Quá trình điều trị rò hậu môn một cách triệt để thường bao gồm nhiều giai đoạn, trong một khoảng thời gian đáng kể. Vì vậy, mổ rò hậu môn bao lâu thì khỏi là băn khoăn chung của hầu hết bệnh nhân. Ngoài việc vết mổ rò hậu môn lâu lành, bạn cần quan tâm đến việc làm cách nào để phòng tránh rò hậu môn tái phát, điều mà bác sĩ và bệnh nhân đều không mong muốn.
Việc áp dụng đúng những phương pháp khoa học sẽ giúp người bệnh không còn tự ti, sớm thoát khỏi căn bệnh khó nói này. Mời bạn cùng tìm hiểu qua những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được trong bài viết sau nhé!
Mổ rò hậu môn bao lâu thì khỏi?
Bệnh rò hậu môn là gì?
Rò hậu môn là một bệnh lý nhiễm trùng mạn tính phổ biến ở vùng hậu môn trực tràng. Đường rò bắt đầu từ mặt trong hậu môn trực tràng đi vào lớp cơ và có thể thông hẳn ra bên ngoài da bao quanh hậu môn.
Đường rò hậu môn thường hình thành từ nhiễm khuẩn khu trú bên dưới niêm mạc hậu môn trực tràng. Tổn thương do táo bón kéo dài, bệnh viêm ruột mạn tính (Crohn), phẫu thuật hoặc xạ trị trước đó, quan hệ tình dục ngả hậu môn và nhiều lý do khác có thể tạo điều kiện cho các tuyến bao quanh thành hậu môn trực tràng bị viêm nhiễm (nhưng hiếm khi là ung thư).
Cuộc sống của người bệnh rò hậu môn thường gặp phải nhiều khó chịu và thiếu tự tin vì khu vực này thường xuyên bị sưng, đau, đặc biệt khi áp xe không thoát được mủ. Đường rò ngày càng phát triển tạo ra các thể rò khác nhau. Khi lỗ rò ăn ra ngoài da, bạn có thể thấy một lỗ nhỏ thường xuyên chảy mủ, dịch, đôi khi có lẫn máu, có mùi hôi khó chịu.
Điều trị bệnh rò hậu môn ra sao?
Trực tràng hậu môn là khu vực luôn có chất thải và vi khuẩn, khiến cho tình trạng viêm nhiễm không những không thoái lui mà đường rò còn lan rộng và phân nhánh phức tạp theo thời gian. Vì vậy, việc chỉ sử dụng thuốc và thay đổi lối sống thì sẽ không thể chữa dứt điểm căn bệnh này.
Can thiệp ngoại khoa là cách điều trị duy nhất cho bệnh nhân bị rò hậu môn. Tùy thuộc vào vị trí và tính chất đường rò, có nhiều phương pháp phẫu thuật rò hậu môn khác nhau giúp dọn sạch viêm nhiễm để đóng kín đường rò từ bên trong:
- Chuyển đường rò thành dạng máng
- Cắt bỏ đường rò
- Cột đường rò gian cơ thắt (LIFT)
- Vạt đẩy, nút đóng sinh học, keo dán fibrin…
Dây seton có thể được đặt vào trong giúp đường rò thoát mủ tốt và tự lành lặn hoặc gom gọn ổ viêm nhiễm để chuẩn bị cho các bước phẫu thuật tiếp theo.
Không bỏ sót tổ chức rò và bảo tồn chức năng kiểm soát đại tiện của cơ thắt hậu môn là hai yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc lựa chọn phương án điều trị.
Mổ rò hậu môn bao lâu thì khỏi?
Tùy vào độ phức tạp của đường rò, bác sĩ có thể gây tê hoặc gây mê cho bệnh nhân trước khi tiến hành phẫu thuật. Điều này sẽ quyết định việc bạn xuất viện về nhà ngay trong ngày, sau 24 giờ hoặc lâu hơn để được theo dõi.
1, 2 giờ sau mổ là bạn đã có thể ngồi dậy và đi lại, nhưng bạn sẽ cần nghỉ ngơi trong một vài ngày hoặc 1 tuần trước khi quay trở lại làm việc.
Mặc dù vậy, mổ rò hậu môn bao lâu thì khỏi? Câu trả lời là: “Mổ rò hậu môn không thể khỏi sớm sau 1-2 tuần”. Việc chăm sóc sau mổ rò hậu môn được chia thành 2 giai đoạn. 6 tuần đầu là rất quan trọng trong việc quyết định vết mổ có khả năng hồi phục hoàn toàn hay không. Tuy nhiên, để vết mổ rò hậu môn lành lặn hoàn toàn, không tái phát có thể cần thêm nhiều tháng, thậm chí là 1 năm tùy vào tình trạng rò trước đó của từng bệnh nhân. Bác sĩ điều trị sẽ là người cho bạn thông tin cụ thể về liệu trình.
Bạn có thể quan tâm Có cách chữa rò hậu môn tại nhà không? Cách điều trị rò hậu môn đạt hiệu quả
Mổ rò hậu môn bao lâu thì khỏi? “Điểm mặt” nguyên nhân khiến vết mổ rò hậu môn lâu lành
Vết mổ rò hậu môn lâu lành do đâu?
Như đã nói ở trên, sau mổ rò hậu môn, bạn cần có một thời gian hồi phục đáng kể. Do đó, có thể thấy không phải trong trường hợp nào vết mổ rò hậu môn lâu lành cũng là điều đáng ngại.
Nguyên nhân vết mổ rò hậu môn lâu lành cần một thời gian dài chăm sóc sau mổ có thể đến từ đặc điểm đường rò phức tạp như rò liên quan đến cơ thắt, rò phân nhánh, rò vòng cung.
Ngoài ra, vết mổ rò hậu môn lâu lành hay không còn phụ thuộc vào thể trạng, sức khỏe bệnh nhân. Các thuốc steroid, kháng sinh… giúp kiểm soát rò hậu môn thứ phát do bệnh Crohn có tác dụng ức chế miễn dịch, đồng thời cũng khiến vết mổ rò hậu môn lâu lành. Các bệnh mạn tính, đặc biệt đái tháo đường có thể làm vết mổ rò hậu môn lâu lành do ảnh hưởng đến tốc độ chữa lành của cơ thể và miễn dịch mô yếu. Bệnh nhân đã từng mổ rò hậu môn trước đây nhưng bị tái phát sẽ thường có thêm trở ngại cho lần điều trị sau.
Quan trọng hơn cả mổ rò hậu môn bao lâu thì khỏi – nguy cơ rò hậu môn tái phát
Mổ rò hậu môn bao lâu thì khỏi? Cần quan tâm hơn cả việc vết mổ rò hậu môn lâu lành chính là phòng ngừa nguy cơ rò hậu môn tái phát. Ngoài các yếu tố đã kể trên gồm đường rò phức tạp, chậm trễ trong việc điều trị, bệnh nền song song với rò hậu môn… nguy cơ tái phát cao hay thấp còn phụ thuộc: kinh nghiệm bác sĩ trong lựa chọn quy trình, kỹ thuật theo tính chất đường rò, xác định chính xác lỗ rò trong, nhánh phụ, hốc áp xe…
Yếu tố quyết định mổ rò hậu môn bao lâu thì khỏi có một nửa phụ thuộc vào ý thức tự chăm sóc của người bệnh sau mổ. Không chỉ vết mổ rò hậu môn lâu lành, nguy cơ tái phát đường rò sẽ rất cao nếu bệnh nhân không giữ vệ sinh vết mổ đúng cách, không tuân theo các hướng dẫn chăm sóc của bác sĩ cũng như không tái khám để kiểm tra đúng như lịch hẹn hay khi có dấu hiệu bất thường.
Mổ rò hậu môn bao lâu thì khỏi – Chăm sóc để vết mổ rò hậu môn không tái phát
Không chỉ quan tâm đến việc mổ rò hậu môn bao lâu thì khỏi, việc chăm sóc sau mổ còn có một mục đích rất quan trọng khác: tránh đường rò bị viêm nhiễm và tái phát trở lại, sẽ khó điều trị và có nguy cơ bị tổn thương chức năng cơ thắt cao. Đây là những biến chứng đáng quan ngại nhất có thể xảy ra sau mổ.
Ngay sau phẫu thuật
Bên cạnh việc uống thuốc giảm đau, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thường xuyên thay băng, rửa và bôi thuốc cho vết thương… Cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ.
Không được đụng chạm, cạy vết thương. Tuyệt đối không tự ý bôi bất kỳ thứ gì lên vết mổ trong suốt quá trình hồi phục mà không có sự đồng ý của bác sĩ.
Uống đủ và đúng cữ các loại thuốc được bác sĩ chỉ định. Một liệu trình kháng sinh sẽ được áp dụng trong tuần đầu để chống vết mổ bị nhiễm khuẩn. Thuốc làm mềm phân cũng được sử dụng ngay sau mổ và có thể kéo dài thêm một thời gian nữa để giảm bớt áp lực lên vết mổ rò hậu môn.
Bạn sẽ có thể đại tiện trở lại trong 1 – 3 ngày sau phẫu thuật, với rất ít máu và dịch. Khả năng kiểm soát việc xì hơi cũng sẽ tốt lên sau một vài tuần.
Chăm sóc để vết mổ phục hồi tốt
Trong khi lỗ rò trong cần được đóng kín hoàn toàn để tránh sự xâm nhập liên tục của chất bẩn và vi khuẩn, lỗ rò bên ngoài thường được để mở cho đường rò thoát dịch và đóng kín dần từ trong ra. Bạn nên lót băng để giữ lỗ rò khô thoáng, tránh viêm nhiễm, cũng như để kiểm tra tình trạng dịch thoát ra và giữ vệ sinh cho vùng da. Quá trình này có thể cần một thời gian dài và là yếu tố rất quan trọng giúp cho vết mổ rò hậu môn không bị tái phát.
Những điều chỉnh cần thiết về lối sống
Ngoài ra, để hỗ trợ vết mổ rò hậu môn lành lặn không bị trở ngại. Bạn cần:
- Tắm ngồi 15 phút trong nước ấm nhiều lần trong ngày hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ. Nhiệt độ nước càng ấm càng tốt miễn là bạn vẫn cảm thấy dễ chịu. Nước ấm có tác dụng hỗ trợ vết mổ rò hậu môn thoát dịch và giúp bạn cảm thấy dễ chịu trong nhiều giờ.
- Bên cạnh việc sử dụng thuốc làm mềm phân trong những ngày đầu, cần duy trì uống đủ nước và ăn nhiều chất xơ trong suốt quá trình hồi phục để việc đại tiện được dễ dàng, tránh tác động xấu lên vết mổ rò hậu môn.
- Kiêng quan hệ tình dục đường hậu môn hoặc đặt ngoại vật vào hậu môn và âm đạo (đối với nữ) trong thời gian như bác sĩ hướng dẫn.
Bạn nên hỏi bác sĩ nếu có điểm nào chưa rõ để thực hiện cho đúng yêu cầu.
Một yêu cầu rất quan trọng nữa chính là tuyệt đối tuân thủ lịch hẹn tái khám của bác sĩ, để đảm bảo vết mổ đang tiến triển tốt và có những biện pháp cần thiết nếu việc hồi phục gặp trở ngại.
Bạn cũng cần đi khám ngay nếu vết mổ rò hậu môn có những biểu hiện bất thường như chảy máu, mủ với mùi hôi khó chịu, đau, sốt…
Mong rằng, với những thông tin xoay quanh mổ rò hậu môn bao lâu thì khỏi, nguyên nhân vết mổ rò hậu môn lâu lành và cách chăm sóc để vết mổ hồi phục hoàn toàn trên đây, Hello Bacsi đã mang đến cho bạn đọc sự lạc quan và tin tưởng vào hành trình điều trị căn bệnh dai dẳng, khó nói nhưng không hề bất trị này.
[embed-health-tool-bmr]