backup og meta

Viêm niêm mạc trực tràng

Viêm niêm mạc trực tràng

Tìm hiểu chung

Viêm niêm mạc trực tràng là gì?

Viêm niêm mạc trực tràng (gọi ngắn gọn là viêm trực tràng) là tình trạng lớp mô niêm mạc ở mặt trong trực tràng bị viêm do nhiều nguyên nhân. Trực tràng, hay ruột thẳng, là một đoạn cơ trơn ở phần cuối của đại tràng. Phân sẽ đi qua trực tràng trước khi ra khỏi cơ thể.

Viêm niêm mạc trực tràng có thể gây đau ở trực tràng, tiêu chảy, chảy máu và chảy dịch cũng như tạo ra cảm giác muốn đi vệ sinh liên tục. Các triệu chứng viêm này có thể xuất hiện trong thời gian ngắn hoặc kéo dài, trở thành mạn tính.

Việc phân loại và đánh giá mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cơ gây viêm. Trong mọi trường hợp, tình trạng này cần điều trị sớm để ngăn ngừa biến chứng xảy ra.

Bệnh thường gặp ở những người mắc bệnh viêm ruột (bệnh Crohn hay viêm loét đại tràng). Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục cũng có thể là một nguyên nhân. Tình trạng này còn có thể xảy ra như một tác dụng phụ của xạ trị trong điều trị một số bệnh ung thư.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng viêm niêm mạc trực tràng

Các dấu hiệu và triệu chứng viêm niêm mạc trực tràng có thể gồm:

  • Có cảm giác muốn đi vệ sinh liên tục, thường xuyên
  • Chảy máu trực tràng
  • Tiết chất nhầy từ trực tràng ra ngoài
  • Đau trực tràng
  • Đau bên trái bụng
  • Có cảm giác đầy, tức trực tràng
  • Tiêu chảy
  • Đau sau khi đi vệ sinh

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Nếu nhận thấy có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào của bệnh, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Nguyên nhân

Nguyên nhân viêm niêm mạc trực tràng là gì?

Một số bệnh và vấn đề sức khỏe có thể gây ra tình trạng này, bao gồm:

  • Bệnh viêm ruột. Khoảng 30% người bệnh viêm ruột (bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng) gặp phải tình trạng viêm niêm mạc trực tràng.
  • Nhiễm trùng. Nhiễm trùng lây qua đường tình dục, đặc biệt ở trường hợp quan hệ qua đường hậu môn, có khả năng gây ra viêm niêm mạc trực tràng. Các nhiễm trùng lây qua đường tình dục này gồm lậu, herpes sinh dục và chlamydia. Ngoài ra, nhiễm trùng liên quan đến thực phẩm như nhiễm khuẩn salmonella, shigella và campylobacter cũng có khả năng gây viêm niêm mạc trực tràng.
  • Xạ trị ung thư. Xạ trị trực tiếp vào vùng trực tràng hoặc các khu vực xung quanh, chẳng hạn như tuyến tiền liệt, cũng có thể gây viêm niêm mạc trực tràng. Tình trạng viêm do phóng xạ có khả năng bắt đầu trong quá trình điều trị bằng bức xạ và kéo dài một vài tháng sau khi điều trị xong. Đôi khi, tình trạng viêm xảy ra sau nhiều năm thực hiện xạ trị.
  • Kháng sinh. Đôi lúc kháng sinh được sử dụng trong điều trị nhiễm trùng tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi trong đường ruột, từ đó cho phép vi khuẩn Clostridium difficile có hại phát triển trong trực tràng gây viêm.
  • Viêm trực tràng do phẫu thuật. Một số phẫu thuật đại tràng làm con đường thải phân ra ngoài thay vì đi qua trực tràng thì được chuyển sang một lỗ mở (stoma) bên thành bụng có thể khiến bệnh nhân có thể bị viêm trực tràng.
  • Thực phẩm chứa protein gây viêm trực tràng. Điều này có thể xảy ra ở các trẻ sơ sinh uống sữa bò hay sữa đậu nành. Trẻ bú mẹ nhưng người mẹ đang ăn các sản phẩm từ sữa cũng có khả năng bị viêm niêm mạc trực tràng.
  • Viêm trực tràng do bạch cầu ái toan. Tình trạng này xảy ra khi một loại bạch cầu (bạch cầu ái toan) tích tụ trong niêm mạc trực tràng và chỉ ảnh hưởng đến trẻ dưới 2 tuổi.

Các yếu tố rủi ro gây viêm niêm mạc trực tràng

Các yếu tố rủi ro gây ra tình trạng viêm này bao gồm:

  • Quan hệ tình dục không an toàn. Quan hệ làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) cũng làm tăng khả năng bị viêm trực tràng. Nguy cơ này tăng lên nếu quan hệ không sử dụng bao cao su và một trong hai người đang bị bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Bệnh viêm ruột. Bệnh nhân viêm loét đại tràng hay Crohn cũng có nguy cơ cao bị viêm niêm mạc trực tràng.
  • Xạ trị ung thư. Xạ trị hướng vào trực tràng hay khu vực xung quanh (như điều trị ung thư trực tràng, buồng trứng hay tuyến tiền liệt) cũng khiến nguy cơ bị viêm niêm mạc trực tràng tăng lên.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán viêm niêm mạc trực tràng?

Những kỹ thuật y tế có thể được sử dụng trong chẩn đoán viêm niêm mạc trực tràng bao gồm:

  • Xét nghiệm máu. Xét nghiệm này giúp phát hiện tình trạng thiếu máu hay nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm phân. Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn tự thu thập mẫu phân để làm xét nghiệm, xác định xem tình trạng viêm trực tràng có phải do vi khuẩn gây ra hay không.
  • Nội soi phần cuối đại tràng. Khi đó, bác sĩ sử dụng một ống mảnh, mềm và có đèn chiếu sáng để kiểm tra phần cuối đại tràng cũng như trực tràng. Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể lấy một mẫu mô nhỏ (sinh thiết) để đem đi phân tích trong phòng thí nghiệm.
  • Nội soi toàn bộ đại tràng. Bác sĩ sẽ kiểm tra hết toàn bộ đại tràng nhờ vào một ống mảnh, linh hoạt và có gắn một camera nhỏ ở đầu luồn qua hậu môn. Sinh thiết cũng có khi được thực hiện trong quá trình này.
  • Các xét nghiệm xác định nhiễm trùng lây qua đường tình dục. Những xét nghiệm này bao gồm lấy mẫu dịch tiết từ trực tràng hoặc từ niệu đạo.

Những phương pháp điều trị viêm niêm mạc trực tràng

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản gây viêm.

Điều trị viêm do nhiễm trùng

Bác sĩ sẽ kê một số thuốc giúp điều trị nhiễm trùng, chẳng hạn như:

  • Kháng sinh. Đối với viêm trực tràng do vi khuẩn, bác sĩ có thể kê cho bạn một loại kháng sinh như doxycycline.
  • Kháng virus. Nếu viêm trực tràng là do virus gây ra, chẳng hạn như herpes sinh dục, bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng virus như acyclovir.

Điều trị viêm do xạ trị

Trường hợp viêm nhẹ do xạ trị có khi không cần điều trị. Trong trường hợp tình trạng viêm gây đau và chảy máu nhiều thì cần phải can thiệp y khoa. Bác sĩ thường lựa chọn một trong các phương án sau:

  • Sử dụng thuốc. Bạn có thể được cho sử dụng thuốc dưới dạng viên uống, thuốc đặt hay thụt rửa. Các thuốc sẽ giúp kiểm soát viêm và làm giảm bớt chảy máu, bao gồm sucralfate, mesalamine, sulfasalazine và metronidazole.
  • Làm mềm phân hay giãn cơ trơn. Các chất này sẽ giúp đào thải những thứ gây tắc nghẽn ruột ngoài.
  • Loại bỏ các mô tổn thương. Cách này giúp cải thiện triệu chứng viêm niêm mạc trực tràng bằng cách cắt bỏ các mô bất thường đang chảy máu. Những kỹ thuật cắt bỏ bao gồm đốt đông bằng argon plasma (APC), đốt điện hay các phương pháp khác.

Điều trị viêm do bệnh viêm ruột

Mục đích trong điều trị viêm niêm mạc trực tràng liên quan đến bệnh Crohn hay viêm loét đại tràng là giảm bớt viêm ở bên trong trực tràng. Các lựa chọn điều trị gồm:

  • Dùng thuốc để kiểm soát viêm trực tràng. Bác sĩ thường kê đơn thuốc chống viêm dùng đường uống, thuốc đặt hoặc thụt rửa như mesalamine, corticoid (như prednisolone, budesonide). Tình trạng viêm ở những người bệnh Crohn cần điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch như azathioprine hoặc infliximab.
  • Phẫu thuật. Nếu điều trị bằng thuốc không giúp các dấu hiệu và triệu chứng thuyên giảm, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật để cắt bỏ một phần đường tiêu hóa bị hư hại.

Biến chứng

Viêm niêm mạc trực tràng có thể gây ra những biến chứng gì?

Viêm trực tràng nếu không được điều trị hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị có thể dẫn đến các biến chứng như sau:

  • Thiếu máu. Chảy máu kéo dài từ trực tràng khiến tình trạng thiếu máu xảy ra. Khi đó, cơ thể không có đủ lượng hồng cầu để vận chuyển oxy đến các mô. Thiếu máu khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, khó thở, đau đầu, da tái nhợt và khó chịu.
  • Loét. Viêm mạn tính ở trực tràng có thể gây ra những vết loét (vết thương hở) ở lớp niêm mạc trong trực tràng.
  • Lỗ dò. Đôi khi vết loét lan rộng, ăn sâu xuống qua thành ruột và tạo thành một lỗ thủng nhỏ rồi hình thành nên một liên kết bất thường với các bộ phận khác. Ví dụ, xuất hiện đường nối giữa ruột và da hoặc giữa ruột và các cơ quan khác như bàng quang, âm đạo.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa viêm niêm mạc trực tràng?

Để giảm bớt nguy cơ mắc phải tình trạng viêm này, bạn hãy thực hiện các cách bảo vệ bản thân trước những bệnh lây truyền qua đường tình dục. Cách hiệu quả nhất là tránh quan hệ tình dục, nhất là quan hệ qua đường hậu môn.

Nếu vẫn muốn quan hệ, hãy giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh qua đường tình dục bằng cách:

  • Không quan hệ với nhiều người
  • Sử dụng bao cao su đúng cách trong mỗi lần quan hệ
  • Không quan hệ với người có vết loét hay tiết dịch bất thường ở bộ phận sinh dục

Nếu bạn được chẩn đoán nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục, hãy tạm thời ngừng quan hệ cho đến điều trị khỏi hoàn toàn. Hãy hỏi bác sĩ thời điểm an toàn để có thể bắt đầu quan hệ trở lại.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Proctitis. Symptoms & causes. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/proctitis/symptoms-causes/syc-20376933. Ngày truy cập 30/01/2020.

Proctitis. Diagnosis & treatment. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/proctitis/diagnosis-treatment/drc-20376938. Ngày truy cập 30/01/2020.

What Is Proctitis? https://www.healthline.com/health/proctitis. Ngày truy cập 30/01/2020.

Phiên bản hiện tại

31/01/2020

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Chăm sóc bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối cần lưu ý gì?

Các tác dụng phụ của thuốc NSAIDs trên đường tiêu hoá trong điều trị viêm khớp


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 31/01/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo