backup og meta

5 cách chẩn đoán trào ngược dạ dày mà bạn cần biết

5 cách chẩn đoán trào ngược dạ dày mà bạn cần biết

Việc chẩn đoán trào ngược dạ dày giúp người bệnh phân biệt được triệu chứng liên quan đến bệnh. Từ đó, bác sĩ cũng xác định tình trạng bệnh và kiểm tra độ hiệu quả của phác đồ điều trị.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) xảy ra khi cơ thắt thực quản dưới không còn hoạt động hiệu quả, khiến axit dạ dày thường xuyên đi ngược vào đường dẫn nối miệng và dạ dày (thực quản) gây loét làm tổn thương niêm mạc thực quản. Việc phát hiện sớm các triệu chứng và điều trị kịp thời sẽ giúp bạn tránh được các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.

Khi xuất hiện các triệu chứng liên quan đến trào ngược, bạn hãy đến gặp bác sĩ để được xem xét và đưa ra các cách chẩn đoán phù hợp xác định được chứng bệnh nhanh chóng. Bạn hãy cùng tìm hiểu 5 cách chẩn đoán trào ngược dạ dày dưới đây nhé!

1. Đánh giá triệu chứng dạ dày thực quản

Để chẩn đoán trào ngược dạ dày, trước tiên bác sĩ sẽ thăm khám sức khỏe tổng thể, sau đó sẽ hỏi về các triệu chứng, dấu hiệu trào ngược thực quản mà người bệnh có thể gặp phải. Các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản có thể bao gồm:

• Ợ hơi, ợ nóng, ợ chua: Sự giãn cơ thắt thực quản dưới khiến dạ dày không thể giữ hơi, dịch vị và dễ dàng trào ngược lên thực quản. Các chất dạ dày trào ngược kích thích thực quản gây nóng rát từ thượng vị lên vùng phía sau xương ức. Thông thường, các triệu chứng này xuất hiện sau bữa ăn hoặc lúc người bệnh cúi gập người về phía trước.

• Buồn nôn, nôn: Người bệnh trào ngược thường có cảm giác buồn nôn. Bên cạnh đó, trào ngược dạ dày khiến dạ dày tiêu hóa kém dẫn đến tình trạng đầy hơi chướng bụng, khó tiêu khiến người bệnh có cảm giác khó chịu, buồn nôn. Trào ngược dạ dày thực quản là một trong những nguyên nhân gây buồn nôn mà bạn ít ngờ tới.

• Đau tức ngực: Các chất trong dạ dày di chuyển trở lại vào thực quản có thể gây ra cảm giác nóng rát ở ngực hoặc cổ họng, đôi lúc còn gây chèn ép dây thần kinh trên niêm mạc thực quản và tạo cảm giác đau tức ngực gần vùng bụng trên. Hiện tượng đau tức ngực vốn thường gặp ở bệnh nhân hen suyễn, song đây cũng là một triệu chứng của trào ngược dạ dày.

• Ho dai dẳng: Ho là sự phản xạ do sự gia tăng axit dạ dày vào thực quản, đôi lúc có thể rơi vào thanh quản hoặc cổ họng. Loại trào ngược này được gọi là trào ngược họng – thanh quản (LPR) có thể gây ho kéo dài.

Bác sĩ có thể thăm khám triệu chứng lâm sàng thông qua việc sử dụng bộ câu hỏi GerdQ. Đây là bộ câu hỏi để bệnh nhân tự trả lời về các triệu chứng trào ngược dạ dày trong vòng 7 ngày. Tổng số điểm được tính sẽ cho biết thông tin cho chẩn đoán và khuyến cáo phương pháp điều trị.

chẩn đoán trào ngược dạ dày

GerdQ là phương pháp chẩn đoán trào ngược dạ dày có độ chính xác cao giúp đánh giá tác động của triệu chứng và theo dõi đáp ứng điều trị.

2. Nội soi dạ dày thực quản

Cách chẩn đoán trào ngược dạ dày bằng cách nội soi dạ dày là phương pháp thực hiện bằng cách đưa một ống soi mềm thăm khám trực tiếp phần trên của ống tiêu hóa qua đường miệng. Từ các hình ảnh thu được từ ống soi, bác sĩ có thể chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.

Có 2 cách nội soi dạ dày thực quản bao gồm:

• Nội soi không gây mê: Phương pháp này thường khiến người bệnh có cảm giác đau đớn khi ống soi được đưa vào, đồng thời khi rút ra lại gây cảm giác khó chịu, buồn nôn. Do đó, cách này khiến rất nhiều người bệnh lo ngại khi thực hiện.

