backup og meta

Tại sao uống thuốc huyết áp rồi mà huyết áp vẫn tăng?

Tại sao uống thuốc huyết áp rồi mà huyết áp vẫn tăng?

Kiểm soát tốt huyết áp là một trong những cách hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc phải các biến cố tim mạch, nguy hiểm nhất là nhồi máu cơ tim, đột quỵ và bệnh thận mạn. Từ trước tới nay, bạn luôn tuân thủ việc uống thuốc theo đơn của bác sĩ và huyết áp vẫn duy trì trong khoảng ổn định. Tuy nhiên, gần đây, chỉ số huyết áp có khuynh hướng cao hơn dù bạn vẫn dùng thuốc đầy đủ. Bạn lo lắng không biết tại sao uống thuốc huyết áp rồi mà huyết áp vẫn tăng?

Vậy, nguyên nhân của tình trạng này có thể là gì? Hãy cùng Hello Bacsi điểm danh 7 lý do thường gặp tại sao uống thuốc huyết áp mà không hạ qua bài viết dưới đây.

1. Tại sao uống thuốc huyết áp rồi mà huyết áp vẫn tăng? Do ăn quá nhiều muối

Muối, hay đúng hơn là natri, làm cơ thể giữ nước, tăng thể tích trong lòng mạch và hệ quả là huyết áp tăng lên. Natri dư thừa có thể hiện diện ở bất cứ nơi nào trong chế độ ăn của bạn mà bạn không hề hay biết. Loại gia vị thông thường này không chỉ có trong muối ăn, mắm, nước tương, bột canh,… mà còn có ở:

  • Thực phẩm chế biến sẵn, đóng gói sẵn, đồ khô, thịt nguội, đồ hộp…
  • Một số loại rau làm muối chua, lên men
  • Đồ ăn nhanh
  • Bữa ăn ở hàng quán.

Điều bạn cần làm là hãy hạn chế lượng muối đưa vào cơ thể dưới 5g mỗi ngày bằng các mẹo sau đây:

  • Cố gắng tự nấu ăn tại nhà
  • Dành thời gian đọc các nhãn thực phẩm được đóng gói để xem chúng chứa bao nhiêu natri trong đó
  • Ưu tiên chọn thực phẩm tươi sống, chưa qua chế biến.
  • Ăn nhiều trái cây và rau quả tươi
  • Tránh thuốc lá vì hút thuốc ảnh hưởng đến vị giác nên người hút thuốc sẽ có xu hướng ăn mặn hơn bình thường.

2. Tại sao uống thuốc huyết áp rồi mà huyết áp vẫn tăng có thể do nạp quá nhiều caffein

Mức độ tác động của caffein đến chỉ số huyết áp ở từng người là không giống nhau, có người sẽ nhạy cảm hơn những người khác.

Bạn nên thử kiểm tra huyết áp khoảng 30 phút sau khi uống một tách cà phê, nước trà, nước tăng lực, nước ngọt có gas hoặc đồ uống khác có chứa caffeine. Nếu huyết áp của bạn tăng từ 5 đến 10 mmHg, bạn có thể mang cơ địa nhạy cảm với caffeine.

tại sao uống thuốc huyết áp rồi mà huyết áp vẫn tăng do caffein
Uống thuốc huyết áp rồi mà huyết áp vẫn tăng có thể do nạp quá nhiều caffein

3. Có một số vấn đề sức khỏe khác

Nếu gần đây bạn mắc thêm một trong số những tình trạng dưới đây thì rất có thể đó là lý do tại sao bạn đã uống thuốc huyết áp rồi mà huyết áp vẫn tăng:

  • Cường giáp
  • Chứng ngưng thở khi ngủ
  • Rối loạn chức năng thận 
  • Rối loạn chức năng tuyến thượng thận.
  • Sử dụng thuốc nội tiết ngoại sinh do điều trị bệnh, như thuốc kháng viêm, thuốc ngừa thai
  • Mất ngủ hoặc thường xuyên lo lắng, căng thẳng

Lúc này, tăng huyết áp là hiện tượng thứ phát. Bạn cần được tầm soát và điều trị ổn định các bệnh lý gây ra huyết áp cao thì các chỉ số sẽ mau chóng trở về mức ổn định.

4. Thời gian dùng thuốc chưa phù hợp

Nếu bạn đang được kê đơn 2 loại thuốc huyết áp, hãy thử hỏi bác sĩ xem có nên uống 1 loại vào buổi sáng và 1 loại vào buổi tối để nồng độ thuốc trong cơ thể được duy trì cả ngày lẫn đêm hay không. Đôi khi, chỉ cần như vậy, bạn có thể tạo ra sự khác biệt và không còn lo lắng tại sao uống thuốc huyết áp rồi mà huyết áp vẫn tăng.

5. Cơ thể cần thêm một loại thuốc huyết áp nữa

Bạn không nên lo lắng quá mức về việc uống nhiều thuốc huyết áp có sao không. Đôi khi, đến một thời điểm nhất định, những thuốc huyết áp hiện tại không còn đủ để giúp bạn kiểm soát huyết áp trong tương lai. Điều này là do quá trình lão hóa, thành mạch sẽ có khuynh hướng trở nên xơ cứng hơn, giảm khả năng đàn hồi. Đồng thời, người lớn tuổi cũng sẽ tăng nguy cơ mắc thêm các bệnh lý khác cũng làm tăng huyết áp, như hội chứng chuyển hóa hay bệnh thận mạn.

Chính vì vậy, bạn nên đi khám định kì để bác sĩ kiểm tra và cân nhắc xem có cần thêm thuốc khác hoặc đổi thuốc trong phác đồ điều trị hạ áp hay không.

tại sao uống thuốc huyết áp rồi mà huyết áp vẫn tăng do chưa đủ

6. Tại sao uống thuốc huyết áp rồi mà huyết áp vẫn tăng do tăng huyết áp kháng trị

Đây là tình trạng huyết áp cao không hạ dù đã điều trị bằng thuốc lợi tiểu và ít nhất 3 loại thuốc huyết áp khác. Những lý do hàng đầu dẫn tới tăng huyết áp kháng trị là ăn quá nhiều natri làm thuốc huyết áp kém hiệu quả, thiếu liều thuốc hay tự ý điều chỉnh liều thuốc huyết áp. Nguyên nhân khác bao gồm:

  • Tăng cân
  • Chứng ngưng thở khi ngủ
  • Uống quá nhiều rượu
  • Đau kéo dài
  • Xơ vữa động mạch
  • Tương tác thuốc
  • Tâm trạng hoảng loạn
  • Nồng độ hormone aldosterone cao khiến cơ thể giữ natri và nước
  • Vấn đề về thận
  • Ăn cam thảo đen.

7. Huyết áp cao uống thuốc không hạ do ảnh hưởng của các loại thuốc khác

Rất ít người biết rằng lý do tại sao uống thuốc huyết áp rồi mà huyết áp vẫn tăng có thể là do một số thuốc trị sốt, cảm, giảm đau,… thông thường. Cụ thể như sau:

Thuốc giảm đau

Một số thuốc giảm đau, kháng viêm khiến cơ thể giữ nước. Việc tích tụ nhiều chất lỏng trong cơ thể có thể dẫn tới vấn đề về thận và làm tăng huyết áp. Đó là:

  • Indomethacin
  • Aspirin (liều cao trong ngày), naproxen natri, ibuprofen
  • Piroxicam.

Lúc này, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về loại thuốc giảm đau nào tốt nhất trong trường hợp của mình. Nếu thực sự thuốc giảm đau đang dùng là nguyên nhân tại sao uống thuốc huyết áp rồi và huyết áp vẫn tăng thì bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn thay đổi lối sống, các biện pháp giảm đau tại chỗ không dùng thuốc và bổ sung thêm thuốc giảm đau khác để khắc phục.

Thuốc thông mũi trị cảm lạnh

Các thuốc thông mũi có cơ chế tác dụng là làm mạch máu co lại, đôi khi sẽ đem đến tác dụng phụ là làm tăng huyết áp. Ngoài ra, thuốc thông mũi còn có thể làm cho một số thuốc huyết áp giảm đi tác dụng. Đó là:

  • Pseudoephedrine
  • Phenylephrine

Hãy kiểm tra thông tin thuốc trị cảm lạnh, sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi hoặc thuốc dị ứng bạn đang dùng xem có 1 trong 2 thành phần này hay không. Nếu bạn bị tăng huyết áp, tốt nhất hãy tránh xa chúng và hỏi bác sĩ về loại thuốc khác phù hợp hơn cho người cao huyết áp.

Tránh thai bằng hormone

Hormone trong thuốc tránh thai và một số dụng cụ tránh thai có chứa hormone có thể làm tăng huyết áp bằng cách gây co mạch máu. Vậy nên, hầu hết các biện pháp tránh thai chứa hormone đều có cảnh báo tác dụng phụ làm tăng huyết áp. Nguy cơ cao huyết áp sẽ lớn hơn nếu bạn trên 35 tuổi, thừa cân hoặc hút thuốc lá.

Không phải ai cũng gặp tình trạng này nhưng nếu bạn lo lắng, hãy kiểm tra huyết áp ít nhất 6 tháng 1 lần. Nếu thực sự vấn đề là ở đây, bạn nên hỏi bác sĩ về một biện pháp ngừa thai khác không chứa hormone hoặc có liều estrogen thấp hơn.

tại sao uống thuốc huyết áp rồi mà huyết áp vẫn tăng do tác dụng phụ của thuốc tránh thai

Thuốc có chứa caffein

Ví dụ điển hình là một số thuốc có thành phần paracetamol có thể được bổ sung thêm caffein để tăng hiệu quả giảm đau. Điều này có thể là lý do tại sao uống thuốc huyết áp rồi mà huyết áp vẫn tăng.

Một số dược liệu hoặc thực phẩm chức năng

Các dược liệu hoặc thực phẩm chức năng có chứa chiết xuất dược liệu dưới đây có thể ảnh hưởng đến huyết áp và thuốc điều trị huyết áp cao:

  • Kim sa (Arnica montana)
  • Ma hoàng
  • Nhân sâm
  • Guarana
  • Cam thảo.

Bạn cần tránh các nhóm thành phần này. Vì vậy, luôn nói với bác sĩ khi muốn bổ sung bất kỳ thảo dược hoặc một loại thực phẩm chức năng nào để giảm thiểu nguy cơ tương tác thuốc có thể xảy ra.

Thuốc chống trầm cảm

Thuốc chống trầm cảm hoạt động bằng cách thay đổi phản ứng của cơ thể với các chất hóa học trong não ảnh hưởng đến tâm trạng. Những chất này cũng có thể làm tăng huyết áp. Đó là:

  • Thuốc ức chế monoamin oxydase
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng
  • Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc.

Nếu bạn dùng thuốc chống trầm cảm, hãy kiểm tra huyết áp thường xuyên. Nếu huyết áp của bạn tăng hoặc không được kiểm soát tốt, hãy hỏi bác sĩ về các loại thuốc an thần khác mà bạn có thể dùng để thay thế.

Ngoài ra, các chất kích thích, ma túy tổng hợp cũng làm tăng huyết áp và bạn cần tuyệt đối tránh xa chúng. 

Cuối cùng, thuốc ức chế miễn dịch hay một số thuốc sử dụng trong liệu pháp sinh học cũng có thể làm tăng huyết áp. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trong các trường hợp này nhé!

Khi đã biết tại sao uống thuốc huyết áp rồi mà huyết áp vẫn tăng, bên cạnh việc điều chỉnh thuốc hạ áp và các bệnh lý đi kèm, bạn cũng nên tích cực thực hiện thay đổi lối sống bằng cách:
  • Ăn nhiều rau củ quả hơn, ít muối trong gia vị nêm nếm
  • Ngủ đủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm, hạn chế căng thẳng
  • Hạn chế uống rượu, cà phê và các chất kích thích
  • Tránh hút thuốc lá và tiếp xúc khói thuốc
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh
  • Tập thể dục hằng ngày.
Nếu huyết áp vẫn không giảm hoặc bạn thấy nguyên nhân không phải do lối sống đơn thuần, bạn nên thăm khám thường xuyên hơn để bác sĩ kiểm tra và có phương pháp điều trị tăng cường hơn trong việc giữ ổn định huyết áp.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

On The Rise: 5 Reasons Your Blood Pressure Medication Isn’t Working https://www.urmc.rochester.edu/news/story/on-the-rise-5-reasons-your-blood-pressure-medication-isnt-working Ngày truy cập: 07/03/2024

Medications and supplements that can raise your blood pressure https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-pressure/in-depth/blood-pressure/art-20045245 Ngày truy cập: 07/03/2024

What to do when your blood pressure won’t go down https://www.health.harvard.edu/staying-healthy/what-to-do-when-your-blood-pressure-wont-go-down Ngày truy cập: 07/03/2024

High Blood Pressure? What To Do When Your Medication Isn’t Enough https://health.clevelandclinic.org/high-blood-pressure-what-to-do-when-your-medication-isnt-enough Ngày truy cập: 07/03/2024

Resistant Hypertension – High Blood Pressure That’s Hard to Treat https://www.heart.org/en/health-topics/high-blood-pressure/the-facts-about-high-blood-pressure/resistant-hypertension–high-blood-pressure-thats-hard-to-treat Ngày truy cập: 07/03/2024

Phiên bản hiện tại

06/12/2024

Tác giả: Lương Lan

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Cập nhật bởi: SEO Team


Bài viết liên quan

Tên các loại thuốc hạ huyết áp và thông tin chi tiết về từng nhóm thuốc

Những món ăn làm tăng huyết áp bạn nên biết


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 06/12/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo