backup og meta

Viêm gan B lây qua đường nào?

Viêm gan B lây qua đường nào?

Viêm gan B lây qua đường nào đã và đang trở thành vấn đề được nhiều người quan tâm. Điều này xuất phát từ khả năng lây nhiễm cũng như mức độ thiệt hại mà bệnh lý này gây ra. 

Vậy cụ thể viêm gan B có lây không? Bệnh viêm gan B lây qua đường nào? Có thật viêm gan b lây qua tình dục? Cùng Hello Bacsi tìm hiểu câu trả lời qua bài viết dưới đây để có biện pháp phòng ngừa bệnh!

Viêm gan B có lây không?

Viêm gan B có lây không?

Viêm gan siêu vi B hay viêm gan B là một căn bệnh về gan nghiêm trọng, phát sinh từ tình trạng nhiễm virus viêm gan B (HBV), có khả năng gây sẹo ở gan. Từ đó, bệnh dễ dàng phát triển đến tình trạng suy gan hay thậm chí là ung thư gan. Dấu hiệu đầu tiên cho thấy HBV đang hoành hành trong cơ thể bạn là màu da hoặc tròng trắng mắt chuyển vàng.

Viêm gan B có lây không? Thực tế, một số nhà nghiên cứu còn đánh giá khả năng lây nhiễm của HBV cao hơn HIV. HBV có thể tồn tại trong môi trường bên ngoài cơ thể ít nhất một tuần. Đây là khoảng thời gian tương đối dài, tạo điều kiện thuận lợi cho chủng vi sinh vật này xâm nhập vào cơ thể của một người và gây bệnh.

Bệnh viêm gan B lây qua đường nào?

Vàng mắt là dấu hiệu viêm gan B

Nơi cư ngụ ưa thích của virus viêm gan B là dịch cơ thể, chủ yếu gồm:

  • Máu
  • Dịch âm đạo
  • Tinh dịch

Ngoài ra, virus này còn có thể tồn tại trong một số loại dịch khác trong cơ thể như sữa mẹ, nước tiểu, nước bọt hay nước mắt. Tuy nhiên, khác với ba loại dịch cơ thể trên, virus viêm gan B hiếm khi hiện diện ở đây.

Vậy cụ thể viêm gan B lây qua đường nào? Câu trả lời bao gồm:

Đường máu

Máu là một trong những “địa bàn cư trú” của phần lớn virus viêm gan siêu vi B. Do đó, một người có thể bị lây nhiễm viêm gan B qua đường máu khi:

  • Nhận máu đã bị nhiễm HBV
  • Dùng chung kim tiêm hoặc tiếp xúc trực tiếp với máu của người bệnh qua vết thương hở
  • Sử dụng chung vật dụng cá nhân có tỷ lệ dính máu cao với người mắc bệnh, chẳng hạn như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, dụng cụ xăm hình hay nhổ răng…
  • Thực hiện phẫu thuật với bộ dụng cụ chưa được xử lý tiệt trùng đúng quy cách.

Viêm gan B lây qua tình dục

viêm gan B lây qua tình dục

Bên cạnh máu, virus viêm gan B lây qua tình dục cũng là con đường lây nhiễm phổ biến của căn bệnh này. Theo một số nghiên cứu thảo luận về câu hỏi viêm gan B lây qua đường gì, cơ hội cho HBV truyền qua đường tình dục cao hơn so với HIV gấp 50 – 100 lần.

Chính vì vậy, bạn sẽ gặp nhiều rủi ro nhiễm HBV hơn nếu có thói quen quan hệ tình dục không an toàn, ví dụ như:

  • Quan hệ bằng miệng (oral sex) hoặc hậu môn
  • Sử dụng chung đồ chơi tình dục (sextoy) mà không tiệt trùng trước đó
  • Quan hệ tình dục không có các biện pháp bảo vệ như dùng bao cao su, dùng màng chắn khi quan hệ bằng miệng
  • Quan hệ thô bạo, gây ra các vết xước trên da hoặc niêm mạc, tạo điều kiện để virus lan truyền theo đường máu
  • Quan hệ đồng giới, tập thể hoặc quan hệ với trai, gái mại dâm

Ngoài ra, kể cả khi bạn thực hiện quan hệ tình dục an toàn, tỷ lệ lây nhiễm HBV vẫn cao nếu bạn hoặc bạn tình không tiêm chủng đúng theo quy định y tế. Tuy vậy, bạn cũng đừng quá phụ thuộc vào hiệu quả bảo vệ của vắc xin viêm gan B vì người đã tiêm phòng bệnh đầy đủ vẫn có nguy cơ lây nhiễm virus qua đường tình dục.

Điều này có thể giải thích bởi hiệu quả bảo vệ cơ thể của vắc xin viêm gan B còn quyết định bởi hàm lượng kháng thể kháng HBsAg (anti HBs hay HBsAb) trong máu người tiêm chủng, bao gồm:

  • Nồng độ từ 10 mIU/ml trở lên: đạt hiệu quả bảo vệ
  • Hàm lượng trên 100 mIU/ml: hiệu quả miễn dịch rất tốt
  • Nồng độ dưới 10 mIU/ml: không có khả năng bảo vệ

Ngoài ra, mỗi người có hàm lượng HBsAb khác nhau và loại kháng thể này sẽ giảm dần theo năm đó. Do đó, theo thời gian, hiệu quả bảo vệ cơ thể của vắc xin viêm gan B cũng sẽ không còn tốt như lúc mới tiêm ngừa. Để khắc phục vấn đề này, các chuyên gia khuyến khích người có nồng độ HBsAb thấp hơn 10mIU/ml nên tiêm chủng bổ sung (tiêm nhắc) định kỳ.

Viêm gan B lây qua đường tình dục! Vậy người mắc bệnh viêm gan có nên quan hệ không? Điều này được lý giải linh động cho từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, nhìn chung người mắc bệnh viêm gan B cần thận trọng và luôn phải sử dụng bao cao su trong mỗi lần quan hệ. Điều này sẽ giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus cho đối phương.

Viêm gan B lây qua đường nào ngoài 2 con đường trên?

Virus viêm gan B có thể trú trong sữa mẹ

Ngoài lây từ người sang người theo chiều ngang (lây qua máu, đường tình dục…), viêm gan B lây qua đâu? Đó là lây theo chiều dọc – virus truyền từ mẹ sang con.

Vậy viêm gan B lây qua đường mẹ – con như thế nào? Phần lớn trường hợp, quá trình này sẽ phát sinh trong:

  • Giai đoạn chu sinh (bắt đầu từ tuần thứ 28 của thai kỳ đến ngày thứ 7 sau khi sinh)
  • Những tháng đầu kể từ lúc trẻ chào đời

Đồng thời, mức độ lây nhiễm sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố là:

  • Số lượng virus có trong cơ thể mẹ (tính theo ADN) trong ba tháng cuối thai kỳ
  • Nồng độ HBeAg (đoạn kháng nguyên vỏ capsid của HBV) trong người mẹ bầu với thời gian tương tự.

Ngoài ra, HBV còn có khả năng “đóng đô” trong tuyến sữa mẹ, dù hàm lượng rất ít. Do đó, trẻ chỉ có thể nhiễm virus từ mẹ qua đường bú nếu đầu vú của mẹ có vết thương hở và chảy máu.

Cách phòng ngừa lây nhiễm virus viêm gan B

Tiêm vắc xin ngừa HBV

Khi đã biết virus viêm gan B lây qua đường nào, bạn sẽ chú ý hơn đến việc ngăn ngừa bệnh. Hiện nay, tiêm vắc xin viêm gan B là phương pháp phòng ngừa chủ yếu đối với căn bệnh này. Các chuyên gia từ tổ chức WHO khuyến khích mọi người nên tiêm phòng đầy đủ để bảo vệ sức khỏe của chính mình cũng như người thân trong gia đình. Đặc biệt, những người sinh sống ở các quốc gia dễ lây nhiễm HBV như Việt Nam càng cần tiêm ngừa loại vắc xin này.

Ngoài ra, những người có bất kỳ yếu tố nào dưới đây cũng cần được ưu tiên tiêm chủng:

  • Thường xuyên hiến máu hoặc nhận máu
  • Chạy thận nhân tạo (lọc máu)
  • Ghép tạng hoặc hiến tạng
  • Tiêm chích ma túy
  • Đã từng quan hệ tình dục với người bị viêm gan B mãn tính
  • Quan hệ tình dục với nhiều đối tượng
  • Tính chất công việc thường xuyên tiếp xúc với máu

Theo kết quả từ nhiều cuộc nghiên cứu, vắc xin viêm gan B với công dụng thúc đẩy cơ thể sản sinh kháng thể có khả năng bảo vệ hơn 95% trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và thanh thiếu niên nếu đã tiêm phòng đầy đủ. Thêm vào đó, hiệu quả này còn có thể kéo dài đến hơn 20 năm. Mặt khác, lớp “phòng ngự” này còn có khả năng vĩnh viễn nếu hàm lượng kháng thể kháng virus sản sinh sau chích ngừa lớn hơn 1.000 IU/l.

Hy vọng bài viết này đã cho bạn đọc của Hello Bacsi một cái nhìn tổng quan hơn để hiểu viêm gan B lây qua đường nào, từ đó chủ động có biện pháp phòng tránh hữu hiệu, phù hợp.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Hepatitis B. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/hepatitis-b. Ngày truy cập 11/09/2019.

Treatment of Hepatitis B. https://www.nhs.uk/conditions/hepatitis-b/treatment/. Ngày truy cập 11/09/2019.

Viêm gan B và những điều cần biết. http://www.wpro.who.int/vietnam/topics/hepatitis/factsheet/vi/. Ngày truy cập 11/09/2019.

Phiên bản hiện tại

15/11/2022

Tác giả: Ngọc Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Thảo Nguyễn


Bài viết liên quan

Chăm sóc bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối cần lưu ý gì?

Các tác dụng phụ của thuốc NSAIDs trên đường tiêu hoá trong điều trị viêm khớp


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 15/11/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo