backup og meta

Cách chữa sỏi mật bằng Đông y không cần phẫu thuật

Cách chữa sỏi mật bằng Đông y không cần phẫu thuật

Phương pháp phẫu thuật của Tây y không giải quyết được triệt để nguyên nhân gây sỏi và người bệnh vẫn có nguy cơ bị tái phát. Liệu cách chữa sỏi mật bằng Đông y có giúp bạn đánh tan sỏi mà không cần phải phẫu thuật?

Bạn có thể bị sỏi trong túi mật, ống mật chủ hay đường dẫn mật trong gan. Đó có thể là sỏi viên, hay sỏi bùn với nhiều kích cỡ khác nhau. Sỏi mật có thể gây ra những cơn đau dữ dội, kèm theo nôn, sốt, đầy trướng, chán ăn, sợ mỡ hoặc vàng da, vàng mắt. Đây là bệnh rất thường gặp, ước đoán khoảng 20% dân số thế giới sẽ bị sỏi mật ở thời điểm nào đó trong cuộc đời của mình!

Vì sao bạn bị sỏi mật?

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh sỏi mật, nhưng trong đó có 3 nguyên nhân chính được cho là có liên quan đến sự mất cân bằng của các thành phần có trong dịch mật (do chức năng gan kém hoặc rối loạn chuyển hóa cholesterol), sự giảm vận động của đường mật và  nhiễm khuẩn và nhiễm kí sinh trùng.

Việc biết được nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tìm ra cách chữa sỏi mật tốt nhất. Theo các nhà khoa học cho rằng, sự hình thành của sỏi mật có thể là do sự phối hợp của các nguyên nhân chính sau đây:

Mất cân bằng các thành phần trong dịch mật

Sỏi mật được hình thành từ sự kết tụ của các thành phần có trong dịch mật, trong đó chủ yếu là cholesterol và bilirubin (sắc tố mật).Khi các thành phần trong dịch mật như cholesterol và bilirubin quá dư thừa, nguy cơ bị sỏi túi mật sẽ càng cao.

• Dư thừa cholesterol: Đây được xem là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự hình thành và phát triển của sỏi mật, thường xảy ra khi bạn có các bệnh lý tại gan hoặc gặp tình trạng cholesterol cao trong chế độ ăn uống thường ngày.

Một số căn bệnh như viêm ruột mãn tính, bệnh lý hồi tràng làm giảm hấp thu các acid mật, hay sử dụng thuốc tránh thai kéo dài cũng làm tăng nguy cơ mắc sỏi mật, vì chúng làm tăng nồng độ cholesterol và giảm sự co bóp của túi mật.

• Quá nhiều bilirubin: Bilirubin là một sản phẩm phân hủy của tế bào máu hồng cầu. Khi hồng cầu già và chết đi, chúng sẽ chuyển hóa thành bilirubin, sau đó được gan loại bỏ ra khỏi máu bằng cách bài tiết bilirubin vào trong dịch mật.

Nếu bạn mắc một số bệnh lý như thiếu máu tán huyết hay bệnh hồng cầu hình lưỡi liềm, sẽ làm cho các tế bào hồng cầu bị vỡ hàng loạt, dẫn đến giải phóng một lượng lớn bilirubin, tích tụ ở trong dịch mật và hình thành nên sỏi sắc tố mật.

Giảm vận động đường mật

Sự “lười nhác” vận động của đường mật lâu ngày sẽ khiến cho dịch mật của bạn bị ứ trệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần ở trong dịch mật lắng đọng và kết tụ thành sỏi.

Nhiễm khuẩn và nhiễm kí sinh trùng

Khi giun, sán phát triển ở đường ruột “đi lạc” vào đường mật, xác hoặc trứng của chúng sẽ trở thành nhân, tạo điều kiện để sắc tố mật và calci bám vào, hình thành nên sỏi. Đây là nguyên nhân thường gặp ở các nước đang phát triển hoặc kém phát triển do chế độ ăn uống chưa đảm bảo vệ sinh.

Một số yếu tố nguy cơ khác cũng tạo điều kiện cho sỏi hình thành và phát triển, chẳng hạn như: giảm cân cấp tốc, chế độ ăn giàu chất béo, người béo phì, phụ nữ mang thai, sử dụng thuốc giảm mỡ máu, bệnh tiểu đường…

Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc Tây hoặc phẫu thuật lấy sỏi. Tuy nhiên, các phương pháp này chỉ có hiệu quả với một số loại sỏi nhất định hoặc vẫn có nguy cơ tái sỏi sau mổ nên rất nhiều người đã tìm đến cách chữa sỏi mật dân gian, Đông y.

Cách chữa sỏi mật bằng theo kinh nghiệm dân gian

cách chữa sỏi mật bằng kinh nghiệm dân gian
Y học hiện đại rất khó tác động đến yếu tố cơ địa để trị sỏi

Dân gian có một số kinh nghiệm điều trị sỏi mật từ các nguyên liệu từ thiên nhiên như quả dứa, đu đủ xanh, quả sung, dầu ô liu và nước chanh.

• Chữa sỏi mật bằng quả dứa: Nhiều người bệnh sỏi mật mách nhau sử dụng quá dứa để bài sỏi túi mật, với cách thức làm như sau: lấy 1 quả dứa gọt vỏ, khoét 1 lỗ và cho vào đó một ít phèn chua (0,3g) rồi cho nước vào đậy nắp lại ninh trong 3 giờ. Sau đó ăn các miếng dứa và uống cả nước. Dùng liên tục trong 7 ngày liền.

Tuy nhiên, thực tế chưa có bằng chứng nghiên cứu nào cho thấy quả dứa có thể bài được sỏi mật. Có chăng chỉ là tác dụng chống viêm của hoạt chất Bromelain trong quả dứa đã được nghiên cứu cho thấy nó có hiệu quả trong các trường hợp bị viêm xoang hoặc sau phẫu thuật. Do nó có khả năng phân hủy các tế bào chết nên làm giảm sưng viêm và nhanh lành vết thương sau phẫu thuật.

• Chữa sỏi mật bằng quả đu đủ xanh: Dùng trái đu đủ còn xanh (quả non),, cắt đầu đuôi, khoét bỏ hột đi, giữ nguyên vỏ, bỏ chút muối vô trong, nấu cách thủy cho mềm, để nguội ăn hết cả vỏ. Mỗi ăn 1 quả và ăn liên tục trong 1 tuần. Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, hoạt chất Papain trong trái đu đủ xanh có tác dụng tốt với tiêu hóa, tương tự như các enzym tiêu hóa protein nên có tác dụng tốt với các trường hợp bị viêm. Không có nghiên cứu nào đề cập đến việc làm tan sỏi mật.

• Chữa sỏi mật bằng quả sung: Lấy 250gr sung miếng đã sao khô cùng 4 bát nước sau đó sắc đun còn 1 bát. Bát nước này chia ra uống trong ngày. Tuy nhiên, cách chữa sỏi mật truyền miệng này không cơ sở khoa học. Thực tế các nghiên cứu chỉ cho thấy dịch chiết từ trái sung có tác dụng tốt cho gan, giảm đau, sốt, có tính kháng khuẩn, không có bằng chứng cho thấy trái sung có thể bài được sỏi mật.

• Chữa sỏi mật bằng dầu ô liu và nước chanh: Phương pháp và cách thức thực hiện chưa có một tài liệu chuẩn nào ở Việt Nam hay thế giới đề cập đến. Người bệnh thường sử dụng theo kinh nghiệm truyền miệng hoặc chia sẻ trên mạng. Theo đó, người bệnh cần nhịn ăn 12 giờ, sau đó uống 4 muỗng canh dầu ô liu và 1 muỗng canh nước cốt chanh, lặp lại như vậy 15 phút/lần cho đủ 8 lần.  

Nhiều người tin rằng dùng cách này sỏi mật sẽ tan ra và xổ theo phân. Nhưng theo phân tích của bệnh viện Mayo Clinic (bệnh viện trực thuộc Đại học Harvard – Hoa Kỳ) cho thấy dầu ô liu có tác dụng nhuận tràng và kích thích túi mật co bóp. Các “viên sỏi” màu xanh lá hoặc vàng xanh tưởng là sỏi mật được xổ theo phân nhưng thực chất chỉ là hỗn hợp muối tạo thành từ dầu, muối mật, nước chanh và các chất khác chứ không phải sỏi mật.

Các cách chữa sỏi mật theo lời truyền miệng dân gian tuy đơn giản, dễ áp dụng, song lại chưa được khoa học kiểm chứng rõ ràng. Nếu tự ý áp dụng, người bệnh có nguy cơ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn. Trong khi đó có rất nhiều loại cây thuốc nam sử dụng để bài sỏi mật  hiệu quả và đã được kiểm chứng lâm sàng và ứng dụng vào thực tế điều trị.

Cách chữa sỏi mật với 8 loại thảo dược quý trong Đông y

cách chữa sỏi mật bằng thảo dược Đông y
Một số loại thảo dược quý của Đông y giúp loại sỏi hiệu quả

Nhiều nghiên cứu cho thấy, một số thảo dược quý của Đông y có khả năng  loại bỏ được nguyên nhân sinh sỏi và ngăn ngừa nguy cơ tái phát sỏi. Bởi quá trình hình thành sỏi là sự hội tụ của nhiều yếu tố, bao gồm cả yếu tố cơ địa mà y học hiện đại rất khó tác động được song cơ hội này lại cao hơn ở y học truyền thống. Trong số đó, không thể không kể đến 8 loại thảo dược quý như: Sài hồ, Hoàng bá, Diệp hạ châu, Chi tử, Uất kim, Chỉ xác, Nhân trần, Kim tiền thảo.

Theo các bài thuốc cổ truyền, người xưa thường đun sắc các loại thảo dược này để loại bỏ sỏi mật không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý rằng hiện vẫn chưa có công bố chính thức về cách chữa sỏi mật bằng Đông y có thể thay thế hoàn toàn các điều trị y tế khác. Do đó, điều tốt nhất là bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn chính xác về phương pháp điều trị bệnh sỏi mật phù hợp nhất.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

BROMELAIN
https://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-895/bromelain
Ngày truy cập: 19.10.2018

Gallbladder cleanse: A ‘natural’ remedy for gallstones?
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gallstones/expert-answers/gallbladder-cleanse/faq-20058134
Ngày truy cập: 19.10.2018

Traditional uses, medicinal properties, and phytopharmacology of Ficus racemosa: A review
https://www.tandfonline.com/doi/full/10.3109/13880200903241861
Ngày truy cập: 19.10.2018

The Role of the Gallbladder in Acupuncture and Acupressure

https://www.healthline.com/health/gallbladder-meridians

Ngày truy cập 24/04/2021

Studies on gallstone in China

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4695558/ 

Ngày truy cập 24/04/2021

 

Phiên bản hiện tại

24/04/2021

Tác giả: Thảo Viên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Thư Phạm


Bài viết liên quan

Chăm sóc bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối cần lưu ý gì?

Các tác dụng phụ của thuốc NSAIDs trên đường tiêu hoá trong điều trị viêm khớp


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thảo Viên · Ngày cập nhật: 24/04/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo