backup og meta

Sỏi túi mật uống thuốc gì mới giảm đau và tan sỏi?

Sỏi túi mật uống thuốc gì mới giảm đau và tan sỏi?

Không phải bất cứ ai bị sỏi túi mật đều bắt buộc phải phẫu thuật, bạn có thể uống thuốc Tây y trị sỏi mật hoặc tìm đến các bài thuốc thảo dược Đông y để cải thiện bệnh. Vậy sỏi túi mật uống thuốc gì để giảm đau và tan sỏi một cách nhẹ nhàng đây?

Sỏi túi mật là một bệnh lý tiêu hóa khá phổ biến, hình thành do các thành phần trong dịch mật (cholesterol, sắc tố mật, muối mật…) kết tụ lại, có thể ở dạng bùn mật hoặc dạng sỏi viên. Nguyên nhân gây sỏi không chỉ có một mà hội tụ của nhiều yếu tố bao gồm: suy giảm chức năng gan (cơ quan sản xuất ra dịch mật), giảm vận động đường mật và nhiễm trùng hoặc nhiễm khuẩn đường mật.

Hầu hết người bệnh bị sỏi ở túi mật không có triệu chứng, chỉ một số ít có thể cảm thấy các biểu hiện không rõ ràng như đầy bụng, khó tiêu, đau tức vùng hạ sườn phải… Chỉ đến khi sỏi phát triển và đã gây ra biến chứng, thì các dấu hiệu nặng hơn như cơn đau quặn mật, quặn gan, vàng da, sốt… mới xuất hiện. Đến lúc này, việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn.

Sỏi túi mật uống thuốc gì?

Khi mắc sỏi mật, người bệnh thường nghĩ ngay đến phẫu thuật mà ít biết những loại thuốc trị sỏi mật một cách an toàn và hiệu quả. Thậm chí, nhiều người còn tin theo những bài thuốc dân gian chưa có nghiên cứu chứng thực rõ ràng dẫn đến lợi bất cập hại. Để biết “Sỏi mật uống thuốc gì?” mới giảm đau và tan sỏi, bạn nên tìm hiểu cả Tây y và Đông y.

Thuốc Tây y trong điều trị sỏi mật

thuốc điều trị sỏi mật

Thực tế, bác sĩ thường nói với bệnh nhân rằng sỏi mật không có thuốc chữa trị triệt để và nếu tình trạng trầm trọng hơn sẽ mổ lấy sỏi. Nếu có điều trị bằng thuốc, bác sĩ có thể kê các loại thuốc giảm đau và thuốc giúp làm tan sỏi.

Thuốc giảm đau trị sỏi túi mật

Người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc chống co thắt cơ trơn để giảm đau do sỏi mật. Tuy nhiên, mỗi loại thuốc sẽ phù hợp với một mức độ đau khác nhau từ đau nhẹ đến đau quặn dữ dội. Vì vậy, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Thuốc làm tan sỏi

Có hai loại thuốc tan sỏi: thuốc dùng đường uống hoặc đường tiêm, tuy nhiên các loại thuốc này vẫn còn nhiều hạn chế khiến sỏi vẫn có nguy cơ tái phát.  

Thuốc tan sỏi dùng đường uống: có bản chất là acid mật giúp bào mòn sỏi cholesterol từ từ bằng cách hòa tan lượng cholesterol dư thừa trong dịch mật; ức chế sản xuất cholesterol ở gan và ngăn ngừa hấp thu ở ruột.

Nhược điểm của loại thuốc trị sỏi mật này:

• Thuốc chỉ có tác dụng với sỏi cholesterol kích thước nhỏ hơn 2cm; sỏi chưa bị canxi hóa; chưa gây ra biến chứng và túi mật vẫn còn hoạt động; không có tác dụng với sỏi sắc tố mật (sỏi bilirubin).

• Thời gian sử dụng thuốc kéo dài từ vài tháng đến vài năm, tùy thuộc vào kích thước sỏi và độ đáp ứng với thuốc của bạn. Sỏi càng lớn thì thời gian sử dụng càng dài.

• Thuốc gây ra tác dụng phụ trên đường tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, nặng hơn có thể gây viêm gan, viêm loét dạ dày – tá tràng.

Thuốc tan sỏi trực tiếp qua đường tiêm: Liệu pháp này sử dụng một dung môi hữu cơ là methyl tert-butyl ether (MTBE) tiêm trực tiếp vào túi mật để hòa tan sỏi. Do có nhiều rủi ro và hiệu quả không cao nên phương pháp này hiện nay ít áp dụng.

Các loại thuốc trị sỏi mật Tây y không những có thể gây ra tác dụng phụ mà còn có tỷ lệ tái phát sỏi cao. Vì vậy, nhiều người bệnh đã tìm đến các bài thuốc dân gian hay thảo dược Đông y với hy vọng bào mòn sỏi túi mật.

Bài thuốc dân gian chữa sỏi mật

Bên cạnh các thuốc trị sỏi túi mật, không ít người thử vận may với những kinh nghiệm dân gian truyền miệng làm tan sỏi từ các nguyên liệu tự nhiên như dứa, đu đủ, sung, dầu ô liu… Vậy thực hư các phương pháp này là gì, hiệu quả đến đâu?

• Quả dứa: Quả dứa có tác dụng giảm sưng viêm và nhanh lành vết thương sau phẫu thuật, tuy nhiên chưa được kiểm nghiệm về tác dụng bài sỏi trong túi mật.

• Quả đu đủ: Nghiên cứu cho thấy hoạt chất papain trong trái đu đủ xanh có tác dụng tốt với các trường hợp bị viêm, nhưng chưa có nghiên cứu nào đề cập đến việc làm tan sỏi túi mật.

• Quả sung: Dịch chiết từ trái sung có tác dụng tốt cho gan, giảm đau, sốt, có tính kháng khuẩn nhưng không có bằng chứng khoa học nào cho thấy trái sung có thể bài được sỏi mật.

• Dầu ô liu: Nhiều người tin rằng dùng dầu ô liu kết hợp nước cốt chanh sẽ làm sỏi mật tan ra và xổ theo phân. Nhưng theo Bệnh viện Mayo Clinic (thuộc Đại học Harvard – Hoa Kỳ), các “viên màu xanh lá” xổ theo phân thực chất chỉ là hỗn hợp muối tạo thành từ dầu, muối mật, nước chanh và các chất khác chứ không phải sỏi mật.

sỏi túi mật uống thuốc gì
Nhiều người tin rằng dầu ô liu và nước cốt chanh có thể làm tan sỏi

Với tốc độ phát triển của mạng xã hội, các kinh nghiệm dân gian làm tan sỏi ngày càng được lan truyền rộng. Tuy nhiên, người bệnh cần tìm hiểu kỹ trước khi áp dụng bởi các phương pháp này chưa được kiểm chứng khoa học.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Gallstones: What You Should Know
https://www.webmd.com/digestive-disorders/gallstones#1
Ngày truy cập: 07.11.2018

Understanding Gallstones: Types, Pain, and More
https://www.healthline.com/health/gallstones
Ngày truy cập: 07.11.2018

Gallstones
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gallstones/symptoms-causes/syc-20354214
Ngày truy cập: 07.11.2018

Phiên bản hiện tại

20/04/2021

Tác giả: Thảo Viên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Người bị trĩ nhẹ có tự khỏi được không?

Chăm sóc bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối cần lưu ý gì?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thảo Viên · Ngày cập nhật: 20/04/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo