Bệnh trĩ ngày càng gia tăng ở những người trẻ tuổi do chế độ ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh. Đây lại là một căn bệnh khiến nhiều người e ngại khi đi khám nên họ thường băn khoăn không biết bị trĩ nhẹ có tự khỏi được không nếu điều trị tại nhà? Cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp trong bài viết này nhé!
Dấu hiệu bệnh trĩ nhẹ
Trĩ là một bệnh lý khá phổ biến, có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào do các tĩnh mạch ở vùng trực tràng – hậu môn bị giãn, sưng và viêm. Trĩ có thể xuất hiện bên trong trực tràng (trĩ nội) hoặc bên ngoài hậu môn (trĩ ngoại). Khi trĩ căng phình và phát triển ra ngoài hậu môn thì được gọi là sa búi trĩ, có thể xảy ra ở cả trĩ nội và ngoại. Lúc này, búi trĩ thường bị chảy máu và gây đau đớn nhiều hơn.
Triệu chứng bệnh trĩ rất đa dạng tùy vào loại trĩ (trĩ nội, trĩ ngoại hay sa búi trĩ) và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nhiều người bị trĩ nhẹ còn không biểu hiện bất kỳ triệu chứng khó chịu nào.
Dấu hiệu bệnh trĩ nhẹ có khi không được phát hiện, nhất là những người bị trĩ nội độ I thường không cảm nhận được cơn đau hay có bất kỳ triệu chứng nào. Trĩ nội khi có triệu chứng thường là chảy máu trong trực tràng và bạn sẽ nhìn thấy có máu trong phân hoặc trên giấy vệ sinh.
Nếu bị trĩ ngoại, các dấu hiệu bạn có thể nhận thấy là:
- Ngứa và kích ứng hậu môn
- Sờ thấy các cục u cứng gần hậu môn, có thể thấy đau khi chạm vào
- Đau nhức ở vùng hậu môn, nhất là khi ngồi
- Chảy máu trực tràng.
Vậy, người bị trĩ nhẹ có tự khỏi được không và làm sao để giảm nhẹ các triệu chứng ngay tại nhà một cách hiệu quả?
Bị trĩ nhẹ có tự khỏi được không?
Câu trả lời là CÓ THỂ. Bệnh trĩ nhẹ thường tự khỏi sau vài ngày mà không cần điều trị. Các triệu chứng như đau và chảy máu có thể kéo dài 1 tuần hoặc lâu hơn một chút. Thực tế, những người bị trĩ nhẹ có thể tự khỏi bệnh bằng cách thay đổi lối sống mà không cần phải phẫu thuật cắt bỏ trĩ.
Bệnh trĩ có tự khỏi không? Thông thường, các triệu chứng bệnh trĩ sau khi điều trị tại nhà thường thuyên giảm và khỏi trong vòng 1 tuần.
Tuy nhiên, bạn nên đến gặp bác sĩ nếu như:
- Tình trạng bệnh không thuyên giảm sau 1 tuần điều trị
- Có máu trong phân hoặc thay đổi màu sắc phân
- Đau bụng
- Táo bón hoặc tiêu chảy mạn tính
- Sốt và ớn lạnh
- Buồn nôn và ói mửa
- Chảy máu trực tràng nghiêm trọng và đau đớn
- Gặp phải tác dụng phụ khác như khô da xung quanh hậu môn hoặc nổi ban ngứa.
Các phương pháp làm giảm nhẹ triệu chứng trĩ nhẹ tại nhà
Hiểu rõ “Bị trĩ nhẹ có tự khỏi được không?” thì bạn cũng nên biết rằng, trong thời gian chờ để bệnh tự thuyên giảm, bạn nên thực hiện một số bước để giảm cảm giác khó chịu. Để giảm nhẹ triệu chứng bệnh trĩ như sưng, đau và viêm, bạn có thể áp dụng một số phương pháp tại nhà như:
- Sử dụng kem bôi trĩ không kê đơn tại các nhà thuốc. Bạn nên tham khảo ý kiến của dược sĩ trước khi dùng.
- Ngâm hậu môn trong nước ấm khoảng 10-15 phút mỗi ngày để giảm bớt tình trạng ngứa rát.
- Uống thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol, ibuprofen sẽ giúp giảm bớt cảm giác đau đớn, khó chịu do trĩ.
- Dùng thuốc nhuận tràng, làm mềm phân.
Ngoài ra, những thay đổi bạn cần cố gắng tuân thủ để tránh bệnh tái phát bao gồm:
- Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, chẳng hạn như rau lá màu xanh, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây tươi,…
- Uống nhiều nước
- Hạn chế uống cafe, đồ uống có cồn vì có thể gây kích ứng và táo bón
- Tránh các món cay, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ
- Tránh rặn mạnh khi đi đại tiện vì có thể khiến tình trạng trĩ nặng thêm
- Tập thể dục, vận động khoảng 20-30 phút mỗi ngày giúp kích thích chức năng ruột
- Tập thói quen đại tiện đều đặn, đi ngay khi có cảm giác mắc và không ngồi lâu trong nhà vệ sinh
- Sử dụng thực phẩm bổ sung chất xơ hoặc thuốc làm mềm phân để đại tiện dễ dàng hơn.
Hi vọng bài viết đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc “Bị trĩ nhẹ có tự khỏi được không?”. Nhìn chung, người bị trĩ nhẹ có thể tự khỏi sau khi điều trị tại nhà và để bệnh không tái phát thì cần thay đổi lối sống lành mạnh hơn. Hãy luôn bổ sung đủ nước và chất xơ, vận động thường xuyên, tránh tạo áp lực lên vùng trực tràng hậu môn. Nếu nhận thấy các triệu chứng khác thường, đừng ngần ngại đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị, tránh để lâu có thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề.
[embed-health-tool-bmr]