Bị nhói tim là tình trạng người bệnh cảm thấy đau đột ngột ở vùng ngực, thường là ngực trái. Hiện tượng đau nhói tim có thể là dấu hiệu cảnh báo tim bị tổn thương hoặc nhiều bệnh lý khác nhau. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu nguyên nhân gây nên tình trạng bị đau nhói tim trong bài viết này nhé!
Lâu lâu bị nhói tim là bị gì? Trong một số trường hợp, cơn đau nhói tim kéo dài vài giây, lâu lâu mới xuất hiện chỉ là tình trạng tạm thời do bạn hoạt động thể lực quá sức. Ngoài ra, hiện tượng lâu lâu bị nhói tim cũng có thể xảy ra do bạn căng thẳng hoặc lo lắng nhiều. Tình trạng này gây ra những ảnh hưởng nhất định đến thần kinh tim nói riêng, hệ thống thần kinh giao cảm nói chung khiến tim đập nhanh và tự nhiên bị nhói tim.
Nguyên nhân khiến bạn bị nhói tim
Nguyên nhân không phải bệnh lý
Thỉnh thoảng đau nhói ở tim là bệnh gì? Có nhiều nguyên nhân có thể khiến bạn thỉnh thoảng đau nhói ở tim và không phải nguyên nhân nào cũng xuất phát từ các vấn đề tim mạch. Cơn đau nhói tim đơn thuần chỉ kéo dài khoảng 30 giây, sau đó giảm dần nếu bạn hít thở đều và nghỉ ngơi, không đi kèm theo các triệu chứng khác hay nếu có thường không quá nghiêm trọng.
Dấu hiệu thỉnh thoảng bị nhói tim vài giây có thể do các nguyên nhân không phải bệnh lý như:
- Đau ngực sau khi hoạt động thể chất với cường độ cao (ví dụ như chơi thể thao, tập gym hoặc lao động chân tay nặng nhọc)
- Đau nhói vùng tim sau khi ăn quá no có thể do đầy hơi hoặc khó tiêu.
- Căng thẳng về mặt cảm xúc, lo lắng, hoảng loạn đôi khi gây nhói tim vài giây, tim đập nhanh, cảm giác đập hụt hoặc vã mồ hôi.
Nguyên nhân bệnh lý
Đau nhói tim là bệnh gì? Nếu bạn hay bị nhói tim thường xuyên và đi kèm với một số triệu chứng khác, bạn có thể đang gặp phải các tình trạng sức khỏe nguy hiểm. Hiện tượng đau nhói tim đôi khi là dấu hiệu cảnh báo tim bị tổn thương và cần được điều trị ngay. Theo đó, bạn có thể hay bị đau nhói ở tim nếu mắc các bệnh lý liên quan đến tim mạch như:
- Nhồi máu cơ tim: Cơn đau có đặc điểm đè nặng, bóp nghẹt có thể xuất hiện ở ngực trái ngay vị trí tim hoặc giữa ngực, đôi khi lan rộng lên cánh tay trái, bả vai, cổ, hàm và kèm theo một số triệu chứng khác như khó thở, tay chân lạnh, vã mồ hôi.
- Viêm màng ngoài tim thường gây ra các cơn đau đột ngột, nặng hơn khi bạn hít thở hoặc nằm xuống, đôi khi kèm theo sốt
- Bệnh mạch vành ổn định gây tình trạng đau thắt ngực khi gắng sức, thường ở bên trái và giảm khi nghỉ ngơi
- Bóc tách động mạch chủ
- Bệnh van tim như hẹp van tim
- Viêm cơ tim
Dù được xếp vào nhóm bệnh liên quan đến rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn thần kinh tim có thể gây ra các triệu chứng tương tự như các bệnh tim mạch, thường được nghi ngờ trên các đối tượng chưa tìm thấy yếu tố nguy cơ tim mạch rõ ràng. Ngoài ra, còn rất nhiều bệnh lý khác cũng có thể là nguyên nhân khiến tim bị nhói.
Dấu hiệu nguy hiểm đi kèm tình trạng đau nhói ở tim bạn cần cảnh giác
Thông thường, cơn đau tim không xuất phát từ các bệnh lý tim mạch thực thể sẽ biến mất sau khi bạn nghỉ ngơi hoặc điều chỉnh hoạt động. Nếu bị nhói tim kéo dài hơn 15 phút và kèm theo những triệu chứng sau, bạn cần đi cấp cứu ngay vì đó có thể là dấu hiệu của một cơn nhồi máu cơ tim thực sự:
- Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đổ mồ hôi
- Cơn đau lan đến cánh tay, vai, cổ hoặc hàm phía bên trái
- Khó thở, tức ngực dữ dội
- Ngất xỉu
Việc theo dõi diễn biến tình trạng bị nhói tim để xem nó có đi kèm với những dấu hiệu nguy hiểm khác hay không sẽ giúp bạn biết khi nào mình nên đến bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán và can thiệp y tế. Điều này cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc kịp thời nhận biết và điều trị những bệnh lý nghiêm trọng ở tim trong giai đoạn sớm.
Điều trị tình trạng bị nhói tim
Nhồi máu cơ tim là tình trạng cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Bác sĩ có thể sử dụng phương pháp nong động mạch và đặt giá đỡ (đặt stent) để tái lưu thông máu cho động mạch vành – động mạch nuôi tim. Nếu tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng thì phẫu thuật bắc cầu động mạch vành có thể cần thiết.
Tuy nhiên, tại những nơi không có trung tâm can thiệp nội mạch, bác sĩ cũng có thể sử dụng thuốc để làm tan cục máu đông trong động mạch nhằm tái lưu thông máu đến mô tim. Để hiệu quả hơn, các loại thuốc này phải được tiêm tĩnh mạch trong vòng 6 tiếng kể từ khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ khác cũng cần thiết với thuốc kháng tiểu cầu, ổn định huyết áp, giảm mỡ máu, đường huyết…
Ngoài nhồi máu cơ tim, tình trạng thỉnh thoảng đau nhói ở tim vẫn có thể là dấu hiệu cho thấy hệ tim mạch của bạn đang chịu một áp lực hoặc tổn thương nhất định. Nhói tim nên làm gì? Lúc này, bạn cần đến bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán chính xác nguyên nhân khiến tim hay bị nhói và đưa ra phương án can thiệp y tế kịp thời.
Thông thường, trong quá trình chẩn đoán, bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử của người bệnh. Sau đó, bác sĩ tiếp tục tìm hiểu tiền sử bệnh cá nhân, gia đình rồi chỉ định khám lâm sàng và làm một số xét nghiệm cần thiết.
Lựa chọn cách điều trị tình trạng bị nhói tim phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu bạn đã được chẩn đoán nguyên nhân chính xác, hãy tuân thủ theo đúng chỉ định điều trị của bác sĩ chuyên khoa.
Làm gì khi bị đau nhói tim? Người bệnh không nên coi thường triệu chứng tự nhiên bị đau nhói tim mà lơ là việc chữa trị trong giai đoạn đầu. Nếu tim đau nhói là triệu chứng của nhồi máu cơ tim, bóc tách động mạch hoặc viêm màng ngoài tim, tính mạng người bệnh có thể bị đe dọa nếu không được điều trị đúng cách và tích cực kịp thời.
[embed-health-tool-heart-rate]