backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Hỏi đáp bác sĩ: Tăng huyết áp về chiều có nguy hiểm không?

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương · Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 22/06/2022

    Hỏi đáp bác sĩ: Tăng huyết áp về chiều có nguy hiểm không?

    Bạn đọc hỏi:

    Chào bác sĩ, tôi năm nay 55 tuổi và bị tăng huyết áp đã 10 năm. Thời gian gần đây, tôi để ý thấy huyết áp của tôi thường tăng về chiều, khoảng 150/80mmHg – 160/80 mmHg mặc dù tôi vẫn uống thuốc đều đặn. Xin hỏi bác sĩ, tăng huyết áp về chiều như vậy có nguy hiểm không? Và tôi cần làm gì để giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả? Cảm ơn bác sĩ nhiều.

    Cô Minh (55 tuổi).

    Bác sĩ trả lời:

    Chào bạn,

    – Với câu hỏi Tăng huyết áp về chiều có nguy hiểm không, bác sĩ Ngô Võ Ngọc Hương, chuyên khoa Tim mạch, đang công tác tại Bệnh viện Nhân dân 115 giải đáp như sau:

    Vì sao bạn bị tăng huyết áp về chiều?

    Theo sinh lý bình thường của cơ thể, huyết áp có khuynh hướng giảm thấp vào ban đêm, thấp nhất là khi bạn đang trong giấc ngủ sâu. Huyết áp bắt đầu tăng khi bạn thức dậy, tăng dần khi ban ngày hoạt động, cao nhất vào giữa trưa và duy trì ở mức cao cho đến buổi chiều trước khi giảm dần vào buổi tối. Sự dao động của huyết áp là do bị ảnh hưởng bởi nhịp sinh học cùng với các yếu tố khác, như tập thể dục, đồ ăn thức uống và căng thẳng. Những người làm việc theo ca đêm hay thường xuyên thức khuya làm việc, sống lệch múi giờ… có thể có mô hình dao động huyết áp đảo ngược, khác biệt với người sống xung quanh. Mặt khác, so với người bình thường, những người đang điều trị bệnh tăng huyết áp thường trải qua những dao động huyết áp rộng hơn, mặc dù nhìn chung huyết áp vẫn thường ổn định khi điều trị. 

    Bên cạnh đó, để có một con số đo huyết áp của bản thân tại nhà tin tưởng, người bệnh phải biết cách đo. Cần tránh những thứ có thể làm tăng huyết áp trong thời gian ngắn. Không đo huyết áp trong vòng nửa giờ sau khi ăn, hút thuốc, uống đồ uống có chứa caffein như cà phê hoặc tập thể dục. Tất cả những điều này đều có thể làm tăng huyết áp tạm thời. Hơn nữa, nếu cảm thấy cần đi vệ sinh, hãy giải quyết trước khi đo huyết áp. Đồng thời, khi có việc lo lắng hoặc không thoải mái, huyết áp cũng sẽ tăng tạm thời.

    Khi thực hiện đo huyết áp, bạn nên mặc quần áo rộng rãi. Mặc một chiếc áo phông ngắn tay hoặc thứ gì đó có tay áo sẽ có thể khiến chỉ số huyết áp đẩy lên dễ dàng. Mọi người nên nghỉ ngơi trong 5 – 10 phút trước khi đo bằng cách ngồi xuống một nơi nào đó yên tĩnh, lý tưởng nhất là bàn làm việc hay nằm trên ghế sofa, giường ngủ. Dù nằm hay ngồi, nên đặt cánh tay trên một bề mặt vững chắc, đảm bảo ở cùng mức với tim, hoàn toàn thư giãn, không bị căng cơ và giữ nguyên tư thế này trong khi đo huyết áp.

    Trong mỗi lần lấy chỉ số huyết áp, nên thực hiện ít nhất hai lần đo, cách nhau 15 phút và lấy số trung bình. 

    Quay trở lại với trường hợp của Cô Minh, đầu tiên cần đảm bảo con số huyết áp vào buổi chiều đo được “khoảng 150/80mmHg – 160/80 mmHg” là được thực hiện đúng cách và tin tưởng. Nếu như vậy, điều trị huyết áp của Cô Minh có thể được nhận định là chưa đạt mục tiêu. Tùy vào từng trường hợp và bệnh lý đi kèm, huyết áp mục tiêu thông thường cần đạt nên dưới 130 mmHg đối với huyết áp tâm thu và 80 mmHg đối với huyết áp tâm trương.

    tăng huyết áp về chiều

    Huyết áp tăng về chiều có nguy hiểm không? Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

    Khi huyết áp tăng cao vào buổi chiều và nếu tiếp tục không được kiểm soát vào ban đêm hay trong khi ngủ, người bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn. Thậm chí, một số người có thể bị tăng huyết áp trong khi ngủ say, điều này có thể gây ra hậu quả chết người, như đột quỵ nhồi máu não, xuất huyết não và nhồi máu cơ tim cấp. Điều đáng sợ là tình trạng tăng huyết áp về chiều và ban đêm có thể xảy ra ngay cả ở những người có chỉ số huyết áp ban ngày bình thường, ngay trong những lần thăm khám. Đây chính là lý do vì sao tình trạng tăng huyết về chiều lại gây nguy hiểm nhưng lại dễ bị bỏ sót.

    Bạn có thể xem thêm: Biểu hiện tăng huyết áp: Không phải ai cũng biết rõ

    Như vậy, mỗi bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp thường được khuyến khích và hướng dẫn cách thức tự theo dõi huyết áp cho chính mình tại nhà. Việc theo dõi các chỉ số huyết áp tại bất kỳ thời điểm nào trong ngày có thể giúp quá trình kiểm soát huyết áp, cũng như phòng tránh biến chứng của bệnh hiệu quả hơn.   

    Trong trường hợp của Cô Minh, khi chỉ số huyết áp không đạt ngưỡng kiểm soát tốt và bị tăng huyết áp về chiều, cần báo lại với bác sĩ về thuốc để được điều chỉnh sớm các loại thuốc đang dùng, hoặc phối hợp thêm một nhóm thuốc hạ áp khác. Tuy nhiên, nếu chỉ số huyết áp trên 180mmHg đối với huyết áp tâm thu và/hoặc 120mmHg đối với huyết áp tâm trương, bất kể đo lúc nào, đây là tình trạng tăng huyết áp cấp tính nguy hiểm và người bệnh cần được đưa đến trung tâm y tế gần nhất để được can thiệp hạ áp phù hợp kịp thời.

    Làm sao để kiểm soát huyết áp hiệu quả cả ngày?

    Tăng huyết áp về chiều cực kỳ nguy hiểm đối với người bệnh, vậy làm sao để kiểm soát huyết áp hiệu quả cả ngày? Để kiểm soát huyết áp hiệu quả với các chỉ số huyết áp đo được trong cả ngày đều đạt mục tiêu, điều kiện đầu kiên là người bệnh cần tuân thủ đúng các thuốc hạ áp được chỉ định. Áp dụng các cách thức để nhắc nhở bản thân về việc dùng thuốc hằng ngày và đúng giờ, tránh quên thuốc hay uống thuốc muộn. 

    Bạn có thể xem thêm: Dinh dưỡng cho người tăng huyết áp: Những điều cần lưu ý

    Ngoài ra, để kiểm soát huyết áp hiệu quả cả ngày, người bệnh có thể tham khảo thêm các lời khuyên sau đây:

    1. Giảm cân

    Mọi người đều sẽ giảm được huyết áp tâm thu của mình từ 5 – 20mmHg cho mỗi 10kg cân nặng giảm được. Trên thực tế, nếu thừa cân, giảm ít nhất 5kg cân nặng cũng có thể giúp giảm huyết áp hiệu quả. Mục tiêu giảm cân là để chỉ số khối cơ thể (BMI) trong khoảng từ 18,5 – 24,9.

    Bên cạnh đó, giảm cân cũng sẽ giúp giảm chứng ngưng thở khi ngủ – khi hơi thở bị ngừng lại nhiều lần trong khi ngủ. Tình trạng này cũng có thể làm tăng huyết áp và khiến tim đập bất thường. Như vậy, giảm cân từ từ với sự kết hợp đều đặn giữa ăn uống lành mạnh và tập thể dục là một trong các biện pháp kiểm soát huyết áp ổn định.

    1. Giảm lượng natri tiêu thụ 

    Lượng natri trong máu cũng là một trong các yếu tố gây tăng huyết áp. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo những người bị tăng huyết áp nên ăn ít hơn 1.500mg natri mỗi ngày, tương đương với khoảng 6g hay một thìa cafe muối ăn. 

    kiểm soát tăng huyết áp về chiều

    Để thực hiện được điều này, mỗi người cần biết cách kiểm tra nhãn thực phẩm để xem lượng muối nhận được bao nhiêu. Nếu chủ động cắt giảm muối ăn dần dần, mỗi người bệnh sẽ nhận ra sự khác biệt nhanh chóng trong khả năng giữ ổn định các chỉ số đo huyết áp.

    Các cách để hạn chế muối ăn:

    • Nên ăn và chuẩn bị thức ăn ở nhà, thay vì dùng thức ăn nhanh hay ăn ở hàng quán, nhà hàng
    • Sử dụng nhiều gia vị, các loại thảo mộc khác thay thế cho muối
    • Ăn nhiều thực phẩm chứa kali hơn, có trong chuối, nho khô, cá ngừ và sữa…, giúp chuyển natri ra khỏi cơ thể 
    • Tránh dùng thực phẩm đóng gói, đóng hộp, chế biến sẵn
    • Rửa sạch thực phẩm đóng hộp mặn như đậu hoặc cá ngừ trước khi sử dụng
    1. Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh

    Các loại thực phẩm được cho là có thể làm tăng huyết áp, trong đó có tăng huyết áp về chiều và nên hạn chế, bao gồm:

    • Thực phẩm có lượng chất béo bão hòa cao
    • Thực phẩm chế biến sẵn
    • Đường
    • Muối ăn
    • Carbohydrate
    • Caffeine
    • Rượu bia hay thức uống có cồn

    Chế độ ăn uống khoa học được khuyến cáo giúp ổn định huyết áp:

    • Trái cây và rau quả, đặc biệt là quả mọng, có nhiều chất chống oxy hóa
    • Các loại ngũ cốc
    • Thực phẩm giàu protein, như các loại hạt không ướp muối
    • Thực phẩm giàu kali và magiê, như rau lá xanh hoặc đậu
    • Thực phẩm giàu canxi, như sữa chua ít đường
    1. Tập thể dục thường xuyên

    Tập thể dục là “bạn tri kỷ” của việc ăn uống đúng cách trong duy trì sức khỏe cũng như kiểm soát huyết áp. Hơn nữa, mọi người cũng có nhiều khả năng giảm cân hiệu quả hơn nếu tập thể dục và tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh. 

    Các khuyến nghị chính thức kêu gọi mọi người tập thể dục ít nhất nửa giờ hầu hết các ngày trong tuần. Hãy nhớ rằng tập thể dục không chỉ là đến phòng tập thể dục. Đó có thể là làm vườn, rửa xe hoặc làm việc nhà, những hoạt động làm nhịp tim tăng lên, mà không chỉ khu trú trong các hoạt động thể dục – như đi bộ, khiêu vũ, chạy bộ, đạp xe và bơi lội.

    1. Hạn chế uống rượu một lần mỗi ngày

    Uống rượu bia quá nhiều, quá thường xuyên có thể làm tăng huyết áp, vì vậy hãy kiểm soát việc tiêu thụ các thức uống có cồn một cách điều độ.

    1. Từ bỏ hút thuốc

    Cai thuốc lá có lẽ là điều tốt nhất người bệnh có thể làm cho trái tim và cũng tốt cho sức khỏe nói chung. 

    Các chất độc trong khói thuốc lá không chỉ gây hại cho bản thân người hút về lâu dài mà còn khiến huyết áp tăng lên mỗi khi hút thuốc. Hút thuốc lá cũng ảnh hưởng cả những người xung quanh. Do đó, cai thuốc lá sẽ giúp hạ huyết áp đạt mục tiêu và kéo dài tuổi thọ. 

    1. Có được giấc ngủ ngon

    huyết áp tăng về chiều tối

    Giống như một số chức năng khác của cơ thể, chẳng hạn như nhịp tim và nhịp thở, huyết áp sẽ có khuynh hướng giảm khi đang ngủ. Nếu không ngủ đủ giấc, điều đó có nghĩa là huyết áp tăng về chiều sẽ ở mức cao trong thời gian dài hơn. Mặt khác, cũng có thể việc thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát hormone căng thẳng của cơ thể và điều đó cũng có thể đóng một vai trò nào đó khiến huyết áp khó kiểm soát.

    Để có một giấc ngủ ngon, tốt nhất mỗi người nên tuân thủ một lịch trình đều đặn, tập thể dục đầu ngày và không ăn hoặc uống quá gần giờ đi ngủ.

    1. Giải tỏa căng thẳng 

    Giảm căng thẳng sẽ giúp giữ huyết áp ở mức bình thường. Hãy thử các bài tập thể dục tâm trí như yoga và thái cực quyền. Thiền, cũng như nghe nhạc êm dịu hoặc sáng tác nhạc, cũng có thể giúp giảm căng thẳng. Một nghiên cứu cho thấy chơi nhạc có những lợi ích tương tự như hoạt động thể chất.

    Ngồi dưới ánh nắng mặt trời vào buổi sáng sớm có thể thúc đẩy endorphin (các hóa chất tạo cảm giác dễ chịu) và giảm huyết áp.

    Hy vọng các lời khuyên trên sẽ giúp Cô Minh hiểu được tình trạng huyết áp tăng về chiều của bản thân mình và giúp giữ huyết áp ổn định hơn. 

    Trân trọng!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

    Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


    Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 22/06/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo