backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bệnh xuất huyết dạ dày nên ăn gì? Tìm hiểu để nhanh hồi phục

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Đài Trương · Ngày cập nhật: 14/07/2020

    Bệnh xuất huyết dạ dày nên ăn gì? Tìm hiểu để nhanh hồi phục

    Bệnh xuất huyết dạ dày nên ăn gì? Nếu biết cách điều chỉnh chế độ ăn và lựa chọn thực phẩm, bạn sẽ nhanh chóng hồi phục sức khỏe sau khi điều trị.

    Xuất huyết dạ dày là tình trạng chảy máu ở niêm mạc dạ dày. Đây là một tổn thương nghiêm trọng cần được cấp cứu càng nhanh càng tốt để bảo toàn tính mạng.

    Chế độ ăn và thực phẩm là những yếu tố có tác động trực tiếp đến nguyên nhân gây bệnh và quá trình phục hồi sau khi điều trị. Vậy người bệnh xuất huyết dạ dày nên ăn gì và kiêng gì để mau hồi phục? Mời bạn cùng tìm hiểu!

    Người bệnh xuất huyết dạ dày nên ăn gì?

    bệnh xuất huyết dạ dày nên ăn gì

    Thực tế, không có chế độ ăn uống cụ thể có khả năng điều trị bệnh xuất huyết dạ dày. Tuy nhiên, một số loại thức ăn hoặc đồ uống có thể giúp bạn chữa lành vết thương, cải thiện triệu chứng bệnh hoặc ngăn ngừa các tác dụng phụ trong giai đoạn phục hồi bệnh.

    Người bị xuất huyết dạ dày nên tăng cường tiêu thụ 2 nhóm thực phẩm sau:

    Nhóm thực phẩm chống viêm 

    Trà xanh, trái cây và các loại rau, củ có thể giúp cơ thể chống lại yếu tố gây viêm dạ dày. Trong khi đó, viêm dạ dày là tiền đề của tình trạng xuất huyết dạ dày nếu không được chữa trị đúng cách.

    Thành phần dưỡng chất trong nhóm thực phẩm chống viêm sẽ giúp cơ thể tránh tổn thương tế bào bằng cách ức chế sự phát triển của gốc tự do.

    Các loại thực phẩm tiêu biểu nằm trong nhóm chống viêm bao gồm: súp lơ, đu đủ, bắp cải, củ cải, việt quất, mâm xôi, dâu tây, nghệ…

    Bệnh xuất huyết dạ dày nên ăn gì? Nhóm thực phẩm hỗ trợ điều trị các tổn thương ở dạ dày 

    sữa chua tốt cho người bệnh xuất huyết dạ dày

    Hai loại thực phẩm có khả năng hỗ trợ điều trị các tổn thương ở dạ dày là bông cải xanh và sữa chua.

    Bông cải xanh chứa một loại hóa chất tự nhiên là sulforaphane. Hóa chất này có đặc tính kháng khuẩn. Nó cũng chứa chất chống oxy hóa để bảo vệ dạ dày khỏi các yếu tố gây hại. Vì lý do này, ăn bông cải xanh thường xuyên sẽ giúp bạn thuyên giảm triệu chứng hoặc giảm nguy cơ bị tổn thương ở dạ dày.

    Năm 2006, một nhóm nghiên cứu đã xem xét việc ăn khoảng 2 cốc sữa chua chứa men vi sinh hằng ngày trước khi dùng thuốc kháng sinh điều trị tình trạng nhiễm trùng ở dạ dày.

    Sau 4 tuần, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng những người thường ăn sữa chua kết hợp với uống thuốc kháng sinh có khả năng loại bỏ nhiễm trùng hiệu quả hơn những người chỉ điều trị bệnh bằng thuốc kháng sinh đơn thuần. Nhờ vậy, tốc độ chữa lành vết thương của người thường ăn sữa chua có men vi sinh cũng nhanh hơn người ít hoặc không sử dụng sữa chua.

    Bệnh xuất huyết dạ dày nên kiêng gì?

    bệnh xuất huyết dạ dày nên kiêng cà phê

    Thực phẩm không phù hợp sẽ làm triệu chứng bệnh xuất huyết dạ dày diễn biến nghiêm trọng hơn. Người bệnh cần tránh các loại đồ ăn sau:

    • Thức ăn chua, cay
    • Rượu, bia và đồ uống chứa caffeine hoặc có ga
    • Thực phẩm có tính axit
    • Thực phẩm chiên, xào, nhiều dầu mỡ
    • Đồ ăn nóng

    Nguyên tắc trong lối sống giúp người bệnh xuất huyết dạ dày nhanh hồi phục

    chia nhỏ bữa ăn

    Dạ dày là nơi tiếp nhận mọi loại thức ăn, đồ uống bạn đưa vào cơ thể. Vì thế, cách bạn ăn uống có tác động trực tiếp để sức khỏe và “tuổi thọ” của bộ phận này.

    Bệnh xuất huyết dạ dày nên ăn gì? Ngoài những loại thực phẩm cần tránh và nên ăn, những cách điều chỉnh dưới đây sẽ giúp bạn nhanh chóng chữa lành những tổn thương do bệnh xuất huyết dạ dày gây ra.

    Ăn ít, chia làm nhiều bữa

    Thay vì tiêu thụ nhiều đồ ăn trong 3 bữa chính, bạn hãy chia nhỏ khẩu phần ăn của mình thành 5 hoặc 6 phần nhỏ rồi tiêu thụ trong cả ngày. Điều này sẽ giúp dạ dày hạn chế sản xuất axit, tránh làm tổn thương nặng hơn.

    Quản lý cân nặng

    Thừa cân hoặc béo phì lằm tăng nguy cơ phát triển những triệu chứng tổn thương do xuất huyết dạ dày. Vì thế, việc quản lý cân nặng bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và tập thể dục rất cần thiết để bạn nhanh chóng hồi phục sau khi điều trị tình trạng chảy máu dạ dày.

    Giảm thiểu căng thẳng 

    Thường xuyên bị căng thẳng sẽ làm tăng áp lực lên dạ dày của bạn. Nó kích hoạt quá trình sản xuất axit dạ dày và làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm hoặc tổn thương ở dạ dày. Vì thế, người bị xuất huyết dạ dày hoặc gặp những bất ổn khác ở bộ phận tiêu hóa này cần giảm thiểu tối đa việc đối mặt với những tình huống căng thẳng.

    Kiểm tra thành phần trong các loại thuốc không kê đơn bạn đang sử dụng

    Thường xuyên sử dụng các loại thuốc không kê đơn (aspirin, ibuprofen hoặc naproxen) làm tăng nguy cơ tổn thương niêm mạc dạ dày. Lâu dần, những tổn thương này có thể làm dạ dày chảy máu ở nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng.

    Bên cạnh 4 nguyên tắc trên, người bị xuất huyết dạ dày cũng cần chú ý đến những điều sau:

    • Chế biến thức ăn dạng loãng, mềm, dễ nuốt
    • Cân bằng thành phần dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn
    • Uống nhiều nước
    • Không để bụng quá đói nhưng cũng không nên ăn quá no
    • Sau khi ăn 30 phút, bạn không nên nằm, làm việc, tập thể dục hoặc vận động mạnh
    • Hạn chế ăn thực phẩm sống để tránh nguy cơ vi khuẩn xâm nhập, làm tổn thương thêm niêm mạc dạ dày.

    Sau khi điều trị bệnh xuất huyết dạ dày, có nhiều khả năng bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn áp dụng một chế độ ăn kiêng nào rút ngắn thời gian phục hồi bệnh. Nếu bạn muốn sử dụng các loại thực phẩm chức năng hoặc chất bổ sung tốt cho dạ dày, bạn hãy trao đổi với bác sĩ để nhận được lời khuyên tốt nhất.

    Khi đã biết được bệnh xuất huyết dạ dày nên ăn gì, kiêng gì và những nguyên tắc trong ăn uống của người bệnh, bạn hãy xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bản thân (hoặc người bệnh) để nhanh chóng hồi phục sức khỏe.

    Bên cạnh đó, bạn cũng cần tham gia đầy đủ các buổi hẹn tái khám với bác sĩ để nắm được diễn biến bệnh và có những điều chỉnh kịp thời. Đây là việc có ý nghĩa quan trọng giúp bạn theo dõi tốc độ hồi phục và khả năng thích ứng của cơ thể với chế độ ăn uống bạn đang áp dụng.

    Trương Phương Đài / HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Đài Trương · Ngày cập nhật: 14/07/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo