Điều trị bệnh sán chó kịp thời sẽ giúp bệnh nhân tránh được nhiều biến chứng nguy hiểm. Nếu không chữa trị , bệnh có thể gây nên những ảnh hưởng nặng nề khác như gây viêm não, viêm màng não, viêm kết mạc, thậm chí là khiến người bệnh mất thị lực vĩnh viễn hoặc tử vong.
Vậy, thuốc trị sán chó hiệu quả là loại nào, điều trị bệnh sán chó ở đâu tốt nhất? Mời bạn cùng Hello Bacsi giải đáp những thắc mắc này trong bài viết ngay sau đây!
Bệnh sán chó có lây không?
Bệnh sán chó có lây không? Bệnh không lây nhiễm trực tiếp từ người sang người. Tuy nhiên, bệnh sán chó có thể lây lan khi trong gia đình có người bệnh nhưng không được vệ sinh kỹ lưỡng.
Trứng hoặc ấu trùng giun sán có trong phân của bệnh nhân. Khi người này đi vệ sinh xong, nếu không rửa tay kỹ thì ấu trùng có thể ẩn trú ở bàn tay hoặc móng tay của bệnh nhân. Sau đó, người này dùng tay bốc thức ăn hoặc tiếp xúc gần gũi với các thành viên sẽ khiến trứng và ấu trùng có thêm điều kiện ký sinh vào cơ thể người khác.
Thêm một yếu tố làm tăng khả năng lây nhiễm bệnh sán chó là khi bạn ăn sống các loại rau, củ được trồng dưới đất chưa được nấu chín hoặc rửa kỹ.
Đất là nơi sinh sống lý tưởng của các loại ký sinh trùng. Chó, mèo hoặc các loại vật nuôi gây bệnh sán chó có thể đã đại tiện ở vùng đất trồng rau, củ mà bạn mua phải. Vì thế, nếu không được rửa kỹ hoặc nấu chín, ấu trùng giun, sán sẽ theo thức ăn ký sinh vào cơ thể bạn.
Khi đã biết bệnh sán chó có lây không và cách thức lây lan của căn bệnh này, bạn hãy xây dựng cho bản thân và gia đình những thói quen vệ sinh tốt để phòng ngừa sự lây nhiễm nhé! Cũng đừng quên theo dõi sức khỏe của bản thân và điều trị sán chó, sử dụng thuốc trị sán chó kịp thời nhằm ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Bệnh sán chó có nguy hiểm không?
Bệnh sán chó có nguy hiểm không? Về bản chất, nếu việc điều trị sán chó kịp thời khi ấu trùng chưa di chuyển đến những bộ phận cơ thể nhạy cảm như mắt, não bộ, phổi… thì bệnh không gây nguy hiểm.
Tuy nhiên, khi ấu trùng đã theo máu tiến đến những cơ quan nội tạng đó thì bệnh nhân có thể gặp phải nhiều rủi ro sức khỏe nghiêm trọng hơn, thậm chí là nguy hại đến tính mạng.
Khi ký sinh ở một vùng cơ thể nào đó, ấu trùng giun, sán sẽ làm suy giảm hoặc phá hủy chức năng hoạt động của tế bào ở vùng đó. Điều này gây ra những biến chứng có liên quan đến bộ phận cơ thể có ký sinh trùng lưu trú.
Nếu di trú đến phổi, ký sinh trùng sẽ gây ra biến chứng viêm phổi. Trong trường hợp ký sinh trùng ký sinh ở mắt, biến chứng nặng nhất mà chúng gây ra đó chính là viêm màng bồ đào khiến mắt bị giảm thị lực, thậm chí là mất thị lực vĩnh viễn.
Khi ký sinh trùng gây bệnh sán chó lưu trú ở não, bệnh có thể biến chứng thành viêm não hoặc viêm màng não. Đây là 2 biến chứng gây nguy hiểm đến hệ thần kinh, thậm chí có thể khiến bệnh nhân tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.
Như vậy, bệnh sán chó có nguy hiểm không phụ thuộc vào vị trí mà ấu trùng đang cư trú trong cơ thể. Lúc này thuốc điều trị sán chó chất lượng và cách điều trị sán chó phù hợp là điều vô cùng quan trọng
Điều trị sán chó như thế nào?
Việc điều trị sán chó sẽ mang lại hiệu quả cao nếu bệnh nhân tuân thủ nghiêm túc phác đồ điều trị bệnh của bác sĩ. Sau khi áp dụng phác đồ điều trị sán chó và khỏi bệnh, bạn cần duy trì thói quen vệ sinh tốt và chế độ ăn uống sạch sẽ, ăn chín, uống chín, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với nguồn đất, nguồn nước bẩn để không bị nhiễm bệnh trở lại.
Xét nghiệm và điều trị sán chó ở đâu?
Điều trị và xét nghiệm sán chó ở đâu TPHCM? Có nhiều bệnh viện hoặc cơ sở y tế tư nhân cung cấp dịch vụ xét nghiệm và điều trị sán chó.
Với công tác xét nghiệm, bạn cần thực hiện càng sớm càng tốt ngay khi nghi ngờ mình có những triệu chứng bệnh sán chó. Đây là yếu tố khá quan trọng trong việc rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng điều trị bệnh.
Chi phí xét nghiệm tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất ở nơi cung cấp dịch vụ. Mức chi phí trọn gói thường dao động trong khoảng 800.000 đến 1 triệu đồng. Vậy nên điều trị sán chó ở đâu? Bạn có thể sử dụng dịch vụ ở một trong các cơ sở y tế sau:
Tại TP. HCM
Trị sán chó tại Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng
Phòng khám Chuyên khoa Ký sinh trùng
Địa chỉ: 699 Trần Hưng Đạo, P. 1, Q. 5, TP. HCM
Thời gian trả kết quả xét nghiệm thường là sau 1 buổi trong giờ hành chính.
Trị sán chó tại Trung tâm xét nghiệm y khoa TassCare
Địa chỉ: Cơ sở 1: 227 đường 9A, KDC Trung Sơn, Nam Sài Gòn, TP. HCM
Cơ sở 2: 4/3 Đường Số 3, Cư Xá Đô Thành, P. 4 Q. 3, TP. HCM
Cơ sở 3: 375 Trần Hưng Đạo, P. 6, TP. Tuy Hòa, Phú Yên
Thời gian trả kết quả xét nghiệm bệnh sán chó thường trong khoảng 30-60 phút sau khi lấy mẫu xét nghiệm.
Bệnh viện Hòa Hảo
Địa chỉ: 254 Hòa Hảo, P. 4, Q. 10, TP. HCM
Thời gian trả kết quả xét nghiệm thường là 1 buổi trong giờ hành chính. Nếu bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm vào buổi chiều thì kết quả sẽ có vào ngày hôm sau.
Viện Pasteur TP. HCM
Địa chỉ: 167 Pasteur, P. 8, Q. 3, TP. HCM
Thời gian trả kết quả xét nghiệm thường là 1 buổi trong giờ hành chính.
Bệnh viện Nhiệt Đới TP. HCM
Địa chỉ: 764 Võ Văn Kiệt, P. 1, Q. 5, TP. HCM
Thời gian trả kết quả xét nghiệm thường là 1 buổi trong giờ hành chính. Nếu lấy mẫu xét nghiệm vào buổi chiều thì kết quả sẽ có vào sáng hôm sau.
Trị sán chó tại Hà Nội
Hà Nội có nhiều cơ sở y tế tư nhân cung cấp dịch vụ xét nghiệm và điều trị sán chó. Tuy nhiên, bạn cần lựa chọn đúng nơi uy tín để được chẩn đoán chính xác và tư vấn cách điều trị bệnh đúng kiến thức y học.
Nếu bạn muốn xét nghiệm và điều trị bệnh sán chó ở bệnh viện công lập, hãy tham khảo 2 địa chỉ sau:
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Địa chỉ: Số 1 Tôn Thất Tùng, Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội
Viện Sốt Rét và Ký sinh trùng Trung ương
Địa chỉ: 35 Trung Văn, P. Trung Văn, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội
Thuốc trị sán chó nào chất lượng và hiệu quả?
Khi điều trị sán chó bằng thuốc, bệnh nhân phải tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ. Tùy theo tình trạng bệnh và mức độ di trú của ký sinh trùng ở mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ kê những loại thuốc trị sán chó với liều lượng khác nhau. Vì thế, bệnh nhân không được tự ý thay đổi liều lượng hoặc tự mua thuốc về uống. Điều này không chỉ làm gián đoạn quá trình điều trị sán chó mà còn có thể gây ra những phản ứng phụ nguy hiểm khác.
Bác sĩ có thể cho bệnh nhân dùng thuốc trị sán chó kèm với các loại thuốc ức chế quá trình bệnh gây biến chứng ở những bộ phận cơ thể khác. Các loại thuốc trị sán chó chất lượng và thường được sử dụng là thiabendazole, mebendazole, albendazole.
Đối với bệnh nhân bị bệnh sán chó có ấu trùng di trú ở mắt, bác sĩ sẽ kê thêm corticoid để phòng ngừa hiện tượng viêm nhiễm.
Cách phòng ngừa bệnh sán chó ngay tại nhà
Dù nguồn lây bệnh sán chó là các loại vật nuôi rất gần gũi với đời sống thường ngày của chúng ta nhưng bạn hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa bệnh ngay tại nhà bằng những việc đơn giản.
♥ Giữ vệ sinh cá nhân: Duy trì thói quen rửa tay sạch bằng xà phòng trước mỗi bữa ăn và sau khi đi vệ sinh.
♥ Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ: Nếu trong nhà có nuôi chó hoặc mèo, bạn hãy huấn luyện chúng đi vệ sinh đúng nơi quy định. Sau đó, bạn phải xử lý phân chó, mèo tường xuyên và gọn gàng.
♥ Không ngủ chung với chó, mèo hoặc ôm hôn chúng.
♥ Nên tắm rửa cho chó, mèo, thường xuyên đưa chúng đi khám sức khỏe và tẩy giun định kỳ.
♥ Duy trì thói quen ăn chín, uống chín, rửa rau kỹ dưới vòi nước trước khi chế biến.
♥ Nếu trong nhà có trẻ em, hãy thường xuyên cắt móng tay cho bé. Đây là đối tượng dễ mắc bệnh sán chó và các bệnh do ký sinh trùng khác vì bé chưa có đủ ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân. Móng tay dài của trẻ có thể là nơi sinh sống lý tưởng của trứng và ấu trùng giun, sán. Vì thế, ba mẹ hãy thường xuyên cắt móng tay cho trẻ và hướng dẫn trẻ luyện tập thói quen rửa tay trước khi ăn.
[embed-health-tool-bmr]