backup og meta

Thức khuya có đau dạ dày không? Tác hại của thức khuya với hệ tiêu hóa

Thức khuya có đau dạ dày không? Tác hại của thức khuya với hệ tiêu hóa

Việc cân bằng công việc, cuộc sống cá nhân và các mối quan hệ xã hội đôi khi khiến chúng ta phải thức khuya hơn và việc ngủ đủ giấc trở nên “xa xỉ”. Thức khuya và thiếu ngủ gây ra nhiều tác hại cả ngắn và dài hạn. Vậy, thức khuya có đau dạ dày không và việc thiếu ngủ ảnh hưởng thế nào đến hệ tiêu hóa?

Cùng tìm lời giải đáp ngay qua bài viết sau!

Thức khuya gây hại cho sức khỏe như thế nào?

Các nhà nghiên cứu đưa ra khái niệm về nhóm thời gian sinh học (chronotype) để giải thích cho chu kỳ thức – ngủ, hay thời gian tỉnh táo trong ngày khác nhau ở mỗi người. Theo đó, một số người được gọi là “cú đêm” (late chronotype), trong khi, một số khác thuộc nhóm “chim sâu dậy sớm” (early chronotype). Chronotype được quyết định bởi yếu tố di truyền, tuổi tác và nhiều yếu tố khác.

Tại sao không nên thức khuya? Thức khuya được cho là có liên quan đến việc gia tăng nguy cơ phát triển nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Người trưởng thành cần ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm. Trong khi ngủ, cơ thể sẽ nghỉ ngơi, sản sinh năng lượng và sửa chữa các mô cơ thể bị tổn thương. Thức khuya và thiếu ngủ gây ra nhiều ảnh hưởng mà bạn có thể thấy ngay vào ngày hôm sau như mệt mỏi, thay đổi tâm trạng, suy giảm nhận thức và giảm hiệu suất làm việc. Về lâu dài, thiếu ngủ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, béo phì, bệnh tim mạch và trầm cảm.

Tuy nhiên, một số quan điểm cho rằng việc thức khuya không hẳn là xấu nếu bạn vẫn ngủ đủ giấc như khuyến nghị mỗi đêm. Lý do chính cho các tác hại của việc thức khuya là do đa số người ngủ muộn thường bị thiếu ngủ. Họ thức khuya vào ban đêm nhưng vẫn phải tham gia các hoạt động học hành, làm việc diễn ra vào ngày hôm sau nên không có đủ thời gian để nghỉ ngơi và phục hồi năng lượng. 

Thức khuya có đau dạ dày không?

Câu trả lời cho câu hỏi này là “CÓ THỂ“. Nhịp sinh học – được điều hòa bởi chu kỳ ngủ – thức, có ảnh hưởng lớn tới hoạt động của hệ tiêu hóa. Khi bạn thức, hệ thống tiêu hóa phải làm việc liên tục để đáp ứng lượng glucose cần thiết và cung cấp năng lượng cho hoạt động của toàn bộ cơ thể. Khi ngủ, nhu cầu về glucose sẽ giảm đi rất nhiều. Kết quả là cả quá trình trao đổi chất và hệ tiêu hóa sẽ dần dần chậm lại. Việc phá vỡ hay gián đoạn nhịp sinh học sẽ làm thay đổi chức năng đường tiêu hóa bình thường và có thể gây hại. 

1. Thức khuya đau dạ dày do tác động tiêu cực đến chức năng của hệ tiêu hóa

Thức khuya có ảnh hưởng đến dạ dày không? Câu trả lời là có. Vận động của toàn bộ hệ tiêu hóa (bao gồm ở miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, đại tràng và trực tràng) thay đổi nhịp nhàng trong ngày. Việc gián đoạn nhịp sinh học được chứng minh là liên quan đến nhu động dạ dày – ruột bất thường. Do đó, thức khuya có thể gây ra các rối loạn đường ruột, chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích (IBS), chứng khó tiêu chức năng, liệt dạ dày.

Bên cạnh đó, rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng đến miễn dịch và làm tăng các cytokine gây viêm trong cơ thể, bao gồm cả ở cơ, khớp và hệ tiêu hóa. Tình trạng này có thể dẫn đến viêm ruột mạn tính (gồm bệnh Crohn và viêm loét đại tràng).

Gián đoạn nhịp sinh học cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư bởi nó gây tăng sinh tế bào và rối loạn chức năng miễn dịch trong cơ thể. Nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa nhịp sinh học bất thường với ung thư đại trực tràng.

thức khuya có đau dạ dày không - tác hại của thức khuya trên tiêu hóa - 1

2. Thức khuya làm thay đổi nhịp tiết enzym tiêu hóa

Thức khuya có bị đau dạ dày không? Việc bài tiết acid dạ dày ở người bình thường diễn ra theo chu kì và đỉnh bài tiết thường là từ 10 giờ tối đến 2 giờ sáng. Tuy nhiên, mức tiết acid cao nhất này có thể không tương quan với độ pH dạ dày trong giấc ngủ. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng giá trị pH dạ dày ở bệnh nhân tỉnh táo thấp hơn đáng kể so với bệnh nhân trong giấc ngủ.

Các nghiên cứu khác cho thấy tỷ lệ viêm loét dạ dày tá tràng ở những người làm việc ca đêm cao hơn đáng kể so với những người chỉ làm vào ban ngày. Việc thức khuya làm thay đổi nhịp bài tiết dịch dạ dày, tạo ra sự mất cân bằng giữa các yếu tố có hại và các yếu tố có lợi trong dạ dày, từ đó, gia tăng nguy cơ loét dạ dày tá tràng

Thức khuya có đau dạ dày không? Các nghiên cứu cũng chứng minh rằng làm việc ca đêm làm tăng nguy cơ phát triển bệnh trào ngược dạ dày thực quản và/hoặc viêm thực quản ăn mòn so với những người làm ca ban ngày. Việc giảm sản xuất hormone giấc ngủ melatonin ở những người bị gián đoạn nhịp sinh học có thể góp phần gây ra rối loạn chức năng cơ vòng thực quản và sản xuất nhiều acid dạ dày hơn, làm bệnh dạ dày sẽ ngày càng trầm trọng thêm.

3. Thức khuya có đau dạ dày không? Người thức khuya có nhu cầu ăn đêm và thèm ngọt

Dịch vị dạ dày thường tiết ra vào ban đêm nên những người thức khuya sẽ có cảm giác đói cồn cào và có nhu cầu ăn đêm. Sau khi ăn vào thời điểm này, lượng dịch vị sẽ tiếp tục tăng để tiêu hóa thức ăn. Đồng thời, lượng acid dư thừa sẽ lại tấn công niêm mạc dạ dày và gây tổn thương nhiều hơn.

Mặt khác, giấc ngủ giúp cơ thể nghỉ ngơi và duy trì mức năng lượng khỏe mạnh. Nếu bạn thức khuya, cơ thể bạn sẽ không được nghỉ ngơi và cần thêm thức ăn để cung cấp năng lượng. Hơn nữa, mức độ ghrelin – hormone gây đói, sẽ tăng cao sau một đêm thiếu ngủ, trong khi, mức độ leptin – một chất ức chế sự thèm ăn, sẽ giảm xuống. Điều này dẫn đến việc tăng tiêu thụ đồ ngọt, carbohydrate tinh chế, thực phẩm không lành mạnh và gây áp lực lớn đến hệ tiêu hóa. 

4. Thức khuya ảnh hưởng tới hệ vi sinh vật và hàng rào bảo vệ ở ruột

Đường tiêu hóa tiếp xúc liên tục với các chất lạ trong chế độ ăn uống. Hệ vi sinh vật và hàng rào ruột đóng vai trò quan trọng để ngăn chặn những chất lạ này thấm vào niêm mạc ruột và gây viêm. Tuy nhiên, hệ vi sinh vật và tính toàn vẹn của hàng rào ruột biến động hàng ngày chứ không phải lúc nào cũng cố định. 

Gián đoạn nhịp sinh học được chứng minh là có thể làm suy yếu tính toàn vẹn của hàng rào bảo vệ ở ruột và gây bất thường hệ vi sinh đường ruột. Điều này khiến cho cơ thể dễ bị tấn công hơn bởi vi khuẩn Hp – loại vi khuẩn gây ra hơn 80% trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng. Điều này cũng là những yếu tố thúc đẩy bệnh viêm ruột mạn tính.

5. Thức khuya gây rối loạn hormone

Chu kỳ ngủ – thức được hỗ trợ bởi sự cân bằng của cortisol – một loại hormone gây căng thẳng và melatonin – hormone giấc ngủ. Lý tưởng nhất là mức độ melatonin sẽ tăng vào buổi tối, trong khi, cortisol sẽ đạt mức cao nhất vào buổi sáng, giúp bạn tập trung làm việc.

Việc thức khuya sẽ làm tăng nồng độ cortisol trong cơ thể vào ban đêm. Hormone này chịu trách nhiệm cho phản ứng “chiến đấu” hoặc “bỏ chạy”, có nghĩa là năng lượng sẽ tập trung đến tim, não bộ và các cơ quan khác thay vì tập trung vào tiêu hóa thức ăn như bình thường, khiến quá trình tiêu hóa kém hiệu quả hơn.

Thức khuya có đau dạ dày không? Thiếu ngủ làm tăng mức độ stress, trầm cảm, lo âu. Những yếu tố này cũng góp phần làm trầm trọng thêm cơn đau dạ dày và tăng nguy cơ viêm loét dạ dày.

thức khuya có đau dạ dày không - tác hại của thức khuya trên tiêu hóa - 2

Hi vọng thông qua bài viết này bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi “Thức khuya có đau dạ dày không?”. Thức khuya không chỉ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như trầm cảm, tiểu đường, bệnh tim, mà còn có khả năng thúc đẩy sự phát triển hoặc làm trầm trọng hơn các bệnh tiêu hóa như loét dạ dày tá tràng, hội chứng ruột kích thích, trào ngược dạ dày thực quản, viêm ruột, ung thư đại trực tràng. Hãy cố gắng ngủ đủ giấc và đúng giờ để bảo vệ dạ dày, cũng như sức khỏe tổng thể nhé!

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Chronotypes: Definition, Types, & Effect on Sleep. https://www.sleepfoundation.org/how-sleep-works/chronotypes. Ngày truy cập 22/04/2024

Circadian rhythms: a regulator of gastrointestinal health and dysfunction. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6533073/. Ngày truy cập 22/04/2024

Sleep Dysfunction and Gastrointestinal Diseases. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4849511/. Ngày truy cập 22/04/2024

UM Surabaya Expert Describes the Dangers of Staying Up Late and Their Impact on Health. https://www.um-surabaya.ac.id/en/article/pakar-um-surabaya-paparkan-bahaya-begadang-dan-dampaknya-bagi-kesehatan. Ngày truy cập 22/04/2024

Can sleep deprivation affect your digestion. https://www.avogel.co.uk/health/sleep/can-sleep-deprivation-affect-your-digestion/. Ngày truy cập 22/04/2024

Sleep Deprivation: Symptoms, Treatment, & Effects. https://www.sleepfoundation.org/sleep-deprivation. Ngày truy cập 22/04/2024

Phiên bản hiện tại

09/05/2024

Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

10 cách giảm đau dạ dày tại nhà ngay lập tức mà không cần dùng thuốc

Bữa sáng cho người đau dạ dày: Ăn gì và uống gì?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM


Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng · Ngày cập nhật: 09/05/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo