Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn có rất nhiều người ngại ngùng khi nhắc về bệnh trĩ và chỉ dám tìm kiếm các thông tin như “trĩ là bệnh gì”, “sa búi trĩ uống thuốc gì?” hay “cách giảm đau khi bị trĩ” thông qua các kênh thông tin online.
Thấu hiểu những e ngại đó, Hello Bacsi sẽ cùng bạn tìm hiểu thêm về bệnh trĩ, cũng như đáp án cho câu hỏi “sa búi trĩ uống thuốc gì?” qua bài viết bên dưới. Bạn đừng bỏ lỡ nhé.
Giải đáp: “Sa búi trĩ uống thuốc gì?”
Sa búi trĩ là bệnh lý về đường tiêu hóa thường gặp ở độ tuổi trung niên, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh. Để điều trị sa búi trĩ, bác sĩ thường chỉ định dùng hai loại thuốc là thuốc uống và thuốc bôi tại chỗ, nhằm thuyên giảm các triệu chứng và ngăn chặn chúng bùng phát trở lại. Sau đây là một số loại thuốc thường được kê toa khi bị bệnh trĩ:
1. Thuốc giảm đau
Hai loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) đường uống là naproxen và ibuprofen sẽ giúp người bệnh giảm đau nhức, sưng tấy và bớt đỏ ở vùng xung quanh những búi trĩ từ nhỏ đến trung bình.
2. Thuốc làm mềm phân
Như tên gọi của chúng, các loại thuốc này sẽ ngăn chặn sự hấp thụ nước trong ruột, từ đó làm tăng thể tích nước trong phân, để phân mềm hơn, dễ đi ngoài hơn. Thuốc làm mềm phân thường có thành phần chính là hoạt chất natri docusate và cần ít nhất vài ngày mới bắt đầu có tác dụng.
3. Kem bôi trĩ
Như đã đề cập ở phần trên, bên cạnh các loại thuốc đường uống, một số kem bôi trĩ tại vị trí đau cũng được cân nhắc chỉ định để giảm đau và thu nhỏ các mô bị viêm. Ví dụ như:
- Các loại thuốc gây tê tại chỗ, dạng gel, thuốc mỡ hoặc kem, với thành phần chính là lidocain sẽ làm tê liệt các dây thần kinh ở vị trí đau, giúp người bệnh dễ chịu hơn khi cử động hoặc đi tiêu.
- Thuốc bôi có thành phần là phenylephrine sẽ hỗ trợ thu nhỏ các tĩnh mạch bị giãn, để các búi trĩ không phình to.
- Thuốc mỡ trực tràng với glyceryl trinitrate (nitroglycerin) là hoạt chất chính cũng được kê toa, để làm giãn các mạch máu bên dưới bề mặt da, giúp vị trí đau không quá căng cứng.
- Kem bôi trực tràng hydrocortisone giúp giảm viêm bằng cách điều chỉnh phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Tác dụng phụ thường gặp của thuốc chữa bệnh trĩ
Hầu như các loại thuốc điều trị bệnh trĩ tại nhà đều là thuốc OTC và khá an toàn. Tuy nhiên, đã là thuốc thì vẫn có nguy cơ gây ra tác dụng phụ, cụ thể như sau:
- Sử dụng liên tục (quá một tuần) các loại thuốc điều trị có chứa steroid, vùng da bị trĩ có thể bị kích ứng, khiến tổn thương nghiêm trọng hơn và gây ra cảm giác khó chịu hơn so với ban đầu
- Trực tràng hoặc vùng xung quanh trực tràng bị kích ứng và bị chảy máu trực tràng
- Dị ứng với thành phần thuốc và xuất hiện các phản ứng dị ứng như phát ban, nổi mề đay hoặc sưng…
- Tăng huyết áp, đau đầu, chóng mặt hoặc buồn nôn.
Mặc dù, tác dụng phụ của những loại thuốc này rất hiếm, nhưng khi xảy ra bất kỳ phản ứng tiêu cực nào, bạn cũng cần thông báo ngay với bác sĩ điều trị để thay đổi những chỉ định khác thích hợp hơn.
Kiểm soát sa búi trĩ tại nhà như thế nào?
Chắc hẳn là đọc đến đây, bạn đã sáng tỏ được thắc mắc “sa búi trĩ uống thuốc gì?”. Theo các chuyên gia sức khỏe, bên cạnh sử dụng thuốc, các biện pháp dưới đây cũng cần được áp dụng song song, để giảm bớt sự khó chịu và ngăn ngừa nhiễm trùng nặng hơn, gồm:
- Chườm lạnh: Áp một miếng gạc lạnh lên hậu môn nhiều lần trong ngày để giảm sưng. Lưu ý mỗi lần chỉ đặt tối đa 15 phút.
- Tắm ngồi: Thay vì tắm đứng hoặc nằm bồn, người bệnh có thể ngâm mông trong bồn nước ấm từ 10 đến 15 phút trước khi tắm. Biện pháp này có thể giúp giảm bớt sự khó chịu.
- Chế độ ăn giàu chất xơ: Một trong những triệu chứng của trĩ là khó đi tiêu, nên chế độ ăn giàu chất xơ và uống đủ nước sẽ giúp phân mềm hơn, đi tiêu dễ dàng hơn và không quá đau rát mỗi khi đi tiêu. Theo khuyến nghị của chuyên gia sức khỏe, mỗi ngày, người bệnh cần nạp đủ 25-35 gram chất xơ và uống ít nhất 8 ly nước.
- Thay đổi thói quen đi vệ sinh: Nếu không đi tiêu được thì không nên rặn hoặc gồng quá mức, vì chỉ khiến bệnh tình tiến triển nặng hơn. Thay vào đó, hãy thử sử dụng một chai bóp chứa đầy nước ấm để rửa hậu môn sau khi đi tiêu. Sau đó, nhẹ nhàng lau hậu môn bằng khăn lau mềm dùng một lần và để khô tự nhiên.
- Tập thể dục nhẹ nhàng: Các bài tập nhẹ như đi bộ hoặc tập yoga có thể giúp ngăn ngừa táo bón. Hạn chế các bài tập cử tạ, ngồi xổm hoặc các bài tập bụng vì sẽ khiến hậu môn, lẫn trực tràng trở nên căng thẳng hơn, tình trạng sa búi trĩ nặng hơn.
- Sử dụng nha đam: Nhờ vào đặc tính khám viêm, nha đam được cho là có khả năng thúc đẩy bệnh trĩ thuyên giảm. Trước tiên, đắp lô hội đã gọt vỏ và rửa sạch nhớt lên cổ tay, từ 24 – 48 giờ để kiểm tra xem có phản ứng dị ứng hay không. Nếu không, sau đó bạn hãy đắp lên vùng hậu môn, trong khoảng 30 phút mỗi ngày.
Tóm lại, đáp án cho câu hỏi “sa búi trĩ uống thuốc gì” là uống thuốc giảm đau, thuốc làm mềm phân và dùng kem bôi trực tiếp. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp hỗ trợ tại nhà để bệnh tình nhanh chóng thuyên giảm.
[embed-health-tool-bmr]