• Nội soi gây mê: Là phương pháp nội soi có kèm theo thuốc mê giúp người bệnh mất cảm giác đau đớn và khó chịu. Cách này hiện nay được nhiều người bệnh lựa chọn, tuy nhiên trước khi thực hiện, bạn nên hỏi bác sĩ về các tác dụng phụ của thuốc gây mê có thể xảy ra.

Nội soi là phương pháp chẩn đoán trào ngược dạ dày giúp phát hiện những vết thương rất nhỏ, ngoài ra cách này còn giúp lấy mẫu xét nghiệm vi khuẩn HP và chẩn đoán ung thư thực quản, dạ dày.

3. Xét nghiệm nhân trắc thực quản

chẩn đoán trào ngược dạ dày

Cách chẩn đoán trào ngược dạ dày bằng nhân trắc thực quản là xét nghiệm ngoại trú giúp xác định các vấn đề với chuyển động và áp lực trong thực quản dẫn đến các triệu chứng ợ nóng, ợ hơi… Xét nghiệm này được sử dụng để đo sức mạnh và sự phối hợp cơ bắp của thực quản khi nuốt. Trong quá trình thực hiện chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa một ống mỏng vào thực quản của bạn. Các cảm biến trên ống sẽ đo áp lực trong thực quản và đo sự co giãn cơ bắp khi nuốt.

Xét nghiệm nhân trắc thực quản đóng vai trò trong việc đánh giá trào ngược dạ dày trước phẫu thuật để loại trừ các trường hợp rối loạn vận động như đau thực quản hoặc xơ cứng bì. 

4. Theo dõi pH thực quản

Cách chẩn đoán trào ngược dạ dày bằng việc theo dõi pH thực quản trong 24 giờ là cách giúp xác minh dòng trào ngược axit. Cách này nhằm kiểm tra người bệnh có những triệu chứng trào ngược dạ dày như đau tức ngực, ho mạn tính, hen suyễn, viêm thanh quản… để xác nhận thông tin về tần suất, thời gian và sự liên quan của triệu chứng đến bệnh lý. Phương pháp này còn dùng cho các trường hợp chẩn đoán không rõ sau khi điều trị thử và nội soi.

5. Chụp thực quản – dạ dày cản quang

chẩn đoán trào ngược dạ dày

Cách chẩn đoán trào ngược dạ dày thông qua chụp thực quản – dạ dày cản quang barium esophagram đã từng được đề xuất làm xét nghiệm trào ngược dạ dày sàng lọc, nhưng độ nhạy và độ đặc hiệu của phương pháp này là không đủ. Do đó, cách chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản này thường được sử dụng để đánh giá các biến chứng liên quan đến trào ngược dạ dày như loét, hẹp dạ dày, đánh giá chứng khó nuốt người bệnh sau phẫu thuật trào ngược và kết hợp với các đánh giá từ phương pháp nội soi.

Sau khi được chẩn đoán mắc phải chứng trào ngược dạ dày, bạn cần xác định được nguyên nhân gây bệnh để phòng ngừa. Đồng thời bạn biết cách điều trị trào ngược dạ dày thông qua việc thay đổi chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh, tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ và phẫu thuật trào ngược khi cần.

Trào ngược dạ dày là chứng bệnh cần có sự phối hợp của nhiều phương pháp điều trị khác nhau mới có thể cải thiện tình trạng. Nếu có các triệu chứng bất thường nào liên quan đến chứng trào ngược dạ dày, bạn hãy đến thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhé!

Hoàng Trí HELLO BACSI

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

GERD: Diagnosis and Treatment
https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/17018-gerd-diagnosis-and-treatment
Ngày truy cập 13.08.2019

Diagnosis of GER & GERD
https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/acid-reflux-ger-gerd-adults/diagnosis
Ngày truy cập 13.08.2019

Diagnosis and treatment of gastroesophageal reflux disease
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4133436/
Ngày truy cập 13.08.2019

Phiên bản hiện tại

25/12/2019

Tác giả: Hoàng Trí

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Các tác dụng phụ của thuốc NSAIDs trên đường tiêu hoá trong điều trị viêm khớp

Viêm họng do trào ngược dạ dày: Cách trị hiệu quả tại nhà và bằng thuốc


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 25/12/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo