Trên thực tế, nhiều người nghĩ rằng ráy tai thường bẩn và cần được loại bỏ. Thế nhưng, sự thật thì ráy tai là một phần cần thiết trong ống tai để bảo vệ tai khỏi tổn thương và nhiễm trùng. Điều này cũng lý giải vì sao việc vệ sinh tai thường xuyên sẽ là điều không nên. Ngoại trừ trường hợp bạn có nhiều ráy tai hoặc bị tắc nghẽn ráy tai. Tuy nhiên, để tránh làm cho tình trạng tắc nghẽn ráy tai trở nên tồi tệ hơn thì vệ sinh tai đúng cách là điều quan trọng.
Bài viết sau của Hello Bacsi sẽ tổng hợp những lời khuyên hữu ích về cách loại bỏ ráy tai an toàn tại nhà. Tuy nhiên, nếu bạn không thể tự vệ sinh tai đúng cách thì cần đi khám để được bác sĩ hỗ trợ nhé!
Ráy tai là gì?
Ráy tai là một chất bảo vệ được sản xuất bởi một tuyến bên trong ống tai. Ráy tai hoạt động như một bộ lọc giữa tai và môi trường bên ngoài nhằm bảo vệ tai khỏi những thứ có thể gây tổn thương màng nhĩ như bụi, tóc hoặc côn trùng nhỏ.
Thông thường, ráy tai có thể được loại bỏ một cách tự nhiên thông qua hoạt động nhai và các cử động hàm khác. Khi lớp da bên ngoài trong ống tai bong ra, ráy tai sẽ rơi theo cùng. Vì vậy mà có nhiều người không bao giờ cần vệ sinh tai. Tuy nhiên, đôi khi ráy tai có thể tích tụ và gây ảnh hưởng đến thính giác của bạn.
Khi nào nên lấy ráy tai?
Nếu tình trạng tắc nghẽn ráy tai gây ra một số triệu chứng sau đây thì bạn nên chủ động vệ sinh tai đúng cách và an toàn tại nhà:
- Đau tai
- Ù tai
- Suy giảm thính lực
- Lỗ tai có mùi hôi
- Ho, chóng mặt.
Các triệu chứng của tắc nghẽn có thể xảy ra ở một hoặc cả hai tai. Bạn có nhiều nguy cơ bị tắc nghẽn ráy tai hơn nếu là người cao tuổi, khuyết tật, dùng máy trợ thính/ nút bịt tai hoặc ống tai có hình dạng bất thường.
Hướng dẫn vệ sinh tai đúng cách và an toàn tại nhà
Như đã đề cập, bạn không cần vệ sinh tai quá thường xuyên vì điều này có thể gây hại cho tai. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn có quá nhiều ráy tai hoặc thậm chí là tắc nghẽn trong ống tai thì việc loại bỏ ráy tai là điều cần thiết. Sau đây là một số giải pháp vệ sinh tai đúng cách tại nhà bạn có thể tham khảo:
1. Dùng khăn sạch ẩm để vệ sinh tai đúng cách
Bạn nghĩ tăm bông có thể hữu ích trong việc ngoáy tai nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại. Đối với ráy tai khô, việc dùng tăm bông có thể khiến ráy tai bị đẩy sâu hơn vào bên trong. Vì vậy, cách vệ sinh tai đúng cách là bạn chỉ nên dùng tăm bông vệ sinh bên ngoài tai hoặc cách tốt hơn là dùng khăn sạch ẩm và ấm để lau chùi khu vực đó của tai.
2. Sử dụng thuốc nhỏ làm sạch tai không kê đơn
Một số thuốc nhỏ tai chứa hydrogen peroxide hoặc các loại peroxide khác có thể loại bỏ hiệu quả một lượng ráy tai nhỏ. Chi tiết cách vệ sinh tai bằng thuốc nhỏ tai như sau:
- Bước 1: Nằm nghiêng và nhỏ thuốc vào tai theo chỉ dẫn từ nhà sản xuất.
- Bước 2: Nằm yên khoảng 5 phút để dung dịch ngấm và làm mềm ráy tai.
- Bước 3: Chuẩn bị sẵn khăn giấy. Khi bạn ngồi dậy, chất lỏng cùng với ráy tai sẽ chảy ra ngoài nên cần dùng khăn giấy để xử lý sạch sẽ.
Lưu ý
3. Sử dụng ống tiêm bóng đèn để vệ sinh tai đúng cách
Nếu việc dùng thuốc nhỏ tai không đem lại hiệu quả trong việc vệ sinh tai, bạn có thể sử dụng ống tiêm bóng đèn có bán tại các hiệu thuốc để rửa tai. cách làm sạch tai bằng ống tiêm bóng đèn như sau:
- Đầu tiên, bạn cần đổ nước ấm vào ống tiêm.
- Tiếp theo, đặt ống gần lỗ tai và bóp bầu ống nhẹ nhàng. Nước ấm sẽ đi vào tai và phá vỡ ráy tai khô cứng.
- Sau đó, bạn nghiêng đầu về hướng bồn rửa để nước và ráy tai chảy ra ngoài.
Trong quá trình này, bạn cần lưu ý những điều sau đây nhằm đảm bảo vệ sinh tai đúng cách:
- Nên bơm nước vào tai nhẹ nhàng và từ từ để tránh tổn thương màng nhĩ.
- Chú ý nhiệt độ nước không quá lạnh hoặc quá nóng. Bởi vì sự chênh lệch nhiệt độ có thể khiến bạn chóng mặt. Nhiệt độ nước phù hợp nhất thường ngang bằng với nhiệt độ cơ thể.
- Không áp dụng cách vệ sinh tai bằng ống tiêm nếu bạn bị thủng màng nhĩ hoặc từng phẫu thuật màng nhĩ.
Nếu bạn cảm thấy không thoải mái và an toàn khi tự rửa tai ở nhà thì cách tốt nhất là nên đến phòng khám để nhờ sự hỗ trợ từ bác sĩ hoặc y tá.
Lưu ý khi vệ sinh tai đúng cách để bảo vệ đôi tai khỏe mạnh
Nhìn chung, việc vệ sinh tai thường xuyên là không cần thiết, thậm chí có thể gây kích ứng ống tai hoặc thậm chí gây tổn thương trong tai nếu bạn vệ sinh sai cách. Nếu bạn cần loại bỏ ráy tai do quá nhiều hoặc tắc nghẽn ống tai thì cần lưu ý những điều sau đây:
- Làm sạch tai của bạn cẩn thận. Không dùng tăm bông hoặc bất kỳ vật nhọn nào để ngoáy sâu vào tai. Điều này vừa khiến ráy tai (thường là ráy tai khô) bị đẩy sâu vào trong vừa có thể khiến ống tai hoặc màng nhĩ bị tổn thương.
- Bạn chỉ nên dùng tăm bông hoặc khăn ẩm sạch lau bên ngoài tai để “dọn dẹp” ráy tai chảy ra khỏi ống tai.
- Không nên dùng nến hay sáp ong lấy ráy tai vì giải pháp này không hiệu quả và có thể tăng nguy cơ gây bỏng.
- Bạn nên chú ý đến nguy cơ tắc nghẽn ráy tai nếu đeo máy trợ thính, nút tai hoặc tai nghe.
- Thăm khám bác sĩ. Nếu đã vệ sinh tai đúng cách tại nhà nhưng không hiệu quả hoặc bạn cảm thấy đau tai, ù tai, ngứa tai, suy giảm thính lực… thì cần đi khám để được bác sĩ hỗ trợ.
- Làm sạch khuyên tai. Ngoài ra, nếu bạn xỏ lỗ tai và đeo khuyên, hãy thường xuyên làm sạch bông tai và dái tai bằng dung dịch cồn.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được 3 cách vệ sinh tai đúng cách và an toàn tại nhà.
[embed-health-tool-heart-rate]