trên 65 tuổi nên được kiểm tra cholesterol hàng năm.
Bạn có thể cần xét nghiệm thường xuyên hơn nếu:
- Kết quả kiểm tra lần đầu bất thường
- Đã mắc bệnh động mạch vành, động mạch não, động mạch ngoại biên
- Đang dùng thuốc giảm cholesterol
- Có nguy cơ mắc bệnh động mạch do xơ vữa cao hơn vì
- Có tiền sử gia đình bị cholesterol cao hoặc biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ nhồi máu não sớm
- Thừa cân
- Không/ít hoạt động thể chất
- Mắc bệnh tiểu đường
- Ăn một chế độ ăn uống không lành mạnh
- Hút thuốc lá.
Ngoài ra, những người đang điều trị cholesterol cao cần phải kiểm tra cholesterol thường xuyên để theo dõi hiệu quả của việc dùng thuốc.
Thận trọng/Cảnh báo
Những điều bạn cần biết trước khi định lượng cholesterol toàn phần
Để định lượng cholesterol toàn phần, bạn chỉ cần lấy máu để làm xét nghiệm. Có rất ít rủi ro khi thực hiện điều này. Một số vấn đề bạn có thể gặp phải tại vị trí lấy máu là:
- Đau hoặc nhức tại chỗ tiêm
- Nhiễm trùng
Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, bạn nên báo cho bác sĩ nếu như đang sử dụng các thuốc sau đây:
- Thuốc làm tăng nồng độ cholesterol trong máu gồm thuốc an thần, corticoid, thuốc chẹn beta giao cảm, disulfiram, levodopa, lanzoprazol, lithium, thuốc tránh thai, testosteron, thuốc lợi tiểu,…
- Thuốc làm giảm nồng độ cholesterol trong máu gồm allopurinol, androgen, thuốc ức chế men chuyển angiotensin, thuốc hạ cholesterol, estrogen, phenytoin, metformin,…
Quy trình
Bạn cần chuẩn bị gì trước khi định lượng cholesterol toàn phần?
Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nhịn ăn, chỉ được uống nước lọc trong vòng 9 – 12 tiếng trước khi làm xét nghiệm.
Quá trình định lượng cholesterol toàn phần
Có 2 cách là:
Lấy máu tĩnh mạch
Máu được lấy ra từ tĩnh mạch, thường là tĩnh mạch cánh tay. Quy trình lấy máu như sau:
- Trước khi đâm kim, vị trí đâm kim sẽ được làm sạch bằng chất khử trùng
- Nhân viên y tế quấn một dây thun vào bắp tay trên để tĩnh mạch ở cánh tay chứa đầy máu và hiện rõ hơn dưới da
- Nhân viên y tế đâm kim vào tĩnh mạch ở vị trí khuỷu tay
- Một lượng nhỏ máu được thu vào lọ hoặc ống tiêm
- Dây thun được tháo ra để phục hồi tuần hoàn và máu tiếp tục chảy vào lọ
- Sau khi lấy đủ máu, kim sẽ được rút ra. Vị trí lấy máu được bịt lại bằng một miếng bông và băng keo y tế.
Quá trình lấy máu định lượng cholesterol toàn phần có thể mất đến vài phút. Nhìn chung, lấy máu thường rất ít khi gây đau đớn đáng kể.
Mẫu máu sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích và trả kết quả trong vòng vài giờ cho đến vài ngày.
Chích ngón tay
Nếu bạn trên 40 tuổi có thể định lượng cholesterol toàn phần bằng cách chích máu ở đầu ngón tay. Giọt máu lấy ra được đặt trên một dải giấy xét nghiệm chuyên dụng. Giấy được đưa vào máy kiểm tra cholesterol và cho kết quả trong vài phút.
Sau khi lấy máu
Bạn có thể quay trở lại hoạt động bình thường ngay lập tức. Hãy mang theo đồ ăn nhẹ để ăn ngay sau khi lấy máu.
Nếu bạn còn bất kỳ điều gì thắc mắc về quy trình, bạn có thể hỏi trực tiếp bác sĩ.
Ý nghĩa kết quả
Mức cholesterol toàn phần tốt nhất cho mỗi người còn phụ thuộc vào tuổi tác, tình trạng sức khỏe và nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Những con số dưới đây là kết quả cho người lớn khỏe mạnh.
Chỉ số cholesterol toàn phần bao nhiêu là bình thường?
Nồng độ cholesterol được đo bằng miligam cholesterol trên mỗi deciliter máu (mg/dL) hoặc milimol trên lít (mmol/L).
Định lượng cholesterol toàn phần cho kết quả:
- Dưới 200 mg/dL là bình thường
- Từ 200-239 mg/dL là ranh giới cao.
Mức cholesterol LDL cho kết quả:
- Dưới 100 mg/dL: Tốt nhất cho sức khỏe
- 100 – 129 mg/dL: Gần tối ưu
- 130 – 159 mg/dL: Ranh giới cao.
Mức cholesterol HDL cho kết quả:
- Từ 60 mg/dL trở lên: Tốt nhất, có khả năng bảo vệ chống lại bệnh tim mạch do xơ vữa
- 40 – 59 mg/dL: Càng cao thì càng tốt.
Chỉ số cholesterol toàn phần cao
- Cholesterol toàn phần từ 240 mg/dL (hay 6,18 mmol/L) trở lên được coi là cao
- Chỉ số cholesterol LDL từ 160 – 189 mg/dL là cao, từ 190 mg/dL trở lên là rất cao
- Chỉ số cholesterol HDL dưới 40 mg/dL được coi là một yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch do xơ vữa.
Cholesterol cao có thể dẫn đến bệnh tim mạch do xơ vữa, một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Bạn không thể thay đổi một số yếu tố nguy cơ gây cholesterol cao như tuổi tác và gen. Tuy nhiên, có những hành động bạn có thể thực hiện để giảm mỡ máu và giảm nguy cơ, bao gồm:
- Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh: Giảm hoặc tránh thực phẩm giàu chất béo bão hòa và cholesterol có thể giúp giảm mức cholesterol trong máu.
- Giảm cân: Thừa cân có thể làm tăng cholesterol và nguy cơ mắc bệnh tim mạch do xơ vữa.
- Duy trì hoạt động thể chất: Tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm mức cholesterol LDL (có hại) và tăng mức cholesterol HDL (có lợi). Đây cũng là một biện pháp giảm cân lành mạnh.
Trong trường hợp thay đổi lối sống vẫn chưa đủ, bác sĩ sẽ xem xét cho bạn sử dụng thuốc hạ mỡ máu.
Cholesterol toàn phần thấp
Cholesterol toàn phần thấp có sao không thì chưa có sự đồng thuận về cách xác định mức cholesterol thấp và mối quan hệ của nó với các vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, LDL cholesterol được coi là thấp nếu dưới 40 mg/dL. Mặc dù rất hiếm xảy ra nhưng mức cholesterol này rất thấp có thể làm tăng nguy cơ:
- Ung thư
- Đột quỵ xuất huyết
- Trầm cảm
- Lo lắng
- Sinh non và nhẹ cân nếu cholesterol thấp xảy ra ở phụ nữ mang thai.
Lưu ý rằng giới hạn bình thường của kết quả có thể thay đổi tùy thuộc vào bệnh viện hoặc phòng khám mà bạn thực hiện. Hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ về kết quả định lượng cholesterol toàn phần của mình.
Định lượng cholesterol toàn phần
- Là xét nghiệm đo nồng độ cholesterol và chất béo trong máu, được thực hiện thông qua xét nghiệm máu.
- Mỗi người nên xét nghiệm mỗi 5 năm 1 lần, bắt đầu từ 9 – 11 tuổi. Nam giới 45 – 55 tuổi và phụ nữ 55 – 65 tuổi nên xét nghiệm 1-2 năm 1 lần, trên 65 tuổi nên làm xét nghiệm hàng năm. Một số đối tượng đặc biệt cần xét nghiệm thường xuyên hơn.
- Quá trình lấy máu định lượng cholesterol toàn phần rất ít rủi ro, nếu có chỉ đau nhức nơi lấy máu nhưng nhanh hết, hiếm khi nhiễm trùng.
- Trước khi xét nghiệm cần nhịn ăn trong khoảng 9 – 12 tiếng.
- Nếu kết quả cholesterol cao cần thay đổi lối sống, đôi khi phải dùng thuốc hạ mỡ máu hằng ngày và xét nghiệm lại để đánh giá hiệu quả định kì.
Hi vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích để giúp bạn hiểu rõ hơn về xét nghiệm định lượng cholesterol toàn phần là gì, khi nào cần thực hiện và kết quả của loại xét nghiệm này. Cholesterol (hay mỡ máu cao) hiện nay vẫn đang là một căn bệnh mạn tính xảy ra khá phổ biến, đặc biệt là ở người cao tuổi. Vì vậy, kể cả bản thân bệnh nhân và người chăm sóc nên tìm hiểu nhiều hơn về những thông tin xoay quanh căn bệnh này để biết cách phòng ngừa và điều trị kịp thời, nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe tim mạch và sức khỏe tổng thể được tốt hơn.
[embed-health-tool-bmi]