backup og meta

Tổng quan về huyết áp không ổn định

Tổng quan về huyết áp không ổn định

Huyết áp không ổn định là thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng huyết áp của một người thay đổi liên tục hoặc đột ngột, từ mức bình thường lên đến chỉ số cao bất thường. Thông thường, tăng huyết áp sẽ xảy ra khi bạn bị căng thẳng.

Thực tế, việc huyết áp của một người thay đổi đôi chút trong một ngày là hoàn toàn bình thường. Hoạt động thể chất, lượng muối dung nạp, caffeine, rượu, giấc ngủ và cảm giác căng thẳng đều có thể ảnh hưởng đến huyết áp. Tuy nhiên, đối với trường hợp huyết áp không ổn định, những thay đổi ở huyết áp sẽ lớn hơn nhiều so với tình huống thông thường.

Một người được chẩn đoán bị tăng huyết áp – hay huyết áp cao nếu có chỉ số đo huyết áp bằng/cao hơn 130/80mmHg .

Nguyên nhân gây ra tình trạng huyết áp không ổn định

nguyên nhân khiến huyết áp dao động

Huyết áp không ổn định thường xảy ra từ các tình huống khiến bạn lo lắng hoặc căng thẳng, ví dụ như huyết áp của bạn sẽ tăng cao trước khi tham gia một ca phẫu thuật nào đó. Sử dụng thực phẩm chứa nhiều muối (natri) hoặc tiêu thụ nhiều caffeine cũng là một yếu tố có thể khiến huyết áp cao hơn mức bình thường.

Một số người hay bị tăng huyết áp khi đi khám bệnh vì họ quá lo lắng về kết quả của buổi khám. Các chuyên gia gọi trường hợp này là tăng huyết áp áo choàng trắng hoặc hội chứng áo choàng trắng.

Các triệu chứng huyết áp không ổn định

Khi huyết áp không ổn định, bạn chưa chắc sẽ bắt gặp những triệu chứng rõ rệt. Một số dấu hiệu bạn có thể mắc như:

  • Đau đầu
  • Tim đập nhanh
  • Mặt đỏ ửng
  • Ù tai

Tăng huyết áp kịch phát và huyết áp không ổn định

tăng huyết áp kịch phát

2 tình trạng này đều liên quan đến chỉ số huyết áp dao động thất thường giữa mức bình thường và mức cao. Tăng huyết áp kịch phát đôi khi được coi là một loại huyết áp cao không ổn định. Tuy nhiên, vẫn có vài sự khác biệt giữa hai tình trạng này:

  • Huyết áp không ổn định: Xảy ra ở các trường hợp căng thẳng về mặt cảm xúc và có thể có hoặc không biểu hiện triệu chứng ra ngoài.
  • Tăng huyết áp kịch phát: Có xu hướng xảy ra bất ngờ, có thể do cảm xúc bị kìm nén hoặc do chấn thương trong quá khứ tái phát. Nó thường gây ra các triệu chứng như đau đầu, cảm thấy yếu người, sợ hãi cái chết. Khoảng 2% (hoặc ít hơn) trường hợp tăng huyết áp kịch phát xảy ra bởi một khối u ở tuyến thượng thận (u tủy thượng thận).

Những phương pháp điều trị

phương pháp điều trị huyết áp

Không có tiêu chí cụ thể nào để điều trị huyết áp không ổn định. Bác sĩ sẽ muốn giám sát huyết áp của bạn trong vòng 24 giờ để xem mức độ thường xuyên và phạm vi huyết áp dao động.

Các loại thuốc thường được sử dụng để kiểm soát huyết áp như thuốc lợi tiểu hay thuốc ức chế ACE có thể không hiệu quả trong quá trình điều trị huyết áp không ổn định. Do đó, bác sĩ sẽ kê toa thuốc chống lo âu nếu cần thiết, để giúp kiểm soát lo lắng và căng thẳng. Sau đây là một số ví dụ về các loại thuốc chống lo âu giúp điều trị lo âu tạm thời bao gồm:

  • Alprazolam
  • Clonazepam
  • Diazepam
  • Lorazepam

Bên cạnh đó, các thuốc chống lo âu điều trị trong thời gian dài cần được dùng mỗi ngày, bao gồm các loại như paroxetine, sertraline, escitalopram và citalopram.

Thuốc chẹn beta là nhóm thuốc thông dụng trong việc điều trị các loại tăng huyết áp khác. Loại thuốc này cũng có thể hữu ích trong liệu pháp điều trị của cả huyết áp không ổn định và tăng huyết áp kịch phát nhờ tương tác tốt với hệ thống thần kinh giao cảm.

Trong trường hợp này, thuốc chẹn beta không được sử dụng để hạ huyết áp mà để giảm các triệu chứng như đỏ bừng mặt, tim đập nhanh hoặc đau đầu. Bác sĩ sẽ kê đơn cho bạn sử dụng chúng kết hợp với các loại thuốc chống căng thẳng. Một số tên thuốc chẹn beta phổ biến gồm:

  • Atenolol
  • Bisoprolol
  • Nadolol
  • Betaxolol

Nếu huyết áp tăng trước khi tham gia phẫu thuật hay xét nghiệm, bạn cũng sẽ được yêu cầu dùng các thuốc trên.

Bạn có thể cần mua máy đo huyết áp để kiểm tra chính xác huyết áp định kỳ tại nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia không khuyến khích bạn kiểm tra huyết áp mỗi ngày vì làm như vậy có thể khiến bạn lo lắng nhiều hơn, từ đó sẽ khiến tình trạng nghiêm trọng hơn.

Các biện pháp phòng ngừa

thiền để giảm căng thẳng, giảm tình trạng huyết áp không ổn định

Để ngăn ngừa huyết áp lên xuống thất thường, bạn có thể thử một hoặc nhiều cách sau:

Bỏ hút thuốc

  • Hạn chế ăn những món ăn có nhiều muối
  • Hạn chế caffeine cũng như cồn
  • Kiểm soát mức độ căng thẳng của bạn bằng cách tập thể dục, thiền, thở sâu, yoga hoặc massage. Đây đều là những kỹ thuật giúp giảm căng thẳng đã được các chuyên gia công nhận hiệu quả
  • Sử dụng thuốc chống lo âu hoặc các loại thuốc hay phương pháp điều trị khác theo chỉ định của bác sĩ.
  • Biến chứng

    biến chứng của tình trạng huyết áp không ổn định

    Tăng huyết áp tạm thời có thể tạo áp lực trực tiếp cho tim và các cơ quan khác. Nếu tình trạng huyết áp huyết áp lúc cao lúc thấp xảy ra thường xuyên, nó không chỉ ảnh hưởng đến tim mà còn gây tổn thương cho thận, mạch máu và mắt.

    Huyết áp dao động liên tục có thể đặc biệt nguy hiểm đối với những người mắc bệnh lý về tim hoặc máu từ trước, chẳng hạn như đau thắt ngực, phình động mạch não hoặc phình động mạch chủ.

    Trước đây, các chuyên gia tin rằng huyết áp không ổn định không gây ra nhiều biến chứng phức tạp và nghiêm trọng như các loại cao huyết áp khác. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng nếu không điều trị sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và tỷ lệ tử vong cao hơn hẳn so với những người tiếp nhận liệu trình điều trị.

    Cùng với bệnh tim, các nghiên cứu khác đã phát hiện ra những người không điều trị huyết áp không ổn định có nguy cơ cao gặp phải:

    • Tổn thương thận
    • Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA)
    • Đột quỵ

    Tổng kết

    Tình trạng huyết áp tăng giảm thất thường thường không gây ra vấn đề nghiêm trọng ngay lập tức. Huyết áp sẽ trở lại mức bình thường sau một khoảng thời gian ngắn căng thẳng.

    Các nhà nghiên cứu cho rằng huyết áp bất thường không được điều trị có thể gây ra vấn đề lâu dài về sau. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nó có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, đau tim, các vấn đề về tim mạch và tổn thương nội tạng theo thời gian.

    Vì huyết áp không ổn định thường xảy ra do lo lắng quá mức, cho nên điều quan trọng là bạn phải kiểm soát sự lo lắng của mình bằng thuốc hoặc các kỹ thuật thư giãn để ngăn ngừa tình trạng này.

    [embed-health-tool-heart-rate]

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Labile Hypertension. https://www.healthline.com/health/labile-hypertension. Ngày truy cập 14/1/2021.

    Labile hypertension in elderly: clinical features, autonomic regulation of circulation, approaches to treatment. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/10979638. Ngày truy cập 14/1/2021.

    Labile hypertension. https://www.patientslikeme.com/conditions/labile-hypertension. Ngày truy cập 14/1/2021.

    Phiên bản hiện tại

    20/05/2022

    Tác giả: Ngọc Vũ

    Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Cập nhật bởi: Ngà Trương


    Bài viết liên quan

    Chỉ số TC HDL là gì? Hiểu để duy trì sức khỏe tim mạch

    Vai trò của thuốc chẹn alpha trong điều trị cao huyết áp


    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 20/05/2022

    ad iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    ad iconQuảng cáo
    ad iconQuảng cáo