Có thể bạn không thường xuyên để ý đến tình trạng nước tiểu của mình hoặc chỉ để ý đến khi nó đi kèm các chiệu trứng đau rát khác. Tuy nhiên, quan sát nước tiểu cũng là một cách để bạn biết được tình trạng sức khoẻ của mình.
Bạn có thể trò chuyện và trao đổi với người về bất cứ căn bệnh nào nhưng dường như chẳng bao giờ trao đổi với nhau về sức khoẻ của bạn thông qua… tình trạng nước tiểu. Nhưng chính những chi tiết nhỏ nhặt của nước tiểu như màu sắc, mùi, tần suất đi tiểu của bạn có thể tiết lộ được tất cả những gì đang diễn ra trong cơ thể bạn đấy! Hello Bacsi sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về những thay đổi của nước tiểu và làm thế nào để chẩn đoán liệu bạn có bệnh hay không dựa vào những thay đổi đấy nhé!
Tại sao bạn nên quan tâm đến sự thay đổi của nước tiểu?
Nước tiểu chính là chất thải lỏng trong cơ thể chủ yếu từ nước, muối, urê và axit uric. Thận sẽ lọc các độc tố và chất cặn bã trong máu sau đó tạo thành nước tiểu. Những thứ trong cơ thể như thuốc, thực phẩm và bệnh tật có thể ảnh hưởng đến nước tiểu của bạn.
Nếu nước tiểu của bạn đổi màu hay có mùi lạ phảng phất, nguyên nhân có thể là do thức ăn bạn đã dùng trong bữa ăn trước đó. Đó có thể là dấu hiệu của một số căn bệnh truyền nhiễm và thậm chí là ung thư.
Màu sắc nước tiểu nói lên điều gì?
Nước tiểu có màu nhạt
Nếu nước tiểu của bạn không màu, điều đó rất bình thường. Có thể là do bạn đã uống quá nhiều nước hoặc do bạn sử dụng thuốc lợi tiểu, loại thuốc này có thể giúp bạn thải nước ra nhiều hơn.
Nước tiểu có màu sắc quá tối
Nếu nước tiểu của bạn có màu sậm như mật ong hoặc như nước trà đậm, đây có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang bị mất nước và cần được bổ sung ngay lập tức. Tuy nhiên, nước tiểu màu đậm như vậy cũng có thể là do gan của bạn có vấn đề, vì vậy Hello Bacsi khuyên bạn nên gặp bác sĩ hoặc chuyên gia y tế nếu tình trạng này vẫn không có tiến triển sau vài ngày.
Nước tiểu có màu hồng hoặc đỏ
Có một số loại thực phẩm như cà rốt, quả mâm xôi, củ cải đường hoặc cây đại hoàng có thể khiến nước tiểu của bạn có màu hơi hồng đỏ. Bên cạnh đó, màu sắc của nước tiểu như vậy cũng có thể là do tác dụng phụ của thuốc kháng sinh rifampin hoặc thuốc phenazopyridine dùng để chữa bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs).
Tuy nhiên bạn cũng đừng quá chủ quan. Hãy đến bác sĩ kiểm tra ngay nếu thấy nước tiểu của mình có màu hồng hoặc màu đỏ bởi vì có thể lẫn máu trong nước tiểu. Rất có khả năng đây là dấu hiệu của bệnh thận, nhiễm trùng đường tiết niệu, vần đề về tuyến tiền liệt hoặc do bạn có một khối u.
Nước tiểu có màu cam
Nếu nước tiểu của bạn trông như màu sắc của nước giải khát vị cam, có thể đó là do bạn sử dụng các loại thuốc như vitamin B2 liều cao, thuốc phenazopyridine cho bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, hoặc kháng sinh trị bệnh lao. Nhưng cũng đừng vội chủ quan. Nước tiểu màu cam cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang bị mất nước hoặc có vấn đề về gan hoặc ống mật. Hello Bacsi khuyên bạn nên liên hệ với bác sĩ càng sớm càng tốt.
Nước tiểu có màu xanh
Nước tiểu màu xanh da trời hoặc xanh lá cây có thể là do phẩm màu trong thực phẩm hoặc do loại thuốc bạn đang sử dụng như thuốc propofol an thần hoặc thuốc dị ứng/ hen suyễn promethazine, một số trẻ sử dụng dung dịch xanh methylen để vệ sinh miệng họng rồi nuốt xuống đường tiêu hóa cũng có thể có nước tiểu màu xanh. Một vài bệnh tật hiếm gặp cũng có thể khiến cho nước tiểu của bạn chuyển sang màu xanh vì vậy nếu trong một thời gian ngắn, nếu bạn vẫn không thấy màu xanh biến mất, hãy đến gặp bác sĩ để có lời khuyên tốt nhất.
Nước tiểu có bọt
Hãy đến bác sĩ ngay lập tức nếu nếu nước tiểu của bạn liên tục có bọt (nhiều bọt và bọt lâu tan là dấu hiệu trong nước tiểu có nhiều protein). Có thể là dấu hiệu trong nước tiểu chứa protein, điều đó có nghĩa bạn đang có vấn đề về thận (hội chứng thận hư – loại bệnh lý thường gặp ở bệnh thận).
Một số vấn đề về sức khỏe báo động qua việc đi tiểu mà bạn chớ bỏ qua
Nước tiểu nặng mùi
Nước tiểu thường sẽ không có mùi nồng. Nhưng sau khi ăn măng tây, bạn sẽ ngửi thấy mùi lạ từ nước tiểu? Đối với một số loại thực phẩm như măng tây thường có hợp chất lưu huỳnh có thể làm thay đổi mùi của nước tiểu. Do vậy bạn không cần bận tâm quá về điều đó. Nếu bạn cảm thấy có một luồng hơi mạnh trước khi đẩy nước tiểu ra ngoài, có thể đó là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, tiểu đường, nhiễm trùng bàng quang hoặc các bệnh về chuyển hóa.
Đi tiểu thường xuyên
Nếu bạn cảm thấy mình luôn trong trạng thái cần phải “xả’ và thỉnh thoảng lại còn không kịp lúc, có thể do bàng quang của bạn đã bị quá tải. Trường hợp này rất phổ biến ở người già. Hãy đến bác sĩ để có được những lời khuyên tốt nhất đối với những thay đổi này để có thể điều chỉnh cuộc sống hằng ngày của bạn.
Những chi tiết nhỏ nhặt của nước tiểu như màu sắc, mùi, tần suất đi tiểu của bạn có thể tiết lộ được tất cả những gì đang diễn ra trong cơ thể bạn đấy!