backup og meta

Tán sỏi thận qua da có ưu điểm gì? Chỉ định thực hiện

Tán sỏi thận qua da có ưu điểm gì? Chỉ định thực hiện

Tán sỏi thận qua da là phương pháp điều trị sỏi thận hiện đại, tiên tiến và có rất nhiều ưu điểm. Thế mạnh lớn nhất khi tán sỏi thận qua da đó là khả năng loại bỏ sỏi thận cao, hầu hết người bệnh đều hết sỏi hoàn toàn sau khi thực hiện phương pháp điều trị này.

Tán sỏi thận qua da là gì?

Tán sỏi thận qua da (tiếng Anh: percutaneous nephrolithotomy) là kỹ thuật dùng để loại bỏ sỏi có kích thước lớn trong thận hoặc niệu quản trên (ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang) (1).

tán sỏi thận qua da

Khi thực hiện tán sỏi thận qua da, người bệnh sẽ được gây mê toàn thân. Đầu tiên, bệnh nhân sẽ bị rạch một đường khoảng 1cm ở vùng sườn. Tiếp đến, bác sĩ sẽ đặt ống qua vết mổ vào thận khi theo dõi bằng tia X. Sau đó, họ dùng kính thiên văn nhỏ được đưa qua ống để quan sát, xác định vị trí và loại bỏ sỏi thận (1).

Thông thường, thời gian phẫu thuật là 3 đến 4 giờ. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể dùng tia laser hoặc thiết bị khác gọi là máy tán sỏi để phá vỡ sỏi trước khi loại bỏ chúng. 

Phẫu thuật tán sỏi thận qua da thường được chỉ định khi bệnh nhân có những viên sỏi lớn hoặc khi các thủ thuật ít xâm lấn hơn (như uống thuốc điều trị sỏi thận, điều trị sỏi thận bằng sóng xung kích hoặc nội soi niệu quản) không hiệu quả hoặc không thể thực hiện được.

Đối tượng chỉ định thực hiện tán sỏi thận qua da

Tán sỏi thận qua da thường được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Người bệnh có sỏi san hô – những viên sỏi phân nhánh lấp đầy toàn bộ hoặc một phần của bể thận và đài thận. 
  • Kích thước sỏi có đường kính lớn hơn 2cm.
  • Viên sỏi lớn nằm trong ống nối thận và bàng quang (niệu quản).
  • Các phương pháp điều trị sỏi thận ít xâm lấn hơn không có hiệu quả điều trị.

Rủi ro, biến chứng có thể gặp phải của kỹ thuật tán sỏi thận qua da

Tán sỏi thận qua da được chứng minh là rất an toàn, nhưng phương pháp này có những rủi ro và biến chứng như bất kỳ thủ tục phẫu thuật nào khác.

Một số các biến chứng có thể gặp thực hiện tán sỏi qua da bao gồm (1):

  • Chảy máu: Một số bệnh nhân bị mất máu khi thực hiện thủ thuật này nhưng hiếm khi cần phải truyền máu.
  • Nhiễm trùng: Tất cả bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh để giảm nguy cơ nhiễm trùng sau phẫu thuật. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nhiễm trùng nào sau phẫu thuật (sốt, chảy dịch từ vết mổ, tiểu nhiều lần hoặc khó chịu, đau hoặc bất cứ triệu chứng khiến bạn ho), hãy liên hệ với bác sĩ nhé.
  • Chấn thương nội tạng: Mặc dù không phổ biến, nhưng tổn thương nội tạng gần với thận có thể xảy ra. Ví dụ như ruột, cấu trúc mạch máu, lá lách, gan, phổi, tuyến tụy và túi mật. Mất chức năng thận là rất hiếm gặp nhưng đây là một rủi ro tiềm ẩn. Mô sẹo cũng có thể hình thành ở thận hoặc niệu quản và cần phải phẫu thuật thêm.

tán sỏi thận qua da có nguy hiểm không

Ưu và nhược điểm của phương pháp tán sỏi thận qua da

Ưu điểm

  • Giảm đau sau phẫu thuật đáng kể, thời gian nằm viện ngắn hơn và sớm trở lại làm việc cũng như hoạt động hàng ngày hơn so với phẫu thuật mở.
  • Có tỷ lệ thành công cao (khoảng 75% – 98%) trong việc loại bỏ tất cả sỏi trong một lần so với các kỹ thuật khác như tán sỏi bằng sóng xung kích ngoại bào (2).
  • Ít xâm lấn đối với phương pháp mổ sỏi thận, tán sỏi thận qua da có thể hiệu quả trong một lần so với các phương pháp điều trị khác.

Nhược điểm

  • Không dành cho mọi đối tượng vì một số bệnh nhân có thể không được gây mê toàn thân do tình trạng bệnh lý (3).
  • Chi phí thực hiện khá cao vì phải dùng tới các dụng cụ y tế như bộ nong thận, amplatz, catheter niệu quản và một số thiết bị khác.
  • Yêu cầu trình độ bác sĩ phẫu thuật tốt vì tán sỏi thận qua da là một kỹ thuật khó. Để đảm bảo tán sạch sỏi và giảm thiểu biến chứng, bác sĩ phẫu thuật cần được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm đối với phương pháp này (4).

Chi phí tán sỏi thận qua da là bao nhiêu?

Chi phí tán sỏi thận qua da sẽ khác nhau ở mỗi bệnh viện và phụ thuộc vào các yếu tố sau:

  • Chi phí khám và điều trị trước khi tán sỏi
  • Chi phí tán sỏi
  • Chi phí tán sỏi phụ thuộc vào yếu tố dịch vụ
  • Chi phí sau tán sỏi

Vậy chi phí tán sỏi thận qua da là bao nhiêu? Nhìn chung chi phí để thực hiện thủ thuật này là dao động khoảng 40 triệu đồng. Nếu bạn có bảo hiểm y tế có thể được hỗ trợ cho trả một phần ở một số mục.

Quy trình thực hiện phương pháp tán sỏi thận qua da

Khi phẫu thuật tán sỏi thận qua da, bạn sẽ được gây mê toàn thân. Trong quá trình phẫu thuật, bạn sẽ không cảm thấy đau đớn.

Đôi khi, bước đầu tiên của phương pháp tán sỏi qua da được thực hiện tại khoa X-quang. Trong trường hợp này, bạn có thể được gây tê cục bộ bằng thuốc tại khoa X-quang. Sau đó, sẽ được gây mê toàn thân sau khi chuyển sang phẫu thuật.

Để bắt đầu tán sỏi thận qua da, bác sĩ sẽ sử dụng một cây kim chuyên dụng để đưa vào đài thận. Đường đi của cây kim này trở thành lối đi để thực hiện phần còn lại của quy trình.

Bác sĩ phẫu thuật sẽ sử dụng hình ảnh X-quang, CT hoặc siêu âm để xác định vị trí đặt kim. Việc đặt kim có thể diễn ra trong phòng mổ hoặc khoa X-quang.

Bạn có thể được đặt một ống thông y tế qua niệu đạo, bàng quang và niệu quản vào thận. Thông qua ống thông này, bác sĩ có thể đưa một nguyên tố vi lượng chuyên dụng vào thận để phác thảo các cấu trúc bên trong thận và nhìn thấy cấu trúc thận rõ hơn trong quá trình chụp ảnh. Họ cũng có thể đưa một chiếc máy ảnh nhỏ luồn qua ống thông để nhìn thấy kim khi nó được đặt vào thận và các công việc khác trong quá trình phẫu thuật.

Tiếp theo, bác sĩ phẫu thuật đặt một ống nhựa (sheath) dọc theo đường đi của kim và sử dụng các dụng cụ chuyên dụng đi qua ống nhựa để phá vỡ sỏi và loại bỏ chúng.

Sau đó, họ có thể đặt một ống khác, gọi là ống thông thận, trong cùng một lối đi này. Ống thông thận cho phép nước tiểu chảy trực tiếp từ thận vào một chiếc túi đeo bên ngoài cơ thể trong quá trình hồi phục.

Sỏi thận được gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra xem chúng là loại sỏi gì. Việc biết loại sỏi thận của bạn có thể giúp bác sĩ đề xuất cách ngăn ngừa sỏi trong tương lai.

Thông tin cần biết trước và sau khi thực hiện tán sỏi thận qua da

Trước khi thực hiện

Trước khi thực hiện phẫu thuật tán sỏi thận qua da, bạn sẽ làm một số xét nghiệm để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc các vấn đề khác. Đồng thời, bác sĩ có thể chỉ định chụp cắt lớp vi tính (CT) để xác định vị trí của sỏi trong thận.

Bạn có thể được hướng dẫn ngừng ăn uống vào đêm trước khi làm phẫu thuật. Lúc này, hãy chia sẻ thông tin về thuốc, vitamin, thực phẩm bổ sung bạn đang sử dụng. Trong một số trường hợp, bạn có thể phải ngừng các loại thuốc này trước khi phẫu thuật.

Bác sĩ phẫu thuật có thể kê đơn thuốc kháng sinh để giảm nguy cơ bị nhiễm trùng sau thủ thuật.

phương pháp tán sỏi thận da qua

Sau khi thực hiện

Bạn có thể ở lại bệnh viện từ 1 đến 2 ngày sau khi thực hiện tán sỏi qua da. 

Nếu còn ống dẫn lưu trong thận sau phẫu thuật, bạn sẽ cần theo dõi xem có chảy máu không. Nếu nhận thấy máu hoặc những cục máu đặc trong nước tiểu hoặc ống dẫn lưu, hãy đến phòng cấp cứu.

Nếu bạn bị sốt hoặc ớn lạnh hoặc đau nhiều mà không thuyên giảm bằng thuốc, hãy liên hệ với bác sĩ. Đây có thể là dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng và bạn có thể cần được điều trị kháng viêm.

Thời gian hồi phục là bao lâu?

Thông thường, bạn có thể hồi phục sau khi tán sỏi thận qua da từ 2 đến 4 tuần. Bạn cần nhớ, mỗi cơ thể mỗi khác nên thời gian hồi phục có thể khác nhau. 

Hướng dẫn chăm sóc sau khi thực hiện tán sỏi thận qua da

Trong quá trình hồi phục, hãy tránh nâng vật nặng hoặc tập thể dục cường độ cao. Bạn không nên nhấc bất cứ thứ gì nặng hơn 3,85kg trong hai tuần.

Hầu hết mọi người có thể trở lại làm việc hoặc đi học sau 1 tuần. Nếu làm công việc đòi hỏi vận động và dùng thể chất, bạn nên nghỉ làm ít nhất 2 tuần.

Tán sỏi thận qua da là một thủ tục phẫu thuật để loại bỏ sỏi thận quá lớn không thể tự đào thải hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Bạn có thể cảm thấy lo lắng nhưng đây là một thủ thuật tương đối an toàn và hiệu quả.

Nếu vẫn còn nhiều thắc mắc, hãy hỏi bác sĩ và chia sẻ nỗi lo của bạn. Bác sĩ có thể giải thích quy trình chi tiết hơn và đề cập về tất cả các kết quả, rủi ro có thể xảy ra. Bạn cũng đừng quên theo dõi các triệu chứng sỏi thận để tìm cách can thiệp kịp thời nhé.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

  1. Percutaneous Nephrolithotomy (PCNL)
    https://www.hopkinsmedicine.org/health/treatment-tests-and-therapies/percutaneous-nephrolithonomy-pcnl
    Ngày truy cập: 19.09.2023
  2. Percutaneous Nephrolithotomy
    https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/17349-percutaneous-nephrolithotomy
    Ngày truy cập: 19.09.2023
  3. Percutaneous Nephrolithotomy (PCNL)
    https://urology.ufl.edu/patient-care/stone-disease/procedures/percutaneous-nephrolithotomy-pcnl/
    Ngày truy cập: 19.09.2023
  4. Percutaneous Nephrolithotomy / Nephrolithotripsy
    https://www.kidney.org/atoz/content/kidneystones_PNN
    Ngày truy cập: 19.09.2023
  5. Percutaneous nephrolithotomy
    https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/percutaneous-nephrolithotomy/about/pac-20385051#:~:text=
    Ngày truy cập: 19.09.2023

6. Percutaneous nephrolithotomy: Current concepts
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2684301/
Ngày truy cập: 19.09.2023

Phiên bản hiện tại

19/10/2023

Tác giả: Linh Do

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Vũ Lệ Anh

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Bs Lai Ngọc Hiền giải đáp lá từ bi trị sỏi thận được không?

Mổ sỏi thận có nguy hiểm không? Các phương pháp tán sỏi thận khác


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Vũ Lệ Anh

Khoa thận · Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á


Tác giả: Linh Do · Ngày cập nhật: 19/10/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo