Thay đổi thực đơn cho người suy thận ở giai đoạn đầu khá quan trọng, nó giúp giảm bớt áp lực lên thận, hạn chế tích tụ các chất độc trong cơ thể.
Suy thận giai đoạn sớm hay giai đoạn đầu nghĩa là thận không còn hoạt động tốt như bình thường. Thận sẽ gặp khó khăn trong quá trình lọc bỏ chất thải ra khỏi máu và đa số các chất thải này là kết quả từ quá trình chuyển hóa thức ăn. Vì vậy, bạn cần thay đổi chế độ ăn uống để giúp thận không hoạt động quá mức. Khi đó, bạn nên đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để thiết lập thực đơn cho người suy thận ở giai đoạn sớm.
Giảm lượng protein tiêu thụ
Bình thường, bạn sẽ cần protein để xây dựng và duy trì cơ bắp, cũng như các mô và cơ quan khác. Thế nhưng, khi hoạt động của thận bắt đầu giảm xuống, quá trình loại urê ra khỏi máu sẽ gặp khó khăn. Urê chính là một sản phẩm chuyển hóa của protein.
Giảm lượng protein hấp thu sẽ giúp bạn giảm áp lực lên thận. Vậy nên, bạn hãy hạn chế sử dụng các thực phẩm giàu protein như thịt gia cầm, thịt, cá, hải sản, trứng, sản phẩm từ sữa, các loại đậu, cây họ đậu, các loại hạt.
Chuyên gia dinh dưỡng cũng cho bạn biết bạn cần tiêu thụ bao nhiêu protein trong một ngày. Từ đó, bạn có thể đáp ứng nhu cầu hàng ngày bằng các loại thực phẩm có hàm lượng protein thấp hơn như ngũ cốc, rau quả.
Giảm lượng phốt pho tiêu thụ
Thận cũng gặp vấn đề trong việc loại bỏ phốt pho dư thừa trong máu ra ngoài, dẫn đến cơ thể lấy bớt canxi từ xương để cân bằng phốt pho, gây hại cho xương.
Vì vậy, thực đơn cho người suy thận nên cắt giảm lượng thực phẩm chứa nhiều phốt pho như sữa và các sản phẩm từ sữa; các loại đậu như đậu khô, đậu phộng, đậu Hà Lan, đậu lăng; ca cao, bia và nước ngọt có ga (như cola).
Giảm lượng natri tiêu thụ
Bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng cũng sẽ khuyên bạn nên giảm bớt lượng natri và muối dùng hàng ngày, đặc biệt khi bạn mắc phải tăng huyết áp. Thực hiện chế độ ăn ít natri bằng cách giảm sử dụng sản phẩm chứa nhiều muối như thực phẩm đóng hộp, bánh snack, bánh mặn, thịt đã qua chế biến (thịt xông khói, xúc xích), đồ chua…
Lượng calo cần thiết cũng thay đổi
Nhu cầu calo hàng ngày phụ thuộc vào cân nặng của bạn. Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì, chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp bạn xây dựng khẩu phần ăn ít calo hơn, phù hợp với tình trạng sức khỏe. Ngược lại, nếu cần tăng cân, bạn sẽ được hướng dẫn tăng lượng calo bằng cách thêm nhiều carbohydrate và chất béo vào chế độ ăn uống.
Thực đơn cho người suy thận tham khảo
Dưới đây là một chế độ ăn kiêng dành cho người suy thận giai đoạn đầu, bạn có thể tham khảo:
Bữa sáng
- Bột yến mạch cùng quả việt quất và mật ong
- Cà phê hoặc trà
- Ăn nhẹ vào giữa buổi sáng: đào hoặc lê.
Bữa trưa
- Bánh sandwich với khoảng 28g thịt gà, rau diếp, cà chua và sốt mayonnaise hay mù tạt
- Đậu xanh
- Soda ít đường, trà đá hoặc nước lọc.
Bữa ăn xế nhẹ
- Một trái táo
Bữa tối
- 85g thịt bò hoặc bít tết
- Gạo trắng
- Rau diếp, salad rau với giấm và dầu oliu
- Soda ít đường, trà đá hoặc nước lọc.
Bữa ăn nhẹ ban đêm
- Bánh quy yến mạch
Thực phẩm bổ sung
Những hạn chế trong thực đơn cho người suy thận có thể làm tăng khả năng thiếu hụt vitamin và khoáng chất. Khi đó, bạn cần dùng thêm một số thực phẩm bổ sung như hỗn hợp vitamin B, vitamin C hay D, sắt, canxi… Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng trước khi muốn sử dụng bất kỳ sản phẩm nào.
Tuy nhiên, bạn cần tránh một số vitamin và khoáng chất nếu đang có vấn đề về thận, trong đó bao gồm các vitamin A, K, E vì chúng có khả năng bị tích tụ lại trong cơ thể và gây hại. Theo thời gian, khi mức độ các vitamin này trong máu quá cao sẽ gây chóng mặt, buồn nôn và thậm chí tử vong.
Sử dụng vitamin C cũng tạo ra một số lo ngại cho người mắc bệnh thận. Một số người có thể cần dùng vitamin C liều thấp, nhưng liều lớn có thể gây ra tích tụ oxalate ở thận. Oxalate có khả năng bị giữ trong xương và mô mềm, gây đau và nhiều vấn đề khác theo thời gian.
Ngoài ra, người mắc bệnh thận và những người đang chạy thận nhân tạo nên tránh những biện pháp thảo dược, bởi vì chúng có thể gây ra những tương tác ngoài ý muốn với các thuốc trị liệu đang sử dụng. Bạn hãy nhớ luôn luôn nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ phương thuốc thảo dược, thuốc không kê đơn hay thực phẩm bổ sung nào.