backup og meta

Viêm túi mật mãn tính có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nào?

Viêm túi mật mãn tính có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nào?

Viêm túi mật là tình trạng túi mật bị viêm đột ngột, còn gọi là viêm túi mật cấp tính. Nếu tình trạng này kéo dài trong nhiều tháng và các triệu chứng tái phát nhiều lần sẽ dẫn đến viêm túi mật mãn tính.

Trong nhiều trường hợp, viêm túi mật thường xảy ra do sự hình thành sỏi mật. Thế nhưng, rất khó để bạn phát hiện sỏi mật từ sớm vì chúng không gây đau. Vì vậy, theo thời gian, sỏi mật sẽ phát triển lớn dần và làm ảnh hưởng đến hoạt động của túi mật như gây tắc nghẽn, gây viêm túi mật. Lúc này, bạn cần sớm nhận ra các triệu chứng để đến bệnh viện điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây ra viêm túi mật mãn tính

Túi mật là một cơ quan nhỏ nằm ở dưới gan. Đây là túi có chức năng dự trữ dịch mật do gan tạo ra, sau đó truyền đến ruột non để hỗ trợ quá trình tiêu hóa chất béo.

Hầu hết các trường hợp viêm túi mật là do sự hình thành và phát triển của sỏi mật. Khi sỏi mật lớn dần về kích thước sẽ gây ra áp lực, kích thích và dẫn đến nhiễm trùng. Đồng thời, các ống dẫn nối với túi mật cũng sẽ bị tắc nghẽn. Lúc này, thành túi mật sẽ dày lên và bắt đầu co lại. Từ đó dẫn đến suy giảm khả năng làm cô đặc, lưu trữ và giải phóng dịch mật.

Ngoài yếu tố là sỏi mật, một số nguyên nhân khác gây viêm túi mật là:

  • Nhiễm trùng ống mật chủ (CBD)
  • Tắc nghẽn ống mật chủ
  • Dư thừa cholesterol trong túi mật
  • Các vấn đề liên quan đến mạch máu. Một số căn bệnh nghiêm trọng có thể làm hỏng các mạch máu và giảm lưu lượng máu đến túi mật. Từ đó gây viêm túi mật.
  • Xuất hiện khối u trong gan hoặc tuyến tụy
  • Khối u trong túi mật (trường hợp này hiếm gặp).

Trường hợp bị viêm túi mật cấp tính với các triệu chứng tái phát nhiều lần trong thời gian dài sẽ dẫn đến viêm túi mật mãn tính.

Những ai có nguy cơ cao bị viêm túi mật?

ăn đồ béo gây viêm túi mật mãn tính

Có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị viêm túi mật. Trong đó, những đối tượng dễ gặp các vấn đề liên quan đến túi mật bao gồm:

  • Phụ nữ thường dễ bị sỏi mật hơn nam giới. Điều này khiến chị em có nhiều nguy cơ bị viêm túi mật hơn.
  • Những đối tượng gặp vấn đề liên quan đến hormone, chẳng hạn như phụ nữ mang thai, người bị tiểu đường hoặc những người đang điều trị bệnh bằng liệu pháp hormone đều dễ bị viêm túi mật.
  • Nguy cơ bị viêm túi mật tăng cao ở những người sau 40 tuổi.
  • Người bị béo phì cũng dễ gặp phải tình trạng viêm túi mật.
  • Giảm cân hoặc tăng cân nhanh chóng thường dẫn đến một số rối loạn và gây ảnh hưởng đến túi mật.

Triệu chứng của viêm túi mật mãn tính

Các triệu chứng của viêm túi mật mãn tính cũng chính là triệu chứng bệnh cấp tính nhưng kéo dài hơn về thời gian. Hầu hết các dấu hiệu viêm túi mật thường xuất hiện sau bạn ăn thực phẩm có nhiều chất béo, bao gồm:

  • Đau nhói, đau âm ỉ ở phần trên bên phải hoặc giữa bụng, có thể kèm theo chuột rút
  • Cơn đau kéo dài liên tục khoảng 30 phút
  • Đau lan ra lưng hoặc dưới xương bả vai phải
  • Sốt
  • Buồn nôn, ói mửa
  • Phân có màu đất sét
  • Vàng da và lòng trắng của mắt.

Người bị viêm túi mật mãn tính có thể gặp phải biến chứng nào?

Người bị viêm túi mật mãn tính nếu có các triệu chứng ngày càng nghiêm trọng thì có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như:

  • Viêm tụy
  • Thủng túi mật do nhiễm trùng
  • Túi mật phình to do viêm
  • Ung thư túi mật, trường hợp này hiếm gặp
  • Hoại tử mô túi mật, đây là biến chứng khá phổ biến ở người lớn tuổi, những người không điều trị viêm túi mật kịp thời hoặc người bị tiểu đường. Tình trạng này thường dẫn đến rách hoặc vỡ túi mật vô cùng nguy hiểm.

Phương pháp chẩn đoán viêm túi mật

chẩn đoán viêm túi mật mãn tính

Nếu phát hiện các triệu chứng và nghi ngờ túi mật bị viêm, bạn nên đến bệnh viện để được làm các xét nghiệm chẩn đoán chính xác. Bác sĩ có thể đề xuất bạn tiến hành các dạng xét nghiệm máu, bao gồm:

  • Xét nghiệm AmylaseLipase để chẩn đoán các bệnh liên quan đến tuyến tụy
  • Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (Complete blood count – CBC)
  • Kiểm tra chức năng gan để đánh giá gan đang hoạt động như thế nào.

Song song đó, bạn cũng được thực hiện một trong những xét nghiệm giúp phát hiện sỏi mật hoặc tình trạng viêm túi mật mãn tính như:

  • Siêu âm bụng
  • Chụp CT bụng
  • Xạ hình gan mật (HIDA scan)
  • Sử dụng thuốc cản quang thông qua đường uống (Oral cholecystogram).

Phương pháp điều trị viêm túi mật mãn tính

Sau khi xác định nguyên nhân gây ra viêm túi mật và đánh giá sức khỏe tổng thể của bệnh nhân, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Các lựa chọn bao gồm:

  • Thuống kháng sinh chống nhiễm trùng.
  • Dùng thuốc làm tan sỏi mật, thường áp dụng cho bệnh nhân không thể phẫu thuật.
  • Thuốc giảm đau để kiểm soát cơn đau trong quá trình điều trị.

Các phương pháp kể trên thường được áp dụng với bệnh nhân viêm túi mật cấp tính. Đối với trường hợp viêm túi mật mãn tính, bác sĩ thường chọn cách tiến hành phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Bao gồm 2 phương pháp chính:

  • Phẫu thuật theo cách truyền thống: Bác sĩ tạo vết mổ tại vị trí phần trên bên phải bụng để cắt bỏ túi mật.
  • Cắt túi mật nội soi: Đây là phương pháp phổ biến hiện nay với ưu điểm là giúp bệnh nhân phục hồi nhanh hơn. Thậm chí là bạn hoàn toàn có thể về nhà ngay trong ngày được phẫu thuật.

Viêm túi mật mãn tính là tình trạng tương đối khó ngăn ngừa. Bạn có thể lựa chọn chế độ ăn ít chất béo để hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, giải pháp này có thể không đem đến hiệu quả 100% và việc bị viêm túi mật vẫn có thể xảy ra một cách bất ngờ. Vì vậy, cách tốt hơn là bạn nên sớm nhận biết các triệu chứng để được điều trị kịp thời.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Chronic cholecystitis

https://medlineplus.gov/ency/article/000217.htm Truy cập ngày 01/07/2021

Chronic cholecystitis

https://www.mountsinai.org/health-library/diseases-conditions/chronic-cholecystitis Truy cập ngày 01/07/2021

Chronic cholecystitis

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK470236/ Truy cập ngày 01/07/2021

Chronic cholecystitis

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cholecystitis/symptoms-causes/syc-20364867 Truy cập ngày 01/07/2021

Chronic cholecystitis

https://radiopaedia.org/articles/chronic-cholecystitis Truy cập ngày 01/07/2021

Phiên bản hiện tại

05/07/2021

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Chăm sóc bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối cần lưu ý gì?

Ưu và nhược điểm của tẩy sỏi trong gan và túi mật


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 05/07/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo