backup og meta

Tăng huyết áp kháng trị và những điều bạn chưa biết

Tăng huyết áp kháng trị và những điều bạn chưa biết

Tăng huyết áp kháng trị là trường hợp cơ thể người bệnh không đáp ứng tốt với quá trình điều trị tăng huyết áp. Bởi vì đây là tình trạng hiếm gặp nên ít người hiểu được sự nghiêm trọng của bệnh.

Bạn đã áp dụng lối sống lành mạnh để điều trị tăng huyết áp. Bác sĩ cũng đã kê đơn cho bạn thuốc lợi tiểu kèm theo ít nhất hai loại thuốc huyết áp khác nhằm tăng tỷ lệ thành công của quá trình điều trị. Tuy vậy, chỉ số huyết áp của bạn vẫn không hạ xuống đáng kể. Các chuyên gia đánh giá hiện tượng này là tăng huyết áp kháng trị.

Bạn có thể chưa biết: Mách bạn vài cách điều trị tăng huyết áp ở người cao tuổi.

Tăng huyết áp kháng trị là gì?

Tăng huyết áp kháng trị là tình trạng cơ thể người bệnh không đáp ứng tốt với quá trình trị liệu. Bạn sẽ được chẩn đoán tăng huyết áp kháng trị nếu như đáp ứng tất cả điều kiện dưới đây:

  • Sử dụng ba loại thuốc điều trị tăng huyết áp khác nhau với liều lượng tối đa
  • Trong số thuốc hạ huyết áp đang dùng có thuốc lợi tiểu (đào thải chất lỏng và natri ra khỏi cơ thể)
  • Chỉ số huyết áp vẫn vượt quá phạm vi lý tưởng
  • Bác sĩ tiếp tục kê đơn thêm loại thuốc huyết áp thứ tư

Nếu không được điều trị kịp thời, tăng huyết áp kháng trị có khả năng làm tăng đáng kể tỷ lệ các biến chứng nghiêm trọng như đau tim, đột quỵ hay suy thận xảy ra.

Bạn có thể muốn đọc thêm: Biến chứng tăng huyết áp: Bạn đã biết gì về nó

Tăng huyết áp kháng trị và những điều bạn chưa biết

  • 20% trường hợp tăng huyết áp là kháng trị.
  • Có thể không bộc lộ bất kỳ triệu chứng nào nhưng sau đó sẽ đột ngột gây đau tim, đột quỵ và tổn thương thị lực cũng như thận.
  • Một số người gặp trường hợp tăng huyết áp kháng trị giả, gây ra bởi nhiều yếu tố như các loại thuốc phản ứng với nhau hoặc hội chứng tăng huyết áp áo choàng trắng (huyết áp chỉ tăng khi người bệnh ở trong văn phòng của bác sĩ).
  • Trường hợp tăng huyết áp giả kháng trị cần chẩn đoán sớm để phân biệt với tăng huyết áp kháng trị.
  • Đánh giá và điều trị tăng huyết áp kháng trị bao gồm giải quyết bất kỳ biến cố hoặc nguyên nhân của tình trạng này và điều chỉnh thuốc theo thể trạng người bệnh.

Nguyên nhân tăng huyết áp kháng trị

Tăng huyết áp kháng trị có thể có một hoặc nhiều tình trạng bệnh lý tiềm ẩn khác. Ngoài việc điều trị tăng huyết áp kháng trị bằng thuốc, các bác sĩ thường điều tra các nguyên nhân thứ phát, chẳng hạn như:

Rối loạn cấu trúc cơ thể

  • Ngưng thở khi ngủ: có xu hướng ngừng thở trong vài giây lúc ngủ
  • Hẹp động mạch thận
  • Co thắt động mạch chủ: hẹp một phần của động mạch chủ
  • Suy thận

Tăng huyết áp kháng trị 1

Rối loạn nội tiết tố

  • Cường aldosterone nguyên phát: rối loạn tuyến thượng thận gây nên tình trạng huyết áp cao
  • U tủy thượng thận: một khối u ở tuyến thượng thận sản xuất quá nhiều epinephrine và (hoặc) các hormone khác làm tăng huyết áp
  • Cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức) và suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém)
  • Hội chứng Cushing: tình trạng mô cơ thể tiếp xúc với quá nhiều lượng cortisol
  • Dị tật hệ thần kinh nội tiết bẩm sinh

Nguyên nhân không xác định rõ

75% người bị tăng huyết áp kháng trị không thể xác định rõ nguyên nhân. Tình trạng này còn được xếp vào nhóm tăng huyết áp nguyên phát và việc điều trị của những người này sẽ tập trung vào thuốc cũng như kiểm soát lối sống lành mạnh.

Bạn có thể muốn tìm hiểu: Bạn biết gì về nguyên nhân tăng huyết áp ở người cao tuổi

Các triệu chứng của tăng huyết áp kháng trị

Tương tự như tình trạng cao huyết áp thông thường, tăng huyết áp kháng trị thường không biểu hiện bất kỳ triệu chứng cụ thể nào cho đến khi nó trở nên nghiêm trọng. Cách tốt nhất để chẩn đoán là thường xuyên kiểm tra huyết áp.

Tuy vậy, thực tế, bạn có thể cảm nhận các triệu chứng khi áp lực máu tăng lần đầu hoặc bệnh đã tiến triển đến giai đoạn khủng hoảng tăng huyết áp, bao gồm:

  • Đau đầu
  • Khó thở
  • Tức ngực
  • Chảy máu cam

Chóng mặt thường không phải là triệu chứng của huyết áp cao. Trên thực tế, đôi khi nó có thể là triệu chứng của trường hợp huyết áp thấp. Thường xuyên chóng mặt hoặc chóng mặt không có nguyên nhân có thể là một dấu hiệu cảnh báo về một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng cần được điều trị càng sớm càng tốt.

Tăng huyết áp kháng trị 2

Những rủi ro của tăng huyết áp kháng trị

Theo thời gian, tăng huyết áp không kiểm soát sẽ gây tổn hại đến các động mạch bằng cách khiến chúng xơ cứng, dẫn đến tình trạng các động mạch trở nên hẹp hơn và kém linh hoạt. Lúc này, tim cần phải làm việc nhiều hơn để vận chuyển máu đi khắp cơ thể.

Cao huyết áp, đặc biệt là tăng huyết áp kháng trị có nguy cơ gây ra đột quỵ, đau tim, suy tim và nhiều bệnh tim mạch khác; gây tổn thương cho thận, trí nhớ và mắt cũng như góp phần tạo nên rối loạn cương dương.

Theo dõi và điều trị tăng huyết áp kháng trị

Kiểm soát mức huyết áp sẽ bắt đầu với những điều cơ bản, chẳng hạn như hiểu rõ các giai đoạn của cao huyết áp. Bạn nên dùng ứng dụng nhắc nhở để kiểm tra chỉ số huyết áp theo chỉ định từ bác sĩ.

Điều trị tăng huyết áp kháng trị thường bao gồm thay đổi hoặc bổ sung thuốc huyết áp, đồng thời điều tra nguyên nhân thứ phát nhằm có biện pháp giải quyết phù hợp, cùng với thay đổi thói quen sinh hoạt, bao gồm:

  • Áp dụng thực đơn cho người cao huyết áp dựa trên chế độ ăn DASH, đặc biệt ít hấp thụ natri (muối)
  • Hạn chế sử dụng thức uống chứa cồn
  • Hoạt động thể chất thường xuyên
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh
  • Kiểm soát tốt căng thẳng

Sử dụng thuốc đúng theo chỉ định y tế

Một trong những yếu tố giúp chữa tăng huyết áp kháng trị thành công là sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp đúng cách, bao gồm dùng đúng thuốc, đúng liều, đúng thời gian.

Không dùng bất kỳ loại thuốc hoặc chất bổ sung nào có nguy cơ gây tăng huyết áp, chẳng hạn như:

  • Thuốc giảm cân
  • Thuốc kích thích
  • Cyclosporine
  • Cam thảo
  • Ephedrine
  • Thuốc giảm đau
  • Nhóm thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs) như ibuprofen và celecoxib

Bạn có thể muốn biết: Hỏi đáp về thuốc điều trị tăng huyết áp.

Tăng huyết áp kháng trị giả

Tăng huyết áp kháng trị giả thường bị nhầm với tình huống cơ thể người bệnh không đáp ứng tốt với quá trình điều trị. Tình trạng này có thể gây ra bởi:

Dùng sai thuốc hoặc sai liều lượng

Đối với mỗi người, sự kết hợp lý tưởng giữa các nhóm thuốc cùng với liều lượng có thể kiểm soát tốt tình trạng tăng huyết áp ở họ. Ngược lại, nếu kết hợp sai, chúng sẽ phản tác dụng và gây ra nhiều biến cố nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, bạn nên cùng bác sĩ tham vấn về bất kỳ loại thuốc điều trị tăng huyết áp nào cùng liều lượng của chúng phù hợp với thể trạng bạn.

Thuốc, chất bổ sung hoặc thảo dược

Nhiều loại thuốc và chất bổ sung có khả năng làm tăng huyết áp, ví dụ như một số loại thuốc chống trầm cảm, thuốc thông mũi, aspirin ở liều cao và thuốc tránh thai. Sử dụng các chất kích thích hay thảo dược như cam thảo cũng có nguy cơ khiến chỉ số huyết áp tăng cao.

Do đó, bạn cần báo lại với các bác sĩ về tất cả những loại thuốc, chất bổ sung hoặc thảo dược đang dùng để họ có thể cân nhắc về việc để bạn tiếp tục sử dụng hoặc ngưng.

Thói quen sống

Thói quen sinh hoạt hàng ngày có thể khiến bạn khó kiểm soát tình trạng tăng huyết áp. Những thói quen không lành mạnh sẽ khiến thuốc điều trị tăng huyết áp mất tác dụng, chẳng hạn như:

  • Uống thuốc không đều đặn hoặc quên uống thuốc: tăng huyết áp gần như không khiến cơ thể khó chịu nên bạn có thể nhầm lẫn bản thân vẫn ổn và không cần dùng thuốc.
  • Hấp thụ nhiều natri (muối): natri là nguyên nhân hàng đầu gây tăng huyết áp. Bạn có thể vô tình hấp thụ một lượng lớn muối từ những thực phẩm chế biến sẵn hoặc thức ăn nhanh.
  • Hút thuốc lá thường xuyên: các hoạt chất trong thuốc lá cũng như khói thuốc khiến động mạch thu hẹp và xơ vữa, lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng huyết áp cao.
  • Hầu như không hoạt động thể dục thể thao: việc vận động thể chất hỗ trợ cải thiện sức khỏe của tim, giúp tim không phải hoạt động quá sức nhưng vẫn bơm máu đều đặn đến tất cả cơ quan khác.
  • Sử dụng quá nhiều thức uống chứa cồn như bia, rượu: rượu vang đỏ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nhưng nếu hấp thụ một lượng lớn thường xuyên sẽ gây phản tác dụng.

Tăng huyết áp kháng trị 3

Hội chứng tăng huyết áp áo choàng trắng

Một số người cảm thấy bồn chồn, lo lắng ngay khi vừa bước chân vào phòng khám của bác sĩ, khiến huyết áp của họ tăng bất thường. Do đó, nếu bác sĩ nghi ngờ người bệnh gặp phải hội chứng này, họ sẽ thay đổi biện pháp chẩn đoán khác, chẳng hạn như hướng dẫn bạn tự kiểm tra huyết áp tại nhà bằng thiết bị đặc hiệu.

Động mạch co cứng

Một số bác sĩ xem hình thức tăng huyết áp kháng trị giả thực chất là do các động mạch ở cánh tay bị cứng lại, ngăn cản thiết bị đo huyết áp đưa ra kết quả chính xác nhất. Nếu nghi ngờ khả năng này, các chuyên gia có thể xem xét về việc thay đổi biện pháp đo huyết áp.

Kỹ thuật đo lường có vấn đề

Trong một vài trường hợp hy hữu, huyết áp có thể không được đo chính xác do thiết bị đặc hiệu đã không được hiệu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ cung cấp lại cho bạn một thiết bị khác đã được chứng nhận hiệu chuẩn đúng theo chỉ định y tế.

Việc chẩn đoán tăng huyết áp kháng trị giả tương đối quan trọng. Các chuyên gia cần phân biệt nó với tình trạng tăng huyết áp kháng trị thật sự nhằm có biện pháp điều trị kịp thời.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Resistant Hypertension. https://www.hopkinsmedicine.org/healthlibrary/conditions/cardiovascular_diseases/resistant_hypertension_22,resistanthypertension. Ngày truy cập 11/03/2019.

Resistant Hypertension – High Blood Pressure That’s Hard to Treat. https://www.heart.org/en/health-topics/high-blood-pressure/the-facts-about-high-blood-pressure/resistant-hypertension–high-blood-pressure-thats-hard-to-treat. Ngày truy cập 11/03/2019.

Resistant hypertension: an approach to management in primary care. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4408700/. Ngày truy cập 11/03/2019.

Phiên bản hiện tại

15/11/2019

Tác giả: Ngọc Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Người bị bệnh động mạch vành nên ăn gì? | Hello Bacsi x SANOFI

Cao huyết áp sau phẫu thuật: nguyên nhân từ đâu?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 15/11/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo