Tụt huyết áp không chỉ là căn bệnh của tuổi già mà có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi. Với lối sống vội vã ngày nay, thường xuyên chịu căng thẳng, ăn uống thất thường, tình trạng tụt huyết áp ở người trẻ không còn hiếm gặp. Nhiều trường hợp đòi hỏi cần có biện pháp điều trị nhanh chóng và phù hợp.
Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu cụ thể hơn về tình trạng này trong bài viết ngay sau đây nhé!
Tìm hiểu chung
Tụt huyết áp ở người trẻ là gì?
Huyết áp là đại lượng đo áp lực dòng máu đặt trên thành động mạch. Tụt huyết áp (hay huyết áp thấp, hạ huyết áp) xảy ra khi chỉ số huyết áp trên (hay huyết áp tâm thu) thấp hơn 90 và/hoặc chỉ số huyết áp dưới (huyết áp tâm trương) thấp hơn 60 mmHg (milimet thủy ngân). Tình trạng này có thể gặp phải ở mọi người thuộc mọi độ tuổi.
Tụt huyết áp ở người trẻ là khái niệm thường dành cho tình trạng tụt huyết áp ở trẻ em và thanh thiếu niên. Không phải lúc nào, cũng gây ra triệu chứng trẻ bị tụt huyết áp, nhưng nếu có, chỉ số huyết áp bất thường có thể là một vấn đề sức khỏe đáng lo ngại.
Các loại tụt huyết áp ở người trẻ có thể gặp phải là:
- Hạ huyết áp qua trung gian thần kinh: Tình trạng tụt huyết áp này xảy ra sau khi đứng quá lâu, phổ biến nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên. Nguyên nhân là do trục trặc trong việc truyền tín hiệu của não bộ với trái tim.
- Hạ huyết áp tư thế đứng: Tình trạng này xảy ra khi đứng dậy đột ngột từ tư thế ngồi hoặc nằm, khiến tim không kịp bơm máu lên não. Tuy nhiên, huyết áp sẽ trở lại bình thường sau vài giây kế tiếp.
- Hạ huyết áp nghiêm trọng: Tình trạng này có thể phát triển do nhiễm trùng nặng, sốc phản vệ, mất máu nghiêm trọng trong chấn thương… Hạ huyết áp nghiêm trọng đôi khi dẫn tới hôn mê, thậm chí tử vong. Trong những trường hợp như vậy, người bệnh cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
Triệu chứng
Những dấu hiệu tụt huyết áp ở người trẻ
Trong phần lớn các trường hợp, trẻ em và thanh thiếu niên bị huyết áp thấp không có triệu chứng. Tuy nhiên, nếu nghiêm trọng, các dấu hiệu tụt huyết áp ở người trẻ có thể bao gồm:
- Nhức đầu
- Mờ mắt, hoa mắt
- Chóng mặt, choáng váng
- Nhịp tim nhanh
- Mệt mỏi
- Khó tập trung
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Buồn ngủ
- Ngất xỉu.
Trong trường hợp hạ huyết áp nghiêm trọng, các triệu chứng sốc có thể xuất hiện, bao gồm: lú lẫn, da lạnh và nhợt nhạt, thở nhanh và nông, mạch yếu và nhanh. Nếu gặp những biểu hiện này, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây tụt huyết áp ở người trẻ
Tụt huyết áp ở người trẻ, bao gồm trẻ em và thanh thiếu niên thường không phải do bệnh lý tiềm ẩn. Nguyên nhân huyết áp thấp ở người trẻ thường là do:
- Mang thai, đặc biệt là trong 24 tuần đầu của thai kỳ
- Uống nhiều rượu bia, chất kích thích
- Đứng yên một vị trí trong thời gian dài
- Thay đổi tư thế đột ngột
- Tắm nước quá nóng, môi trường có nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh
- Thiếu ngủ, thức khuya
- Ăn uống không điều độ, thường bỏ bữa
- Chế độ ăn uống không cân bằng, thiếu muối và uống ít nước
- Thừa cân, béo phì
- Căng thẳng kéo dài
- Mất nước do sốt, nôn mửa, tiêu chảy nặng, lạm dụng thuốc lợi tiểu và tập thể dục nặng
- Mất máu do chấn thương hoặc chảy máu bên trong nội tạng
- Di truyền.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nguyên nhân tụt huyết áp ở người trẻ có thể là do bệnh lý tiềm ẩn, bao gồm:
- Bệnh thận
- Bệnh hệ thống thần kinh trung ương như Parkinson
- Rối loạn nội tiết tố, các tình trạng ảnh hưởng đến tuyến cận giáp hoặc tuyến thượng thận, chẳng hạn như bệnh Addison (tình trạng tuyến thượng thận không sản xuất đủ hormone)
- Các vấn đề về phổi, chẳng hạn như thuyên tắc phổi, xẹp phổi
- Bệnh tim, chẳng hạn như đau tim, suy tim, bệnh van tim và nhịp tim chậm
- Bệnh tiểu đường
- Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp)
- Nhiễm trùng máu nặng
- Phản ứng dị ứng nghiêm trọng (sốc phản vệ)
- Nhiễm trùng máu
- Thiếu máu do thiếu sắt, vitamin B12 hoặc folate.
Điều trị
Những phương pháp điều trị tụt huyết áp ở người trẻ
Tụt huyết áp ở người trẻ có thể cần điều trị nếu xuất hiện triệu chứng và làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Trong hầu hết trường hợp, điều trị dựa trên nguyên nhân hoặc tình trạng bệnh lý tiềm ẩn gây tụt huyết áp. Chẳng hạn như, nếu hạ huyết áp là do tác dụng phụ của loại thuốc đang dùng thì bác sĩ có thể chỉ định thay đổi thuốc, giảm liều lượng hoặc khuyên ngừng sử dụng loại thuốc đó.
Ngoài ra, bác sĩ có thể đề xuất những thay đổi lối sống như:
- Uống nhiều nước và tránh mất nước, nhất là khi hoạt động thể lực nặng hay trong môi trường nắng nóng
- Mang vớ nén áp lực hai chân nếu thường xuyên phải đi và đứng yên một vị trí
- Bổ sung lượng muối đủ theo khuyến cáo hàng ngày
- Duy trì chế độ ăn uống đầy đủ, đa dạng các nhóm thực phẩm
- Tập thể dục thường xuyên
- Chú ý đến tư thế, không ngồi, đứng hoặc nằm yên quá lâu trong thời gian dài, không thay đổi tư thế đột ngột
- Ăn nhiều bữa nhỏ và thường xuyên
- Không bỏ bữa
- Giảm thực phẩm chứa nhiều tinh bột như khoai tây, cơm trắng, mì ống, bánh mì
- Hạn chế uống rượu bia và cà phê
- Nếu bị choáng váng hoặc chóng mặt, hãy nằm xuống trong vài phút, đầu không kê gối và cả hai chân nâng cao hơn phần cơ thể
- Ngồi xuống và cúi đầu xuống giữa hai đầu gối sẽ giúp huyết áp nhanh chóng trở lại bình thường
- Tránh thức khuya, hạn chế căng thẳng và nghỉ ngơi điều độ.
Thuốc điều trị huyết áp thấp hiếm khi cần thiết vì các biện pháp thay đổi lối sống đơn giản hoặc điều trị nguyên nhân cơ bản thường có hiệu quả hơn. Chỉ khi bạn bị hạ huyết áp tư thế đứng, bác sĩ có thể kê đơn một số thuốc như fludrocortisone hay midodrine. Các trường hợp tụt huyết áp đột ngột, có các dấu hiệu sốc hay đe dọa sốc cần phải được điều trị tại bệnh viện bằng truyền dịch hoặc truyền máu.
Tụt huyết áp ở người trẻ khỏe mạnh đôi khi chỉ là tạm thời và sẽ tự khỏi mà không cần điều trị gì đặc hiệu. Nếu thường xuyên bị hạ huyết áp, bạn nên thay đổi lối sống, xây dựng một chế độ dinh dưỡng cân đối, nghỉ ngơi hợp lý để ngăn ngừa và kiểm soát bệnh.
[embed-health-tool-heart-rate]