Cháo là món ăn được nhắc đến hàng đầu khi được hỏi nấu món gì cho người bị tiêu chảy. Tuy nhiên, nhiều người lại băn khoăn không biết bị tiêu chảy nên ăn cháo gì, có phải chỉ ăn cháo trắng với muối (hay còn gọi là cháo hoa) là tốt nhất?
Tiêu chảy là đi ngoài phân lỏng, phân sống hơn 3 lần/ngày, có thể đi kèm với đau bụng, nôn khiến người bệnh mất nước nhanh.
Với tình trạng tiêu chảy cấp, nếu triệu chứng không quá nghiêm trọng, song song với việc bù nước và dùng thuốc trị tiêu chảy không kê đơn, bạn nên lưu ý đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể. Nếu chưa biết nấu món gì cho người bị tiêu chảy, Hello Bacsi mách bạn cách nấu một số món cháo ngon trong thực đơn cho người bị tiêu chảy, giúp nhanh hồi phục.
Bị tiêu chảy nên ăn cháo gì?
1. Tiêu chảy, đau bụng ăn cháo gì? Cháo hoa là lựa chọn hàng đầu
Cháo hoa hay cháo trắng, cháo muối là món cháo đơn giản, dễ nấu nhưng lại là lựa chọn hàng đầu cho việc đau bụng đi ngoài nên ăn gì. Món này rất tốt cho người bị tiêu chảy do dễ tiêu hóa, dễ hấp thu, giúp bù nước nhanh và không gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa.
Khi nhắc tới bị tiêu chảy nên ăn cháo gì, đây không chỉ là lựa chọn của đa số người bệnh mà món cháo này còn thích hợp cho người mới ốm dậy hoặc những người đang gặp các vấn đề về tiêu hóa như táo bón, đầy hơi, ăn không tiêu…
Chuẩn bị:
- 50g gạo tẻ
- 1 ít muối
- Hành lá cắt nhỏ
Cách chế biến:
- Gạo vo sạch, để ráo nước. Bạn có thể đem rang gạo với lửa nhỏ để giúp cháo có mùi thơm và hạt gạo không bị quá nát khi nấu
- Cho gạo vào nồi, thêm nước và nấu khoảng 30 – 40 phút. Khi cháo chín, thêm một ít muối
- Cho ra chén, thêm hành lá và thưởng thức.
Bạn có thể ăn khoảng 2 – 3 lần ngày để giảm đau bụng, bù nước và chất điện giải.
2. Cháo gà nấm hương và gừng – Món cháo giúp người tiêu chảy nhanh hồi phục
Người bị tiêu chảy nên ăn cháo gì thì đừng bao giờ bỏ qua món này.
- Nấm hương và gừng khi kết hợp với thịt gà sẽ tạo ra món cháo vừa bổ sung protein, dưỡng chất vừa giúp giảm nhanh các triệu chứng đau bụng đi ngoài.
- Nấm hương có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm và kháng virus, giúp cải thiện hệ miễn dịch.
- Gừng có tính ấm, vị cay, giúp chống viêm, giảm đau và có thể làm nhu động ruột chuyển động chậm hơn.
Từ đó, gừng và nấm hương giúp giảm đáng kể tình trạng tiêu chảy, buồn nôn; đặc biệt là tiêu chảy do hội chứng ruột kích thích.
Chuẩn bị:
- 1 nắm gạo nếp
- 150g thịt gà
- 20g nấm hương
- 1 miếng gừng nhỏ
Cách chế biến:
- Nấm hương ngâm nước ấm cho mềm, rửa sạch và cắt nhỏ. Gừng rửa sạch, cắt nhỏ
- Thịt gà rửa sạch, ướp với 1 chút hạt nêm gừng, hành
- Đun nóng dầu, sau đó cho thịt gà và nấm vào xào chín
- Cho gạo vào nồi, nấu thành cháo. Khi cháo sôi thì thêm thịt gà và nấm vào, đun sôi thêm vài phút, nêm nếm gia vị và thêm gừng cắt nhỏ rồi tắt bếp.
- Múc ra chén và thưởng thức.
3. Bị tiêu chảy nên ăn cháo gì? Cháo cà rốt thịt nạc giúp tăng dinh dưỡng
Bên cạnh 2 loại cháo kể trên, bạn nên kết hợp thêm các loại thực phẩm, rau củ tốt cho người bị tiêu chảy vào cháo để tăng dinh dưỡng và bổ sung chất xơ lành mạnh.
Cà rốt là một trong những “ứng viên” hàng đầu bởi vừa bổ dưỡng vừa chứa nhiều chất xơ hòa tan, giúp phục hồi hệ vi sinh đường ruột và giảm tiêu chảy. Ngoài ra, thêm thịt nạc còn giúp bổ sung protein để cơ thể nhanh hồi phục.
Chuẩn bị:
- 30g gạo
- 30g thịt nạc
- Nửa củ cà rốt
- Muối
Cách chế biến:
- Thịt nạc rửa sạch, cắt nhỏ, sau đó đảo sơ trên chảo cho thịt chín
- Cà rốt rửa sạch, gọt vỏ và cắt nhỏ, sau đó đem đi luộc chín
- Gạo vo sạch, cho vào nồi nấu với nước theo tỷ lệ 1:10
- Cháo chín thì cho thịt và cà rốt vào, nêm chút muối, đảo đều rồi tắt bếp
- Múc ra chén và thưởng thức.
4. Cháo rau sam hồng xiêm xanh – Món cháo giúp cầm tiêu chảy nhanh
Cháo rau sam kết hợp với hồng xiêm xanh cũng là món đầu bảng trong danh sách bị tiêu chảy nên ăn cháo gì. Vì hồng xiêm xanh có tác dụng chữa tiêu chảy rất hiệu quả do chứa nhiều tanin, đây là chất có đặc tính làm se. Khi đi vào cơ thể, tanin sẽ kết hợp với protein tạo ra lớp màng che phủ, giúp bảo vệ niêm mạc ruột, làm se bề mặt tổn thương và giúp cầm tiêu chảy.
Chuẩn bị:
- 1 quả hồng xiêm xanh, nên chọn quả non vì sẽ có hàm lượng tanin cao nhất
- 30g gạo tẻ
- 90g rau sam
Cách chế biến:
- Hồng xiêm và rau sam rửa sạch, cắt nhỏ rồi cho vào nấu với 250ml nước, đun sôi trong khoảng 15 phút rồi vớt bỏ xác
- Cho gạo đã vo vào nồi nước hồng xiêm và rau sam vừa nấu. Để lửa liu riu cho đến khi cháo chín nhừ. Nêm chút muối và nước mắm
- Múc ra chén và thưởng thức khi cháo còn ấm.
5. Bị tiêu chảy nên ăn cháo gì? Cháo trứng gà đậu đỏ
Rất nhiều người băn khoăn không biết bị tiêu chảy có nên ăn trứng không. Trứng thường không được khuyên dùng khi bị tiêu chảy do chứa nhiều protein phức tạp, khó hấp thu khiến hệ tiêu hóa gặp “áp lực”.
Tuy nhiên, ở giai đoạn hồi phục, khi các triệu chứng tiêu chảy đã giảm thì cháo trứng gà có thể mang đến nhiều lợi ích vì có thể cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, giúp người bị tiêu chảy nhanh hồi phục và lấy lại năng lượng.
Chuẩn bị:
- 30g gạo
- 1 quả trứng gà
- 1 nắm đậu đỏ
- 1 ít muối
Cách chế biến:
- Đậu đỏ đãi sạch, ngâm nước khoảng 6 – 8 giờ để đậu nở rồi cho vào nồi, nấu cho đến khi đậu mềm
- Gạo vo sạch, sau đó cho vào nồi nấu với nước. Bạn có thể điều chỉnh lượng nước tùy vào sở thích muốn nấu cháo đặc hay loãng.
- Khi cháo sôi, nở bung đều thì đập trứng gà vào, khuấy đều cho trứng tan và chín đều. Sau đó, cho đậu đỏ đã sơ chế vào nấu cùng cháo trong khoảng 5 – 7 phút rồi tắt bếp.
Nấu cháo cho người bị tiêu chảy cần lưu ý gì?
Bị tiêu chảy nên ăn cháo gì nên được quan tâm đầu tiên, nhưng cách ăn cũng quan trọng không kém.
Nhìn chung, cháo trắng hay cháo muối là món cháo được nghĩ đến đầu tiên khi bị tiêu chảy. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng chỉ ăn cháo muối và kiêng hẳn các nhóm thực phẩm thì mới nhanh hồi phục.
Tuy nhiên, điều này gần như không đúng bởi nếu chỉ ăn cháo trắng sẽ rất dễ bị mất sức do thiếu dinh dưỡng. Do đó, hãy xen kẽ các món cháo kể trên.
Ngoài ra, khi nấu cháo, bạn cũng cần lưu ý một số điều sau:
- Các món cháo cho người bị tiêu chảy nên nấu nhạt hơn bình thường, không thêm nhiều gia vị, nhất là tiêu và ớt để tránh kích thích nhu động ruột, khiến ruột co bóp mạnh hơn
- Không cho nhiều dầu ăn vào cháo vì dễ gây đầy bụng
- Không nấu cháo với những loại rau củ có hàm lượng chất xơ cao như bông cải xanh, cải Brussels, bắp cải, súp lơ, ngô, rau bina…
- Nấu cháo loãng trong những ngày đầu bị tiêu chảy, khi triệu chứng đã giảm thì nên tăng độ đặc của cháo
- Không ăn quá no tránh hệ tiêu hóa gặp áp lực, ngoài ra, do ăn cháo cũng mau đói nên khi bị tiêu chảy, bạn nên chia thành 5 – 6 lần ăn trong ngày để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể.
- Các loại rau củ, thịt, trứng khi nấu cháo cần được nấu chín kỹ và đảm bảo vệ sinh.
[embed-health-tool-bmr]