Tìm hiểu chung
Tắc nghẽn đường tiết niệu dưới là gì?
Tắc nghẽn đường tiết niệu dưới, hay tắc nghẽn dòng ra từ bàng quang (bladder outlet obstruction), xảy ra khi có sự tắc nghẽn ở mặt đáy (base) hoặc cổ bàng quang. Điều này làm giảm hoặc ngăn dòng chảy của nước tiểu vào niệu đạo để đào thải ra khỏi cơ thể.
Tình trạng tắc nghẽn này thường phổ biến ở đàn ông lớn tuổi và có liên quan đến các vấn đề ở tuyến tiền liệt. Đàn ông mắc phải tình trạng này nhiều hơn phụ nữ.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng tắc nghẽn đường tiết niệu dưới
Các triệu chứng tắc nghẽn dòng ra từ bàng quang có thể khác nhau ở mỗi người, thường là:
- Đau bụng
- Có cảm giác đầy bàng quang liên tục
- Đi tiểu thường xuyên
- Đau khi đi tiểu (tiểu khó)
- Gặp vấn đề khi bắt đầu đi tiểu (urinary hesitancy)
- Dòng chảy nước tiểu chậm, không đều, nhiều lúc không đi tiểu được
- Gắng sức khi đi tiểu
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Đi tiểu giữa đêm trong khi ngủ (tiểu đêm)
Nguyên nhân
Nguyên nhân tắc nghẽn đường tiết niệu dưới là gì?
Tình trạng này thường xảy ra phổ biến ở đàn ông lớn tuổi. Đa số nguyên nhân là do phì đại tuyến tiền liệt. Sỏi bàng quang và ung thư bàng quang cũng thường gặp ở nam giới hơn so với nữ giới. Theo tuổi tác, nguy cơ nam giới mắc các bệnh này tăng lên rất nhiều.
Các nguyên nhân khác gây tắc nghẽn đường tiết niệu dưới bao gồm:
- Khối u ở vùng chậu (cổ tử cung, tuyến tiền liệt, tử cung, trực tràng)
- Hẹp niệu đạo (ống dẫn nước tiểu đi ra khỏi cơ thể) do mô sẹo hoặc dị tật bẩm sinh
- Sử dụng một số thuốc, bao gồm thuốc kháng histamin, thuốc thông mũi hoặc thuốc điều trị bàng quang tăng hoạt (bàng quang hoạt động quá mức)
Các nguyên nhân ít phổ biến hơn có thể là:
- Sa bàng quang (khi bàng quang tụt xuống vị trí của âm đạo)
- Do tác nhân lạ từ bên ngoài gây tắc nghẽn
- Co thắt niệu đạo hoặc cơ xương chậu
- Thoát vị bẹn (háng)
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán tắc nghẽn đường tiết niệu dưới?
Bác sĩ có thể nghi ngờ bạn mắc phải tình trạng tắc nghẽn này nếu nhận thấy có sự phát triển bất thường ở bụng hoặc bàng quang lớn hơn bình thường. Ngoài ra, nam giới bị phì đại tuyến tiền liệt hoặc phụ nữ bị sa bàng quang có khả năng được chẩn đoán là tắc nghẽn dòng ra từ bàng quang.
Các xét nghiệm có thể cần thực hiện là:
- Xét nghiệm máu để kiểm tra tổn thương thận
- Cấy nước tiểu để kiểm tra có nhiễm trùng hay không
- Siêu âm thận và bàng quang để xác định vị trí bị tắc nghẽn
- Xét nghiệm nước tiểu để tìm kiếm máu trong nước tiểu
- Chụp X-quang giúp kiểm tra có hẹp niệu đạo hay không
Những phương pháp điều trị tắc nghẽn đường tiết niệu dưới
Việc điều trị tắc nghẽn đường tiết niệu dưới sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra chúng. Hầu hết trường hợp, người bệnh sẽ được đặt ống thông qua niệu đạo vào bàng quang để giảm bớt tắc nghẽn.
Một số trường hợp, ống thông được đưa vào bàng quang qua thành bụng (suprapubic catheter) để dẫn lưu nước tiểu ra ngoài.
Điều trị kịp thời sẽ giảm bớt khả năng xuất hiện các vấn đề khác nghiêm trọng hơn. Ngược lại, việc chẩn đoán và điều trị chậm trễ làm cho các vấn đề bàng quang và thận có nhiều khả năng phát triển, gây tổn thương vĩnh viễn.
Biến chứng
Tắc nghẽn đường tiết niệu dưới có thể gây ra biến chứng gì?
Theo thời gian, bạn có thể phát triển nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng do tắc nghẽn dòng ra từ bàng quang gây nên. Nếu không để ý đến các triệu chứng sớm của bệnh, bạn có thể chịu những biến chứng không thể phục hồi.
Tắc nghẽn đường tiết niệu dưới có khả năng dẫn đến những hệ quả như:
- Sỏi thận
- Nhiễm trùng đường tiết niệu (có thể tái phát nhiều lần)
- Tiểu không tự chủ
- Suy thận
Tắc nghẽn này kéo dài có thể gây suy thận không thể hồi phục nếu không được điều trị vì nước tiểu sẽ chảy ngược lại vào niệu quản và thận.
Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.