Người bị cao huyết áp nên cai thuốc lá và điều chỉnh lượng thức uống có cồn như rượu bia lại để giúp kiểm soát bệnh và bảo vệ sức khỏe. Vì sao lại như vậy và làm thế nào để bạn có thể ngừng uống rượu bia hay bỏ thuốc lá? Mời bạn cùng Hello Bacsi cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Người bị cao huyết áp cần quan tâm đến sức khỏe tim mạch của mình vì cả hai thói quen uống rượu bia và hút thuốc lá đều sẽ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tăng huyết áp (hay còn gọi là cao huyết áp) và các bệnh về tim mạch khác.
Việc hút thuốc và uống rượu bia ảnh hưởng rất nhiều đến bệnh cao huyết áp vì cả hai đều tác động lớn đến sức khỏe tim mạch và ngưỡng huyết áp. Vì vậy, khi bạn đã được chẩn đoán bị cao huyết áp hay có những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh, đây là lúc bạn cần bắt đầu lên kế hoạch để kiểm soát để bảo vệ sức khỏe và phòng tránh bệnh.
Tại sao người bị cao huyết áp không nên hút thuốc lá?
Hút thuốc lá có thể làm tăng huyết áp một cách đột biến và tăng huyết áp tâm thu nhiều hơn 4 mm thủy ngân (mm Hg). Chất nicotine trong sản phẩm thuốc lá kích thích hệ thần kinh để tạo ra những hóa chất làm co mạch máu và làm tăng huyết áp.
Hút thuốc lá cũng gây tổn hại lâu dài cho mạch máu. Vì vậy, ngoài các nguy cơ làm cao huyết áp, thói quen này kéo dài này sẽ làm tăng nguy cơ phát triển các vấn đề như đột quỵ, bệnh tim mạch và nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, người bị cao huyết áp hút thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ hoặc các tai biến tim mạch khác nhiều hơn so với những người không hút thuốc bị cao huyết áp.
Uống rượu bia tác động xấu huyết áp của bạn như thế nào?
Uống rượu bia có làm tăng huyết áp không? Câu trả lời là CÓ. Uống quá nhiều rượu bia sẽ khiến bạn dư thừa năng lượng, gây tăng cân và làm gia tăng các vấn đề về sức khỏe, trong đó có cao huyết áp. Rượu khi uống quá mức có thể làm tăng huyết áp theo thời gian, gây ra nhịp tim không đều (rối loạn nhịp tim) và làm suy tim. Vì vậy, tim sẽ không thể bơm máu hiệu quả.
Ngoài ra, rượu có thể làm tăng chất béo trung tính trong máu, gây thừa cân và béo phì. Và nếu bạn đang dùng thuốc để điều trị huyết áp cao, hãy lưu ý rằng rượu có thể cản trở hiệu quả của thuốc và còn làm trầm trọng thêm các tác dụng phụ.
Vì vậy, để kiểm soát huyết áp và ngăn ngừa các vấn đề về tim mạch, tốt nhất là bạn nên uống rượu bia với liều lượng vừa phải. Người bị cao huyết áp có uống bia được không? Bạn vẫn có thể uống nhưng không nên uống quá một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và không nên quá hai ly mỗi ngày với đàn ông. Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu giảm tiêu thụ rượu bia, bạn có thể giảm huyết áp tâm thu đến 3 mmHg.
Làm thế nào để người bị cao huyết áp có thể ngừng uống bia rượu hay hút thuốc?
Đây là một số lời khuyên giúp người bị cao huyết áp ngừng hút thuốc và kiểm soát lượng rượu bia:
Cam kết bỏ thuốc lá
Hãy đặt ra quyết tâm bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt và nhờ những người xung quanh hỗ trợ. Người bị cao huyết áp nên vứt bỏ hết những thứ liên quan đến thuốc lá như những gói thuốc, bật lửa, gạt tàn thuốc và hỏi bác sĩ về thử miếng dán nicotine hoặc kẹo cao su để tạm thay thế ở thời gian đầu ngưng hút.
Tránh những yếu tố thúc đẩy bạn hút thuốc
Nhiều người nhận thấy mình muốn hút thuốc khi đang xem tivi, sau khi ăn, hay trong suốt cuộc nói chuyện điện thoại? Nếu có, hãy giữ bản thân bạn luôn bận rộn và tránh những điều này. Thay vào đó, người bị cao huyết áp có thể đi bộ sau khi ăn thay vì xem tivi hoặc dùng một tách cà phê sau khi ăn tối tại một quán cà phê thay vì đi bar.
Sử dụng triệt để thời gian của bạn
Bạn hãy tham gia các hoạt động vui sẽ làm bạn quên đi nhu cầu muốn hút thuốc và uống rượu bia như đi xem phim, đi mua sắm, ngắm cảnh hoặc tìm một sở thích mới để chiếm hết quỹ thời gian. Bạn sẽ “quên” mất việc phải châm một điếu thuốc đấy!
Người bị cao huyết áp nên uống rượu bia có chừng mực
Thay vì ngồi yên vị trên ghế với sáu chai bia hoặc một chai rượu, bạn nên giới hạn bản thân chỉ nên uống một ly với phụ nữ (hay hai ly đối với đàn ông) mỗi ngày. Bên cạnh đó, hãy chú ý nhận biết những dấu hiệu của nghiện rượu bia. Nếu bạn cảm thấy khó khăn trong thời gian hạn chế rượu bia, bạn có thể cần đến sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Khi rượu bia bắt đầu ảnh hưởng đến công việc, học tập, hay các mối quan hệ, đây là thời điểm bạn cần sự trợ giúp chuyên nghiệp. Các nhóm hỗ trợ có thể giúp đỡ, nhưng một chương trình cai nghiện (hoàn toàn bỏ hẳn sử dụng rượu bia) và phục hồi chức năng có thể cần thiết nếu bạn là một người nghiện bia rượu nặng.
Bạn không thể luôn luôn ngăn ngừa bị cao huyết áp, nhưng bạn có thể kiểm soát những yếu tố nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp như thuốc lá và thức uống có cồn. Đồng thời, đưng quên thăm khám sức khỏe định kỳ và tuân thủ theo chỉ định dùng thuốc của bác sĩ để kiểm soát bệnh hiệu quả nhé!
[embed-health-tool-heart-rate]