backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Trĩ ngoại độ 1

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 19/02/2024

Trĩ ngoại độ 1

Nhiều người thường gọi trĩ ngoại nhẹ là trĩ ngoại độ 1 nhưng nếu không được quan tâm điều trị đúng mực, bệnh sẽ tiến triển nhanh chóng. Dù trĩ không đe dọa tính mạng nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống.

Vậy, trĩ ngoại độ 1 là gì, triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị ra sao? Biết được những điều này sẽ giúp bạn sớm chấm dứt sự khó chịu do trĩ ngoại gây ra.

Tìm hiểu chung

Trĩ ngoại độ 1 là gì?

Bệnh trĩ ngoại là tình trạng các tĩnh mạch xung quanh hậu môn bị sưng, viêm.

Búi trĩ ngoại được bao phủ bởi biểu mô vảy và bị chi phối bởi các dây thần kinh da. Búi trĩ ngoại xuất hiện dưới đường lược, ở bất kỳ vị trí nào. Cuối cùng, chúng được dẫn lưu theo tĩnh mạch trực tràng dưới vào tĩnh mạch chủ dưới.

Trĩ ngoại thường trực ở rìa hậu môn và không phân độ, nhưng theo thói quen mọi người hay dùng độ 1 là trĩ ngoại nhẹ. Các phân độ chỉ áp dụng cho trĩ nội (độ 1: búi trĩ còn trong ống hậu môn, không sa ra ngoài; độ 2: trĩ sa ra ngoài nhưng tự co lên được; độ 3: trĩ sa ra ngoài khi đi tiêu không tự co lên nhưng dùng tay đẩy vào được; độ 4: trĩ sa ra ngoài thường trực, không dùng tay đẩy vào được).

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng trĩ ngoại độ 1

triệu chứng trĩ ngoại độ 1

Ở bệnh trĩ ngoại, búi trĩ phình ngoài hậu môn, luôn thường trực ở ngoài nên triệu chứng thường xuất hiện sớm và gây khó chịu cho người bệnh. Triệu chứng tiến triển của trĩ ngoại xảy ra theo những cách sau đây:

  • Đau do huyết khối cấp tính hoặc xoắn búi trĩ.
  • Chảy máu tự nhiên hoặc sau đi tiêu, không tự cầm được.

Ngoài ra, trĩ ngoại nhẹ còn có thể gây ra một số triệu chứng ở mức độ nhẹ:

  • Ngứa hậu môn, khó chịu
  • Cảm giác sưng và nóng rát vùng hậu môn, chạm tay vào có thể cảm nhận được cục sưng này
  • Chảy máu đỏ tươi từ trực tràng, thấm vào giấy vệ sinh hoặc nhỏ giọt vào bồn cầu, tự cầm được
  • Vùng hậu môn bị sưng màu hồng nhạt hoặc tím thẫm
  • Có một hoặc nhiều búi trĩ nhỏ như hạt đậu, mềm
  • Hậu môn ẩm ướt như bị rỉ dịch
  • Với người đang bị táo bón sẽ thấy đau hơn khi rặn.

Ở một số người, dấu hiệu trĩ ngoại độ 1 sẽ biến mất trong vòng vài ngày. Việc cọ xát mạnh vào vùng hậu môn có thể khiến triệu chứng tồi tệ hơn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân trĩ ngoại độ 1 là gì?

Bệnh trĩ là kết quả của sự gia tăng áp lực trong đám rối trĩ. Đây thường là do tăng áp lực trong ổ bụng bởi các tình huống như rặn kéo dài khi đi đại tiện, mang thai, chuyển dạ. Những người có tiền sử phân cứng kéo dài có tỷ lệ bị bệnh trĩ rất cao.

Các yếu tố nguy cơ của bệnh trĩ nói chung bao gồm:

  • Tiền sử gia đình
  • Tiêu chảy, táo bón mạn tính
  • Lối sống ít vận động
  • Béo phì
  • Ngồi nhiều do tính chất công việc
  • Chấn thương tủy sống
  • Phẫu thuật trực tràng
  • Quan hệ tình dục qua đường hậu môn
  • Bệnh viêm ruột.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Cách chẩn đoán trĩ ngoại độ 1

Nếu bạn có những dấu hiệu như trên, và nghi ngờ mắc trĩ ngoại, bạn nên đi khám để được chẩn đoán mức độ và điều trị nếu cần thiết. Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng.

Kế tiếp, bác sĩ sẽ thăm khám hậu môn. Bệnh nhân cần nằm sấp hoặc nằm nghiêng bên trái để bác sĩ kiểm tra búi trĩ, tình trạng nứt hậu môn, rò hậu môn và sa trực tràng. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ kiểm tra bằng tay có đeo găng và chất bôi trơn.

Cách điều trị trĩ ngoại độ 1

chẩn đoán và điều trị trĩ ngoại độ 1

Các triệu chứng trĩ ngoại lúc này còn nhẹ, chưa thực sự rõ ràng nên rất nhiều bệnh nhân chủ quan. Không ít người thắc mắc trĩ ngoại độ 1 có tự khỏi không với hi vọng không cần điều trị. 

Bạn hãy nhớ rằng bệnh trĩ ngoại độ 1 sẽ không tự hết. Nếu chủ quan và để lâu dài, nó sẽ tiến triển nặng hơn, khó điều trị và điều trị tốn kém hơn.

Trĩ ngoại độ 1 có cần phẫu thuật không thì thật may mắn là chỉ cần điều trị nội khoa tích cực là đủ. Các phương pháp bao gồm:

Thay đổi lối sống

Việc điều chỉnh lại chế độ ăn uống và sinh hoạt là quan trọng nhất trong cách chữa trĩ ngoại độ 1 tại nhà. Bạn nên:

  • Ăn nhiều rau và hoa quả hơn, giảm thịt, chọn các món ăn dễ tiêu
  • Tập thể dục nhẹ nhàng hằng ngày để giảm táo bón
  • Mặc quần áo rộng rãi để tránh cọ xát vào búi trĩ
  • Không ngồi, nằm quá lâu
  • Uống nhiều nước hơn
  • Không rặn và ngồi trong nhà vệ sinh quá lâu
  • Không nhịn đại tiện
  • Không mang vác vật quá nặng hoặc chống đẩy quá sức
  • Chọn tư thế ngồi bồn cầu thoải mái, tốt nhất là ngồi xổm và kê ghế ở dưới chân để tránh gây áp lực lên hậu môn.

Trĩ ngoại độ 1 uống thuốc gì?

Thuốc được dùng trong trường hợp trĩ ngoại gây ra triệu chứng, bao gồm:

  • Thuốc bôi trĩ ngoại giúp chống viêm, giảm đau để giảm tình trạng ngứa rát hậu môn
  • Thuốc uống giúp co mạch máu, chống co thắt đại tràng nhằm giảm thiểu sự hình thành búi trĩ mới và ngăn ngừa búi trĩ cũ phát triển
  • Thuốc nhuận tràng
  • Uống bổ sung chất xơ (chất tạo khối) như ispaghula, methylcellulose dạng bột hoặc sterculia nếu cần.
  • Tốt nhất, bạn nên đi khám để bác sĩ xác định mức độ trĩ ngoại và cách điều trị phù hợp với thể trạng của mình.

    Phòng ngừa

    Những biện pháp nào giúp phòng ngừa trĩ ngoại nhẹ?

    Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh trĩ nói chung là thay đổi chế độ sinh hoạt. Bạn nên thực hiện những lời khuyên về lối sống ở phần điều trị kể trên, đặc biệt là khi bị táo bón kéo dài hoặc tiền sử gia đình có người mắc bệnh trĩ.

    Trĩ ngoại độ 1

    1. Búi trĩ hình thành ở hậu môn, bên dưới đường lược
    2. Triệu chứng còn nhẹ, chưa rõ ràng nhưng có thể gây đau, ngứa rát, sưng hậu môn, chảy máu
    3. Chẩn đoán thông qua triệu chứng và khám trực tràng bằng tay
    4. Không cần cắt trĩ, chỉ cần thay đổi lối sống và dùng thuốc là đủ.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM


    Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 19/02/2024

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo