backup og meta

Nguyên nhân suy thận và bí quyết tránh nguy cơ chạy thận

Nguyên nhân suy thận và bí quyết tránh nguy cơ chạy thận

Bệnh suy thận đặc trưng bởi sự mất dần chức năng thận theo thời gian. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận, phổ biến nhất là bệnh đái tháo đường, huyết áp cao… Việc phát hiện và điều trị sớm có thể giúp bệnh thận không trở nên tồi tệ hơn, tránh được nguy cơ phải chạy thận.

Người bị bệnh thận thường không có biểu hiện gì cho đến khi bệnh tiến triển nặng. Biến chứng của bệnh rất nguy hiểm, như huyết áp cao, thiếu máu, xương yếu, tổn thương thần kinh và bệnh tim mạch. Những ảnh hưởng này có thể xảy ra từ từ trong một khoảng thời gian dài. Vậy nguyên nhân gây ra bệnh suy thận là do đâu, hay tại sao bị suy thận và bí quyết nào giúp giảm nhẹ nguy cơ phải chạy thận?

Suy thận là gì?

Suy thận có thể là cấp tính – đột ngột hoặc mãn tính – tiến triển âm thầm, từ từ. Một số người có thể mất tới 90% chức năng thận trước khi các triệu chứng bệnh biểu hiện ra bên ngoài. Bệnh xảy ra khi thận không còn đảm nhiệm đầy đủ chức năng bài tiết hết chất thải ra khỏi cơ thể và kiểm soát mức độ dịch trong cơ thể.

Người bị bệnh suy thận giai đoạn cuối cần chạy thận hoặc ghép thận để duy trì sự sống. Trong nhiều trường hợp, người bệnh không hề có các dấu hiệu của bệnh suy thận cho đến khi bệnh đã tiến triển ở giai đoạn cuối.

Nguyên nhân suy thận là gì

Nguyên nhân suy thận là gì?

Nguyên nhân dẫn đến suy thận cấp

Tại sao bạn lại bị suy thận cấp? Sau đây là 3 nguyên nhân chính:

Lưu lượng máu đến thận giảm

Các bệnh và tình trạng có thể làm chậm lưu lượng máu đến thận và dẫn đến tổn thương thận bao gồm:

  • Mất máu hoặc dịch
  • Thuốc huyết áp
  • Bệnh tim
  • Nhiễm trùng
  • Suy gan
  • Sử dụng aspirin, ibuprofen, naproxen natri hoặc các loại thuốc liên quan
  • Phản ứng dị ứng nghiêm trọng (sốc phản vệ)
  • Vết bỏng nặng
  • Mất nước nghiêm trọng

Tổn thương thận

Một số bệnh hoặc yếu tố có thể gây tổn thương và dẫn đến suy thận cấp như:

  • Cục máu đông ở tĩnh mạch và động mạch trong và xung quanh thận
  • Cholesterol tích tụ làm tắc nghẽn dòng máu đến thận
  • Viêm cầu thận, viêm các bộ lọc nhỏ trong thận (cầu thận)
  • Hội chứng urê huyết tán huyết, một tình trạng do hồng cầu bị phá hủy sớm
  • Nhiễm trùng, chẳng hạn do virus Corona gây COVID-19
  • Lupus, một rối loạn hệ thống miễn dịch gây viêm cầu thận
  • Các loại thuốc, chẳng hạn như một số loại thuốc hóa trị, thuốc kháng sinh và thuốc nhuộm được sử dụng trong quá trình kiểm tra hình ảnh
  • Xơ cứng bì, một nhóm bệnh hiếm gặp ảnh hưởng đến da và các mô liên kết
  • Ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối, một rối loạn máu hiếm gặp
  • Các chất độc như rượu, kim loại nặng và chất gây nghiện
  • Phá vỡ mô cơ (tiêu cơ vân) dẫn đến tổn thương thận do độc tố từ sự phá hủy mô cơ
  • Sự phá vỡ các tế bào khối u (hội chứng tiêu khối u), dẫn đến giải phóng độc tố có thể gây tổn thương thận

Tắc nghẽn nước tiểu ở thận

Một nguyên nhân khác khiến bạn bị suy thận cấp là do tắc nghẽn nước tiểu ở thận. Những bệnh và tình trạng gây tắc nghẽn đường tiết niệu và có thể dẫn đến tổn thương thận cấp tính bao gồm:

  • Ung thư bàng quang
  • Cục máu đông trong đường tiết niệu
  • Ung thư cổ tử cung
  • Ung thư ruột kết
  • Phì đại tuyến tiền liệt
  • Sỏi thận
  • Tổn thương thần kinh liên quan đến dây thần kinh kiểm soát bàng quang
  • Ung thư tuyến tiền liệt

Các nguyên nhân dẫn đến suy thận mạn

Lí do vì sao bạn bị suy thận mạn là gì? Thực tế, suy thận mạn thường được gây ra bởi bệnh tiểu đường và tăng huyết áp. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây suy thận mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị khác nhau.

Bệnh tiểu đường

Khi có quá nhiều glucose trong máu sẽ dẫn đến tổn thương bộ lọc thận. Theo thời gian, thận có thể bị tổn thương đến mức không thể thực hiện tốt các chức năng lọc chất thải và loại bỏ các chất lỏng dư thừa từ máu.

Thông thường, dấu hiệu đầu tiên của bệnh thận do tiểu đường là có protein trong nước tiểu. Nguyên nhân là do khi bộ lọc thận bị tổn thương, albumin – một loại protein quan trọng giúp duy trì sức khỏe ổn định – sẽ đi ra khỏi máu và đi vào nước tiểu.

Tăng huyết áp

Huyết áp cao có thể làm hỏng hoặc tổn thương các mạch máu ở thận khiến chúng không thể hoạt động tốt để loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Các chất lỏng dư thừa không thể thoát ra ngoài, sẽ tích tụ trong mạch máu làm huyết áp tăng cao hơn. Điều này tạo thành một chu kỳ nguy hiểm cho sức khỏe.

Các nguyên nhân khác gây suy thận mạn

Những lí do khác khiến bạn bị suy thận mạn như:

  • Một rối loạn di truyền khiến nhiều u nang phát triển trong thận, bệnh thận đa nang (PKD).
  • Nhiễm trùng
  • Một loại thuốc gây độc cho thận
  • Một căn bệnh ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc bệnh lupus (viêm thận lupus)
  • Viêm cầu thận IgA
  • Các bệnh tự miễn, chẳng hạn như bệnh Anti-GBM (Goodpasture’s)
  • Ngộ độc kim loại nặng, chẳng hạn như ngộ độc chì
  • Tình trạng di truyền hiếm gặp, chẳng hạn như hội chứng Alport
  • Hội chứng tan máu tăng urê ở trẻ em
  • Viêm mạch IgA
  • Hẹp động mạch thận

Cách phòng ngừa bệnh suy thận tiến triển nặng, tránh phải chạy thận

Nguyên nhân suy thận và bí quyết giúp giảm nhẹ nguy cơ chạy thận
Khi chức năng thận suy giảm nghiêm trọng, bệnh nhân cần phải chạy thận

Nếu suy thận nghiêm trọng (ở giai đoạn 4 hoặc 5), người bệnh còn phải chịu nhiều vấn đề khác như thiếu máu, hạ canxi, phosphate và các hóa chất khác trong máu. Từ đó, họ rất dễ mệt mỏi do thiếu máu, loãng xương hoặc gãy xương do mất cân bằng canxi, phosphate. Đây là những nguyên nhân khiến người bệnh phải chạy thận hoặc ghép thận, vì nguy cơ tử vong là rất cao.

Do các bệnh thận mạn tính là nguyên nhân gây suy thận trực tiếp nhất. Vì vậy, nếu điều trị các bệnh này từ giai đoạn đầu có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình bệnh tiến triển thành suy thận mạn trong tương lai. Ở giai đoạn đầu, do tình trạng tổn thương thận ở mức nhẹ nên người bệnh hoàn toàn có thể khắc phục được bằng cách duy trì chế độ sinh hoạt khoa học, chế độ dinh dưỡng hợp lý.

  • Uống nhiều nước: Nước có tác dụng thanh lọc, hỗ trợ quá trình giải độc trong cơ thể, giúp giảm bớt gánh nặng giải độc của thận. Cơ thể cần cung cấp ít nhất 2 lít nước/ngày. Vì vậy, bạn nên uống đủ lượng nước cần thiết.
  • Không nên nhịn tiểu thường xuyên: Việc nhịn tiểu quá lâu và quá thường xuyên sẽ khiến bàng quang bị căng tức, vô tình gây áp lực lên thận và là nguyên nhân gây ra bệnh sỏi thận.
  • Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý: Chế độ ăn hàng ngày của người bị suy thận nên bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin K, lòng trắng trứng, hạt mè, rau mùi… Người bị bệnh thận không được ăn mặn, hạn chế ăn những thực phẩm có tính cay nóng và nhiều gia vị.
  • Không sử dụng các chất kích thích: Thuốc lá, rượu bia… và các chất kích thích khác không phải là nguyên nhân suy thận trực tiếp, nhưng nó sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn.
  • Tránh sử dụng thuốc giảm đau và thuốc Đông y không rõ nguồn gốc.
  • Tập thể thao hợp lý: Tập các bài tập yoga, các động tác kéo duỗi chân có tác dụng hỗ trợ khả năng hoạt động của thận.

Qua bài viết này, hỵ vọng bạn đã nắm được những nguyên nhân suy thận thường gặp để hiểu nguy cơ của bản thân. Ngoài ra, hãy đi khám sức khỏe định kỳ bởi việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời các chứng bệnh liên quan đến thận là cách hữu hiệu nhất để tránh khỏi phải chạy thận hoặc ghép thận.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Chronic Kidney Disease (CKD) Symptoms, Treatment, Causes & Prevention https://www.kidneyfund.org/kidney-disease/chronic-kidney-disease-ckd/ Ngày truy cập 21/1/2022

Chronic Kidney Disease Basics https://www.cdc.gov/kidneydisease/basics.html Ngày truy cập 21/1/2022

Chronic kidney disease (CKD) https://www.kidneycareuk.org/about-kidney-health/conditions/ckd/ Ngày truy cập 21/1/2022

Chronic kidney disease https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chronic-kidney-disease/symptoms-causes/syc-20354521 Ngày truy cập 08/01/2019

About Chronic Kidney Disease https://www.kidney.org/atoz/content/about-chronic-kidney-disease Ngày truy cập 08/01/2019

Chronic Kidney Disease (CKD) https://www.niddk.nih.gov/health-information/kidney-disease/chronic-kidney-disease-ckd Ngày truy cập 08/01/2019

Acute Kidney Failure. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/kidney-failure/symptoms-causes/syc-20369048. Ngày truy cập 6/9/2023

Causes of Chronic Kidney Disease. https://www.niddk.nih.gov/health-information/kidney-disease/chronic-kidney-disease-ckd/causes. Ngày truy cập 6/9/2023

 

Phiên bản hiện tại

21/09/2023

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Vũ Lệ Anh

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt ảnh hưởng đến đời sống tình dục như thế nào?

Tổn thương thận: Rủi ro tiềm ẩn dẫn đến suy thận


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Vũ Lệ Anh

Khoa thận · Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 21/09/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo