backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Nhận biết các dấu hiệu bệnh trĩ ở phụ nữ để kịp thời điều trị

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 25/08/2023

    Nhận biết các dấu hiệu bệnh trĩ ở phụ nữ để kịp thời điều trị

    Dấu hiệu bệnh trĩ ở phụ nữ thực chất không khác nhiều so với ở nam giới. Thế nhưng, nguy cơ bị trĩ ở nữ giới thường xảy ra trong quá trình mang thai và sinh nở nên cần điều trị cẩn thận.

    Trĩ là một bệnh lý thường gặp ở cả đàn ông và phụ nữ, nhất là khi lớn tuổi. Ở phụ nữ, nguy cơ mắc bệnh trĩ còn xảy ra khi mang thai và sinh nở. Do đó, việc nhận biết các dấu hiệu bệnh trĩ ở phụ nữ rất cần thiết để kịp thời điều trị, không gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.

    Bệnh trĩ ở phụ nữ

    Thực tế, tỷ lệ mắc bệnh trĩ ở phụ nữ không nhiều hơn nam giới. Thế nhưng, phụ nữ thường trải qua một giai đoạn rất dễ dẫn đến bị trĩ đó là mang thai. Khi đó, tử cung sẽ phát triển và chèn ép các tĩnh mạch lớn trong cơ thể, như tĩnh mạch chủ dưới. Lâu dần, tình trạng ứ đọng máu trong các mạch máu xung quanh hậu môn có thể xảy ra và gây ra bệnh trĩ.

    Ngoài ra, quá trình rặn khi sinh nở để cố gắng đẩy em bé ra ngoài cũng làm tăng áp lực lên các mạch máu quanh hậu môn. Từ đó, chị em phụ nữ có thể bị trĩ sau khi sinh.

    Một số nguyên do khác gây ra bệnh trĩ ở cả nữ và nam giới là:

  • Béo phì
  • Lớn tuổi
  • Thường xuyên bị căng thẳng khi đại tiện
  • Có tiền sử gia đình bị trĩ
  • Bị táo bón hoặc tiêu chảy mãn tính
  • Xơ gan.
  • Trĩ có thể xuất hiện bên trong ống hậu môn (trĩ nội) hoặc dưới lớp da nằm xung quanh hậu môn (trĩ ngoại).

    Dấu hiệu bệnh trĩ ở phụ nữ 

    Dấu hiệu bệnh trĩ ở phụ nữ

    Dấu hiệu bệnh trĩ ở phụ nữ cũng tương tự như ở nam giới với những khó chịu xuất hiện ở vùng hậu môn:

    • Ngứa hậu môn
    • Chảy máu trực tràng sau khi đi đại tiện
    • Cảm giác đau và kích ứng xung quanh hậu môn
    • Sưng hoặc sờ thấy cục u cứng ở vùng hậu môn (thường gặp ở trĩ ngoại)

    Có điều, bạn không thể tự kiểm tra trĩ nội tại nhà và cách duy nhất để xác định bị trĩ là đi khám hậu môn trực tràng. Một số trường hợp, bác sĩ sẽ cần nội soi hậu môn để quan sát rõ hơn tình trạng bệnh. Với trĩ ngoại, bạn có thể nhận thấy khi ấn nhẹ xung quanh vùng hậu môn và cảm nhận được có khối u. Khi có các dấu hiệu và triệu chứng nghi ngờ bị trĩ, hãy đến bác sĩ để được kiểm tra và chẩn đoán chính xác, từ đó có biện pháp điều trị hiệu quả. 

    Nếu không được điều trị, nhất là khi bị trĩ nội thì tình trạng sa búi trĩ có khả năng xảy ra. Lúc đó, búi trĩ sa xuống dưới, ra ngoài ống hậu môn và trở nên kích ứng, viêm. Người bệnh thường có biểu hiện đau, ngứa, chảy máu và gặp nhiều biến chứng khác. Mặc dù hiếm gặp nhưng bệnh trĩ có thể gây thiếu máu do thiếu chất sắt khi chảy máu lâu dài, dẫn đến các triệu chứng mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt… Vì thế, khi nhận thấy các dấu hiệu bệnh trĩ ở phụ nữ cần đến gặp bác sĩ ngay và điều trị kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

    Điều trị bệnh trĩ ở phụ nữ như thế nào?

    điều trị dấu hiệu bệnh trĩ ở phụ nữ

    Tùy vào dấu hiệu và triệu chứng bệnh trĩ ở phụ nữ mà việc điều trị có thể bao gồm thay đổi lối sống sử dụng thuốc bôi, tiến hành thủ thuật hoặc phẫu thuật can thiệp loại bỏ trĩ cùng với các phương thức hỗ trợ điều trị.

    Nếu trĩ nội, bác sĩ sẽ phân độ bệnh trĩ từ 1 – 4 trước khi đưa ra lựa chọn điều trị phù hợp:

    • Độ 1: Trĩ nội nhỏ có thể chảy máu nhưng chưa sa ra ngoài hậu môn
    • Độ 2: Trĩ sa ra ngoài hậu môn khi đi đại tiện nhưng sau đó co lại vào bên trong
    • Độ 3: Trĩ phát triển lớn ở bên ngoài, sa ra ngoài hậu môn và không co lại vào trong
    • Độ 4: Búi trĩ rất lớn và không thể nào co lại vào bên trong. 

    Khi mới phát hiện bệnh với những dấu hiệu, triệu chứng ban đầu của bệnh trĩ ở phụ nữ thì bác sĩ thường khuyến khích thay đổi lối sống tốt với chế độ ăn nhiều chất xơ, tập luyện thể dục thường xuyên, uống nhiều nước và tránh căng thẳng khi đại tiện.

    Nếu sự thay đổi trên không mang lại hiệu quả tích cực, bác sĩ sẽ bắt đầu chỉ định thuốc bôi để làm dịu vùng bị trĩ và giảm bớt tình trạng viêm. Khi tình trạng bệnh vẫn tiến triển nặng thêm, bạn có thể phải tiến hành thủ thuật như liệu pháp xơ hóa hoặc thắt vòng cao su để cắt trĩ. Trường hợp búi trĩ quá lớn hoặc không thực hiện được các thủ thuật khác thì bác sĩ sẽ đề nghị làm phẫu thuật cắt bỏ trĩ. Phẫu thuật là lựa chọn cuối cùng trong trường hợp bệnh trĩ nặng, thường ở độ 4.

    Ngoài ra, bạn có thể thực hiện thêm các cách hỗ trợ điều trị để giúp thuyên giảm các triệu chứng như:

    • Ngâm hoặc tắm bằng nước ấm có thể làm dịu vùng hậu môn
    • Uống đủ nước và bổ sung thực phẩm giàu chất xơ để đi đại tiện dễ dàng hơn
    • Hạn chế ngồi trong nhà vệ sinh quá lâu
    • Duy trì cân nặng khỏe mạnh. 

    Nhìn chung, dấu hiệu bệnh trĩ ở phụ nữ cũng tương tự như ở nam giới và cách điều trị cũng không có gì khác biệt. Nếu nhìn thấy có máu xuất hiện khi đi đại tiện hoặc các triệu chứng bệnh trĩ ngày càng nặng hơn, nhất là trong quá trình mang thai thì hãy đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám đầy đủ.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM


    Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 25/08/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo