backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bệnh xơ gan cổ trướng có chữa được không? Mức độ nguy hiểm như thế nào?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM


Tác giả: Nhi Bui · Ngày cập nhật: 27/07/2023

    Bệnh xơ gan cổ trướng có chữa được không? Mức độ nguy hiểm như thế nào?

    “Xơ gan cổ trướng có chữa được không, có nguy hiểm không?”… luôn là câu hỏi được nhận được sự quan tâm của đông đảo mọi người, nhất là những ai đang phải đối mặt với căn bệnh này. 

    Cổ trướng là biến chứng nghiêm trọng do bệnh xơ gan gây ra. Khi bệnh tiến triển, không chỉ khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc di chuyển, mà còn tạo tiền đề để những bệnh lý nguy hiểm phát sinh như nhiễm trùng ổ bụng, suy thận. Chính vì vậy, căn bệnh này trước đây được xem như “bệnh tử”, có nghĩa là bị bệnh đồng nghĩa với cái chết. Tuy nhiên, với sự phát triển của y học hiện đại, các nhà nghiên cứu và chuyên gia về gan đã góp phần thúc đẩy sự tiến bộ trong việc hiểu rõ bệnh xơ gan cổ trướng và tìm ra các biện pháp điều trị tiềm năng. 

    Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Hello Bacsi đi tìm đáp án cho câu hỏi “Xơ gan cổ trướng có chữa được không?”, cũng như khám phá những biện pháp giúp kiểm soát bệnh xơ gan cổ trướng. 

    Giải đáp thắc mắc: Xơ gan cổ trướng có chữa được không?

    Cổ trướng là tình trạng tích tụ chất dịch lỏng trong các khoảng trống ở ổ bụng, do suy giảm chức năng gan,  tăng áp lực tĩnh mạch cửa gây ra. Khi phát bệnh, cổ trướng không chỉ gây đau đớn, mà còn khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc ăn, uống và di chuyển. Nếu chuyển biến nghiêm trọng, cổ trướng sẽ là tiền đề cho nhiều bệnh lý khác như: 

    • Nhiễm trùng khoang bụng, gây viêm phúc mạc do vi khuẩn tự phát
    • Chất dịch lỏng cũng có thể di chuyển vào ngực và bao quanh phổi, gây khó thở
    • Gia tăng áp lực ổ bụng, dẫn đến thoát vị rốn hoặc thoát vị bẹn
    • Xơ gan nặng hơn có thể dẫn đến suy thận… 

    Vậy người bị bệnh xơ gan cổ trướng có chữa được không? Theo các chuyên gia sức khỏe, cho đến thời điểm hiện tại, cổ trướng là bệnh lý không thể chữa khỏi. Tuy nhiên, việc thay đổi lối sống và tuân thủ các phương pháp điều trị có thể kiểm soát bệnh tình, cải thiện các triệu chứng và giảm nguy cơ xuất hiện biến chứng. 

    Xơ gan cổ trướng được điều trị như thế nào?

    bệnh xơ gan cổ trướng có chữa được không

    Đến đây hẳn bạn đã có câu trả lời cho thắc mắc bệnh xơ gan cổ trướng có chữa được không? Thế nhưng để có thể kiểm soát bệnh, cải thiện các triệu chứng và giảm nguy cơ xuất hiện biến chứng thì người bệnh cần được điều trị như thế nào? Theo các chuyên gia sức khỏe, việc thay đổi chế độ ăn uống, song song với sử dụng thuốc là hai phương pháp điều trị phổ  của xơ gan cổ trướng, cụ thể như sau: 

    • Với chế độ ăn: Người bệnh sẽ được khuyến nghị cắt giảm lượng muối ăn hằng ngày, với lượng natri cần được kiểm soát trong khoảng từ 2.000 đến 4.000 miligam. Đồng thời, hạn chế nạp chất lỏng vào cơ thể và ngừng uống rượu (nếu có). 
    • Với việc dùng thuốc: Người bệnh sẽ được chỉ định uống thuốc lợi tiểu để giúp chất lỏng và natri được đào thải ra khỏi cơ thể. Liều lượng thuốc sẽ được kê toa dựa trên tình trạng bệnh thực tế. 
    • Bệnh nhân xơ gan có kèm cổ trướng thường sẽ dễ có thêm biến chứng khác do xơ gan gây ra như: xuất huyết tiêu hóa trên do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản, viêm phúc mạc nhiễm khuẩn nguyên phát. Tùy theo tình trạng, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc giúp dự phòng và điều trị các biến chứng. Bên cạnh đó nếu bệnh nhân xơ gan do nguyên nhân siêu vi B, C, bệnh nhân sẽ cần được điều trị thuốc kháng siêu vi B, C giúp giảm tiến triển xơ gan.

