backup og meta

Triệu chứng xuất huyết dạ dày: Nhận biết sớm để điều trị

Triệu chứng xuất huyết dạ dày: Nhận biết sớm để điều trị

Triệu chứng xuất huyết dạ dày có thể biểu hiện rõ ràng, dễ dàng nhận thấy nhưng cũng có khi xảy ra âm thầm, kéo dài theo thời gian. Vậy, xuất huyết dạ dày có triệu chứng gì? Cùng tìm hiểu cụ thể nhé!

Triệu chứng xuất huyết dạ dày có thể xuất hiện cấp tính (đột ngột, nghiêm trọng) hoặc mạn tính (âm thầm, khó phát hiện và kéo dài). Trong đó, xuất huyết cấp tính là tình trạng khá nguy hiểm, cần được điều trị y khoa khẩn cấp.

Xuất huyết dạ dày là gì?

Xuất huyết dạ dày là tình trạng chảy máu xuất hiện trong lòng dạ dày, thường biểu hiện quá các triệu chứng như nôn ra máu (nhìn thấy máu trong dịch nôn hoặc bãi nôn trông như bã cà phê), đi ngoài ra máu hoặc phân đen, hắc ín.

Tình trạng này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như:

  • Viêm loét dạ dày – tá tràng: do dùng thuốc giảm đau kéo dài không đúng chỉ định của bác sĩ, đặc biệt thuốc kháng viêm giảm đau nhóm NSAIDS. Ngoài ra còn do nhiễm vi khuẩn Hp dạ dày (Helicobacter pylori), căng thẳng kéo dài,…
  • Tác dụng phụ thuốc kháng sinh, thuốc chống đông máu,…
  • Giãn tĩnh mạch thực quản – dạ dày
  • Bệnh dạ dày do tăng huyết áp tĩnh mạch cửa (thường do uống quá nhiều rượu)
  • Thoát vị khe hoành có thể làm xói mòn dạ dày dẫn đến xuất huyết
  • Dị dạng động tĩnh mạch
  • Ung thư dạ dày (hiếm gặp)
  • Các bệnh lý khác như: hội chứng Mallory-Weiss (vết rách thực quản), viêm dạ dày cấp do cúm ác tính, suy tủy, suy gan nặng,….

Những người có nguy cơ gặp phải các vấn đề nghiêm trọng hơn khi bị xuất huyết dạ dày hay xuất huyết tiêu hóa nói chung (như mắc bệnh gan, bị rối loạn đông máu di truyền, đang sử dụng một số loại thuốc nhất định, người cao tuổi) cần chú ý theo dõi sức khỏe đường tiêu hóa định kỳ.

Ở người cao tuổi, nguyên nhân phổ biến gây xuất huyết dạ dày là loét dạ dày và cần được chẩn đoán, điều trị sớm vì khả năng chịu đựng kém hơn người trẻ.

Các triệu chứng xuất huyết dạ dày điển hình

Các triệu chứng xuất huyết dạ dày

Triệu chứng xuất huyết dạ dày cũng tương tự như xuất huyết đường tiêu hóa trên, có thể biểu hiện rõ ràng như:

Đau bụng, thường ở vùng thượng vị kèm theo các triệu chứng:

  • Phân đen, hắc ín
  • Đi ngoài ra máu, thấy máu sẫm màu xuất hiện trong phân
  • Nôn ra máu tươi hoặc dịch nôn có lẫn các cục máu màu nâu sẫm trông giống bã cà phê

Hoặc triệu chứng viêm loét dạ dày gây thiếu máu âm thầm, khi thiếu máu nặng sẽ có các biểu hiện sau:

Triệu chứng xuất huyết dạ dày cấp tính

Triệu chứng xuất huyết dạ dày cấp tính

Nếu tình trạng xuất huyết xảy ra đột ngột, nhanh chóng và chảy máu nghiêm trọng thì được xem là xuất huyết dạ dày cấp tính và cần được cấp cứu nhanh chóng. Các triệu chứng xuất huyết dạ dày cấp tính bao gồm (các triệu chứng từ nhẹ đến nặng, do mất máu đột ngột và quá nhiều):

  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu
  • Da lạnh, tái nhợt
  • Yếu, mệt mỏi
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa nặng
  • Bí tiểu hoặc tiểu ít
  • Môi, móng tay có màu xám hoặc hơi xanh
  • Thay đổi trạng thái tinh thần hoặc hành vi, như lo âu, kích động
  • Bất tỉnh
  • Mạch đập nhanh
  • Thở nhanh
  • Hạ huyết áp
  • Giãn đồng tử
  • Sốc do máu không cung cấp đủ đến các cơ quan.

Ở những người bệnh có triệu chứng nặng, việc ổn định đường thở, truyền dịch tĩnh mạch hoặc truyền máu là việc cần thực hiện trước và trong khi có chẩn đoán.

Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ xuất huyết dạ dày cấp thì hãy gọi Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến bệnh viện ngay lập tức để được can thiệp điều trị kịp thời.

Triệu chứng xuất huyết dạ dày mạn tính

Nếu tình trạng xuất huyết mạn tính, bạn có thể bị thiếu máu với các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, thở ngắn, thở hụt hơi và thường tăng dần theo thời gian.

Đôi khi, tình trạng xuất huyết có thể tiềm ẩn, không có biểu hiện rõ ràng. Đó có thể là triệu chứng của tình trạng viêm hoặc một bệnh lý khác như ung thư đại tràng. Người bệnh chỉ phát hiện được khi xét nghiệm phân và kết quả cho thấy có thành phần của máu hiện diện trong đó.

Triệu chứng xuất huyết dạ dày thêm logo

Phòng ngừa xuất huyết dạ dày

Sau khi được điều trị, hầu hết mọi người đều phục hồi hoàn toàn và không còn tình trạng xuất huyết. Để giảm nguy cơ bị xuất huyết dạ dày trong tương lai, bạn có thể thay đổi lối sống với những lưu ý sau đây:

  • Tránh sử dụng các loại thuốc gây tác dụng phụ trên dạ dày. Hãy trao đổi với bác sĩ đế có phương pháp thay thế hoặc giảm liều dùng, phối hợp thêm với thuốc bảo vệ đường tiêu hóa.
  • Điều trị các nguyên nhân gây viêm loét dạ dày như nhiễm vi khuẩn H.pylori.
  • Giải tỏa căng thẳng, thực hành các biện pháp thư giãn như thở sâu, thiền định.
  • Duy trì lối sống năng động và chế độ dinh dưỡng cân bằng, giữ cân nặng khỏe mạnh.

Tốt nhất, bạn nên tái khám theo lời dặn của bác sĩ sau khi đã điều trị triệu chứng xuất huyết tiêu hóa để kiểm tra sức khỏe đường tiêu hóa, tránh bệnh tái phát.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Gastrointestinal (GI) Bleeding https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/23391-gastrointestinal-gi-bleeding Ngày truy cập 17/7/2024

Điều trị xuất huyết dạ dày nhanh chóng và phòng ngừa hiệu quả https://taimuihongsg.com/dieu-tri-xuat-huyet-da-day/ Ngày truy cập 17/7/2024

Gastrointestinal bleeding https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gastrointestinal-bleeding/symptoms-causes/syc-20372729 Ngày truy cập 17/7/2024

Xuất huyết dạ dày: nguyên nhân và các triệu chứng https://bvtamtridongthap.com.vn/vn/xuat-huyet-da-day-nguyen-nhan-va-cac-trieu-chung.html Ngày truy cập 17/7/2024

Tổng quan về chảy máu đường tiêu hóa https://www.msdmanuals.com/vi/professional/r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-ti%C3%AAu-h%C3%B3a/ch%E1%BA%A3y-m%C3%A1u-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-ti%C3%AAu-ho%C3%A1/t%E1%BB%95ng-quan-v%E1%BB%81-ch%E1%BA%A3y-m%C3%A1u-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-ti%C3%AAu-h%C3%B3a Ngày truy cập 17/7/2024

Gastrointestinal Bleeding https://medlineplus.gov/gastrointestinalbleeding.html Ngày truy cập 17/7/2024

Symptoms & Causes of GI Bleeding https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/gastrointestinal-bleeding/symptoms-causes Ngày truy cập 17/7/2024

Gastrointestinal Bleeding https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK537291/ Ngày truy cập 19/7/2024

Phiên bản hiện tại

26/08/2024

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Bữa sáng cho người đau dạ dày: Ăn gì và uống gì?

Xuất huyết dạ dày: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 26/08/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo