Việc gặp phải triệu chứng đau họng đau tai có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Về cơ bản, tình trạng đau họng thường không phải là vấn đề đáng lo ngại và sẽ tự khỏi sau một thời gian. Ngược lại, triệu chứng đau tai kèm theo đau họng có thể là dấu hiệu của viêm amidan, bạch cầu đơn nhân hoặc một tình trạng sức khỏe khác cần điều trị.
Mời bạn cùng tìm hiểu về nguyên nhân gây đau họng đau tai và cách kiểm soát triệu chứng này trong bài viết sau của Hello Bacsi bạn nhé!
Triệu chứng của tình trạng đau họng đau tai
Khi bị đau họng đau tai sẽ có những triệu chứng cụ thể nào? Mọi người thường cho rằng đau họng kèm đau tai là những triệu chứng quá rõ ràng và có thể đoán biết được nguyên nhân gây ra chúng. Tuy nhiên, trên thực tế, tùy vào nguyên nhân gây đau mà biểu hiện và mức độ nghiêm trọng của các cơn đau khác nhau.
Các triệu chứng của đau họng bao gồm:
- Xuất hiện cơn đau từ nhẹ đến nghiêm trọng ở phía sau cổ họng
- Có cảm giác khô hoặc khó chịu trong cổ họng
- Cảm thấy đau khi nuốt thức ăn hoặc nói chuyện
- Khàn tiếng
- Cổ họng có dấu hiệu đỏ tấy
- Sưng amidan
- Hàm và các tuyến ở cổ bị sưng
- Xuất hiện các mảng trắng trên amidan.
Trong khi đó, tình trạng đau tai lại được biểu hiện bằng các triệu chứng sau:
- Có cảm giác đau âm ỉ, liên tục ở một hoặc cả hai bên tai
- Nghẹt tai
- Có cảm giác đầy trong tai hay cảm thấy tai bị bít tắc
- Tai chảy dịch
- Nghe thấy các âm thanh lạ bên trong tai
Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà triệu chứng đau họng đau tai có thể đi kèm với đau đầu, sốt và cảm giác mệt mỏi.
Có thể bạn quan tâm
“Vạch trần” 9 nguyên nhân gây đau họng đau tai phổ biến
Theo các chuyên gia sức khỏe, triệu chứng đau họng đau tai thường bắt nguồn từ các nguyên nhân sau:
1. Dị ứng
Việc tiếp xúc với các chất gây dị ứng như phấn hoa, khói bụi hay mạt bụi nhà có thể kích hoạt phản ứng dị ứng, gây viêm màng nhầy dọc theo khoang mũi và tai. Điều này dẫn đến chảy dịch mũi sau (tình trạng chất nhầy dư thừa bị tích tụ và chảy xuống cuống họng). Chảy dịch mũi sau là một trong những tác nhân gây kích thích và đau họng phổ biến nhất.
Bên cạnh đó, tình trạng viêm cũng khiến tai bị tắc nghẽn do chất nhầy không thể chảy ra đúng cách. Khi áp lực trong tai lớn hơn, các cơn đau tai sẽ bắt đầu hình thành.
Ngoài ra, dị ứng còn gây ra các triệu chứng như:
- Hắt hơi
- Sổ mũi
- Ngứa hoặc chảy nước mắt
- Nghẹt mũi.
2. Viêm amidan: Nguyên nhân gây đau họng đau tai phổ biến
Theo các chuyên gia sức khỏe, đau họng đau tai hay tình trạng đau họng nhói lên tai có thể là do viêm amidan – một tình trạng viêm xảy ra ở amidan – hai tổ chức bạch huyết nằm ở hai bên cổ họng. Viêm amidan xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở trẻ em. Nguyên nhân gây viêm amidan thường là do các loại vi khuẩn hoặc virus.
Amidan đỏ, sưng và đau họng là những triệu chứng phổ biến nhất của căn bệnh này. Ngoài ra, viêm amidan còn gây ra các vấn đề như:
- Cảm giác đau họng đau tai khi nuốt
- Sưng hạch bạch huyết ở cổ
- Xuất hiện các mảng trắng hoặc vàng trên amidan
- Sốt.
3. Bệnh bạch cầu đơn nhân
Bạch cầu đơn nhân là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Thanh thiếu niên là những đối tượng có nguy cơ cao mắc căn bệnh này. Bệnh thường kéo dài trong nhiều tuần với các triệu chứng như:
- Đau họng
- Sưng hạch bạch huyết ở cổ, nách và háng
- Mệt mỏi
- Đau nhức cơ bắp
- Ù tai.
4. Viêm họng liên cầu khuẩn: Nguyên nhân gây đau họng đau tai
Viêm họng liên cầu khuẩn là căn bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Streptococcus gây ra. Viêm họng liên cầu khuẩn gây ra các cơn đau họng nghiêm trọng nếu không được điều trị sớm. Trong một số trường hợp, vi khuẩn gây nhiễm trùng cổ họng có thể đi vào ống eustachian và tai giữa, dẫn đến nhiễm trùng tai và gây đau họng kèm đau tai dẫn đến triệu chứng đau họng nhói lên tai bị ảnh hưởng.
Các triệu chứng khác của viêm họng liên cầu khuẩn bao gồm:
- Các mảng trắng hoặc mủ xuất hiện trên amidan
- Các đốm nhỏ màu đỏ trên vòm miệng
- Sốt
- Sưng các hạch bạch huyết phía trước cổ.
Có thể bạn quan tâm
5. Trào ngược axit gây đau họng đau tai
Theo các chuyên gia tai mũi họng, triệu chứng viêm họng đau tai cũng có thể bắt nguồn từ tình trạng trào ngược axit dạ dày thực quản.
Trào ngược axit xảy ra khi axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Nếu thường xuyên bị trào ngược axit, bạn có thể mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) – một dạng trào ngược axit nghiêm trọng hơn.
Các triệu chứng trào ngược axit có xu hướng tồi tệ hơn khi người bệnh nằm, cúi gập người hoặc sau khi ăn. Ợ nóng là triệu chứng phổ biến nhất của trào ngược axit. Ngoài ra, căn bệnh này còn có các triệu chứng khác như:
- Có vị chua bên trong miệng
- Trào ngược thức ăn, chất lỏng hoặc dịch mật
- Khó tiêu
- Đau họng và khàn tiếng
- Cảm giác có khối u bên trong cổ họng.
6. Viêm xoang mãn tính
Viêm xoang mãn tính là tình trạng các hốc xoang bị viêm kéo dài ít nhất 12 tuần ngay cả khi đã được điều trị. Viêm xoang có thể cản trở quá trình thoát dịch nhầy, gây ra sự tích tụ dẫn đến sưng và đau ở mặt.
Các triệu chứng khác của viêm xoang mãn tính bao gồm:
- Dịch nhầy đặc và có màu sắc bất thường
- Nghẹt mũi
- Đau họng đau tai
- Đau răng hàm trên
- Ho
- Hôi miệng.
7. Tiếp xúc với các chất gây kích ứng
Việc hít phải khói thuốc lá hay tiếp xúc với hóa chất độc hại trong thời gian dài có thể gây ra tình trạng kích ứng ở mắt, mũi và cổ họng và gây đau họng. Ngoài ra, các chất này còn ảnh hưởng đến tai, gây viêm niêm mạc và kích ứng phổi.
Các chất gây kích ứng phổ biến bao gồm:
- Khói bụi, khói thuốc lá
- Khí clo
- Bụi gỗ
- Chất tẩy rửa lò nướng
- Các sản phẩm tẩy rửa công nghiệp
- Xi măng
- Xăng
- Dung môi pha sơn…
8. Rối loạn khớp thái dương hàm gây đau họng đau tai
Rối loạn khớp thái dương hàm (TMD) là một nhóm các tình trạng gây ảnh hưởng đến khớp thái dương nằm ở mỗi bên hàm. Không chỉ gây đau, TMD còn gây rối loạn chức năng ở các khớp này, khiến khả năng điều khiển chuyển động của hàm bị ảnh hưởng.
Tình trạng này thường xảy ra phổ biến ở những người có thói quen nghiến răng. Tuy nhiên, đến nay, nguyên nhân gây rối loạn khớp thái dương hàm vẫn chưa được xác định chính xác.
Các triệu chứng thường gặp của rối loạn khớp thái dương hàm gồm có:
- Đau ở hàm, có thể lan xuống cổ
- Đau ở một hoặc cả 2 khớp
- Đau đầu kinh niên
- Đau mặt
- Nghe được các âm thanh lạ khi cử động hàm
Trong một số trường hợp, TMD sẽ gây ra đau họng kèm đau tai, khó chịu và ù tai.
9. Nhiễm trùng răng hoặc áp xe: Nguyên nhân gây đau họng đau tai
Áp xe răng là sự hình thành của các túi mủ ở các bộ phận khác nhau của răng do nhiễm khuẩn. Áp xe răng thường gây ra các cơn đau dữ dội quanh khu vực hàm và lan đến tai. Ngoài ra, áp xe răng cũng có khả năng khiến các hạch bạch huyết ở cổ bị sưng và đau.
Các triệu chứng khác của tình trạng áp xe răng bao gồm:
- Nhạy cảm với đồ nóng hoặc lạnh
- Có cảm giác đau khi nhai và nuốt
- Tình trạng sưng ở má hoặc mặt
- Sốt.
Chẩn đoán tình trạng đau họng và đau tai
Để chẩn đoán tình trạng đau họng đau tai, bác sĩ sẽ tiến hành hỏi bệnh sử và khám sức khỏe tổng quát. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ khám tai và cổ họng để quan sát xem có dấu hiệu của nhiễm trùng và sưng hạch hay không.
Nếu nghi ngờ bạn bị viêm họng liên cầu khuẩn, bác sĩ có thể lấy mẫu bệnh phẩm ở cuống họng của bạn để kiểm tra loại vi khuẩn gây bệnh.
Một số xét nghiệm khác sẽ được thực hiện để chẩn đoán nguyên nhân gây đau họng đau tai, chẳng hạn như:
- Xét nghiệm máu
- Nội soi mũi họng nhằm kiểm tra bên trong mũi và cổ họng
- Đo nhĩ lượng để kiểm tra tai giữa
- Nội soi thanh quản để kiểm tra các vấn đề tại thanh quản
- Thử nghiệm nuốt bari để kiểm tra trào ngược axit.
Tình trạng đau họng đau tai được điều trị như thế nào?
Tình trạng đau họng dẫn đến đau tai được điều trị như thế nào? Theo các chuyên gia sức khỏe, đau họng đau tai có thể được điều trị bằng các biện pháp khắc phục tại nhà hoặc điều trị bằng phương pháp y tế. Phương pháp điều trị sẽ được lựa chọn dựa trên triệu chứng của bệnh.
1. Các biện pháp khắc phục tại nhà
Việc dành thời gian để nghỉ ngơi và uống nhiều nước là những cách khắc phục đơn giản và hiệu quả nếu bạn bị đau họng đau tai do cảm lạnh hoặc nhiễm trùng ở cổ họng, xoang và tai.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thử áp dụng các biện pháp chữa trị tại nhà sau:
- Sử dụng máy tạo độ ẩm để giúp làm ẩm không khí, từ đó giúp giữ ẩm cho cổ họng và mũi
- Dùng thuốc giảm đau không kê đơn (OTC)
- Dùng viên ngậm trị viêm họng OTC hoặc thuốc trị viêm họng dạng xịt
- Dùng thuốc kháng histamine OTC
- Súc miệng bằng nước muối
- Ngậm đá hoặc ăn kem khi bị đau và viêm họng (nếu có sở thích dùng đồ lạnh)
- Nhỏ một vài giọt dầu ô liu ấm vào trong tai
- Sử dụng thuốc kháng axit hoặc phương pháp điều trị dùng thuốc không kê đơn (OTC) nếu bị trào ngược dạ dày thực quản.
2. Điều trị y tế
Hầu hết các bệnh nhiễm trùng họng và tai sẽ hết sau một vài tuần mà không cần điều trị. Bạn sẽ chỉ được chỉ định dùng thuốc kháng sinh trong trường hợp nhiễm trùng răng, bị nhiễm liên cầu khuẩn tái phát hoặc có hệ thống miễn dịch yếu.
Phương pháp điều trị y tế cho đau họng đau tai phải phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ có thể tư vấn cho người bệnh một trong các phương pháp điều trị sau:
- Dùng kháng sinh
- Dùng thuốc chống trào ngược axit theo toa
- Dùng corticosteroid dạng xịt hoặc uống
- Dùng thuốc chống dị ứng theo toa
- Cân nhắc về việc phẫu thuật cắt amidan hoặc VA (adenoids)
Có thể bạn quan tâm
Khi nào bạn cần đi khám?
Nhiều người thường thắc mắc đau họng dẫn đến đau tai khi nào cần đi khám? Theo các chuyên gia sức khỏe, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay nếu tình trạng đau họng đau tai kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc khi có các biểu hiện sau:
- Sốt cao
- Đau họng đau tai nghiêm trọng
- Tai chảy máu hoặc mủ
- Chóng mặt
- Cứng cổ/gáy
- Ợ nóng và trào ngược axit xảy ra thường xuyên
- Đau răng hoặc áp xe răng
- Hệ thống miễn dịch yếu.
Bên cạnh đó, một số triệu chứng có thể là dấu hiệu của một căn bệnh nghiêm trọng hoặc biến chứng nguy hiểm. Do đó, bạn cần đến ngay phòng cấp cứu nếu đau họng nhức tai kèm theo các vấn đề sau:
- Khó thở hoặc khó nuốt
- Chảy nước dãi
- Thở rít thanh quản
Theo các chuyên gia sức khỏe, việc áp dụng các biện pháp khắc phục tại nhà đúng cách có thể giúp giảm đau họng đau tai khá hiệu quả. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, sự can thiệp y tế là điều cần thiết. Nếu các biện pháp tự chăm sóc tại nhà không hiệu quả hoặc các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
[embed-health-tool-heart-rate]