Tiêu chảy là một tác dụng phụ thường gặp khi bạn tiếp nhận các liệu pháp điều trị ung thư, đặc biệt là hóa trị. Nguyên nhân khiến bạn bị tiêu chảy không chỉ từ tác dụng phụ của phương pháp điều trị mà ngay cả chính bản thân căn bệnh ung thư có thể khiến bạn bị tiêu chảy. Bạn nên tìm hiểu rõ nguyên nhân và triệu chứng bệnh để có thể tìm ra các biện pháp kiểm soát, chữa trị kịp thời.
Nguyên nhân khiến bạn bị tiêu chảy khi điều trị ung thư
Tiêu chảy có thể xảy ra với bất cứ ai, đặc biệt đối với những bệnh nhân bị ung thư đại trực tràng. Nếu bạn đi đại tiện thường xuyên và phân lỏng hoặc nhiều nước thì bạn đã bị tiêu chảy. Có rất nhiều phương pháp điều trị ung thư có thể gây tiêu chảy bao gồm:
- Hóa trị. Quá trình hóa trị sẽ loại trừ các tế bào ung thư và cũng đồng thời giết chết các tế bào khác bao gồm cả các tế bào cấu thành nên lớp niêm mạc ruột. Do các tế bào này không còn nữa nên thức ăn và nước không được hấp thu, dẫn đến tiêu chảy, tuy nhiên không phải tất cả các loại thuốc hóa trị đều gây tiêu chảy. Bạn nên báo với bác sĩ nếu bạn nghi ngờ triệu chứng tiêu chảy của bạn là do tác dụng phụ của thuốc gây ra;
- Xạ trị. Đây cũng là một phương pháp điều trị ung thư có thể gây tiêu chảy. Đặc biệt khi bạn dùng tia phóng xạ chiếu vào vùng bụng, vùng xương chậu và vùng thắt lưng. Mức độ nghiêm trọng của bệnh tiêu chảy phụ thuộc vào lượng tia phóng xạ được sử dụng. Xạ trị có thể gây tiêu chảy kéo dài cả tuần hay thậm chí lên đến nhiều tháng sau khi điều trị;
- Phẫu thuật. Nếu bạn đã được phẫu thuật cắt bỏ một phần ruột, điều này có thể làm ruột giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng hoặc chất béo, từ đó dẫn đến tiêu chảy.
Có nhiều yếu tố khác cũng có thể gây tiêu chảy bao gồm những nguyên nhân như không dung nạp lactose, bị stress hay lo lắng hoặc bạn đang bị nhiễm trùng đường ruột.
Cách điều trị tiêu chảy trong khi chữa ung thư
Bạn có thể thay đổi một số thói quen sau đây để kiểm soát và chữa tiêu chảy:
- Uống nhiều nước, ít nhất 9 ly nước (khoảng 2.2 lít) mỗi ngày;
- Ăn thức ăn ít chất xơ như chuối, cơm, mì sợi, bánh mì trắng, thịt gà, cá thịt trắng;
- Ăn thức ăn chứa nhiều kali như chuối, khoai tây, đào. Kali là một khoáng chất rất cần thiết mà cơ thể hay bị thiếu hụt khi bạn bị tiêu chảy;
- Dùng các sản phẩm chứa men vi sinh đường tiêu hóa bao gồm sữa chua và các thực phẩm bổ sung khác. Vi khuẩn đường tiêu hóa trong sữa chua là những lợi khuẩn có thể giúp khôi phục chức năng tiêu hóa trở lại bình thường.
Ngoài ra bạn nên tránh những loại thực phẩm sau đây:
- Thức ăn quá cay, quá chua, quá ngọt, quá mặn hay quá đắng;
- Các loại ngũ cốc, các loại hạt và bắp rang;
- Các loại thực phẩm và thức uống có gas hoặc dễ khiến bạn bị đầy hơi như nước ngọt, bông cải xanh, giá, v.v..;
- Sữa và các chế phẩm từ sữa, thức uống có cồn;
- Hạn chế dùng những loại thức ăn và đồ uống có chứa caffeine và thức uống nóng hoặc lạnh;
- Các loại thực phẩm béo, đồ ăn chiên nhiều dầu mỡ và các loại thực phẩm khô có thể gây kích ứng đường ruột của bạn;
- Rau củ sống hoặc trái cây.
Khi việc thay đổi chế độ ăn uống không làm giảm tình trạng tiêu chảy, bạn có thể xem xét dùng thuốc. Điều quan trọng là bạn nên thảo luận với bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ loại thuốc mới nào để kiểm tra xem thuốc trị tiêu chảy có khả năng tương tác với các thuốc bạn đang dùng hoặc với tình trạng ung thư hiện tại hay không. Một số loại thuốc thường được sử dụng là loperamide (Imodium®) và bismuth subsalicylate (Kaopectate®, Pepto Bismol®).
Bạn nên làm gì khi triệu chứng tiêu chảy trở nặng?
Thông thường tiêu chảy có thể tự giảm nhưng có những trường hợp bị tiêu chảy không bớt mặc dù đã thay đổi chế độ ăn uống. Bạn nên liên hệ với bác sĩ ngay lập tức khi có các triệu chứng sau đây:
- Sốt 38°C trở lên;
- Đau bụng nặng dần, từ đau vừa đến đau quặn thắt, trướng bụng, đầy hơi;
- Chóng mặt;
- Nước tiểu sậm màu;
- Miệng và da bị khô;
- Phân có màu đen hoặc có máu trong phân;
- Nhịp tim tăng nhanh hoặc bất thường;
- Tình trạng tiêu chảy không giảm kể cả khi đã thay đổi thói quen ăn uống và uống thuốc.
Điều trị ung thư là một quá trình lâu dài và tương đối mệt mỏi, sẽ rất khó khăn và bất tiện cho cả người bệnh và người chăm sóc nếu bệnh nhân bị tiêu chảy trong quá trình trị liệu. Áp dụng những biện pháp trên đây sẽ giúp bạn tránh và chữa khỏi tiêu chảy. Tuy nhiên bạn hãy luôn báo với bác sĩ hoặc các nhân viên y tế ngay khi tình trạng bệnh trở nặng hoặc không thuyên giảm để được tư vấn và điều trị tốt nhất nhé.
[embed-health-tool-bmr]