backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Tìm hiểu về mổ ruột thừa nội soi: Có đau không? Có nhanh bình phục?

Tham vấn y khoa: Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Khắc Đức · Khoa tiêu hóa · Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 09/11/2023

    Tìm hiểu về mổ ruột thừa nội soi: Có đau không? Có nhanh bình phục?

    Mổ ruột thừa nội soi là thủ thuật ngoại khoa nhằm loại bỏ đi ruột thừa bị viêm và được đánh giá cao bởi yếu tố an toàn, ít xâm lấn, thẩm mỹ lẫn thời gian phục hồi nhanh. 

    Nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, việc loại bỏ ruột thừa bị viêm trở nên an toàn hơn và ít đau đớn hơn cho người bệnh thông qua phương pháp mổ nội soi. Quá trình này không chỉ giúp xác định chính xác vị trí và tình trạng của ruột thừa bị viêm mà còn mang lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe và đẩy nhanh quá trình phục hồi sau mổ. Hãy cùng Hello Bacsi khám phá sâu hơn về quy trình mổ ruột thừa nội soi cũng như các lưu ý đi kèm để mau chóng hồi phục sức khỏe bạn nhé! 

    Mổ ruột thừa nội soi là gì? 

    Ruột thừa là một đoạn ruột hẹp, hình ngón tay nằm ở phía dưới manh tràng của ruột già, bên phải của ổ bụng. Nếu không được cắt bỏ kịp thời, ruột thừa bị viêm có thể vỡ ra và gây nhiễm trùng toàn bộ ổ bụng, gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc áp xe ruột thừa. 

    Mổ ruột thừa nội soi là một phương pháp phẫu thuật hiện đại để cắt bỏ ruột thừa bị viêm. Phẫu thuật ngoại khoa này chỉ tạo ra một vài vết rạch nhỏ trên bụng để đưa ống nội soi và các dụng cụ khác vào nhằm quan sát và cắt bỏ ruột thừa đang bị “hư hại”.  

    Phẫu thuật cắt ruột thừa nội soi được thực hiện như thế nào? 

    Quá trình phẫu thuật cắt ruột thừa nội soi thường được thực hiện theo trình tự dưới đây:

    • Bước 1: Người bệnh nằm trên bàn mổ theo tư thế nằm ngửa và được gây mê toàn thân để tiến hành phẫu thuật cắt ruột thừa nội soi.
    • Bước 2: Bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường 1 cm gần rốn của bạn và đưa dụng cụ gọi là trô-ca (Trocart) vào. Thiết bị này sẽ mở ra một lỗ để bác sĩ phẫu thuật có thể bơm đầy khí CO2 vào khoang bụng. Điều này tạo ra không gian để thực hiện thao tác.
    • Bước 3: Một camera nhỏ dùng trong y khoa được đưa qua ống trô-ca, có chức năng cho phép bác sĩ nhìn rõ các cơ quan bên trong.
    • Bước 4: Các dụng cụ phẫu thuật khác được đưa qua các vết rạch từ 0,5 – 1 cm để cắt bỏ ruột thừa bị viêm.
    • Bước 5: Bác sĩ lấy ruột thừa bị viêm ra khỏi ổ bụng qua một trong các lỗ rạch nhỏ. Sau đó sẽ tiến hành kiểm tra xem có biến chứng hay nhiễm trùng nào không.
    • Bước 6: Các dụng cụ phẫu thuật nội soi được rút ra khỏi ổ bụng, các lỗ rạch nhỏ được khâu lại. Bạn sẽ được chuyển sang phòng hồi sức để theo dõi tình trạng sức khỏe sau mổ.

    Thông thường, 1 ca phẫu thuật ruột thừa nội soi sẽ mất khoảng 1 giờ để hoàn thành hoặc lâu hơn nếu xuất hiện các biến chứng như ruột thừa viêm dính, áp xe khu trú, ruột thừa nằm ở vị trí giải phẫu bất thường.

    Ưu điểm của cắt ruột thừa nội soi

    mổ ruột thừa nội soi có đau không

    Phẫu thuật ruột thừa theo hình thức nội soi có những ưu điểm nổi bật như sau:

    • Ít gây đau đớn so với mổ hở thông thường
    • Thời gian phục hồi sau phẫu thuật ngắn
    • Vết rạch nhỏ, hạn chế để lại sẹo, tính thẩm mỹ cao
    • Độ an toàn cao, phù hợp cho mọi lứa tuổi và tình trạng bệnh, nhất là người cao tuổi, người thừa cân, béo phì.
    • Dễ dàng vệ sinh vết mổ.

    Các triệu chứng sau khi mổ?

    Bạn có thể gặp một số tác dụng phụ của phẫu thuật trong vài ngày sau khi tiến hành mổ nội soi, chẳng hạn như:
    • Buồn nôn
    • Táo bón
    • Chướng bụng
    • Các dấu hiệu trên sẽ hết khi bạn có thể trung tiện (đánh hơi)

    Biến chứng có thể gặp phải khi mổ ruột thừa nội soi 

    Nhìn chung, mổ ruột thừa nội soi là thủ thuật ngoại khoa. Các biến chứng của phẫu thuật cắt ruột thừa nội soi không xảy ra thường xuyên nhưng vẫn có thể bao gồm các tình trạng như sau:

    • Chảy máu từ động mạch ruột thừa do tuột clip kẹp mạch máu
    • Cục máu đông có thể xảy ra ở người cao tuổi
    • Các vấn đề về tim
    • Nhiễm trùng ở vùng phẫu thuật, áp xe tồn dư

    Sau phẫu thuật nếu tình trạng viêm ruột thừa nghiêm trọng tại thời điểm phẫu thuật có thể cần điều trị bổ sung.

    Hầu hết các biến chứng do cắt ruột thừa nội soi đều hiếm gặp, có nghĩa là chúng hầu như không bao giờ xảy ra. Nếu bạn lo lắng về bất kỳ biến chứng nào có thể xảy ra, hãy hỏi bác sĩ điều trị cho bạn.

    Chăm sóc sau mổ để nhanh hồi phục 

    Sau ca phẫu thuật nội soi ruột thừa, bạn có thể xuất viện về nhà sau khoảng 1-2 ngày. Sau khi xuất viện, hãy chăm sóc vết thương hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để nhanh chóng hồi phục, chẳng hạn như sau:

    • Về chế độ ăn uống: Sau khi mổ, bạn nên bắt đầu ăn nhẹ với các loại thực phẩm dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa… Sau đó, có thể dần dần bổ sung các loại thực phẩm khác như rau củ quả, thịt cá… Tránh ăn các loại thực phẩm khó tiêu, nhiều dầu mỡ hoặc cay nóng.
    • Về chế độ sinh hoạt: Bạn cần nghỉ ngơi đầy đủ, tránh vận động mạnh hoặc làm việc nặng. Có thể đi bộ nhẹ nhàng để giúp lưu thông máu.
    • Về vệ sinh vết mổ: Vệ sinh vết mổ bằng nước muối sinh lý 2 lần/ngày. Thay băng vết mổ theo chỉ định của bác sĩ.
    • Theo dõi các dấu hiệu bất thường: Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, như sốt, đau bụng dữ dội, chảy máu vết mổ… bạn không nên chủ quan mà cần liên hệ ngay với bác sĩ điều trị.

    Với sự chăm sóc y tế, người mổ nội soi ruột thừa có thể nhanh chóng hồi phục và trở lại sinh hoạt bình thường.

    Trên đây là những thông tin về chủ đề mổ ruột thừa nội soi cũng như những mặt tích cực mà phương pháp phẫu thuật này mang lại. Đừng quên truy cập Hello Bacsi thường xuyên để cập nhật thêm các thông tin hữu ích về chủ đề chăm sóc sức khỏe đường tiêu hóa bạn nhé! 

    Bài viết được tham vấn y khoa bởi Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn. Được xây dựng theo mô hình bệnh viện – khách sạn hiện đại, quy tụ đội ngũ y bác sĩ hàng đầu trong và ngoài nước, bệnh viện được khách hàng lựa chọn cho nhiều dịch vụ thăm khám như khám tổng quát, tầm soát ung thư, thai sản trọn gói,… vì chất lượng và sự tận tâm.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Khắc Đức

    Khoa tiêu hóa · Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức


    Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 09/11/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo