Chỉ số HDL cholesterol thấp là một trong những yếu tố chính làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Việc thiếu hụt HDL cholesterol sẽ thúc đẩy nhanh quá trình hình thành và phát triển của các mảng xơ vữa bên trong lòng mạch, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Mức HDL cholesterol trong máu thấp có thể được cải thiện thông qua vài biện pháp. Tuy nhiên, để áp dụng hiệu quả thì điều quan trọng trước hết là cần tìm hiểu nguyên nhân HDL thấp là gì.
Mức lý tưởng của chỉ số HDL cholesterol
Bản chất của cholesterol là một chất béo, không thể tan trong máu. Để có thể lưu hành được trong máu, cholesterol bắt buộc phải liên kết với các phân tử protein để tạo thành hai loại: lipoprotein mật độ cao (HDL) và lipoprotein mật độ thấp (LDL).
Lượng cholesterol trong LDL được xem là cholesterol xấu do có khả năng lắng đọng bên trong thành động mạch, tạo thành các mảng xơ vữa. Tuy nhiên, điều này có thể được kiểm soát bởi HDL cholesterol, hay còn gọi là cholesterol tốt. Vai trò quan trọng của HDL là vận chuyển các cholesterol dư thừa trong máu về lại gan nhằm mục đích phân hủy và đào thải ra khỏi cơ thể, ngăn cản chúng xâm nhập vào thành động mạch. Chính vì vậy, nồng độ HDL trong máu càng nhiều thì nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch sẽ càng thấp.
Thông thường, mức giới hạn HDL cholesterol trong máu sẽ có sự khác nhau ở nam và nữ, cụ thể là:
- Mức bình thường: > 40 mg/dL (nam) và > 50 mg/dL (nữ)
- Mức tối ưu: ≥ 60 mg/dL
Như vậy có thể nói, chỉ số HDL cholesterol lý tưởng là khi nó vượt cao hơn mức giới hạn bình thường. Bởi vì HDL cholesterol thấp đồng nghĩa với việc LDL cholesterol dư thừa sẽ tăng cao và tích tụ lại, dẫn đến hình thành các mảng xơ vữa. Khi đó rất dễ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm như là đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ,…
Các nguyên nhân HDL cholesterol thấp là gì?
Chỉ số HDL cholesterol thấp chủ yếu do lối sống, chế độ ăn uống hoặc có vấn đề về sức khỏe
Tình trạng chỉ số HDL cholesterol thấp có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, chủ yếu là do lối sống, chế độ ăn uống hoặc đôi khi có liên quan đến một số vấn đề sức khỏe khác. Các nguyên nhân phổ biến có thể kể đến như:
- Thừa cân, béo phì
- Chế độ ăn uống có nhiều carbohydrate và các chất béo
- Hút thuốc lá
- Lối sống ít vận động
- Bệnh đái tháo đường không kiểm soát
- Các bệnh lý về gan, thận
- Yếu tố di truyền: một vài trường hợp mức HDL cholesterol thấp có thể là do các bệnh di truyền hiếm gặp như bệnh Tangier và bệnh thiếu hụt protein.
- Ngoài ra, mức HDL cholesterol cũng có khả năng bị giảm ở những bệnh nhân sử dụng kéo dài một số loại thuốc như: chẹn kênh beta, lợi tiểu thiazide, testosteron tổng hợp (steroid đồng hóa),… Để xác định đúng nguyên nhân, tốt hơn hết là bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán một cách đầy đủ.
Làm sao để tăng chỉ số HDL cholesterol?
Chỉ số HDL cholesterol thấp có thể được cải thiện bằng cách cách sử dụng thuốc, xây dựng một chế độ ăn uống khoa học hoặc thay đổi lối sống lành mạnh hơn. Việc áp dụng biện pháp nào còn tùy thuộc vào nguyên nhân cũng như tình trạng cụ thể của từng người.
Hầu hết những người mắc hội chứng chuyển hóa (một nhóm các bệnh bao gồm béo phì, tăng huyết áp và lượng đường trong máu cao) thường có mức HDL thấp hơn. Do đó việc ăn kiêng và giảm cân có thể đem lại lợi ích rất lớn. Một số nghiên cứu cho thấy mức HDL cholesterol được tăng lên đáng kể khi trọng lượng cơ thể giảm từ 1-3%. Không chỉ vậy, việc kiểm soát cân nặng cũng có thể giúp giảm lượng đường trong máu.
Ngoài ra, tăng cường các hoạt động thể chất là biện pháp cần thiết để hỗ trợ giảm cân và rèn luyện cơ thể khỏe mạnh. Duy trì luyện tập thể dục thường xuyên sẽ làm tăng lượng HDL cholesterol, đồng thời làm giảm lượng chất béo trung tính (triglyceride).
Một chế độ ăn nhiều carbohydrate, chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa sẽ khiến cho mức LDL cholesterol tăng lên và mức HDL cholesterol giảm xuống. Vì thế, cần hạn chế việc tiêu thụ quá nhiều tinh bột, đường, các loại thịt, trứng, sữa, đồ chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn,…
Thay vào đó, nên ưu tiên nạp vào cơ thể các loại thực phẩm có khả năng làm tăng HDL cholesterol như: các loại cá giàu omega-3 (cá hồi, cá trích, cá mòi, cá thu), dầu olive, dầu dừa, các loại rau củ có màu tím (cà tím, bắp cải đỏ, quả việt quất, dâu đen, quả mâm xôi đen,…)
Uống rượu ở mức vừa phải cũng có thể làm mức cholesterol HDL cao hơn. Tuy nhiên, việc uống nhiều rượu có thể gây tăng cân, tăng huyết áp và tăng triglyceride. Vì thế, nếu bạn chưa từng uống rượu thì không nên bắt đầu dùng rượu để cải thiện mức HDL cholesterol thấp.
Bên cạnh đó, những người bỏ thuốc lá, đặc biệt là phụ nữ, có thể làm mức HDL cholesterol tăng lên. Các loại thuốc kê đơn được sử dụng để hạ mức LDL và triglyceride chẳng hạn như fibrat, statin, niacin cũng có tác dụng làm tăng chỉ số HDL cholesterol. Nhưng lưu ý, bệnh nhân chỉ nên dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ để tránh xảy ra một số tác dụng phụ không mong muốn.
Tóm lại, có thể thấy rằng chỉ số HDL cholesterol thấp là tình trạng cần được phát hiện và khắc phục sớm để ngăn chặn các vấn đề nguy hiểm đến sức khỏe. Chủ động theo dõi các chỉ số bằng việc thăm khám định kỳ là cách bảo vệ sức khỏe đơn giản và hiệu quả nhất.
[embed-health-tool-bmi]