backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Người mổ sỏi mật nên ăn gì để tránh rối loạn tiêu hóa?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 27/11/2020

    Người mổ sỏi mật nên ăn gì để tránh rối loạn tiêu hóa?

    Sức khỏe và hệ tiêu hóa sẽ bị ảnh hưởng nếu bạn phẫu thuật mổ sỏi mật. Do đó, nhiều người lo lắng không biết mổ sỏi mật nên ăn gì. Nếu có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bạn không những tránh được biến chứng mà còn nhanh hồi phục.

    Phần lớn người sau mổ sỏi mật thường bị rối loạn tiêu hóa như đau bụng, đầy trướng, chậm tiêu, khó tiêu hoặc tiêu chảy dẫn đến việc kiêng khem quá mức. Vậy sau khi mổ sỏi mật nên ăn gì để người bệnh vừa tránh biến chứng lại mau hồi phục sức khỏe? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu và xây dựng thực đơn cho người mổ sỏi mật để tránh biến chứng và rối loạn tiêu hóa nhé!

    Ảnh hưởng của phẫu thuật sỏi mật

    Theo lý thuyết, người bị sỏi mật có thể phẫu thuật lấy sỏi vào bất kỳ thời điểm nào nhưng nếu sỏi chưa gây triệu chứng gì thì chưa cần thiết phải mổ. Phẫu thuật chỉ thực sự cần thiết khi sỏi mật kích thước lớn, gây biến chứng thường xuyên.

    Dù vậy, người bệnh cũng cần phải hiểu rõ những ảnh hưởng của ca mổ đến sức khỏe và hệ tiêu hóa để ứng phó với những biến chứng có thể xảy ra sau mổ sỏi mật.

    • Biến chứng sau phẫu thuật: Người bệnh có khả năng gặp một số biến chứng sau phẫu thuật lấy sỏi như tổn thương đường mật, còn sót sỏi, đau vết mổ, nguy cơ nhiễm trùng… Tuy nhiên, bác sĩ có chuyên môn cao sẽ giúp hạn chế tối đa các biến chứng này nếu bạn thực hiện phẫu thuật ở những bệnh viện uy tín.

    Phẫu thuật cắt túi mật có thể gây tiêu chảy kéo dài
    Phẫu thuật cắt túi mật có thể gây tiêu chảy kéo dài

    • Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa: Phẫu thuật lấy sỏi hoặc cắt túi mật có thể gây xáo trộn hoạt động của đường mật, từ đó ảnh hưởng đến đường tiêu hóa. Bạn dễ gặp một số rối loạn tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy kéo dài, đau do đầy trướng, trào ngược dịch mật lên dạ dày, thực quản… Những rối loạn tiêu hóa này còn có thể trầm trọng hơn nếu người bệnh không có một chế độ ăn uống kiêng khem hợp lý.

    Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng giúp người bệnh nhanh hồi phục và ngừa biến chứng ảnh hưởng đến tiêu hóa như đau bụng, khó tiêu, tiêu chảy…

    Sau khi mổ sỏi mật nên ăn gì?

    Mổ sỏi mật nên ăn gì
    Ăn nhiều trái cây giúp hỗ trợ hệ thống tiêu hóa, tăng cường hệ miễn dịch

    Xây dựng thực đơn cho người mổ sỏi mật hợp lý không phải là điều quá khó khăn mà chỉ cần bạn chú ý và kiên trì. Khi đã nắm được mổ sỏi mật nên ăn gì, bạn sẽ tránh được các chứng như đau bụng, chậm tiêu hay đầy trướng. Dưới đây là một số lưu ý dành cho bạn:

    • Chia nhỏ bữa ăn: Bạn sẽ không thể tiêu hóa quá nhiều thức ăn ngay sau khi cắt túi mật nên hãy tránh ăn quá no.

    • Bổ sung chất béo không no: Về cơ bản, bạn nên hạn chế ăn chất béo sau phẫu thuật. Tuy nhiên, cơ thể vẫn cần có chất béo để kích thích gan tiết dịch mật, tăng lưu thông dịch mật và cung cấp năng lượng để hoạt động. Vì thế, thay vì chất béo không tốt hay chất béo no, bạn nên chọn những chất béo tốt từ dầu ô liu, quả bơ hoặc cá. Những chất béo này vừa cung cấp đủ dinh dưỡng vừa không làm tăng nguy cơ hình thành sỏi mật.

    • Tăng hàm lượng chất xơ: Việc bổ sung chất xơ giúp hạn chế tình trạng tiêu chảy và làm giảm đầy trướng do thức ăn không được tiêu hóa. Bạn hãy bổ sung chất xơ hòa tan từ rau xanh, yến mạch, đậu… để tăng cường hoạt động hệ thống tiêu hóa, phòng táo bón, tiêu chảy và làm chậm hấp thu chất béo sau khi ăn. Tuy nhiên, bạn không nên ăn quá nhiều chất xơ để tránh tình trạng khó tiêu mà nên tăng lượng chất xơ từ từ để cơ thể thích nghi dần.

    • Bổ sung thực phẩm nhiều vitamin: Khả năng hấp thụ vitamin A, D, E, K thường bị giảm sau cắt túi mật bởi sự tiêu hóa chất béo bị xáo trộn. Vì thế, bạn cần bổ sung thêm các vitamin trên từ cá béo, rau củ màu xanh thẫm hay hoa quả màu đỏ… Ngoài ra, bạn cần bổ sung thêm vitamin C cũng giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, giúp vết mổ chóng lành.

    Sau khi mổ sỏi mật nên kiêng ăn gì?

    Thực đơn cho người mổ sỏi mật nên kiêng gì?
    Bạn nên tránh những thực phẩm chế biến sẵn hay những món khó tiêu

    Thói quen ăn uống lành mạnh có thể hạn chế các biến chứng đường tiêu hóa nhưng chưa đủ giải quyết hậu quả sau cắt túi mật và phòng ngừa nguy cơ tái phát sỏi. Bạn cũng cần tránh một số thực phẩm không có lợi cho hệ tiêu hóa để hồi phục nhanh hơn. 

    • Thực phẩm nhiều dầu mỡ và cholesterol: Bạn cần tránh thịt mỡ, đồ chiên rán, nội tạng động vật… Những thực phẩm này chứa quá nhiều chất béo mà cơ thể không thể chuyển hóa được nên có thể gây khó tiêu và làm tăng nguy cơ tái phát sỏi.

    • Thực phẩm chứa nhiều đường và tinh bột tinh chế: Bánh ngọt, đồ ăn vặt, nước ngọt… thường chứa nhiều đường nên gây tăng nguy cơ béo phì, bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch.

    • Thực phẩm chế biến sẵn: Thịt hộp, thịt xông khói, thức ăn nhanh… thường chứa nhiều chất béo xấu, muối và chất bảo quản nhưng lại có hàm lượng dinh dưỡng thấp nên dễ gây đau bụng, khó tiêu.

    • Thực phẩm dễ gây khó tiêu: Sữa béo, bơ sữa, phô mai hoặc các sản phẩm từ sữa béo… có thể gây chướng bụng nên bạn cần hạn chế. Nếu muốn dùng sữa, bạn nên chuyển sang sữa chua hoặc sữa đậu nành.

    • Thực phẩm hay gia vị dễ gây kích thích: Bạn cần hạn chế dùng tỏi, ớt, rau củ muối chua, cà phê hoặc rượu bia. Những thực phẩm này không tốt cho hệ tiêu hóa đang trong quá trình hồi phục sau mổ.

    Mặc dù bạn nên ăn kiêng một số loại thực phẩm nhưng cũng không nên loại bỏ hoàn toàn các loại chất béo. Một chế độ ăn quá ít hoặc không có chất béo đều có thể dẫn tới việc hình thành sỏi mật.

    Phẫu thuật sỏi mật tuy có thể gây ra một số biến chứng lên hệ tiêu hóa nhưng bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được những biến chứng này, chịu tìm hiểu mổ sỏi mật nên ăn gì mới tốt. Một chế độ ăn uống phù hợp sẽ giúp bạn nhanh phục hồi và ngừa sỏi mật tái phát. Hãy kết hợp với thói quen sống lành mạnh, bạn sẽ sớm hồi phục sức khỏe!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 27/11/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo