Creatinine là sản phẩm phân hủy của creatin trong các cơ và thải trừ duy nhất qua thận. Vì vậy mà xét nghiệm định lượng creatinin máu thường được dùng để đánh giá và theo dõi chức năng của thận. Vậy creatinin máu bình thường và bất thường là gì? Khi nào thì có thể chỉ ra suy thận? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Tên kĩ thuật y tế: Xét nghiệm định lượng creatinin máu (creatinin huyết thanh)
Bộ phận cơ thể/Mẫu thử: Máu
Creatinin máu là gì?
Creatinine là một hợp chất hóa học ,kết quả của quá trình chuyển hóa creatin trong cơ bắp nhằm tạo năng lượng. Chất này được thận đào thải ra bên ngoài qua nước tiểu. Lượng chất sản xuất mỗi ngày thường dao động rất ít.
Định lượng creatinin máu là gì?
Creatinin, cũng giống như nitơ ure máu (BUN), được thải hoàn toàn bởi thận và do vậy tỷ lệ thuận với chức năng bài tiết thận. Vì thế nồng độ creatinin huyết thanh thường không đổi nếu chức năng bài tiết của thận hoạt động bình thường. Xét nghiệm creatinin dùng để định lượng creatinin trong huyết thanh, tính toán độ lọc cầu thận GFR nhằm đánh giá chức năng thận. Mất nước, rối loạn thận, tắc nghẽn đường tiểu khiến creatinin máu tăng bất thường.
Về nhịp sinh học, sau bữa ăn, creatinin sẽ tăng nhẹ (đặc biệt là sau khi ăn một lượng lớn protein). Ngoài ra, lượng creatinin tự nhiên thấp nhất lúc 7 giờ sáng và cao nhất lúc 7 giờ tối. Vì vậy, những yếu tố này có thể khiến kết quả định lượng creatinine và độ lọc cầu thận bị sai lệch.
Ngoài ra, đối với những bệnh nhân thường xuyên bị bệnh nặng, những thay đổi cấp tính về chức năng thận có thể khiến việc đánh giá chỉ số GFR tại thời điểm đó bằng creatinin máu trở nên khó khăn.
Khi nào bạn nên thực hiện xét nghiệm định lượng creatinin máu?
Định lượng creatinin máu có thể được thực hiện một cách thường quy như một phần trong những xét nghiệm cơ bản về sinh hóa trong cơ thể. Kỹ thuật y tế này cũng có thể được thực hiện nếu bạn đang có những bệnh lý cấp tính hoặc bác sĩ nghi ngờ rằng thận của bạn làm việc không tốt. Một vài dấu hiệu và triệu chứng của suy giảm chức năng thận bao gồm:
- Mệt mỏi, thiếu tập trung, chán ăn, hay mất ngủ
- Sưng hoặc phù, nhất là ở vùng quanh mắt hay trên mặt, bụng, đùi hay mắt cá chân
- Nước tiểu nhiều bọt, tiểu có máu, tiểu đục hay có màu cà phê
- Giảm lượng nước tiểu
- Vấn đề về đi tiểu, chẳng hạn cảm giác nóng rát khi tiểu, tiểu nhiều lần, tiểu về đêm…
- Đau vùng hông lưng, bên dưới khung sườn, gần vị trí của thận
- Tăng huyết áp.
Việc có cần thực hiện định lượng creatinin máu thường xuyên hay không tùy thuộc vào bệnh lý và nguy cơ tổn thương thận của bạn, chẳng hạn như:
- Nếu bạn bị đái tháo đường tuýp 1 hay tuýp 2, bác sĩ có thể khuyên thực hiện xét nghiệm này ít nhất một lần mỗi năm
- Nếu bạn có bệnh thận, bác sĩ có thể khuyên thực hiện đo nồng độ creatinin thường xuyên để theo dõi tình trạng sức khỏe
- Nếu bạn có bệnh lý có thể gây ảnh hưởng đến thận – chẳng hạn như tăng huyết áp hay nếu bạn đang dùng thuốc có thể ảnh hưởng đến thận.
- Theo dõi chức năng của một quả thận được cấy ghép.
Điều cần thận trọng
Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện xét nghiệm định lượng creatinin máu?
Những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm bao gồm:
- Những loại thuốc có thể làm tăng nồng độ creatinin gồm: cimetidine, famotidine, ranitidine và một số loại kháng sinh như trimethoprim. Bạn nên thông báo với bác sĩ tất cả các loại thuốc mà mình đang dùng (nếu có).
- Creatinin máu cũng có thể tăng lên tạm thời do chấn thương cơ và sẽ thấp đi trong thai kỳ.
Quy trình thực hiện
Bạn nên chuẩn bị gì trước khi thực hiện xét nghiệm định lượng creatinin máu?
Bạn sẽ được bác sĩ giải thích quy trình xét nghiệm. Không cần kiêng cữ đồ ăn hoặc thức uống trước khi thực hiện xét nghiệm.
Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn tạm ngưng sử dụng những loại thuốc có thể gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm của bạn.
Quy trình thực hiện định lượng creatinin máu như thế nào?
Bác sĩ lấy mẫu máu và cho vào trong một ống có nắp và đem đi phân tích.
Đối với bệnh nhi, máu thường sẽ được lấy ở phần gót chân.
Bạn nên làm gì sau khi thực hiện xét nghiệm creatinin máu?
Bạn nên băng và đè nhẹ lên vùng vừa lấy máu để giúp cầm máu.
Có rất ít rủi ro liên quan đến việc lấy máu nên đừng quá lo lắng. Chỉ một số người gặp phải tình trạng nhẹ như:
- Chảy máu quá nhiều
- Ngất xỉu hoặc choáng váng
- Phải chọc kim nhiều lần để lấy đúng máu tĩnh mạch
- Máu bầm dưới da
- Nhiễm trùng tại nơi chọc kim.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về quy trình thực hiện, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.
Hướng dẫn đọc kết quả: Kết quả định lượng creatinin máu phản ánh điều gì?
Chỉ số creatinin máu bình thường là bao nhiêu?
- Người lớn:
- Nam: 0.74 – 1.35 mg/dL hoặc 65.4 – 119.3 micromol/L
- Nữ: 0.59 – 1.04 mg/dL hoặc 52.2 – 91.9 micromol/L
- Người cao tuổi: giảm khối lượng cơ có thể khiến giảm nồng độ
- Vị thành niên: 0.5-1.0 mg/dL
- Trẻ em: 0.3-0.7 mg/dL
- Trẻ nhỏ: 0.2-0.4 mg/dL
- Trẻ sơ sinh: 0.3-1.2 mg/dL.
Kết quả chỉ số creatinin máu bất thường
Những nguyên nhân làm tăng creatinin máu:
- Viêm cầu thận, viêm bể thận, suy thận, nhiễm trùng thận, hoại tử ống thận cấp tính
- Tắc nghẽn đường tiết niệu
- Giảm lưu lượng máu đến thận (sốc, mất nước, suy tim sung huyết, xơ vữa động mạch)
- Tiểu đường căn nguyên do thận
- Tiêu cơ vân
- Mất nước
- Các vấn đề khi mang thai, chẳng hạn như co giật do sản giật hoặc huyết áp cao do tiền sản giật.
Nguyên nhân creatinin thấp có thể bao gồm:
- Suy dinh dưỡng
- Giảm khối lượng cơ (loạn dưỡng cơ bắp, suy cơ)
Chỉ số creatinin bao nhiêu thì phải chạy thận?
- Chỉ số creatinin máu dưới 130mmol/l – suy thận độ I.
- Chỉ số creatinin máu từ 130 – 299 mmol/L – suy thận độ II
- Chỉ số creatinin máu từ 300 – 499 mmol/L – suy thận độ IIIa
- Chỉ số creatinin máu từ 500 – 899 mmol/L – suy thận độ IIIb
- Chỉ số creatinin máu 900 mmol – suy thận độ IV.
Khoảng giá trị bình thường của kỹ thuật y tế này có thể khác nhau đôi chút tùy vào cơ sở y tế thực hiện. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào về kết quả xét nghiệm định lượng creatinin máu nhé!