    Trong nhiều trường hợp, cổ trướng ngày càng tiến triển, lượng dịch lỏng tích tụ trong khoang bụng ngày càng nhiều và các nỗ lực thay đổi không còn hiệu quả, các chuyên gia sức khỏe có thể chỉ định một số phương pháp khác như: 

    • Chọc hút dịch: Dùng kim chọc vào khoang bụng để hút lượng lớn chất lỏng dư thừa ra ngoài. 
    • Tạo đường thông cửa chủ trong gan xuyên tĩnh mạch cửa (TIPS hay tạo shunt cửa): Thủ thuật này được thực hiện để điều trị tình trạng tích tụ chất lỏng trong bụng, ở những người cần chọc hút dịch nhiều lần mỗi tháng hoặc trường hợp chảy máu tiêu hóa mà các phương pháp khác đều không thành công. Khi đó, một ống thông bằng kim loại có lưới bọc (Shunt) sẽ được đặt vào bên trong gan giữa các mạch máu, để tạo lối thông từ tĩnh mạch cửa đến tĩnh mạch gan, giúp giảm áp lực cho tĩnh mạch cửa, hạn chế cổ trướng phát triển. 
    • Ghép gan: Trong trường hợp xơ gan nặng, gan bị suy yếu và mất dần chức năng, thì người bệnh có thể được yêu cầu ghép gan để tiếp tục sự sống. 

    Bí quyết sống chung với bệnh xơ gan cổ trướng

    bệnh xơ gan cổ trướng có chữa được không

    Để sống chung với bệnh cổ trướng, người bệnh cần phải thay đổi chế độ ăn uống theo chỉ định của chuyên gia sức khỏe, kết hợp với việc dùng thuốc. Sau đây là một số hướng dẫn về chế độ ăn uống hằng ngày, gồm: 

    • Chế độ ăn ít muối: Tuân thủ và kiểm soát lượng natri theo khuyến nghị của bác sĩ.
    • Không uống các đồ uống có cồn, đặc biệt là rượu: Vì cồn vừa thúc đẩy bệnh tiến triển nặng, vừa là nguyên nhân khiến cơ thể bị suy dinh dưỡng và dẫn đến nhiều bệnh lý khác. 
    • Hạn chế dùng chất béo xấu: Cơ thể tiêu hóa chất béo bằng cách sử dụng dịch mật, một chất lỏng màu vàng lục được tạo ra trong gan. Nhưng khi bị suy giảm chức năng gan, việc sản xuất và cung cấp dịch mật có thể bị ảnh hưởng, khiến việc tiêu hóa chất béo cũng giảm theo, dẫn đến khó tiêu và bụng trướng nặng nề hơn. 
    • Không ăn hải sản/ thịt chưa chín tới hoặc đồ tươi sống: Xơ gan có thể gây suy giảm miễn dịch, mà trong các loại thực phẩm này thường chứa nhiều vi khuẩn và vi rút, có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng.
    • Không ăn thực phẩm đóng hộp: Vì trong đó thường có natri và chứa nhiều đường. Thay vào đó, người bệnh có thể bổ sung trái cây và rau củ tươi để tăng cường chất xơ cho cơ thể.
    • Hạn chế các thực phẩm từ sữa: Các loại sữa thường chứa nhiều chất béo, gây khó tiêu. Thay vào đó, người bị xơ gan cổ trướng có thể bổ sung các loại sữa từ thực vật như sữa hạnh nhân, sữa óc chó hoặc sữa đậu nành. Ngoài ra,  sữa chua Hy Lạp ít chất béo cũng là một gợi ý cho các thực phẩm từ sữa. 
    • Tránh kiêng khem thái quá: Bệnh nhân xơ gan thường lo lắng về vấn đề sức khỏe nên nhiều trường hợp kiêng ăn quá mức dễ dẫn đến suy dinh dưỡng. Trong khi đó, bệnh nhân xơ gan cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ hợp lý giàu đạm giúp tăng sức đề kháng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

    Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần thực hiện một số hướng dẫn dưới đây để chăm sóc bản thân tốt hơn, thúc đẩy bệnh tình thuyên giảm: 

    • Kiểm tra và ghi lại cân nặng mỗi ngày, nếu liên tục tăng cân từ 2 – 3 ngày liên tiếp thì cần báo ngay với bác sĩ điều trị. 
    • Cai thuốc lá (nếu có) và luyện tập thể dục đều đặn để duy trì cân nặng ở mức lý tưởng.
    • Kiêng rượu bia.
    • Hạn chế sử dụng NSAID, thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen (Motrin® và Advil®) hay aspirin, vì sẽ ảnh hưởng đến thận và có thể khiến cơ thể giữ nước và muối nhiều hơn.
    • Báo với bác sĩ về các bệnh lý viêm gan như B hoặc C để có những chỉ định điều trị cần thiết. 
    • Tái khám định kỳ theo dõi chức năng gan và tầm soát ung thư gan.

    Chắc hẳn qua bài viết trên, bạn đã tìm được câu trả lời cho thắc mắc “Xơ gan cổ trướng có chữa được không?” rồi đúng không? Hello Bacsi hy vọng, các thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về mức độ nguy hiểm của xơ gan cổ trướng, cũng như tìm được các phương pháp có thể thúc đẩy bệnh tình thuyên giảm. 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM


    Tác giả: Nhi Bui · Ngày cập nhật: 27/07/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo