Huyết áp sẽ không ổn định mà dao động trong suốt cả ngày. Thông thường, huyết áp sẽ giảm vào chiều tối và ban đêm khi đang ngủ, sau đó, bắt đầu tăng lại vài giờ trước khi thức dậy. Tuy nhiên, một số người có thể bị huyết áp tăng về đêm cho đến sáng sớm. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu cụ thể nhé!
Huyết áp tăng về đêm là tình trạng gì?
Thông thường, chỉ số huyết áp tâm thu vào ban đêm sẽ thấp hơn ban ngày khoảng từ 10mmHg đến 15mmHg. Nguyên nhân là do lúc này cơ thể đang trong trạng thái hoàn toàn nghỉ ngơi, hệ thần kinh giao cảm cũng giảm hoạt động, tim không đập mạnh làm cho tốc độ dòng chảy của máu cũng giảm dần, khiến huyết áp sẽ có khuynh hướng giảm. Thế nhưng, một số người lại bị huyết áp tăng cao về đêm.
Huyết áp tăng về đêm là tình trạng chỉ số huyết áp tâm thu tăng từ 20 mmHg trở lên vào ban đêm so với chỉ số huyết áp tâm thu vào ban ngày. Tăng huyết áp về đêm có thể xảy ra ngay cả ở những người có huyết áp ban ngày ở mức bình thường.
Huyết áp tăng về đêm có nguy hiểm không?
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Circulation của Hiệp hội Tim mạch Mỹ cho biết những người bị tăng huyết áp về đêm sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch, bao gồm tăng nguy cơ đột quỵ, bệnh mạch vành và suy tim.
Huyết áp tăng về đêm có nguy hiểm không? Tình trạng này luôn tiềm ẩn mối nguy hiểm bởi huyết áp cao khi người bệnh đang ngủ nên sẽ khó nhận biết các triệu chứng. Nhiều bệnh nhân bị tăng huyết áp về đêm mà không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể gây ra các vấn đề về tim mạch, rối loạn chức năng nhận thức, bệnh thận mãn tính, té ngã, đột quỵ và tổn thương các cơ quan.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp biểu hiện tăng huyết áp về đêm xảy ra đột ngột, không được can thiệp hay cấp cứu kịp thời cũng có thể dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân khiến huyết áp cao vào ban đêm
Tại sao huyết áp tăng vào ban đêm? Huyết áp tăng về đêm có thể là do một số nguyên nhân sau đây:
- Huyết áp cao vào ban ngày và không được kiểm soát tốt
- Không dùng thuốc điều trị huyết áp cao theo chỉ định
- Thuốc hạ huyết áp không hiệu quả do thời gian tác dụng ngắn
- Chứng ngưng thở khi ngủ
- Bệnh thận
- Bệnh tiểu đường
- Bệnh tuyến giáp
- Bệnh tim
- Rối loạn hệ thần kinh tự chủ
- Bệnh tim mạch
- Tuổi cao
- Chế độ ăn uống kém lành mạnh với nhiều muối
- Lười vận động
- Mất ngủ
- Làm việc vào ban đêm
- Hút thuốc lá
- Thừa cân, béo phì
- Căng thẳng quá độ.
Làm sao để điều trị huyết áp cao vào ban đêm?
Việc chẩn đoán tình trạng bệnh huyết áp tăng về đêm có thể gặp khó khăn, vì việc kiểm tra bằng cách đo huyết áp định kỳ hầu như chỉ luôn được quan tâm và thực hiện vào ban ngày. Cách duy nhất để biết huyết áp có tăng vào ban đêm hay không là đeo thiết bị theo dõi huyết áp lưu động trong 24 đến 48 giờ và đo huyết áp thường xuyên trong suốt cả ngày lẫn đêm.
Bác sĩ có thể cho bạn biết tình trạng huyết áp tăng về đêm có cần điều trị hay không. Các cách chữa cao huyết áp tại nhà có thể được chỉ định bao gồm:
- Dùng thuốc hạ huyết áp tác dụng kéo dài theo chỉ định
- Uống thuốc hạ huyết áp trước khi đi ngủ theo chỉ định của bác sĩ
- Thư giãn và giảm căng thẳng
- Ngủ đủ giấc, tránh thức khuya và hạn chế làm việc vào ban đêm
- Giảm muối trong chế độ ăn uống
- Hạn chế rượu bia và bỏ thuốc lá
- Tập thể dục thường xuyên
- Điều trị tốt các bệnh lý nền đang mắc phải như chứng ngưng thở khi ngủ, mất ngủ, tiểu đường… có thể là nguyên nhân làm tăng huyết áp về đêm.
Tình trạng huyết áp tăng về đêm có thể khiến bệnh nhân đối diện với những biến chứng nguy hiểm về sức khỏe. Vì vậy, cần nhận biết và điều trị sớm để phòng ngừa những rủi ro ngoài ý muốn. Hãy thăm khám sớm khi xuất hiện những dấu hiệu tăng huyết áp, đặc biệt là khi tình trạng này có thể làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn cũng như tiềm ẩn những biến cố tim mạch nghiêm trọng trong tương lai.
[embed-health-tool-heart-rate]