Bệnh trĩ là tình trạng sưng tĩnh mạch ở phần cuối trực tràng, xung quanh hậu môn dẫn đến hình thành các búi trĩ. Bệnh trĩ hiếm khi là một vấn đề nguy hiểm nhưng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của bạn. Hơn nữa, đa phần bệnh nhân bị trĩ thường rất e ngại trong việc đi khám hoặc chia sẻ về tình trạng của mình. Đó là lý do mà không ít người thắc mắc “bệnh trĩ có tự khỏi không?’ hoặc bệnh trĩ có thể kéo dài bao lâu?
Nếu bạn cũng quan tâm đến vấn đề này thì có thể tìm hiểu ngay câu trả lời trong bài viết sau của Hello Bacsi. Nhìn chung, bệnh trĩ sẽ có nhiều mức độ. Việc phát hiện càng sớm thì bạn càng dễ cải thiện bệnh trĩ tại nhà bằng chế độ ăn uống, lối sống để giúp bệnh nhanh lành hơn.
Các triệu chứng của bệnh trĩ là gì?
Các biểu hiện của bệnh trĩ có thể xảy ra bên trong hoặc bên ngoài trực tràng nên được chia thành hai loại là trĩ ngoại và trĩ nội. Trong đó, các triệu chứng và biểu hiện của bệnh có thể khác nhau và phụ thuộc vào việc bạn mắc loại trĩ nào.
Triệu chứng của bệnh trĩ ngoại
Trĩ ngoại là tình trạng mà các búi trĩ hình thành bên dưới da xung quanh hậu môn. Các triệu chứng của trĩ ngoại bao gồm:
- Đau, khó chịu đặc biệt là khi bạn ngồi
- Ngứa, kích ứng ở vùng hậu môn
- Sưng xung quanh hậu môn, cảm thấy có các cục u mềm và đau
- Chảy máu trực tràng.
Triệu chứng của bệnh trĩ nội
Trĩ nội là tình trạng mà các búi trĩ hình thành bên trong trực tràng. Bạn thường không thể cảm thấy sự tồn tại của các búi trĩ. Đồng thời, trĩ nội thường không có triệu chứng và cũng hiếm khi gây đau nên nhiều bệnh nhân sẽ không biết mình bị trĩ nội. Tuy nhiên, nếu căng thẳng hoặc bị kích thích khi đi ngoài, bạn có thể nhận thấy một số biểu hiện của trĩ nội như:
- Chảy máu khi đi tiêu. Bạn có thể phát hiện máu trên giấy vệ sinh, máu trong phân hoặc bồn cầu.
- Nếu búi trĩ bị lồi ra ngoài, còn gọi là sa búi trĩ, bạn sẽ cảm thấy đau và rát.
Bệnh trĩ có tự khỏi không? Tình trạng này thường kéo dài bao lâu?
Khi nhận thấy một số triệu chứng của bệnh trĩ, hầu hết người bệnh rất e ngại để chia sẻ về tình trạng này. Vì vậy, vấn đề “bệnh trĩ có tự khỏi không?’ hoặc “trĩ thường kéo dài bao lâu?’ là điều mà rất nhiều người quan tâm tìm kiếm câu trả lời.
Nhìn chung, vấn đề này không có câu trả lời cụ thể. Tuy nhiên, bạn có thể yên tâm là bệnh trĩ mức độ nhẹ vẫn thường tự khỏi nếu bạn kịp thời thay đổi chế độ ăn uống và lối sống. Cụ thể, đối với các búi trĩ nhỏ thì các triệu chứng của bệnh có thể biến mất sau vài ngày mà không cần điều trị y tế. Ngược lại, đối với một số búi trĩ nội phát triển lớn và lòi ra ngoài hậu môn (sa búi trĩ) thì bệnh có thể mất nhiều thời gian để chữa lành hơn. Trong một số trường hợp, bạn sẽ cần đi khám để được bác sĩ điều trị.
Ngoài ra, phụ nữ mang thai thường có nguy cơ cao mắc bệnh trĩ. Nguyên nhân là do áp lực trong bụng mẹ tăng lên, đặc biệt là trong 3 tháng cuối thai kỳ, khiến cho các tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn lớn hơn. Bên cạnh đó, các hormone trong thai kỳ cũng có thể khiến tĩnh mạch của mẹ dễ bị sưng hơn. Vì vậy, nếu mẹ phát triển bệnh trĩ trong thai kỳ, các triệu chứng có thể kéo dài cho đến khi bạn sinh con.
Mách bạn cách cải thiện bệnh trĩ tại nhà
Về cơ bản, các búi trĩ hình thành là do tăng áp lực ở trực tràng. Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể là do bạn căng thẳng, ngồi lâu khi đi tiêu, tiêu chảy hoặc táo bón mãn tính, ăn chế độ ăn ít chất xơ, lối sống ít vận động… Trong trường hợp bị trĩ ở mức độ nhẹ, bạn không cần quá lo lắng vấn đề bệnh trĩ có tự khỏi không? Bởi vì bạn vẫn có thể tự làm giảm các triệu chứng của bệnh bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và lối sống. Trong đó, bạn có thể áp dụng một số giải pháp được khuyến khích sau đây:
- Thêm nhiều thực phẩm giàu chất xơ vào chế độ ăn uống, bao gồm rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt…
- Uống nhiều nước để giảm táo bón và giảm căng thẳng khi đi tiêu.
- Không nhịn nếu có nhu cầu đi tiêu.
- Cố gắng hạn chế rặn khi đi ngoài và không nên ngồi trên bồn cầu quá lâu vì điều này có thể khiến bệnh trĩ nặng hơn.
- Bạn có thể thử đặt chân lên một chiếc ghế đẩu nhỏ khi ngồi trên bồn cầu để thay đổi vị trí của trực tràng giúp đi tiêu dễ dàng hơn.
- Luôn giữ hậu môn sạch sẽ, có thể dùng khăn giấy mềm lau nhẹ nhàng sau khi đi tiêu nhưng lưu ý là không nên chà xát mạnh.
- Nếu cảm thấy ngứa hoặc đau, bạn có thể thử cách ngâm mình trong bồn nước ấm để giảm khó chịu.
- Duy trì lối sống lành mạnh bằng cách thường xuyên tập thể dục, cắt giảm rượu và caffeine để tránh táo bón.
- Ngoài ra, nếu các triệu chứng của bệnh trĩ khiến bạn quá khó chịu thì có thể cân nhắc dùng thuốc bôi trĩ dạng kem hoặc gel. Tuy nhiên, lưu ý là không nên lạm dụng các sản phẩm có chứa steroid vì có thể gây mỏng da quanh hậu môn. Nếu việc dùng thuốc không kê đơn không hiệu quả thì bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để được kê đơn thuốc phù hợp.
Qua những thông tin trong bài viết, chắc hẳn bạn đã có câu trả lời cho vấn đề bệnh trĩ có tự khỏi không? Mặc dù bạn có thể kiểm soát trĩ ở mức độ nhẹ nhưng điều quan trọng hơn là bạn không nên chủ quan. Bệnh trĩ không nguy hiểm nhưng thường dễ tái phát. Vì vậy, bạn cần chú ý đến chế độ ăn uống, luôn bổ sung thức ăn giàu chất xơ, uống nhiều nước, cố gắng vận động… để ngăn ngừa các triệu chứng của bệnh trĩ tái đi tái lại nhé!
[embed-health-tool-bmr]