backup og meta

Uống thuốc tẩy giun bao lâu thì được ăn? Cần lưu ý những gì?

Uống thuốc tẩy giun bao lâu thì được ăn? Cần lưu ý những gì?

Uống thuốc tẩy giun đúng cách sẽ giúp tiêu diệt giun sán hiệu quả. Vậy, bạn đã biết “uống thuốc tẩy giun bao lâu thì được ăn?” chưa?

Tẩy giun là việc nên làm định kỳ mỗi 3 hay 6 tháng một lần, nhưng nhiều người vẫn còn cảm thấy khá mơ hồ trước một số thông tin xoay quanh việc sử dụng thuốc tẩy giun đúng cách. Trong đó, “uống thuốc tẩy giun bao lâu thì được ăn để không làm ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc?” là một trong những thắc mắc thường gặp. Để có được câu trả lời, mời bạn tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi.

Góc tư vấn: Uống thuốc tẩy giun bao lâu thì được ăn?

Nếu bạn đang băn khoăn “uống thuốc giun xong có được ăn gì không?”, và “uống thuốc tẩy giun bao lâu thì được ăn?”, thì câu trả lời là bạn hoàn toàn có thể ăn bất kỳ lúc nào bạn muốn. Cơ chế hoạt động của các loại thuốc tẩy giun hiện nay không ảnh hưởng đến việc tiêu thụ thức ăn.

Thực tế, thuốc tẩy giun hoạt động bằng cách ngăn chặn giun sử dụng glucose. Không có glucose, tế bào của giun mất nguồn cung cấp năng lượng và nhanh chóng trở nên yếu dần và chết đi. Dù bạn có ăn sau khi uống thuốc tẩy giun hay không thì cũng không ảnh hưởng đến hiệu quả tẩy giun của thuốc.

Thậm chí, một số loại thuốc tẩy giun như Albendazole còn được khuyến cáo dùng trong bữa ăn, đặc biệt là với thức ăn có chứa chất béo, để giúp cơ thể hấp thu thuốc tốt hơn.

Uống thuốc tẩy giun không nên ăn thực phẩm nào?

Uống thuốc tẩy giun bao lâu thì được ăn

Mặc dù lời đáp cho vấn đề “uống thuốc tẩy giun bao lâu thì được ăn?” là bạn có thể ăn bất kỳ lúc nào, tuy nhiên, có một số thực phẩm và thức uống mà bạn cần hạn chế sau khi dùng thuốc xổ giun:

  • Thức uống có cồn: Các chuyên gia sức khỏe cho rằng, việc sử dụng rượu bia có thể tương tác với một số loại thuốc tẩy giun và ảnh hưởng đến hiệu quả tẩy giun. Mặc dù điều này vẫn cần được nghiên cứu kỹ hơn, nhưng bạn cũng nên tránh thức uống có cồn để bảo vệ sức khỏe.
  • Nước ép bưởi: Đối với thuốc tẩy giun Albendazole, việc uống nước ép bưởi sau khi dùng thuốc có thể làm tăng nguy cơ gặp một số tác dụng phụ. 
  • Thực phẩm gây dị ứng: Nếu bạn bị dị ứng với bất kỳ thực phẩm nào, hãy tránh xa nó trong thời gian dùng thuốc tẩy giun. Nếu không, bạn có thể khó phân biệt các triệu chứng dị ứng với tác dụng phụ của thuốc.
  • Thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc: Tương tự như thực phẩm gây dị ứng, thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc (thực phẩm có mùi lạ, có dấu hiệu ôi thiu, thực phẩm để lâu…) có thể khiến bạn bị ngộ độc. Lúc này, bạn không nhận biết được đâu là tác dụng phụ của thuốc xổ giun, đâu là dấu hiệu ngộ độc thực phẩm để được hỗ trợ kịp thời.

Ngoài những lưu ý trên, bạn có thể ăn uống như bình thường sau khi dùng thuốc tẩy giun.

Tiêu chí lựa chọn thuốc tẩy giun

Không chỉ nên quan tâm đến vấn đề uống thuốc tẩy giun bao lâu thì được ăn, bạn còn cần nắm rõ cách chọn mua thuốc tẩy giun phù hợp. Dưới đây là những tiêu chí bạn cần nhớ:

  • Chọn đúng thuốc cho đúng bệnh: Với những loại giun ký sinh trong đường ruột thì bạn nên tham vấn ý kiến bác sĩ hay dược sĩ về việc chọn thuốc có tác dụng điều trị tại chỗ. Với những loại giun khác thì bạn cần chọn đúng thuốc có khả năng điều trị thích hợp.
  • Chọn thuốc tẩy giun ít tác dụng phụ: Bạn nên chọn thuốc có ít tác dụng phụ để tránh gặp phải các tình trạng như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn…
  • Chọn thuốc có tác dụng phân hủy xác giun: Thuốc tẩy giun thế hệ cũ có thể khiến bạn đi ngoài ra con giun, trong khi thuốc tẩy giun hiện nay thường phân hủy xác giun và đào thải qua đường phân. Bạn nên chọn thuốc tẩy giun thế hệ mới để đảm bảo đạt hiệu quả tẩy giun như mong đợi.

Lưu ý khi dùng thuốc tẩy giun

Uống thuốc tẩy giun bao lâu thì được ăn

Như vậy là bạn đã có câu trả lời rõ ràng cho vấn đề “uống thuốc tẩy giun bao lâu thì được ăn?”. Tuy nhiên, khi uống thuốc xổ giun, bạn cũng cần lưu ý một số điều sau:

  • Mặc dù thuốc tẩy giun khá an toàn và dễ sử dụng, nhưng bạn cần tuân thủ đúng liều lượng hướng dẫn được ghi trên bao bì. Nếu dùng quá liều lượng, bạn có thể gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn. Chẳng hạn như, một số thuốc có thể gây tổn thương gan, suy tủy xương nếu dùng ở liều cao.
  • Hầu hết các loại thuốc tẩy giun đều dùng  cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Nếu bạn nghi ngờ trẻ dưới 2 tuổi bị nhiễm giun, hãy đưa trẻ đi khám.
  • Phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú và những người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc thì không nên uống thuốc xổ giun.
  • Nếu các triệu chứng nhiễm giun sán vẫn còn sau khi dùng thuốc, hoặc xuất hiện các triệu chứng bất thường, hay đi khám để được kiểm tra và điều trị.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được uống thuốc tẩy giun bao lâu thì được ăn, cũng như hiểu rõ những lưu ý khi dùng thuốc tẩy giun để tiêu diệt giun sán hiệu quả.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Deworming in children https://www.who.int/tools/elena/interventions/deworming Ngày truy cập: 19/12/2023

Albendazole (Oral Route) Proper Use – Mayo Clinic https://www.mayoclinic.org/drugs-supplements/albendazole-oral-route/proper-use/drg-20061505?p=1 Ngày truy cập: 19/12/2023

Common questions about mebendazole – NHS https://www.nhs.uk/medicines/mebendazole/common-questions-about-mebendazole/ Ngày truy cập: 19/12/2023

Effects of deworming on child and maternal health: a literature review and meta-analysis https://doi.org/10.1186/s12889-017-4747-0 Ngày truy cập: 19/12/2023

Deworming the World – PMC https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3715900/ Ngày truy cập: 19/12/2023

Uống thuốc tẩy giun khi nào và cách dùng như thế nào tốt nhất? https://tytphuongphuthanh.medinet.gov.vn/giao-duc-suc-khoe/uong-thuoc-tay-giun-khi-nao-va-cach-dung-nhu-the-nao-tot-nhat-cmobile8160-78859.aspx Ngày truy cập: 19/12/2023

Phiên bản hiện tại

26/12/2023

Tác giả: Minh Châu Văn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Giải đáp: Mẹ cho con bú có tẩy giun được không?

Tìm hiểu 3 thuốc xổ giun thường gặp nhất hiện nay


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 26/12/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo