backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Block nhánh trái và những thông tin bạn cần biết

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương · Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 3 tuần trước

Block nhánh trái và những thông tin bạn cần biết

Block nhánh trái xảy ra khi một trong hai nhánh xung điện điều khiển co bóp cơ tim bị gián đoạn một phần hoặc hoàn toàn. Đây là tình trạng phổ biến ở những bệnh nhân suy tim và hiếm khi xảy ra ở những người khỏe mạnh. Block nhánh trái trở nên nguy hiểm hơn nếu người bệnh có thêm các bệnh lý nền kèm theo. Vì vậy, việc hiểu rõ nguyên nhân và nhận biết các triệu chứng của block nhánh trái giúp xác định nguy cơ mắc bệnh, các giai đoạn bệnh và các biến chứng có thể gặp phải, từ đó xây dựng kế hoạch điều trị và phòng ngừa hiệu quả.

Tìm hiểu chung

Block nhánh trái là gì?

Block nhánh trái là tình trạng gián đoạn dẫn truyền một phần hoặc toàn bộ tín hiệu điện tim qua nhánh trái, gây ra rối loạn nhịp tim. Bình thường, tim truyền các xung điện đến các buồng dưới (tâm thất) để báo hiệu từng nhát co bóp đồng bộ. Điều này giúp cho hai tâm thất sẽ co bóp cùng lúc với nhau, tống máu vào hai vòng tuần hoàn.

Tuy nhiên, khi xảy ra block nhánh trái, xung điện đến tâm thất trái bị chặn một phần hoặc hoàn toàn. Do đó, tâm thất trái co bóp chậm hơn bình thường, dẫn đến sự co bóp không đồng bộ của tim. Hệ quả là hiệu suất tống máu của tim trái giảm, máu bơm vào vòng tuần hoàn chung bị trì trệ.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của block nhánh trái

triệu chứng block nhánh trái

Block nhánh trái có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, khi triệu chứng xuất hiện, người bệnh có thể có cảm giác:

  • Ngất xỉu, choáng váng
  • Tay chân lạnh, vã mồ hôi
  • Cảm giác như sắp ngất (tiền ngất).
  • Nhịp tim chậm
  • Huyết áp thấp hoặc tụt.

Nguyên nhân

Nguyên nhân block nhánh trái là gì?

Block nhánh trái có thể liên quan đến nhiều bệnh lý về tim, bao gồm:

  • Bệnh động mạch vành
  • Huyết áp cao
  • Bệnh van tim
  • Cơ tim phì đại hoặc dãn nở (bệnh cơ tim)
  • Nhiễm trùng tim (viêm cơ tim)
  • Sốc tim
  • Dị tật tim bẩm sinh
  • Một số loại thuốc điều trị rối loạn nhịp tim.

Những bệnh lý này đều có thể làm tăng nguy cơ bị block nhánh trái. Tuy nhiên, đôi khi block nhánh trái có thể xảy ra ngay cả khi tim không có vấn đề về cấu trúc.

Các chuyên gia đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra những trường hợp block nhánh trái này, nhưng chúng thường xuất hiện ở người lớn tuổi.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán block nhánh trái?

Block nhánh trái có thể được chẩn đoán bằng điện tâm đồ (ECG). ECG là phương pháp chẩn đoán các bệnh lý và vấn đề về điện học của tim thông qua các điện cực gắn vào da, ghi lại các xung điện truyền qua tim và hiển thị chúng dưới dạng hình ảnh.

Nếu bạn được chẩn đoán bị block nhánh trái, bác sĩ sẽ đề nghị kiểm tra thêm các tình trạng sức khỏe khác liên quan. Một số xét nghiệm có thể được chỉ định bao gồm:

  • Đo huyết áp để kiểm tra huyết áp cao hay thấp
  • Xét nghiệm máu để kiểm tra mức cholesterol, glucose, chức năng tuyến giáp
  • Siêu âm tim để kiểm tra lưu lượng máu trong tim và phát hiện bệnh tim cấu trúc
  • Khảo sát hình ảnh động mạch vành.
  • Đo holter ECG để phát hiện các rối loạn nhịp khác kèm theo.

Những phương pháp điều trị block nhánh trái

chẩn đoán và điều trị block nhánh trái

Nếu bạn không có triệu chứng hoặc bệnh lý tiềm ẩn, có thể không cần điều trị tình trạng block nhánh trái. Tuy nhiên, bạn có thể cần dùng thuốc để kiểm soát các vấn đề khác như huyết áp cao hoặc các triệu chứng suy tim nếu mắc phải.

Nếu bạn có các triệu chứng như ngất xỉu và kèm theo các rối loạn dẫn truyền điện học khác, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng máy tạo nhịp tim. Bác sĩ sẽ cấy thiết bị này dưới da ở ngực bạn. Dây kết nối với tim sẽ phát tín hiệu như đã cài đặt sẵn giúp tim đập ở tần số ổn định.

Nếu bạn bị suy tim, bác sĩ có thể đề xuất liệu pháp cấy máy tái đồng bộ tim (CRT). Loại máy này có thể vừa tạo nhịp tim và vừa giúp hai tâm thất co bóp cùng một lúc, cải thiện các triệu chứng như mệt mỏi và khó thở.

Bạn có thể quan tâm:

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa block nhánh trái?

Bạn có thể không phòng ngừa được hoàn toàn tình trạng block nhánh trái nhưng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh và các vấn đề tim mạch nói chung bằng cách duy trì lối sống lành mạnh như:

  • Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, tốt cho tim mạch
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Kiểm soát huyết áp nếu có tình trạng huyết áp cao
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh
  • Quản lý mức cholesterol và đường huyết hợp lý.

Block nhánh trái đôi khi không có triệu chứng rõ ràng; do đó, việc chẩn đoán cần dựa vào công cụ điện tâm đồ (ECG). Đây là một xét nghiệm thường quy để khảo sát chức năng tim mạch, dễ thực hiện, chi phí thấp và rất phổ biến. Nếu nghi ngờ có block nhánh trái, bác sĩ có thể yêu cầu thêm các xét nghiệm khác để kiểm tra những bệnh lý liên quan. Người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa tim mạch để được thăm khám và chẩn đoán chính xác, từ đó có hướng điều trị hiệu quả, phòng ngừa các biến cố nguy hiểm có thể xảy ra.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.



Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 3 tuần trước

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo