backup og meta

Trào ngược dạ dày gây khó thở phải làm sao? Lời khuyên từ chuyên gia

Trào ngược dạ dày gây khó thở phải làm sao? Lời khuyên từ chuyên gia

Trào ngược dạ dày gây khó thở không những làm bạn khó chịu trong sinh hoạt mà còn là dấu hiệu cảnh báo bệnh đang ngày càng trở nặng.

Trong bài viết sau, bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu nguyên nhân vì sao trào ngược dạ dày gây khó thở, hậu quả nếu tình trạng này không được chữa trị và cách xử lý kịp thời là gì nhé!

Trào ngược dạ dày là bệnh gì?

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng axit dạ dày trào ngược lên thực quản. Tình trạng này xảy ra khi có sự rối loạn chức năng cơ thắt thực quản dưới (LES) – van nằm ở đáy thực quản, phía trên dạ dày có nhiệm vụ đóng mở khi nuốt thức ăn.

Bên cạnh triệu chứng trào ngược dạ dàu khó thở, bệnh còn có những dấu hiệu khác như:

  • Khó nuốt
  • Đau ngực
  • Đắng miệng
  • Buồn nôn, nôn
  • Ho, khàn giọng
  • Miệng tiết nhiều nước bọt
  • Cảm giác nóng rát ở ngực kèm theo ợ hơi, ợ nóng, ợ chua thường là sau khi ăn

Bất cứ ai cũng có thể mắc phải trào ngược dạ dày thực quản. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải chứng bệnh này bao gồm:

  • Béo phì
  • Mang thai
  • Hút thuốc
  • Hen suyễn
  • Ăn sai cách
  • Tiểu đường
  • Thoát vị cơ hoành
  • Chức năng dạ dày bị suy giảm
  • Dùng nhiều thức uống có cồn như rượu, bia

Hãy đọc thêm: Tổng quan về bệnh trào ngược dạ dày

Trào ngược dạ dày có gây khó thở không?

trào ngược dạ dày gây khó thở

Tình trạng trào ngược dạ dày gây khó thở là do đâu, có nguy hiểm không? Theo các bác sĩ, tình trạng khó thở do trào ngược dạ dày là một trong những triệu chứng nghiêm trọng của bệnh. Triệu chứng này xuất hiện do axit dạ dày khi trào ngược xâm nhập vào phổi, đặc biệt là trong khi ngủ và gây sưng đường thở. Điều này có thể dẫn đến phản ứng hen suyễn hoặc viêm phổi hít (aspiration pneumonia) gây ảnh hưởng đến hô hấp thông qua triệu chứng ho hoặc khó thở, thở khò khè.

Theo đó, mặc dù trào ngược dạ dày có thể không gây ra hen suyễn nhưng có thể làm nặng thêm chứng bệnh này. Axit dạ dày có thể kích thích các dây thần kinh hô hấp, các phản xạ phòng thủ như ho, co thắt đường thở và tăng tiết chất nhầy.

Nhìn chung, nguyên nhân trào ngược dạ dày gây khó thở có thể bắt nguồn từ các cơ chế sau đây:

  • Axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản và lan vào các đường dẫn khí nhỏ, khiến chúng bị co lại gây khó thở.
  • Axit kích thích các đầu dây thần kinh nằm ở phần dưới của thực quản. Khi các đầu dây thần kinh này được kích thích, cơ trơn của thực quản co lại, khiến đường thở bị co lại dẫn đến tình trạng người bệnh cảm thấy khó thở.
  • Áp lực thức ăn tại đường thực quản lớn gây chèn ép lên khí quản, hơi thở bị đứt quãng dẫn tới triệu chứng khó thở ở người bệnh, đặc biệt là sau khi ăn xong.

Tình trạng trào ngược dạ dày gây khó thở là dấu hiệu cảnh báo chứng bệnh dạ dày đã bắt đầu đến giai đoạn nặng, cần được điều trị sớm.

5 biến chứng khi không điều trị trào ngược dạ dày gây khó thở

trào ngược dạ dày gây khó thở

Nhiều người thường thắc mắc trào ngược dạ dày gây khó thở có nguy hiểm không? Theo các chuyên gia sức khỏe, tình trạng trào ngược dạ dày gây khó thở không được điều trị đúng cách có thể gây các biến chứng sau:

1. Vấn đề về đường hô hấp

Trào ngược dạ dày có thể khiến bạn hít axit dạ dày vào phổi. Điều này gây kích ứng phổi, cổ họng và các vấn đề về hô hấp khác. Triệu chứng và biến chứng trên đường hô hấp có thể bao gồm:

  • Ho khan
  • Viêm phổi
  • Viêm họng
  • Viêm thanh quản
  • Có dịch trong phổi
  • Khàn giọng, thở khò khè
  • Gây ra hoặc làm trầm trọng hơn bệnh hen suyễn

2. Biến chứng đau dạ dày khó thở: Barrett thực quản

Trào ngược dạ dày gây khó thở không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể gây barret thực quản. Đây là bệnh lý tiêu hóa xảy ra khi các tế bào lót trong thực quản trở nên bất thường. Những người mắc bệnh Barrett có nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản cao gấp 30 đến 125 lần so với những người không mắc bệnh này. Điều quan trọng là bạn cần thăm khám thường xuyên để được bác sĩ kiểm tra, đánh giá tình trạng. Các xét nghiệm thường bao gồm nội soi và sinh thiết (đối với các tế bào ung thư và tiền ung thư).

3. Viêm thực quản

Viêm thực quản là biến chứng do trào ngược axit dạ dày gây ra hoặc có thể do nhiễm trùng. Các triệu chứng của viêm thực quản bao gồm đau khi nuốt và cảm giác nóng rát ở thực quản.

Vậy trong trường hợp viêm thực quản do trào ngược dạ dày khó thở phải làm sao? Theo các chuyên gia việc điều trị viêm thực quản trong tình huống này phụ thuộc vào nguyên nhân. Các loại thuốc như thuốc ức chế bơm proton và thuốc chẹn H2 có thể được chỉ định nếu nguyên nhân do trào ngược axit. Trường hợp bị nhiễm trùng có thể được chỉ định thêm thuốc kháng sinh.

4. Biến chứng trào ngược dạ dày gây khó thở: Hẹp thực quản

Trào ngược dạ dày gây khó thở là nguyên nhân phổ biến nhất gây hẹp thực quản. Việc axit từ dạ dày trào ngược sẽ làm ăn mòn niêm mạc dẫn tới viêm thực quản. Quá trình này lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ gây tổn thương không phục hồi trên thực quản, hình thành các mô sẹo gây hẹp thực quản.

5. Biến chứng đau bao tử khó thở: Ung thư thực quản

Trào ngược dạ dày là một trong những yếu tố nguy cơ tiến triển bệnh ung thư thực quản. Một khối u ung thư thực quản bắt đầu phát triển trong niêm mạc thực quản. Khi khối u phát triển đủ sẽ phá vỡ thành thực quản, nó có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể bạn bằng cách sử dụng hệ thống bạch huyết.

Triệu chứng ung thư thực quản bao gồm:

  • Khàn tiếng
  • Giảm cân bất thường
  • Khó nuốt và đau khi nuốt

Bạn hãy đến gặp bác sĩ nếu trào ngược dạ dày gây ra các triệu chứng đau ngực hoặc khó thở xuất hiện thường xuyên và có dấu hiệu ngày càng nặng hơn. 

Trào ngược dạ dày khó thở phải làm sao?

trào ngược dạ dày gây khó thở

Trào ngược dạ dày khó thở phải làm sao? Bạn cần đi khám để các  bác sĩ tìm cách điều trị bệnh trào ngược dạ dày để lấy lại nhịp thở bình thường.

Ngay khi có các biểu hiện trào ngược dạ dày thực quản gây khó thở, bạn cần đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt. Điều này giúp bạn biết được chính xác tình trạng bệnh, đồng thời được chuyên gia tư vấn cách kiểm soát triệu chứng và dùng thuốc phù hợp. Những phương pháp để điều trị trào ngược dạ dày có thể bao gồm lối sống lành mạnh, thuốc Tây và thảo dược.

1. Thay đổi lối sống để điều trị trào ngược dạ dày gây khó thở

Để ngăn ngừa và cải thiện bệnh trào ngược dạ dày, bạn cần xây dựng cho mình lối sống lành mạnh bằng cách:

  • Sửa đổi cách ăn uống: Bạn nên ăn các bữa ăn nhỏ thường xuyên hơn, tránh các bữa ăn trước khi đi ngủ hoặc ăn quá nhiều trong một bữa ăn.
  • Giảm cân: Nếu bạn đang thừa cân hoặc béo phì, bạn nên giảm cân lành mạnh bằng cách tập thể dục và ăn thực phẩm tốt.
  • Lựa chọn thực phẩm lành mạnh: Bạn nên ăn các thực phẩm chứa chất xơ, vitamin, đạm, chất béo tốt cho sức khỏe, hạn chế ăn thức ăn đóng hộp nhiều dầu mỡ và muối.
  • Nâng đầu giường: Bạn nên nâng đầu giường lên cao với độ dốc khoảng từ 15 – 17 độ. Điều này giúp thức ăn trong dạ dày vẫn ở đó thay vì đi vào đường thực quản trong khi ngủ.
  • Mặc quần áo thoải mái: Bạn hãy chọn quần áo rộng rãi, tránh đeo thắt lưng và quần áo gây áp lực lên vùng bụng.
  • Từ bỏ thói quen xấu: Bạn hãy bỏ thuốc lá, chỉ nên uống rượu bia ở mức độ vừa phải. Thói quen hút thuốc và uống rượu có thể làm nặng thêm các triệu chứng trào ngược dạ dày.

2. Dùng thuốc điều trị trào ngược dạ dày gây khó thở

Bị trào ngược dạ dày khó thở phải làm sao, uống thuốc gì cho nhanh đỡ? Câu trả lời là để điều trị chứng trào ngược dạ dày gây khó thở, bác sĩ có thể chỉ định các nhóm thuốc sau:

  • Thuốc giảm tiết, trung hòa axit dạ dày: Bao gồm thuốc ức chế thụ thể H2: Cimetidin, famotidin… và thuốc ức chế bơm proton: Lansoprazole, omeprazole…
  • Thuốc làm tăng trương lực cơ thắt thực quản dưới: Các thuốc này bao gồm metoclopramide, domperidone… có tác dụng làm giảm các triệu chứng trào ngược.
  • Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày: Các thuốc này bao gồm alginat, dimeticol, misoprostol… có tác dụng tăng cường hàng rào bảo vệ của dạ dày, ngăn ngừa tác động của axit dạ dày lên niêm mạc.

3. Dùng viên uống bổ sung từ thảo dược thiên nhiên

Một số nhà khoa học đã đề xuất các chất bổ sung có thể giúp một người giảm bớt các triệu chứng của GERD, chẳng hạn như:

Gừng

Nghiên cứu khoa học năm 2014 đã khám phá tác dụng của việc bổ sung gừng (dưới 5g mỗi ngày) đối với trẻ em bị GERD và nhận thấy rằng chúng giúp giảm các triệu chứng.

Cần lưu ý là các bác sĩ không khuyên dùng gừng cho những người bị rối loạn chảy máu, vì nó là chất làm loãng máu mạnh. Bên cạnh đó, những người dùng chất bổ sung từ gừng nên ngừng sử dụng  trước khi tiến hành phẫu thuật.

Cam thảo 

Theo cùng nghiên cứu năm 2014 kể trên, người ta đã sử dụng cam thảo trong một thời gian dài để làm giảm các triệu chứng viêm dạ dày. Thử nghiệm này đã cho thấy những người bị GERD tham gia đã sự cải thiện.

Tuy nhiên, cam thảo có một số đặc tính có thể gây tác dụng phụ, chẳng hạn như huyết áp cao. Do đó, có thể bạn nên chọn loại cam thảo đã khử chất glycyrrhizin, loại cam thảo này sẽ không tạo ra những tác dụng này. Tuy nhiên cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để chứng minh công dụng giúp giảm bớt triệu chứng trào ngược axit.

Tình trạng trào ngược dạ dày gây khó thở tuy nghiêm trọng, nhưng bạn hoàn toàn có thể cải thiện được nếu kiên trì phối hợp nhiều phương pháp điều trị khác nhau. Khi mắc bệnh, bạn nên tìm cách khắc phục càng sớm càng tốt để tránh những biến chứng nặng có thể xảy ra.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Can Acid Reflux Cause Shortness of Breath?

https://health.mountsinai.org/blog/can-acid-reflux-cause-shortness-of-breath/Ngày truy cập 13/02/2023

GERD (Chronic Acid Reflux)

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17019-gerd-or-acid-reflux-or-heartburn-overview Ngày truy cập 13/02/2023

Gastroesophageal Reflux Disease (GERD)

https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/gastroesophageal-reflux-disease-gerd Ngày truy cập 13/02/2023

Asthma and Gastroesophageal Reflux Disease

https://asthmaandallergies.org/asthma-allergies/asthma-and-gastroesophageal-reflux-disease/ Ngày truy cập 13/02/2023

15 ways to ease GERD symptoms at home

https://www.medicalnewstoday.com/articles/gerd-home-remedies Ngày truy cập 13/02/2023

Acid Reflux and Shortness of Breath

https://www.healthline.com/health/gerd/shortness-of-breath Ngày truy cập 13/02/2023

Phiên bản hiện tại

13/02/2023

Tác giả: An Yên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Chăm sóc bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối cần lưu ý gì?

Chữa trào ngược dạ dày bằng nghệ có thật sự hiệu quả?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: An Yên · Ngày cập nhật: 13/02/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo