Huyết áp cao vẫn thường được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” bởi không có triệu chứng rõ ràng, lặng lẽ gây tổn thương mạch máu và kéo theo nhiều hậu quả nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, đột quỵ, bệnh thận mạn, thậm chí là tử vong. Vì vậy, nhiều người lo lắng không biết bệnh cao huyết áp có chữa khỏi được không?
Cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp trong bài viết ngay sau đây nhé!
Bệnh cao huyết áp có chữa khỏi được không?
Bệnh cao huyết áp là tình trạng huyết áp tăng cao bất thường. Cụ thể là khi huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg. Một số triệu chứng của bệnh cao huyết áp bao gồm: đau nhức đầu vào sáng sớm, chảy máu cam, nhịp tim nhanh, thay đổi thị lực, ù tai, mệt mỏi, buồn nôn, nôn, đau tức ngực, hồi hộp, run rẩy, lú lẫn,…
Bệnh cao huyết áp có chữa được không tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh là gì. Cụ thể có 2 loại tăng huyết áp như sau:
Tăng huyết áp nguyên phát (tăng huyết áp vô căn)
Hơn 90% trường hợp không xác định được nguyên nhân gây huyết áp cao, gọi là tăng huyết áp nguyên phát. Dạng này có xu hướng phát triển dần dần trong nhiều năm do lão hóa, môi trường và lối sống kém lành mạnh. Mảng bám tích tụ trong động mạch, gây xơ cứng động mạch, xơ vữa động mạch theo thời gian cũng làm tăng nguy cơ cao huyết áp.
Bệnh cao huyết áp có chữa khỏi được không nếu là trường hợp vô căn thì câu trả lời là KHÔNG THỂ chữa khỏi được hoàn toàn và bệnh nhân sẽ cần theo dõi, điều trị trong suốt quãng đời còn lại. Tuy nhiên, một số người có thể giữ huyết áp của họ ổn định bằng cách thay đổi lối sống lành mạnh hơn, trong khi một số người phải dùng thuốc.
Tăng huyết áp thứ phát
Loại huyết áp cao này ít gặp hơn và có nguồn gốc là do một số vấn đề sức khỏe gây ra, bao gồm các bệnh lý tiềm ẩn hoặc do thuốc. Bao gồm:
- Khối u tuyến thượng thận
- Các vấn đề về mạch máu bẩm sinh như hẹp eo động mạch chủ
- Một số loại thuốc như thuốc ho, thuốc trị cảm lạnh, một số thuốc giảm đau, thuốc tránh thai và các loại thuốc kê đơn khác
- Chất kích thích, chẳng hạn như cocaine và amphetamine
- Bệnh thận
- Hẹp động mạch thận
- Ngưng thở khi ngủ
- Các vấn đề về tuyến giáp như cường giáp hoặc suy giáp
- Stress
- Thừa cân hoặc béo phì
- Lười vận động thể chất
- Hút thuốc lá hoặc uống quá nhiều rượu
- Tăng huyết áp áo choàng trắng.
Bệnh cao huyết áp có chữa khỏi được không nếu xác định được nguyên nhân? Nếu bạn bị cao huyết áp thứ phát, nhiều trường hợp huyết áp có thể sẽ giảm xuống sau khi điều trị thành công nguyên nhân gây ra nó. Chẳng hạn như nếu một loại thuốc có tác dụng phụ là gây ra huyết áp cao, việc chuyển sang một loại thuốc khác có thể làm giảm huyết áp.
Bệnh cao huyết áp có chữa khỏi được không? Các phương pháp giúp điều trị huyết áp cao
Hiểu rõ vấn đề bệnh cao huyết áp có chữa khỏi được không, bạn cũng nên biết rằng khi đã mắc bệnh này, hãy tập trung vào mục tiêu kiểm soát huyết áp, ngăn ngừa biến chứng và bảo vệ sức khỏe tim mạch nói chung.
Các biện pháp bao gồm thay đổi lối sống lành mạnh và tuân thủ việc dùng thuốc hạ huyết áp hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ. Những bước quan trọng này góp phần giảm nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, xuất huyết não, đột quỵ, suy tim, bệnh thận, giảm thị lực, bệnh động mạch ngoại vi, rối loạn chức năng tình dục.
Thay đổi lối sống
Nếu cao huyết áp ở mức độ nhẹ, bạn có thể kiểm soát được mức huyết áp mục tiêu với các hướng dẫn sau; đồng thời ngăn ngừa, trì hoãn hoặc giảm nhu cầu dùng thuốc. Bao gồm:
- Giảm cân lành mạnh nếu thừa cân
- Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày dưới sự cho phép của bác sĩ
- Ăn một chế độ dinh dưỡng với ít chất béo, ít muối và ít cholesterol
- Ăn các loại thực phẩm lành mạnh như ngũ cốc, trái cây, rau xanh, cá và các sản phẩm từ sữa ít béo
- Hạn chế uống rượu, không quá hai ly mỗi ngày đối với nam giới và một ly mỗi ngày đối với phụ nữ
- Bỏ thói quen hút thuốc lá bởi hút thuốc làm tăng nguy cơ biến chứng như nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ
- Dành thời gian để thư giãn hợp lý, ngủ đủ giấc và tránh căng thẳng quá mức
- Theo dõi và tự đo huyết áp đúng cách tại nhà
- Thăm khám định kỳ với bác sĩ.
Dùng thuốc
Trong một số trường hợp nghiêm trọng, thay đổi lối sống là không đủ thì thuốc cũng có thể cần thiết để kiểm soát huyết áp cao. Có nhiều loại thuốc với các cơ chế khác nhau được chỉ định trong điều trị bệnh cao huyết áp. Thuốc có được khuyên dùng hay không và dùng loại nào sẽ tùy thuộc vào chỉ số huyết áp và nguy cơ phát triển các biến chứng cũng như các bệnh lý đi kèm.
Nếu huyết áp của bạn chỉ được kiểm soát bằng thuốc, bạn có thể sẽ phải dùng thuốc đều đặn mỗi ngày trong suốt quãng đời còn lại. Đôi khi, bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau. Uống tất cả các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ ngay cả khi bạn đã cảm thấy khỏe, huyết áp trở lại bình thường. Đừng tự ý ngừng dùng thuốc mà không hỏi ý kiến của bác sĩ.
Trong một số trường hợp, khi huyết áp về giá trị bình thường, bác sĩ sẽ giảm liều lượng thuốc và yêu cầu bệnh nhân uống duy trì, hiếm khi ngừng điều trị hoàn toàn.
Ngoài ra, bạn cũng nên báo cho bác sĩ biết về bất kỳ tác dụng phụ nào hoặc tác dụng quá mức của thuốc mà bạn đang gặp phải, chẳng hạn như hạ huyết áp, đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, đánh trống ngực, sưng mắt cá chân, các vấn đề về đời sống tình dục,… Bác sĩ có thể thay đổi liều lượng thuốc hoặc điều chỉnh sang một loại thuốc khác phù hợp hơn.
Hi vọng bài viết này đã giải đáp được cho bạn thắc mắc bệnh cao huyết áp có chữa khỏi được không để bạn chủ động thực hiện các biện pháp kiểm soát tốt bệnh lý mạn tính. Điều trị huyết áp cao là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì và thay đổi lối sống lành mạnh trở thành thói quen mỗi ngày. Có như vậy, bạn mới có thể thoải mái tự tin sống chung với bệnh một cách khỏe mạnh và lâu dài.
[embed-health-tool-heart-rate]