Viêm gan B có chữa khỏi được không là vấn đề mà nhiều người tìm hiểu khi biết viêm gan B là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến xơ gan, suy gan, thậm chí là ung thư gan.
Viêm gan B xảy ra do nhiễm phải virus HBV và có khả năng lây truyền từ người sang người qua thông qua tiếp xúc với máu người bệnh, mẹ truyền sang con. Tình trạng viêm nhiễm mạn tính có thể gây ra tổn thương lâu dài nghiêm trọng cho gan. Vậy, bệnh viêm gan B có chữa được không? Cùng đi tìm lời giải đáp nhé!
Viêm gan B là bệnh gì?
Viêm gan B là tình trạng các mô gan bị viêm do nhiễm phải virus gây viêm gan B (HBV), cùng với các loại viêm gan khác như viêm gan A, C, D và E. Bệnh bắt đầu với nhiễm trùng cấp tính tạm thời, thường tồn tại trong thời gian ngắn và có thể tự biến mất. Tuy nhiên, nhiều trường hợp sẽ trở thành viêm mạn tính và khó có thể chữa khỏi.
Tình trạng viêm lâu dài gây tổn hại nghiêm trọng cho gan theo thời gian, có thể dẫn đến xơ gan và suy gan. Tương tự như những bệnh gan mạn tính khác, viêm gan B gây tổn thương đến gan dần dần mà không biểu hiện rõ ràng. Nhiều người còn không biết rằng bản thân đang mắc phải căn bệnh này.
Với viêm gan B cấp tính, các triệu chứng có thể đáng chú ý hơn bình thường. Thế nhưng, khi bệnh trở thành mạn tính thì các triệu chứng thường nhẹ hoặc không rõ ràng trong nhiều năm. Khi người bệnh nhận thấy các triệu chứng xuất hiện thì có thể là lúc gan đã bắt đầu suy yếu.
Người bị viêm gan B có chữa được không?
Viêm gan B có chữa khỏi được không? Thực tế, viêm gan B có thuốc điều trị. Nhưng tỷ lệ điều trị khỏi viêm gan B thấp và xét nghiệm HBsAg vẫn còn trong máu kéo dài. Ngay khi người bệnh chỉ là người lành mang siêu vi B, chưa có chỉ định điều trị, viêm gan B vẫn có thể bùng phát và gây viêm gan cấp hay diễn tiến làm tổn thương gan mạn. Do đó, những liệu pháp điều trị viêm gan B đã được nghiên cứu và cho phép sử dụng để kiểm soát và quản lý lượng virus, giảm thiểu tổn thương gan và biến chứng ung thư gan,cải thiện tiên lượng sống cho bệnh nhân.
Việc lựa chọn điều trị cũng khác nhau tùy theo từng trường hợp viêm gan B.
Điều trị để ngăn ngừa nhiễm viêm gan B sau khi phơi nhiễm với virus
Nếu bạn nghi ngờ mình có tiếp xúc với nguồn lây nhiễm virus viêm gan B, hãy đến bệnh viện ngay và thông báo cho bác sĩ về tình hình phơi nhiễm. Bạn cũng cần cung cấp thông tin mình đã tiêm phòng vắc-xin viêm gan B hay chưa.
Tiêm globulin miễn dịch (một loại kháng thể) trong vòng 24 giờ sau khi tiếp xúc với HBV có thể giúp bảo vệ bạn khỏi viêm gan B. Tuy vậy, cách này chỉ mang lại tác dụng bảo vệ ngắn hạn nên bạn vẫn cần tiêm vắc-xin phòng ngừa viêm gan B nếu chưa từng tiêm trước đây.
Viêm gan B cấp tính có chữa được không?
Không có loại thuốc đặc hiệu nào có thể điều trị viêm gan B cấp tính nhưng nhiều người thường có thể tự khỏi sau một đợt nhiễm trùng cấp tính tạm thời mà không cần điều trị nhờ hoạt động của hệ thống miễn dịch trong cơ thể. Người bệnh sẽ được khuyến cáo nên nghỉ ngơi, bổ sung dinh dưỡng hợp lý, uống nhiều nước và theo dõi các biểu hiện của cơ thể.
Trong trường hợp nặng, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc kháng virus hoặc nhập viện để truyền nước, chất dinh dưỡng, giảm đau để theo dõi và ngăn ngừa biến chứng. Nếu viêm gan tối cấp gây suy gan, bệnh nhân có thể cần được thay huyết tương, tỷ lệ tử vong 50-90%.
Viêm gan B mạn tính có chữa được không?
Khi bạn được chẩn đoán mắc nhiễm viêm gan B mạn tính sẽ đồng nghĩa với việc bạn cần phải theo dõi định kì suốt đời. Quyết định bắt đầu điều trị sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm khả năng virus gây tổn thương gan (viêm, sẹo gan hay xơ gan), có tình trạng nhiễm trùng khác như viêm gan C hay HIV, khả năng miễn dịch (có đang dùng thuốc ức chế miễn dịch không). Việc điều trị sẽ giảm nguy cơ tiến triển thành bệnh gan và ngăn ngừa lây truyền virus gây bệnh cho người khác.
Bệnh viêm gan B có chữa được không? Các lựa chọn trọng điều trị viêm gan B mạn tính gồm:
- Thuốc kháng virus. Một số loại thuốc kháng virus như entecavir, tenofovir, lamivudine, adefovir, telbivudine, adefovir có khả năng giúp chống lại virus, làm chậm quá trình gây tổn thương gan bởi virus. Bác sĩ có thể khuyến cáo dùng kết hợp 2 thuốc hoặc dùng một thuốc phối hợp cùng interferon để cải thiện đáp ứng điều trị.
- Tiêm interferon. Trong phác đồ hiện nay, Interferon alfa-2 hiếm khi được sử dụng. Do thuốc dùng ở dạng tiêm truyền, chi phí cao, tác dụng phụ, khó theo dõi. Các tác dụng phụ có thể gặp phải gồm buồn nôn, nôn mửa, khó thở, trầm cảm. Thuốc chống chỉ định trẻ em dưới 1 tuổi và phụ nữ có thai.
- Ghép gan. Nếu gan bị tổn thương nghiêm trọng, bác sĩ có thể đưa ra đề nghị ghép gan. Hầu hết gan được cấy ghép đến từ những người hiến tạng đã qua đời, một số ít đến từ những người còn sống hiến một phần lá gan.
Tuy nhiên, không phải ai bị viêm gan B mạn tính cũng cần được điều trị. Điều quan trọng là bạn phải thăm khám gan định kỳ theo khuyến cáo là 6 tháng/ lần, có thể thường xuyên hơn nếu bác sĩ yêu cầu. Bạn sẽ được thăm khám thực thể, xét nghiệm máu theo dõi men gan, dấu ấn ung thư gan AFP và thực hiện các chẩn đoán hình ảnh (như siêu âm, chụp CT). Mục đích của việc tái khám định kỳ là để đảm bảo cơ thể đang khỏe mạnh và kịp thời phát hiện các vấn đề ở gan càng sớm càng tốt.
Hi vọng sau khi tìm hiểu bệnh viêm gan B có chữa được không thì bạn sẽ nâng cao nhận thức tự bảo vệ bản thân bằng cách tiêm phòng vắc-xin đầy đủ. Nếu đã mắc bệnh, hãy thay đổi lối sống để bảo vệ gan và duy trì tình trạng sức khỏe tốt nhất có thể nhé!
[embed-health-tool-bmr]