Tình trạng ăn không tiêu, đầy bụng và khó thở là những triệu chứng có thể xảy ra độc lập với nhau. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bạn có nguy cơ gặp phải đồng thời cả hai vấn đề này. Việc hiểu rõ nguyên nhân gây ăn không tiêu, đầy bụng, khó thở sẽ giúp bạn biết khi nào cần đến bệnh viện thăm khám và điều trị kịp thời.
Trên thực tế, tình trạng ăn không tiêu, đầy bụng có thể dẫn đến khó thở và ngược lại, các vấn đề gây khó thở cũng dễ khiến bạn ăn không tiêu, đầy bụng. Tình trạng ăn không tiêu, đầy bụng có khả năng ảnh hưởng đến cơ hoành – một vân cơ dẹp, rộng, ngăn cách khoang ngực với bụng giúp hỗ trợ quá trình hô hấp. Lúc này, cơ hoành có thể bị đè ép gây cản trở chuyển động, từ đó dẫn đến khó thở.
Ngược lại, các tình trạng có khả năng ảnh hưởng đến dung tích phổi, hơi thở và gây khó thở cũng có thể dẫn đến chướng bụng, khó tiêu. Các tình trạng này thường là xơ nang hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Ngoài ra tăng thế tích ổ bụng như u vùng bụng hoặc tràn dịch màng bụng cũng sẽ dễ chèn ép đường tiêu hóa gây khó tiêu đầy bụng.
Vậy ăn không tiêu, đầy bụng, khó thở là dấu hiệu của bệnh gì, có nguy hiểm không? Khi gặp phải tình trạng này, bạn phải làm sao? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu thêm trong bài viết dưới đây.
Giải đáp: Ăn không tiêu, đầy bụng, khó thở là dấu hiệu của bệnh gì, có nguy hiểm không?
Theo các chuyên gia sức khỏe, một số nguyên nhân gây ăn không tiêu, đầy bụng, khó thở có thể lành tính, không quá nguy hiểm trong khi một số nguyên nhân khác lại đến từ những bệnh lý nghiêm trọng, cần được điều trị y tế. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp có nguy cơ dẫn đến tình trạng ăn không tiêu, đầy bụng, khó thở:
1. Ăn không tiêu, đầy bụng, khó thở do ăn quá nhiều
Một người có thể bị đầy bụng, khó tiêu nếu tiêu thụ quá nhiều thực phẩm cùng một lúc. Tình trạng này đôi khi gây áp lực lên cơ hoành và khiến người đó bị khó thở.
2. Do một số thực phẩm và các chất phụ gia
Một số loại thực phẩm và chất phụ gia có thể làm tăng sản xuất lượng khí dư thừa trong đường tiêu hóa. Điều này không chỉ gây đầy hơi mà còn tạo áp lực lên cơ hoành và gây khó thở. Dưới đây là một số loại thực phẩm và chất phụ gia có thể gây ra hoặc góp phần tạo thêm khí dư thừa trong đường tiêu hóa:
- Thực phẩm chứa nhiều chất xơ như các loại hạt đậu khô, ngũ cốc nguyên hạt…
- Nước giải khát có ga
- Chất làm ngọt nhân tạo…
3. Mang thai gây ra tình trạng ăn không tiêu đầy bụng khó thở
Trong thai kỳ, khi thai nhi phát triển lớn có thể gây đè ép các cơ quan khác, bao gồm đường tiêu hóa cũng như cơ hoành. Vì vậy, càng về các giai đoạn sau của thai kỳ, đặc biệt là cuối tam cá nguyệt thứ hai hoặc đầu tam cá nguyệt thứ ba, mẹ bầu dễ gặp phải tình trạng ăn không tiêu, đầy bụng và khó thở.
4. Trào ngược dạ dày thực quản và các bệnh lý đường tiêu hóa
Ở người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản, phần dưới thực quản mở ra thường xuyên và không đóng lại đúng cách. Việc này khiến axit dạ dày và thức ăn trào ngược từ dạ dày lên thực quản. Triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh trào ngược dạ dày thực quản là ợ chua, ợ nóng. Ngoài ra, các dấu hiệu khác của bệnh bao gồm tức ngực, nóng rát ở ngực hoặc giữa bụng, khàn giọng, ho, khó nuốt, ăn không tiêu, đầy bụng, khó thở…
Ngoài ra, các bệnh lý đường tiêu hóa khác như hội chứng ruột kích thích, bệnh dạ dày, rối loạn đường tiêu hóa, chứng không dung nạp lactose… có thể gây ra những ảnh hưởng tương tự. Các bệnh ung thư ở đường tiêu hóa như ung thư dạ dày, ung thư tuyến tụy là những bệnh lý đường tiêu hóa nghiêm trọng khiến người bệnh ăn không tiêu, đầy bụng và khó thở.
5. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh lý mạn tính không có khả năng phục hồi hoàn toàn, đặc trưng bởi sự tắc nghẽn luồng khí thở ra. Tình trạng cản trở thông khí này thường tiến triển dần dần và liên quan đến phản ứng viêm của phổi khi tiếp xúc với các hạt bụi hoặc khí độc hại, đặc biệt là khói thuốc lá, thuốc lào.
Khi mắc COPD, đường thở và phổi sẽ bị tổn thương dẫn đến không khí ra vào phổi khó khăn hơn, từ đó dẫn đến khó thở. Người bệnh thường cảm thấy khó thở sau khi ăn vì thức ăn chiếm nhiều không gian ở khoang bụng và ngực. Lúc này, bệnh nhân cũng có thể bị đầy bụng, ăn không tiêu.
6. Ăn không tiêu, đầy bụng, khó thở do thoát vị hoành
Thoát vị hoành là tình trạng các cơ quan bình thường vốn phải ở trong ổ bụng lại di chuyển lên khoang ngực, thường gặp nhất là tình trạng phần trên của dạ dày di chuyển qua cơ hoành (thoát vị trượt). Tình trạng này có thể gây ảnh hưởng đến cả dạ dày cũng như cơ hoành, từ đó dẫn đến tình trạng ăn không tiêu, đầy bụng kết hợp với khó thở.
7. Các bệnh lý và vấn đề sức khỏe khác
Bên cạnh các vấn đề sức khỏe kể trên, nhiều bệnh lý và tình trạng sức khỏe khác cũng có thể là nguyên nhân gây ăn không tiêu, đầy bụng và khó thở, chẳng hạn như:
- Lo lắng, rối loạn hoảng sợ
- Sỏi mật
- Suy tụy
- Bệnh xơ nang
- Bệnh lý thần kinh ngoại biên
- Nhiễm trùng phổi
- Bại liệt
- Bệnh Celiac
- Ung thư buồng trứng
- U lympho không Hodgkin
Ăn không tiêu, đầy bụng, khó thở phải làm sao?
Tình trạng ăn không tiêu, đầy bụng và khó thở không hề hiếm gặp. Tuy nhiên, chúng có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bạn. Vậy nếu ăn không tiêu, đầy bụng và khó thở, bạn phải làm sao? Dưới đây là một số việc bạn nên làm trong trường hợp này:
1. Thay đổi chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt
Nếu thường xuyên gặp phải tình trạng ăn không tiêu, đầy bụng, khó thở xảy ra sau khi ăn quá nhiều hoặc ăn các loại thực phẩm sinh ra nhiều khí ga như đã nêu trên, bạn có thể thử thay đổi chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt để hạn chế tình trạng này. Theo đó, bạn hãy:
- Không nên ăn quá nhiều trong một lần, tốt nhất nên chia nhỏ bữa ăn
- Chọn giờ ăn phù hợp, ăn chậm và nhai kỹ, không vừa ăn vừa nói chuyện hoặc xem ti vi, lướt điện thoại…
- Tránh tiêu thụ quá nhiều các loại thực phẩm sinh ra khí như thực phẩm chứa nhiều chất xơ, nước có ga, chất làm ngọt nhân tạo…
- Tránh ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ chế biến sẵn
- Uống thêm nước để làm giảm triệu chứng
- Đi bộ hoặc vận động nhẹ nhàng sau khi ăn để giải phóng khí và giúp quá trình tiêu hóa diễn ra trơn tru hơn
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng quá mức, dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý và ngủ đủ giấc, không thức khuya.
2. Đến bệnh viện để chẩn đoán và điều trị các vấn đề liên quan
Nếu tình trạng ăn không tiêu, đầy bụng và khó thở xảy ra thường xuyên, không rõ nguyên nhân thì bạn nên đến bệnh viện để thăm khám. Ở bệnh viện, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng cũng như đề nghị bạn thực hiện các kiểm tra, xét nghiệm để chẩn đoán xác định nguyên nhân gây nên tình trạng này, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.
Điều bạn cần làm là tuân thủ đúng hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ để điều trị các bệnh lý hoặc tình trạng sức khỏe là nguyên nhân gây ăn không tiêu, đầy bụng, khó thở. Khi nguyên nhân tiềm ẩn được “loại bỏ” thì triệu chứng khó chịu của bạn cũng sẽ dần biến mất.
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây ăn không tiêu, đầy bụng, khó thở cũng như biết cách xử lý tình trạng này. Trong một số trường hợp, tình trạng đầy bụng và khó thở không quá nguy hiểm nhưng trong các trường hợp khác, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cần được điều trị y tế. Nếu bị đầy bụng, ăn không tiêu, khó thở thường xuyên, hãy đến bệnh viện để thăm khám và tìm ra nguyên nhân cụ thể gây nên tình trạng này nhằm có cách điều trị phù hợp.
[embed-health-tool-bmr]