Vỡ bàng quang là tình trạng ít gặp, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Vì vậy, đừng bao giờ chủ quan trước tình trạng này.
Vỡ bàng quang là gì, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị ra sao? Mời bạn cùng tìm hiểu chi tiết hơn qua bài viết dưới đây!
Tìm hiểu chung
Vỡ bàng quang là gì?
Bàng quang là một tạng rỗng hình cầu có chức năng lưu giữ nước tiểu, nằm trong khung chậu, vị trí ở dưới phúc mạc. Phần vòm trên bàng quang khi căng phồng sẽ được phúc mạc che phủ. Vỡ bàng quang là một tình trạng tương đối hiếm gặp, khiến thành bàng quang rách ra và nước tiểu bị rò rỉ ra ngoài.
Dựa vào vị trí tổn thương, vỡ bàng quang được phân biệt thành nhiều loại khác nhau, chủ yếu bao gồm:
- Vỡ bàng quang trong phúc mạc: ít xảy ra, chỉ chiếm khoảng 30%. Chỗ vỡ bàng quang nằm trên vòm phúc mạc, nước tiểu rò rỉ vào trong khoang bụng.
- Vỡ bàng quang ngoài phúc mạc: phổ biến nhất với chỗ vỡ ở dưới vòm bàng quang, nước tiểu thoát ra ngoài phúc mạc. tỷ lệ gặp phải khoảng 60%.
- Vỡ bàng quang kết hợp: 10%, tổn thương đồng thời cả trong và ngoài phúc mạc.
Cơ chế xảy ra chấn thương như sau:
Bàng quang được bảo vệ vì có khung chậu bao quanh. Do đó, chấn thương bàng quang xảy ra khi có đụng, va chạm nhanh với một vật tù, xe cán nhanh qua, có khi do rơi từ nơi cao xuống hoặc một cú đánh trực tiếp vào bàng quang.
Thông thường, nếu ở trạng thái chứa đầy nước tiểu bàng quang có thể trở nên căng phồng, lên đến ngang rốn, khiến nó dễ bị chấn thương. Trong khi đó, bàng quang rỗng nằm trọn trong khung xương chậu và được bảo vệ tốt. Vì vậy ít xuất hiện tổn thương hơn. Tuy nhiên, nếu va đập với một lực đủ lớn để làm gãy xương chậu thì bàng quang có thể bị tổn thương ngay cả khi nó trống rỗng.
Nguy cơ gặp chấn thương có khả năng cao hơn đối với trẻ em, do vị trí bàng quang của trẻ còn nằm trong ổ bụng.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng vỡ bàng quang
Tình trạng này gây ra những triệu chứng không đặc hiệu và dễ nhầm lẫn với những tổn thương khác trên đường tiết niệu, dẫn đến việc chẩn đoán có thể bị bỏ sót hoặc chậm trễ.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng:
- Chấn thương vùng hạ vị hoặc đa chấn thương.
- Có thể kèm theo choáng (khi có gãy xương chậu, vỡ tạng đặc hay vỡ thận kèm theo).
- Đau hạ vị.
- Có phản ứng thành bụng nếu nhập viện muộn.
- Buồn tiểu nhưng không tiểu được hoặc tiểu lẫn máu.
- Có biểu hiện chấn thương bên ngoài da như vết xây xước, đụng dập.
Đặc biệt ở phụ nữ, nếu chấn thương đủ nghiêm trọng có thể làm rách cả bàng quang lẫn âm đạo, khi đó nước tiểu và máu cùng rò rỉ qua âm đạo và chảy ra ngoài.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây vỡ bàng quang là gì?
Đa số trường hợp vỡ bàng quang ở người lớn sẽ có nguyên nhân bắt nguồn từ việc chấn thương vùng chậu. Chấn thương này có thể do lực va đập từ bên ngoài hoặc tác nhân đâm xuyên vào bàng quang.
Vỡ bàng quang trong phúc mạc thường là hậu quả sau khi bệnh nhân gặp một số chấn thương va đập chẳng hạn như: tai nạn xe, ngã từ nơi cao, vật nặng rơi vào bụng dưới hoặc bị một lực đánh thẳng vào bàng quang.
Mặt khác, chấn thương xuyên thấu lại là nguyên nhân gây ra hầu hết các ca vỡ bàng quang ngoài phúc mạc. Phổ biến nhất là tình trạng gãy xương chậu khiến các mảnh xương đâm trực tiếp thành bàng quang và gây vỡ, ít phổ biến hơn có thể kể đến các vết thương do đạn bắn thủng hoặc dao đâm xuyên.
Vỡ bàng quang tự phát thường hiếm xảy ra và có tỷ lệ tử vong cao. Nguyên nhân có liên quan đến nhiễm trùng đường tiết niệu, bí tiểu mạn tính, sinh thường qua ngã âm đạo, bệnh ưa chảy máu, bệnh ác tính, nghiện rượu, sỏi bàng quang, sỏi niệu quản hoặc từng xạ trị trước đó.
Một số trường hợp khác, bàng quang có thể bị vỡ do những sự tác động trong quá trình phẫu thuật vùng chậu, đặt ống thông niệu đạo, sinh thiết bàng quang hoặc đặt stent niệu quản. Ngoài ra, bất kỳ yếu tố nào khiến thành bàng quang bị yếu đi hoặc gây đầy bàng quá mức đều có khả năng trở thành nguyên nhân dẫn đến vỡ bàng quang.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán tình trạng vỡ bàng quang?
Trước đây, chụp bàng quang và niệu đạo ngược dòng được sử dụng để đánh giá các trường hợp nghi ngờ vỡ bàng quang. Tuy nhiên, phương pháp này khá tốn thời gian và chống chỉ định trên nhiều bệnh nhân, vì vậy, chụp cắt lớp vi tính CT được ưu tiên lựa chọn, vì nó cũng cho phép đánh giá các cấu trúc khác của khung chậu.
Ngoài ra, bác sĩ có thể kết hợp một số kỹ thuật, cho phép đánh giá đồng thời nhiều cơ quan trong ổ bụng để có được hiệu quả chẩn đoán tối ưu nhất. Các kỹ thuật này có thể bao gồm:
- Phẫu thuật
- Nội soi
- X quang
- Siêu âm
- Xét nghiệm phân tích nước tiểu.
Những phương pháp điều trị vỡ bàng quang
Nguyên tắc điều trị chung cho các trường hợp vỡ bàng quang là: điều trị nội khoa hồi sức chống sốc, kháng sinh và điều trị ngoại khoa. Trong đó, điều trị ngoại khoa là chủ yếu đối với những trường hợp nặng, chấn thương phức tạp hoặc có tổn thương phối hợp.
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Tiết niệu Hoa Kỳ (AUA), vỡ bàng quang trong phúc mạc phải được can thiệp và sửa chữa bằng phương pháp phẫu thuật do có nguy cơ dẫn đến viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết, suy thận và nghiêm trọng hơn là có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị.
Ngược lại, điều trị bảo tồn được xem là phương pháp phù hợp nhất với tình trạng vỡ bàng quang ngoài phúc mạc không biến chứng. Nguyên tắc chính của điều trị bảo tồn là áp dụng kỹ thuật dẫn lưu nước tiểu kết hợp với việc sử dụng kháng sinh. Để thoát nước tiểu ra ngoài, bệnh nhân sẽ được đặt ống dẫn lưu bàng quang trong khoảng thời gian từ 2 – 3 tuần hoặc đôi khi có thể lâu hơn trong một số trường hợp để vết thương lành lại. Nếu các vết vỡ ngoài phúc mạc không lành sau 4 tuần đặt ống dẫn lưu, bệnh nhân có thể được xem xét để phẫu thuật can thiệp.
Vài ngày sau điều trị, bệnh nhân thường được dùng thuốc kháng sinh để phòng ngừa nhiễm trùng. Ở một số bệnh nhân có thể xuất hiện tình trạng bàng quang tăng hoạt trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng, khiến họ đi tiểu thường xuyên và tiểu gấp hơn. Bác sĩ sẽ kê đơn thêm thuốc điều trị bàng quang tăng hoạt.
Riêng các trường hợp vỡ bàng quang ngoài phúc mạc do vết thương phức tạp, chẳng hạn như vết vỡ có liên quan đến các mảnh xương trong bàng quang, chấn thương âm đạo hoặc trực tràng sẽ không điều trị bảo tồn, mà thay vào đó cũng cần phẫu thuật sửa chữa tổn thương.
Trong quá trình điều trị, kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính có thể được tiếp tục sử dụng với mục đích chính là theo dõi quá trình hồi phục tổn thương ở bệnh nhân, cũng như phát hiện kịp thời các biến chứng sau mổ vỡ bàng quang.
Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng ngừa vỡ bàng quang?
Mặc dù bàng quang bị vỡ không phổ biến, tuy nhiên tình trạng này có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Để tốt hơn hết, chúng ta nên phòng ngừa tình trạng này bằng cách hạn chế tối đa khả năng xảy ra chấn thương. Cụ thể bạn nên:
- Đảm bảo an toàn lao động khi làm việc ở nơi cao, dễ té ngã.
- Tránh tác động lực và gây sức ép lên vùng bụng hoặc vùng chậu.
- Tuân thủ luật giao thông và các biện pháp lái xe an toàn để tránh xảy ra tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương.
Bàng quang căng đầy quá mức cũng là một trong số những yếu tố làm tăng nguy cơ vỡ bàng quang, vì vậy bạn cần lưu ý tuyệt đối không nên cố nhịn tiểu khi cơ thể có nhu cầu. Bên cạnh đó, không uống nhiều rượu bia để tránh làm gia tăng lượng nước tiểu quá nhanh, quá nhiều cũng là cách phòng ngừa hiệu quả.